Kích thích điện thần kinh cùng để điều trị bàng quang tăng hoạt
Kích thích điện thần kinh cùng là gì?
Bàng quang tăng hoạt là tình trạng cơ bàng quang co thắt không tự chủ, gây buồn tiểu liên tục và tiểu gấp. Một số người bị bàng quang tăng hoạt còn bị són tiểu (tiểu không tự chủ) khi buồn tiểu.
Kích thích điện thần kinh cùng hay điều hòa dây thần kinh cùng là một phương pháp điều trị hiệu quả cho hội chứng bàng quang tăng hoạt. Trong phương pháp điều trị này, một điện cực được cấy dưới da của người bệnh, điện cực sẽ phát xung điện để kích thích các dây thần kinh xung quanh bàng quang.
Xung điện ức chế các tín hiệu thần kinh truyền từ bàng quang đến tủy sống và não bộ, điều này giúp làm giảm các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt. Kích thích điện thần kinh cùng còn được sử dụng để điều trị một số bệnh khác.
Kích thích điện thần kinh cùng thường được sử dụng khi các phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt khác không hiệu quả, chẳng hạn như:
- Thay đổi lối sống và bài tập tăng cường cơ sàn chậu
- Thuốc
- Tiêm Botox vào bàng quang
Cùng tìm hiểu về cơ chế điều trị bàng quang tăng hoạt của phương pháp kích thích điện thần kinh cùng, quy trình điều trị và những rủi ro.
Kích thích điện thần kinh cùng điều trị bàng quang tăng hoạt như thế nào?
Bàng quang tăng hoạt là một vấn đề phổ biến xảy ra ở khoảng 12% dân số và tỷ lệ mắc tăng theo tuổi tác.
Liệu pháp kích thích dây thần kinh cùng được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) phê duyệt vào năm 1997. Kể từ đó đã có hàng nghìn người được điều trị bằng phương pháp này. Kích thích điện thần kinh được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề như:
- Tiểu không tự chủ (són tiểu)
- Bí tiểu (không thể đi tiểu hoặc không thể làm trống bàng quang hoàn toàn khi đi tiểu)
- Đi tiểu nhiều lần
- Đại tiện không tự chủ
- Táo bón mãn tính
Trong phương pháp kích thích điện thần kinh cùng, xung điện kích thích các dây thần kinh truyền tín hiệu điện qua lại từ não và bàng quang.
Các nhà khoa học hiện vẫn đang nghiên cứu cơ chế tác dụng chính xác của phương pháp kích thích điện thần kinh cùng. Đến nay đã có một số giả thuyết được đưa ra nhưng cơ chế tác dụng được nhiều người chấp nhận nhất là phương pháp này ngăn cản tín hiệu được truyền đi từ các thần kinh cảm giác kết nối bàng quang với não bộ.
Những dây thần kinh cảm giác này có thể hoạt động quá mức do một số rối loạn thần kinh hoặc viêm. Khu vực thường được kích thích là rễ của dây thần kinh cùng thứ ba (S3).
Trong một nghiên cứu được thực hiện trên 147 người tham gia chủ yếu là nữ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng kích thích thần kinh cùng cho kết quả tốt hơn so với các phương pháp điều trị y tế tiêu chuẩn đối với các triệu chứng nhẹ đến vừa của bàng quang tăng hoạt. (1)
Ở nhóm điều trị bằng phương pháp kích thích điện thần kinh cùng, tỷ lệ điều trị thành công sau 6 tháng là 76% trong khi tỷ lệ này ở nhóm đối chứng chỉ là 49%. Điều trị thành công được định nghĩa là cải thiện hơn 50% các triệu chứng.
Lợi ích của kích thích điện thần kinh cùng
Kích thích điện thần kinh cùng an toàn hơn nhiều so với các thủ thuật xâm lấn để điều trị bàng quang tăng hoạt, chẳng hạn như phẫu thuật mở rộng bàng quang.
