Vòng pessary: Giải pháp điều trị sa tạng chậu và tiểu không tự chủ
Vòng pessary là gì?
Vòng pessary được đưa vào âm đạo để hỗ trợ cấu trúc bên trong của âm đạo. Đây là một phương pháp điều trị chứng tiểu không tự chủ và sa tạng vùng chậu ở phụ nữ. Sa tạng vùng chậu là tình trạng âm đạo hoặc cơ quan khác trong vùng chậu bị lệch khỏi vị trí bình thường. Vòng pessary tạo sự nâng đỡ cho cơ quan bị sa và giúp tránh phải phẫu thuật.
Một số loại vòng pessary có chứa thuốc và sau khi được đưa vào cơ thể sẽ giải phóng thuốc từ từ vào vùng mô xung quanh.
Quá trình đặt vòng pessary cần được thực hiện bởi nhân viên y tế vì nếu thực hiện không đúng kỹ thuật, vòng có thể gây tổn thương âm đạo và không phát huy tác dụng. Vòng pessary được đưa vào qua âm đạo và đặt ngay bên dưới cổ tử cung. Một số loại vòng pessary có thể tháo xẹp để đưa vào dễ hơn và khi vào đúng vị trí, vòng sẽ được bơm phồng lên.
Các loại vòng pessary
Có hai loại vòng pessary chính là vòng pessary nâng đỡ và vòng pessary choán chỗ. Vòng pessary có nhiều hình dạng và kích cỡ khác nhau để phù hợp với cấu tạo cơ thể của mỗi phụ nữ. Tất cả vòng pessary đều được làm từ silicone y tế nên có độ bền cao và không bị cơ thể hấp thụ.
Loại vòng pessary nâng đỡ được sử dụng phổ biến nhất là ring pessary (có hình như chiếc nhẫn) với phần đĩa nâng ở bên trong. Lý do là bởi loại vòng pessary này phù hợp với đại đa số phụ nữ và có thể sử dụng cho tất cả các giai đoạn sa tạng vùng chậu.
Loại vòng pessary choán chỗ được sử dụng nhiều nhất là vòng Gellhorn. Loại này gòm có phần đế rộng và trụ ở giữa với nhiều độ dài khác nhau. Loại vòng pessary này cũng phù hợp với hầu hết phụ nữ.
Cách đặt vòng pessary
Lần đặt vòng pessary đầu tiên được thực hiện bởi bác sĩ phụ khoa. Thường sẽ phải thử nhiều kiểu và kích cỡ vòng khác nhau để tìm ra loại phù hợp nhất.
Sau đó, bác sĩ sẽ hướng dẫn bạn cách tháo, đặt và vệ sinh vòng.
Sau 1 tuần, bạn sẽ quay lại để bác sĩ kiểm tra độ khít của vòng. Bác sĩ sẽ tháo vòng pessary để kiểm tra xem âm đạo có bị kích ứng hay không. Sau đó, bác sĩ sẽ làm sạch và đặt lại vòng.
Thông thường, bạn sẽ phải tái khám sau hai tuần và sáu tháng nhưng một số phụ nữ phải tái khám thường xuyên hơn. Ngoài ra, bạn nên đi khám phụ khoa để bác sĩ kiểm tra thành âm đạo định kỳ hàng năm.
Lợi ích và rủi ro của vòng pessary
Hầu hết phụ nữ đều nhận thấy rằng vòng pessary có hiệu quả trong hai năm trở lên. Vòng pessary giúp nhiều phụ nữ bị sa tạng vùng chậu hoặc tiểu không tự chủ không cần phải phẫu thuật.
Việc sử dụng vòng pessary tiềm ẩn một số rủi ro, chẳng hạn như kích ứng âm đạo, tiết dịch có mùi hôi và nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, vì vòng pessary có thể tháo ra nên tất cả những vấn đề không mong muốn này đều có thể được khắc phục dễ dàng.
Nếu sử dụng ring pessary thì phụ nữ vẫn có thể quan hệ tình dục nhưng đa số mọi người đều tháo vòng ra trước khi quan hệ.
Lưu ý khi sử dụng vòng pessary
Khi đã quen, bạn có thể tháo vòng pessary một hoặc hai lần một tuần. Sau khi tháo, rửa sạch vòng bằng xà phòng dịu nhẹ và nước ấm, sau đó đặt lại vòng vào vị trí. Bác sĩ có thể kê kem estrogen để ngăn ngừa kích ứng. Bạn sẽ thoa kem vào bên trong âm đạo sau khi tháo vòng.
Vòng pessary có thể bị tuột ra ngoài khi rặn mạnh. Do đó, hãy hạn chế rặn khi đại tiện. Nếu vòng pessary rơi ra, bạn hãy rửa sạch vòng và sau đó đặt lại.
Khi đặt vòng pessary, hãy thử đứng gác một chân lên ghế hoặc bồn cầu để đưa vòng vào dễ hơn. Nếu cần thiết bạn có thẻ sử dụng gel bôi trơn gốc nước.
Nếu gặp khó khăn khi tháo và đặt lại vòng pessary, bạn có thể đến bệnh viện để nhân viên y tế vệ sinh vòng định kỳ. Tần suất vệ sinh vòng có thể là hàng tháng cho đến ba tháng một lần, tùy thuộc vào nhu cầu.
Triệu chứng bất thường khi sử dụng vòng pessary
Vòng pessary đôi khi gây ra một số vấn đề như:
- Khí hư có mùi hôi: Đây có thể là dấu hiệu của viêm âm đạo do vi khuẩn – tình trạng xảy ra do sự mất cân bằng vi khuẩn tự nhiên trong âm đạo.
- Kích ứng và thậm chí là tổn thương bên trong âm đạo.
- Chảy máu.
- Són tiểu khi thực hiện các hành động làm tăng áp lực lên bàng quang như tập thể dục, hắt hơi, ho, cười, nâng đồ nặng. Tình trạng này được gọi là tiểu không tự chủ khi tăng áp lực.
- Khó khăn khi quan hệ tình dục
- Nhiễm trùng đường tiết niệu. Mọt số dấu hiệu của nhiễm trùng đường tiết niệu thường là tiểu khó, đau khi đi tiểu, nước tiểu đục hoặc có máu, nước tiểu có mùi bất thường, cảm thấy người không khỏe, ớn lạnh hoặc sốt.
Hãy đi khám khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu bất thường nào trong khi sử dụng vòng pessary. Đa số các vấn đề phát sinh do vòng pessary đều dễ điều trị.
Phụ nữ có nguy cơ bị tiểu không tự chủ do tăng áp lực cao hơn nam giới. Tình trạng này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng nguy cơ sẽ tăng lên khi mang thai và khi có tuổi.
Chứng tiểu/đại tiện không tự chủ có thể dẫn đến các vấn đề về da như nhiễm trùng và viêm da. Điều này đặc biệt phổ biến ở người lớn tuổi.
Tiểu không tự chủ là tình trạng rò rỉ nước tiểu không tự chủ. Đây là một vấn đề rất phổ biến ở người lớn, đặc biệt là người cao tuổi. Nếu bạn đang gặp các triệu chứng tiểu không tự chủ thì nên đi khám để xác định nguyên nhân và có biện pháp điều trị.
Tiểu không tự chủ là tình trạng rò rỉ nước tiểu một cách không kiểm soát. Tiểu không tự chủ không phải một căn bệnh mà là triệu chứng của các tình trạng bệnh lý khác. Các bệnh lý này gây suy giảm khả năng kiểm soát bàng quang.
Tìm hiểu về điểm khác biệt giữa bàng quang tăng hoạt, tiểu không tự chủ và nhiễm trùng đường tiết niệu, gồm có nguyên nhân và phương pháp điều trị.