Các phương pháp điều trị tiểu không tự chủ khi tăng áp lực
Tiểu không tự chủ khi tăng áp lực là một dạng tiểu không tự chủ. Đây là tình trạng rò rỉ nước tiểu một cách không kiểm soát trong các hoạt động gây áp lực lên bàng quang, chẳng hạn như ho, hắt hơi, cười, đi bộ nhanh, chạy, nâng vật nặng và các vận động thể chất khác.
Tiểu không tự chủ khi tăng áp lực thường xảy ra khi cơ sàn chậu bị suy yếu. Đây là một tình trạng phổ biến khi chúng ta có tuổi. Phụ nữ có nguy cơ bị tiểu không tự chủ khi tăng áp lực cao hơn nhưng nam giới cũng có thể gặp phải vấn đề này.
Một số thay đổi về lối sống có thể giúp kiểm soát chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực. Nếu thay đổi lối sống không có tác dụng thì sẽ cần đến các phương pháp điều trị y tế.
Thay đổi lối sống
Thay đổi một số thói quen lối có thể giúp giảm rò rỉ nước tiểu do chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực. Một số thay đổi trong số này nhằm mục đích cải thiện sức mạnh của cơ sàn chậu hoặc giảm áp lực lên bàng quang.
- Tăng cường hoạt động thể chất: Tập thể dục giúp tăng cường sức mạnh của cơ và các hình thức tập luyện như yoga hay pilates có thể cải thiện cơ sàn chậu. Các bài tập cardio sẽ giúp duy trì cân nặng khỏe mạnh và điều này giúp làm giảm áp lực lên bàng quang.
- Không hút thuốc: Hút thuốc có thể kích thích bàng quang và gây ho mãn tính, điều này có thể gây ra các triệu chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực.
- Giảm cân nếu thừa cân: Khối lượng cơ thể lớn sẽ gây áp lực lên các cơ quan trong ổ bụng và bàng quang, dẫn đến làm tăng nguy cơ rò rỉ nước tiểu. Nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy giảm cân có thể giúp cải thiện tình trạng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Tránh các loại thực phẩm và đồ uống gây kích thích bàng quang như đồ uống có cồn và đồ ăn cay.
Khi nào cần đi khám?
Tiểu không tự chủ khi tăng áp lực không phải là do stress hay căng thẳng gây ra nhưng tình trạng này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tinh thần. Nếu thường xuyên bị rò rỉ nước tiểu thì bạn nên đi khám để được tư vấn phương pháp điều trị giúp làm giảm các triệu chứng và cải thiện cuộc sống hàng ngày.
Hãy đi khám ngay khi nhận thấy các triệu chứng như đau buốt khi đi tiểu hoặc có máu trong nước tiểu. Đây có thể là dấu hiệu của các vấn đề khác nghiêm trọng hơn.
Liệu pháp hành vi
Mục đích của liệu pháp hành vi là để thay đổi thói quen tiểu tiện, nhờ đó giúp bạn kiểm soát bàng quang tốt hơn và giảm rò rỉ nước tiểu. Các biện pháp này gồm có:
Rèn luyện bàng quang
Rèn luyện bàng quang có thể giúp cải thiện các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt (OAB) và tiểu không tự chủ khi tăng áp lực. Rèn luyện bàng quang có thể giúp bạn điều chỉnh và kiểm soát hành vi đi tiểu của mình đồng thời xác định thời điểm đi tiểu phù hợp trong ngày.
Để rèn luyện bàng quang, bạn cần tăng dần khoảng thời gian giữa các lần đi tiểu, ngoài ra cần ghi lại thời gian và tần suất đi tiểu. Điều này có thể giúp bạn xác định được những khoảng thời gian thường hay bị rò rỉ nước tiểu.
Liệu pháp phản hồi sinh học
Liệu pháp phản hồi sinh học được thực hiện tại cơ sở y tế. Nhân viên y tế sẽ đo áp lực trong bàng quang, cơ vòng trực tràng cũng như ổ bụng và kết quả sẽ được hiển thị trên màn hình. Những thông tin này sẽy giúp bạn học cách kiểm soát sự co bóp và thả lỏng các cơ.
Bài tập cơ sàn chậu
Bất kể là nam giới hay nữ giới, tăng cường sức mạnh của cơ sàn chậu là một phần quan trọng trong việc cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang và giảm tiểu không tự chủ.