Phương pháp điều trị này mang lại các lợi ích như:
- Giảm tần suất đi tiểu
- Cải thiện tình trạng tiểu không tự chủ và tiểu gấp
- Tăng khả năng chứa nước tiểu của bàng quang
- Giảm bí tiểu
- Cải thiện chất lượng cuộc sống
Kích thích điện thần kinh cùng còn có thể điều trị chứng đại tiện không tự chủ.
Rủi ro của kích thích điện thần kinh cùng
Mặc dù an toàn nhưng giống như nhiều phương pháp điều trị khác, kích thích điện thần kinh cùng cũng tiềm ẩn một số rủi ro nhất định.
Khoảng 30 đến 40% số người điều trị bằng phương pháp này gặp phải vấn đề không mong muốn trong vòng 5 năm. (2)
Tuy nhiên, một tổng quan nghiên cứu vào năm 2022 cho thấy kể từ ngày 31/5/2021 chưa ghi nhận bất cứ trường hợp nào gặp phải biến chứng nghiêm trọng không thể đảo ngược hoặc đe dọa đến tính mạng do kích thích điện thần kinh cùng.
Kích thích điện thần kinh cùng có chi phí cao hơn so với nhiều phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt khác. Nếu có vấn đề không mong muốn phát sinh, người bệnh có thể cần phải phẫu thuật để khắc phục, ví dụ như đặt lại điện cực do đau hay điều chỉnh vị trí của dây bị lệch. Điều này sẽ làm tăng tổng chi phí điều trị.
Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tiết niệu (The Journal of Urology), các nhà nghiên cứu nhận thấy tổng chi phí điều trị trung bình trong 2 năm là 35.680 đô la và trong 5 năm là 36.550 đô la, cao hơn đáng kể so với phương pháp tiêm Botox.
Một số vấn đề không mong muốn của phương pháp kích thích điện thần kinh cùng gồm có:
- Nhiễm trùng
- Điện giật
- Trục trặc thiết bị
- Tụ máu sau phẫu thuật (bầm tím)
- Không còn hiệu quả
Quá trình điều trị
Một điện cực trông giống như máy tạo nhịp tim sẽ được cấy dưới da của người bệnh, điện cực gồm có các dây nối với các dây thần kinh xung quanh bàng quang. Trước khi cấy điện cực, người bệnh sẽ trải qua giai đoạn đánh giá hay thử nghiệm để xem thiết bị có hiệu quả hay không.
Giai đoạn đánh giá
Để xem liệu cơ thể người bệnh có đáp ứng tốt với kích thích điện thần kinh cùng hay không, bác sĩ sẽ sử dụng một thiết bị tạm thời. Bác sĩ sẽ luồn một sợi dây dẫn điện qua da gần xương cụt và nối với các dây thần kinh cùng. Dây dẫn điện được kết nối với một thiết bị nhỏ chạy bằng pin mà người bệnh đeo trên thắt lưng.
Giai đoạn đánh giá thường kéo dài khoảng 2 đến 3 tuần. Trong một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Tiết niệu, 62% số người tham gia nhận thấy các triệu chứng được cải thiện sau giai đoạn đánh giá kéo dài 3 tuần. (3)
Trong số những trường hợp không thấy hiệu quả sau tuần đầu tiên, 42% đã cải thiện các triệu chứng sau khi cài đặt lại thiết bị.
Giai đoạn cấy thiết bị
Nếu giai đoạn đánh giá thành công, người bệnh sẽ được cấy điện cực. Các triệu chứng cải thiện hơn 50% được coi là thành công.
Một diện cực nhỏ được cấy bên dưới da ở vùng mông trên, có dây dẫn điện nối với dây thần kinh cùng.
Nếu quá trình thử nghiệm ban đầu không thành công, bác sĩ sẽ tháo thiết bị hoặc đề nghị thử nghiệm lại.
Kích thích điện thần kinh cùng được sử dụng khi nào?
Kích thích điện thần kinh cùng thường được sử dụng khi các phương pháp điều trị bảo tồn như thay đổi lối sống, bài tập cơ sàn chậu, liệu pháp phản hồi sinh học hay thuốc không có hiệu quả.
Một số loại thuốc được dùng để điều trị bàng quang tăng hoạt gồm có thuốc kháng cholinergic và thuốc đồng vận beta-3.
Mặc dù là một giải pháp điều trị hiệu quả nhưng không phải ai cũng phù hợp điều trị bằng kích thích điện thần kinh cùng. Phương pháp này không phù hợp với những người:
- bị tắc nghẽn đường tiết niệu
- đang bị nhiễm trùng ở vùng chậu
- mắc bệnh thần kinh nghiêm trọng hoặc tiến triển nhanh chóng
- trên 55 tuổi và có từ ba bệnh lý mạn tính trở lên
- không đáp ứng điều trị trong giai đoạn đánh giá
- thường xuyên phải chụp cộng hưởng từ (MRI), mặc dù hiện nay đã có một số loại thiết bị kích thích điện thần kinh cùng an toàn với MRI
Vẫn chưa rõ liệu kích thích điện thần kinh cùng có an toàn cho phụ nữ mang thai hay không.
Tóm tắt bài viết
Kích thích điện thần kinh cùng là phương pháp đặt một điện cực dưới da để kích thích các dây thần kinh truyền tín hiệu giữa não và bàng quang. Điều này giúp giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt như tiểu gấp, tiểu nhiều lần và tiểu không tự chủ.
Kích thích điện thần kinh cùng là một giải pháp khi các phương pháp điều trị bảo tồn không hiệu quả. Trước khi chính thức cấy điện cực, người bệnh sẽ trải qua giải đoạn thử nghiệm để xem phương pháp này có hiệu quả hay không.
Bàng quang thần kinh là một thuật ngữ được dùng để chỉ hai vấn đề xảy ra do rối loạn hoạt động của các cơ và dây thần kinh trong bàng quang, đây là các cơ và dây thần kinh kiểm soát khả năng chứa và đào thải nước tiểu.
Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.
Hội chứng bàng quang tăng hoạt là tình trạng buồn tiểu liên tục hoặc tiểu gấp, khó kiểm soát. Tình trạng này làm gián đoạn các hoạt động hàng ngày, gây ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống và còn khiến người bệnh cảm thấy không thoải mái. Bàng quang tăng hoạt còn có thể gây tiểu không tự chủ. Có một số liệu pháp và bài tập có thể giúp tăng cường cơ bàng quang và cải thiện khả năng kiểm soát bàng quang, nhờ đó giảm các triệu chứng bàng quang tăng hoạt. Hai trong số những phương pháp phổ biến là bài tập Kegel và rèn luyện bàng quang.
Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder) là một nhóm các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, trong đó nổi bật nhất là tiểu gấp (đột ngột buồn tiểu). Một trong những phương pháp đơn giản và được sử dụng đầu tiên để điều trị bàng quang tăng hoạt là rèn luyện bàng quang (bladder training). Rèn luyện bàng quang giúp nhịn tiểu được lâu hơn và giảm tần suất đi tiểu trong một ngày. Dưới đây là những điều cơ bản về phương pháp rèn luyện bàng quang, gồm có cách thực hiện và những lợi ích.
Có nhiều phương pháp kiểm soát bàng quang tăng hoạt, từ các biện pháp tự nhiên như thảo dược, thay đổi chế độ ăn uống, tập cơ sàn chậu cho đến các phương pháp điều trị y tế như tiêm Botox, dùng thuốc, kích thích điện hay phẫu thuật. Nghiên cứu mới đây đã phát hiện thêm một phương pháp nữa để điều trị chứng bàng quang tăng hoạt, đó là cannabidiol (CBD).