Điều trị bàng quang tăng hoạt bằng vật lý trị liệu sàn chậu
Triệu chứng đặc trưng của bàng quang tăng hoạt (OAB) là đột ngột buồn tiểu dữ dội và đi tiểu nhiều lần. Người bị bàng quang tăng hoạt thường phải thức giấc liên tục vào ban đêm để đi tiểu. Bàng quang tăng hoạt còn có thể gây tiểu không tự chủ (són tiểu).
Bàng quang tăng hoạt xảy ra do trục trặc trong quá trình trao đổi tín hiệu giữa não và bàng quang.
Các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt gây khó chịu, ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và còn có thể tác động tiêu cực đến cảm xúc, tinh thần. Mặc dù không có cách nào có thể chữa khỏi bàng quang tăng hoạt nhưng có nhiều phương pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng.
Một giải pháp điều trị chứng tiểu không tự chủ do bàng quang tăng hoạt là vật lý trị liệu sàn chậu. Trong phương pháp điều trị này, người bệnh sẽ được hướng dẫn cách phối hợp các cơ sàn chậu và bàng quang thông qua các bài tập như Kegel.
Vật lý trị liệu sàn chậu là gì?
Vật lý trị liệu sàn chậu là một hình thức vật lý trị liệu giúp khôi phục hoạt động bình thường của cơ sàn chậu – các cơ kiểm soát việc bài tiết nước tiểu và phân. Đối với những người bị bàng quang tăng hoạt, vật lý trị liệu sàn chậu có thể giúp kiểm soát triệu chứng buồn tiểu đột ngột và tiểu nhiều lần.
Trước tiên, chuyên gia trị liệu sẽ đánh giá tình trạng cơ sàn chậu của người bệnh. Chuyên gia sẽ giúp người bệnh xác định đúng cơ sàn chậu, sau đó hướng dẫn người bệnh các bài tập giúp củng cố cơ sàn chậu dựa trên nhu cầu cá nhân.
Các bài tập này gồm có:
- Bài tập Kegel (luân phiên siết chặt và thả lỏng cơ sàn chậu)
- Bài tập bụng
- Các bài tập nhắm vào cơ mông, chẳng hạn như glute bridge và squat
- Các bài tập giúp chỉnh sửa tư thế
Nếu người bệnh gặp khó khăn trong việc xác định cơ sàn chậu thì có thể cần thực hiện liệu pháp phản hồi sinh học (biofeedback). Chuyên gia vật lý trị liệu sẽ sử dụng các cảm biến đặc biệt để ghi lại hoạt động điện và từ đó giúp xác định chính xác cơ sàn chậu.
Ngoài ra, người bệnh sẽ còn được hướng dẫn các liệu pháp hành vi khác để kiểm soát tình trạng buồn tiểu đột ngột, liên tục và tiểu không tự chủ. Các liệu pháp hành vi này gồm có:
- Rèn luyện bàng quang (tăng dần thời gian nhịn tiểu khi cảm thấy buồn để tăng khả năng chứa nước tiểu của bàng quang)
- Thay đổi lối sống, gồm có chế độ ăn uống
- Đi tiểu vào những thời điểm định trước trong ngày thay vì đi khi cảm thấy buồn tiểu
Lợi ích của vật lý trị liệu sàn chậu đối với chứng bàng quang tăng hoạt
Sàn chậu là một nhóm các cơ và dây chằng hỗ trợ bàng quang, trực tràng, tử cung và tuyến tiền liệt. Các cơ này bám vào xương chậu và nằm xung quanh trực tràng. Cơ sàn chậu kiểm soát chức năng của bàng quang và ruột, đồng thời giúp nhịn tiểu và đại tiện.
Các cơ xung quanh bàng quang có thể trở nên suy yếu do một số nguyên nhân, chẳng hạn như:
- Mang thai, sinh nở
- Thừa cân, béo phì
- Lão hóa
- Thay đổi nội tiết tố
- Táo bón mạn tính
- Một số phương pháp điều trị ung thư tuyến tiền liệt như xạ trị
Cơ sàn chậu suy yếu có thể dẫn đến các triệu chứng bàng quang tăng hoạt, gồm có rò rỉ nước tiểu, tiểu gấp và tiểu nhiều lần.
Để giải quyết các triệu chứng bàng quang tăng hoạt này, điều quan trọng là phải giữ cho cơ sàn chậu khỏe để hỗ trợ bàng quang và các cơ quan khác trong vùng chậu. Vật lý trị liệu sàn chậu là một phương pháp giúp xác định và củng cố các cơ này.
Theo một giả thuyết, việc siết cơ sàn chậu có thể cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang có ý thức bằng cách kích hoạt phần não bộ điều khiển phản xạ ức chế tiểu tiện tự nguyện.
Kết quả nghiên cứu
Nghiên cứu cho thấy rằng vật lý trị liệu sàn chậu có thể làm giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt, gồm có giảm tần suất đi tiểu, giảm mức độ tiểu gấp và tiểu không tự chủ. Vật lý trị liệu sàn chậu còn có thể giúp giảm đau vùng chậu và cải thiện chất lượng cuộc sống.
Một nghiên cứu nhỏ cho thấy tập luyện cơ sàn chậu giúp cải thiện đáng kể nhiều triệu chứng bàng quang tăng hoạt ở phụ nữ, gồm có tiểu không tự chủ, tiểu đêm và mức độ khó chịu do các triệu chứng tiết niệu gây ra. (1)
Một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy tập luyện cơ sàn chậu kết hợp với liệu pháp phản hồi sinh học giúp làm giảm đáng kể các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt và cải thiện chất lượng cuộc sống cho những người tham gia nghiên cứu sau 9 tuần điều trị. (2)
Một phân tích tổng hợp gồm một vài nghiên cứu cũng cho thấy rằng tập luyện cơ sàn chậu làm giảm đáng kể các triệu chứng bàng quang tăng hoạt, gồm có đi tiểu nhiều lần và són tiểu cấp kỳ (rò rỉ nước tiểu khi buồn tiểu). Điều này được chứng minh trong ít nhất 5 nghiên cứu khác nhau. Tuy nhiên, các tác giả cũng lưu ý rằng cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa với các phương pháp nghiên cứu chất lượng cao hơn để đưa ra kết luận chính xác. (3)
Vật lý trị liệu sàn chậu phù hợp cho những ai?
Vật lý trị liệu sàn chậu là một giải pháp cho bất kỳ ai bị bàng quang tăng hoạt. Người bệnh có thể cân nhắc đến gặp chuyên gia trị liệu nếu không thể xác định được cơ sàn chậu hoặc nếu muốn tăng hiệu quả điều trị.
Vật lý trị liệu sàn chậu cho kết quả rõ rệt nhất ở những người bị tiểu không tự chủ mức độ nhẹ đến vừa. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, người bệnh sẽ phải dùng thuốc hoặc kết hợp các phương pháp điều trị khác cùng với vật lý trị liệu để cải thiện các triệu chứng.
Thông thường, phải sau vài tháng tập vật lý trị liệu thì mới có thay đổi rõ rệt. Hiệu quả mà mỗi người có được là không giống nhau.
Các phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt khác
Các liệu pháp hành vi như tập cơ sàn chậu được khuyến nghị làm phương pháp điều trị bước đầu cho chứng bàng quang tăng hoạt. Bác sĩ có thể kê thuốc để người bệnh sử dụng kết hợp với liệu pháp hành vi.
Ngoài liệu pháp hành vi, các phương pháp khác để điều trị bàng quang tăng hoạt còn có:
- Thuốc kháng cholinergic: Những loại thuốc này ngăn cản chất dẫn truyền thần kinh acetylcholine truyền tín hiệu đến bàng quang, nhờ đó làm giảm sự co thắt cơ bàng quang. Một số loại thuốc trong nhóm này gồm có:
- tolterodine
- fesoterodine
- trospium
- Mirabegron (Myrbetriq): Một loại thuốc trong nhóm thuốc chẹn beta giao cảm, có tác dụng làm giãn cơ trơn trong thành bàng quang để bàng quang chứa được nhiều nước tiểu hơn.
- Tiêm Botox (onabotulinumtoxinA): Botox sẽ tạm thời làm tê liệt hoặc suy yếu cơ bàng quang để ngăn cơ bàng quang hoạt động quá mức.
- Kích thích điện thần kinh cùng: Cấy một thiết bị tương tự như máy điều hòa nhịp tim vào thắt lưng dưới để truyền xung điện đến dây thần kinh cùng. Điều này giúp điều chỉnh tín hiệu của các dây thần kinh kiểm soát hoạt động bàng quang
- Phẫu thuật: Đối với những trường hợp bị bàng quang tăng hoạt nghiêm trọng và không đáp ứng với các phương pháp điều trị khác, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật. Các loại phẫu thuật để điều trị bàng quang tăng hoạt gồm có:
- Mở rộng bàng quang: làm tăng dung tích của bàng quang.
- Chuyển lưu nước tiểu qua da: cắt niệu quản (ống nối thận với bàng quang) khỏi bàng quang và nối với một lỗ mở trên thành bụng để dẫn nước tiểu trực tiếp từ thận ra ngoài cơ thể, bỏ qua bàng quang. Nước tiểu sẽ được đựng trong một chiếc túi mà người bệnh đeo bên ngoài. Trong những trường hợp nghiêm trọng, bàng quang sẽ bị cắt bỏ.
- Treo cổ bàng quang: hỗ trợ bàng quang, ngăn rò rỉ nước tiểu trong những trường hợp bị tiểu không tự chủ
Đôi khi, các triệu chứng bàng quang tăng hoạt là do các bệnh lý như bệnh Parkinson, sỏi bàng quang hoặc phì đại tuyến tiền liệt gây ra. Trong những trường hợp này cần điều trị nguyên nhân gốc rễ để giải quyết triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
Tóm tắt bài viết
Trong vật lý trị liệu sàn chậu, người bệnh sẽ được hướng dẫn các bài tập giúp củng cố cơ sàn chậu, cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang và giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Chuyên gia trị liệu sẽ giúp người bệnh xác định vị trí và siết cơ sàn chậu đúng kỹ thuật, đồng thời tư vấn các biện pháp điều trị khác.
Nếu đã thử các liệu pháp hành vi như tập luyện cơ sàn chậu, rèn luyện bàng quang và thay đổi thói quen sống mà các triệu chứng bàng quang tăng hoạt vẫn không cải thiện thì sẽ điều trị bằng các phương pháp khác như dùng thuốc, tiêm Botox, kích thích điện thần kinh và phẫu thuật.
Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder) là một nhóm các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, trong đó nổi bật nhất là tiểu gấp (đột ngột buồn tiểu). Một trong những phương pháp đơn giản và được sử dụng đầu tiên để điều trị bàng quang tăng hoạt là rèn luyện bàng quang (bladder training). Rèn luyện bàng quang giúp nhịn tiểu được lâu hơn và giảm tần suất đi tiểu trong một ngày. Dưới đây là những điều cơ bản về phương pháp rèn luyện bàng quang, gồm có cách thực hiện và những lợi ích.
Có nhiều phương pháp kiểm soát bàng quang tăng hoạt, từ các biện pháp tự nhiên như thảo dược, thay đổi chế độ ăn uống, tập cơ sàn chậu cho đến các phương pháp điều trị y tế như tiêm Botox, dùng thuốc, kích thích điện hay phẫu thuật. Nghiên cứu mới đây đã phát hiện thêm một phương pháp nữa để điều trị chứng bàng quang tăng hoạt, đó là cannabidiol (CBD).
Có nhiều phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt, gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc làm giãn cơ bàng quang hay tiêm Botox vào bàng quang. Kích thích điện thần kinh chày qua da (percutaneous tibial nerve stimulation) cũng là một phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt.
Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder - OAB) là tình trạng cơ bàng quang co bóp không tự chủ, gây buồn tiểu liên tục. Cơn buồn tiểu có thể xảy đến đột ngột và người bệnh bị rò rỉ nước tiểu khi chưa kịp vào nhà vệ sinh. Bàng quang tăng hoạt gây ảnh hưởng lớn đến công việc, sinh hoạt hàng ngày, chức năng tình dục và giấc ngủ của người bệnh. Bàng quang tăng hoạt thậm chí còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe tinh thần.
Miếng dán oxybutynin là một giải pháp điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt. Miếng dán oxybutynin có thể giúp làm giãn cơ bàng quang và giảm các triệu chứng. Miếng dán được đặt trên da, hoạt chất oxybutyninsẽ thẩm thấu qua da, giúp làm giảm tần suất buồn tiểu và giảm tình trạng tiểu gấp.