Bài tập cơ sàn chậu hay còn gọi là bài tập Kegel có tác dụng củng cố các cơ hỗ trợ bàng quang, nhờ đó giúp giảm hoặc chấm dứt tình trạng rò rỉ nước tiểu. Cách thực hiện bài tập Kegel rất đơn giản. Chỉ cần siết cơ sàn chậu (giống như khi đang nhịn tiểu), giữ trong vài giây rồi thả lỏng vài giây, lặp lại như vậy trong vài phút. Bạn có thể thực hiện bài tập Kegel bất cứ lúc nào trong ngày.
Kích thích điện
Kích thích điện là một phương pháp điều trị sử dụng các điện cực được đặt ở chân, âm đạo hoặc hậu môn. Các điện cực truyền dòng điện nhẹ đến các dây thần kinh kiểm soát việc đi tiểu. Phương pháp kích thích điện có thể được thực hiện tại cơ sở y tế hoặc tại nhà.
Mặc dù kích thích điện là một phương pháp điều trị đã được chứng minh có thể giúp cải thiện nhiều loại tiểu không tự chủ nhưng hiện chưa có nhiều nghiên cứu về mức độ hiệu quả của phương pháp này trong điều trị tiểu không tự chủ khi tăng áp lực. Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2017 về phương pháp kích thích điện ở phụ nữ đã tìm thấy bằng chứng cho thấy rằng ít nhất phương pháp này có thể giúp làm giảm phần nào tình trạng rò rỉ nước tiểu.
Phẫu thuật
Bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật nếu các triệu chứng ở mức độ vừa đến nặng và không cải thiện sau khi đã thay đổi lối sống hoặc điều trị bằng các phương pháp không xâm lấn.
Các phương pháp phẫu thuật để điều trị chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực nhằm mục đích cải thiện khả năng đóng của cơ vòng, ngăn ngừa rò rỉ nước tiểu. Phẫu thuật còn có thể giúp củng cố và hỗ trợ niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang ra ngoài). Các loại phẫu thuật được sử dụng phổ biến nhất để điều trị chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực là:
- Phẫu thuật treo cổ bàng quang: giúp khắc phục tình trạng sa niệu đạo hoặc bàng quang – một trong các nguyên nhân gây tiểu không tự chủ khi tăng áp lực.
- Đặt võng nâng niệu đạo: sử dụng mô tự thân hoặc vật liệu tổng hợp để tạo thành một cấu trúc hỗ trợ niệu đạo.
Các phương pháp điều trị dành cho phụ nữ
Chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực xảy ra phổ biến ở phụ nữ hơn so với nam giới. Các phương pháp điều trị dành riêng cho phụ nữ gồm có:
Estrogen âm đạo
Chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực và bàng quang tăng hoạt có thể bắt đầu xảy ra trong giai đoạn tiền mãn kinh hoặc mãn kinh. Estrogen âm đạo - một dạng liệu pháp thay thế hormone (HRT) - có thể giúp làm giảm tình trạng yếu bàng quang và khô âm đạo, nhờ đó cải thiện các triệu chứng tiểu không tự chủ và bàng quang tăng hoạt.
Vòng nâng pessary
Đây là một phương pháp được sử dụng khá phổ biến để điều trị sa tạng vùng chậu ở phụ nữ. Vòng pessary có kích thước nhỏ, vừa vặn được đưa vào bên trong âm đạo. Vòng sẽ ép chặt lên thành âm đạo và niệu đạo. Vòng pessary giúp làm giảm áp lực của các cơ quan bên trên lên bàng quang và nhờ đó làm giảm rò rỉ nước tiểu.
Bạn có thể để vòng pessary bên trong âm đạo trong thời gian lên đến một tuần hoặc tháo vòng ra để vệ sinh vào mỗi tối.
Tiêm bulking
Một phương pháp điều trị chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực là tiêm chất độn, chẳng hạn như gel, vào khu vực xung quanh phần trên của niệu đạo. Điều này giúp cơ vòng niệu đạo đóng chặt lại để ngăn nước tiểu rò rỉ ra ngoài.
Các phương pháp điều trị dành cho nam giới
Mặc dù ít phổ biến hơn phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể bị tiểu không tự chủ khi tăng áp lực. Ở nam giới, tình trạng này có thể xảy ra sau phẫu thuật điều trị ung thư tuyến tiền liệt hoặc tăng sản tuyến tiền liệt lành tính. Các phương pháp điều trị chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực ở nam giới gồm có:
Đặt ống thông tiểu bên ngoài
Ống thông tiểu bên ngoài là một loại ống thông tiểu ôm khít xung quanh dương vật giống như bao cao su. Nước tiểu ra khỏi dương vật sẽ chảy qua một ống dài vào túi chứa mà người bệnh đeo trên đùi.
