HIệu quả của kích thích điện thần kinh trong điều trị bàng quang tăng hoạt
Kích thích điện thần kinh thường được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả. Nhưng không phải ai cũng phù hợp điều trị bằng phương pháp kích thích điện thần kinh.
Kích thích điện thần kinh là gì?
Bàng quang là một cơ quan rỗng có chức năng chứa nước tiểu. Nước tiểu được tạo ra ở thận sẽ chảy qua niệu quản vào bàng quang. Bàng quang có khả năng đàn hồi, thay đổi kích thước theo lượng nước tiểu. Khi bàng quang đầy khoảng một nửa, các dây thần kinh sẽ truyền tín hiệu đến não, sau đó não sẽ tạo ra tín hiệu báo cho chúng ta biết đã đến lúc cần đi tiểu. Khi đi tiểu, cơ trơn bàng quang co bóp, phối hợp với các cơ xung quanh để đẩy nước tiểu ra ngoài.
Ở những người bị bàng quang tăng hoạt, cơ trơn bàng quang co thắt một cách không tự chủ, gây ra tình trạng buồn tiểu liên tục dù bàng quang chưa đầy.
Sự rối loạn trong hoạt động của cơ bàng quang còn có thể gây tiểu không tự chủ (són tiểu).
Ai có nguy cơ bị bàng quang tăng hoạt?
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2016 ước tính tỷ lệ mắc hội chứng bàng quang tăng hoạt là khoảng 16%. Tình trạng này có thể xảy ra ở cả nam giới và nữ giới nhưng nữ giới có nguy cơ bị bàng quang tăng hoạt cao hơn và sớm hơn so với nam giới.
Chấn thương bụng, phẫu thuật vùng chậu, nhiễm trùng đường tiết niệu và các bệnh lý thần kinh có thể làm tăng nguy cơ mắc chứng bàng quang tăng hoạt và tiểu không tự chủ.
Bàng quang tăng hoạt là một vấn đề phổ biến ở người cao tuổi.
Bàng quang tăng hoạt gây ảnh hưởng không nhỏ đến các hoạt động hàng ngày cũng như giấc ngủ vào ban đêm. Bàng quang tăng hoạt còn có thể tác động tiêu cực đến tâm lý của người bệnh.
Kích thích điện thần kinh nhằm mục đích khôi phục hoạt động bình thường của các cơ và dây thần kinh, từ đó giúp cải thiện các triệu chứng bàng quang tăng hoạt.
Các loại kích thích điện thần kinh điều trị bàng quang tăng hoạt
Có hai loại kích thích điện thần kinh được sử dụng để điều trị bàng quang tăng hoạt, gồm có kích thích điện thần kinh cùng và kích thích điện thần kinh chày.
Nếu những phương pháp điều trị này không hiệu quả, người bệnh có thể sẽ cần phải phẫu thuật.
Kích thích điện thần kinh cùng
Trong phương pháp kích thích điện thần kinh cùng, các điện cực nhỏ được cấy dưới da của người bệnh, các điện cực này phát ra xung điện nhẹ để kích thích rễ dây thần kinh cùng tại vị trí đi ra từ cột sống.
Trước khi cấy điện cực, người bệnh sẽ trải qua một giai đoạn thử nghiệm kéo dài vài tuần để xem liệu kích thích thần kinh bằng điện có tác dụng đối với chứng bàng quang tăng hoạt hay không. Người bệnh sẽ cần theo dõi việc đại tiện và tiểu tiện trong khoảng thời gian này.
Sau 2 đến 4 tuần, bác sĩ sẽ căn cứ vào kết quả thử nghiệm để quyết định có nên cấy điện cực vĩnh viễn hay không..
Với loại kích thích điện thần kinh này, điện cực được cấy bên dưới da và người bệnh sẽ không nhìn thấy hay nghe thấy bất cứ điều gì từ thiết bị. Người bệnh có thể kiểm soát cường độ xung điện bằng điều khiển.
Kích thích điện thần kinh chày
Kích thích điện thần kinh chày qua da là một phương pháp điều trị không cần phẫu thuật cho hội chứng bàng quang tăng hoạt. Trong quá trình điều trị, một cây kim rất mảnh được đưa vào gần dây thần kinh chày (dây thần kinh nằm quanh mắt cá chân) của người bệnh. Xung điện phát ra từ kim sẽ kích thích dây thần kinh.
Khác với kích thích điện thần kinh cùng chỉ cần phẫu thuật một lần để cấy điện cực, kích thích điện thần kinh chày đòi hỏi phải điều trị nhiều lần, mỗi lần kéo dài khoảng 30 phút. Ban đầu, người bệnh sẽ phải điều trị hàng tuần trong 12 tuần hoặc lâu hơn. Sau đó, người bệnh có thể chỉ cần điều trị mỗi tháng một lần để duy trì hiệu quả.
Kích thích điện thần kinh có hiệu quả không?
Các thử nghiệm lâm sàng về hiệu quả của phương pháp kích thích điện thần kinh cho ra nhiều kết quả khác nhau.
Kích thích điện thần kinh cùng
Kích thích điện thần kinh cùng là một giải pháp lâu dài vì thiết bị được cấy bên dưới da. Vì người bệnh trải qua giai đoạn thử nghiệm kéo dài vài tuần trước khi cấy điện cực vĩnh viễn nên tỷ lệ thành công lâu dài sẽ cao hơn.
Một tổng quan nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy 90% người tham gia đã giảm 50% các triệu chứng sau khi điều trị bằng phương pháp kích thích điện thần kinh cùng. (1)
Sau khi cấy thiết bị kích thích điện thần kinh, các triệu chứng sẽ tiếp tục cải thiện theo thời gian. Tổng quan nghiên cứu vào năm 2016 đã đề cập đến một nghiên cứu trong đó 59% số người tham gia đã giảm 50% các triệu chứng và hiệu quả kéo dài 3 năm sau khi bắt đầu điều trị.
Kích thích điện thần kinh chày
Trong một nghiên cứu vào năm 2017 với 220 người bị bàng quang tăng hoạt, một nửa số người tham gia được điều trị bằng phương pháp kích thích điện thần kinh chày qua da trong 12 tuần trong khi một nửa còn lại được điều trị bằng giả dược. Trong số những người được điều trị bằng phương pháp kích thích điện thần kinh, 55% cho thấy sự cải thiện rõ rệt hoặc vừa phải. (2)
Nếu các triệu chứng giảm rõ rệt sau 12 tuần điều trị ban đầu, người bệnh sẽ không cần phải điều trị hàng tuần nữa.
Tuy nhiên sau một vài tháng, các triệu chứng có thể sẽ quay trở lại giống như trước khi điều trị. Người bệnh nên điều trị cách 2 đến 3 tuần một lần để có kết quả tốt nhất và duy trì kết quả có được.
Tóm tắt bài viết
Kích thích điện thần kinh là một giải pháp điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt. Phương pháp điều trị này truyền xung điện nhẹ qua các dây thần kinh và cơ kiểm soát việc đi tiểu, nhờ đó khôi phục hoạt động bình thường của dây thần kinh và cơ.
Kích thích điện thần kinh cùng và kích thích điện thần kinh chày là hai loại kích thích điện thần kinh được sử dụng để điều trị bàng quang tăng hoạt. Thông thường, người bệnh sẽ thử các phương pháp điều trị khác ví dụ như liệu pháp hành vi hay dùng thuốc trước khi điều trị bằng kích thích điện thần kinh.
Không phải ai cũng phù hợp điều trị bằng phương pháp kích thích điện thần kinh và hiệu quả ở mỗi người sẽ khác nhau.
Miếng dán oxybutynin là một giải pháp điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt. Miếng dán oxybutynin có thể giúp làm giãn cơ bàng quang và giảm các triệu chứng. Miếng dán được đặt trên da, hoạt chất oxybutyninsẽ thẩm thấu qua da, giúp làm giảm tần suất buồn tiểu và giảm tình trạng tiểu gấp.
Bàng quang thần kinh là một thuật ngữ được dùng để chỉ hai vấn đề xảy ra do rối loạn hoạt động của các cơ và dây thần kinh trong bàng quang, đây là các cơ và dây thần kinh kiểm soát khả năng chứa và đào thải nước tiểu.
Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng buồn tiểu liên tục hoặc tiểu gấp, khó kiểm soát. Tình trạng này làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và còn khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái. Bàng quang tăng hoạt còn có thể gây tiểu không tự chủ. Có một số liệu pháp và bài tập có thể giúp tăng cường cơ bàng quang và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang, nhờ đó giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Hai trong số những phương pháp phổ biến là bài tập Kegel và rèn luyện bàng quang.
Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder) là một nhóm các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, trong đó nổi bật nhất là tiểu gấp (đột ngột buồn tiểu). Một trong những phương pháp đơn giản và được sử dụng đầu tiên để điều trị bàng quang tăng hoạt là rèn luyện bàng quang (bladder training). Rèn luyện bàng quang giúp nhịn tiểu được lâu hơn và giảm tần suất đi tiểu trong một ngày. Dưới đây là những điều cơ bản về phương pháp rèn luyện bàng quang, gồm có cách thực hiện và những lợi ích.