Cơ vòng niệu đạo nhân tạo
Trong trường hợp đã thử các phương pháp điều trị khác mà không hiệu quả, bạn có thể sẽ phải phẫu thuật cấy cơ vòng niệu đạo nhân tạo để.
Bác sĩ sẽ cấy một chiếc vòng rỗng ở đầu niệu đạo. Chiếc vòng này có thể bơm căng bằng chất lỏng và được kiểm soát bằng một bộ phận bơm bằng tay đặt ở bìu. Khi bóp bơm, chất lỏng từ khoang chứa sẽ chảy vào vòng, khiến cho vòng căng lên và đóng chặt niệu đạo để ngăn nước tiểu rò rì ra khỏi bàng quang.
Phương pháp điều trị thay thế
Hiện vẫn chưa có nhiều bằng chứng khoa học chứng minh hiệu quả của các phương pháp điều trị thay thế đối với chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực. Tuy nhiên, nếu muốn thì bạn hoàn toàn có thể thử các phương pháp điều trị này, miễn là tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi thử.
Bằng chứng ban đầu cho thấy rằng châm cứu có thể giúp cải tiện tình trạng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực. Châm cứu là một phương pháp điều trị bệnh của y học cổ truyền, trong đó sử dụng kim đâm vào các vị trí cụ thể (huyệt) trên cơ thể.
Một phương pháp điều trị thay thế khác cho hội chứng bàng quang tăng hoạt và tiểu không tự chủ là tiêm Botox. Một thử nghiệm lâm sàng đang hiện được tiến hành để đánh giá hiệu quả của tiêm Botox trong điều trị tiểu không tự chủ khi tăng áp lực ở phụ nữ.
Tiểu không tự chủ khi tăng áp lực có chữa khỏi được không?
Các phương pháp điều trị không xâm lấn có thể giúp kiểm soát các triệu chứng tiểu không tự chủ khi tăng áp lực. Người bệnh sẽ phải duy trì điều trị bằng các phương pháp này. Phẫu thuật có thể cải thiện hoặc chữa khỏi chứng tiểu không tự chủ nếu nguyên nhân là do sa bàng quang hoặc tắc nghẽn do phì đại tuyến tiền liệt. Đây là một giải pháp mang lại hiệu quả lâu dài hơn so với các phương pháp điều trị không xâm lấn.
Nếu như không muốn điều trị bằng các phương pháp kể trên thì bạn có thể sử dụng miếng lót thấm hút nước tiểu để ngăn nước tiểu thấm ra ngoài quần. Các loại miếng lót thấm hút nước tiểu hiện nay đều rất thoải mái và không bị lộ.
Tóm tắt bài viết
Tiểu không tự chủ khi tăng áp lực là tình trạng nước tiểu rò rỉ trong các hoạt động gây áp lực lên bàng quang như cười, ho hay vận động mạnh. Có thể khắc phục tình trạng này bằng các phương pháp điều trị không xâm lấn hoặc xấm lấn tối thiểu như bài tập Kegel, rèn luyện bàng quang, thay đổi lối sống, liệu pháp hormone thay thế, tiêm bulking hay vòng nâng pessary.
Nhưng nếu các phương pháp điều trị không xâm lấn không hiệu quả thì có thể sẽ cần phải phẫu thuật để giải quyết vấn đề. Tốt nhất bạn nên đi khám để xác định chính xác nguyên nhân gây tiểu không tự chủ và có phương pháp điều trị thích hợp.
Có nhiều phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt, gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc làm giãn cơ bàng quang hay tiêm Botox vào bàng quang. Kích thích điện thần kinh chày qua da (percutaneous tibial nerve stimulation) cũng là một phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt.
Bên cạnh các phương pháp điều trị y tế như dùng thuốc, các phương pháp điều trị thay thế như thực phẩm chức năng, thảo dược, liệu pháp hành vi, châm cứu, phản hồi sinh học cũng có thể giúp làm giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
Tiểu són do tiểu không hết bãi là xảy ra phổ biến nhất ở người lớn tuổi. Gần một nửa số người bị vấn đề này là người trên 65 tuổi.
Phụ nữ có nguy cơ bị tiểu không tự chủ do tăng áp lực cao hơn nam giới. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi mang thai và khi có tuổi.
Chứng tiểu/đại tiện không tự chủ có thể dẫn đến các vấn đề về da như nhiễm trùng và viêm da. Điều này đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi.