Tiêm Botox điều trị bàng quang tăng hoạt
Bàng quang tăng hoạt là gì?
Bàng quang tăng hoạt không phải là một bệnh mà là một nhóm các triệu chứng liên quan đến chức năng của bàng quang, gồm có:
- Đi tiều nhiều lần (từ 8 lần trở lên vào ban ngày và từ 2 lần trở lên vào ban đêm)
- Tiểu gấp (đột ngột buồn tiểu, không thể nhịn được)
- Rò rỉ nước tiểu (tiểu không tự chủ)
Nếu như bạn có ít nhất hai trong số những triệu chứng này thì có thể bạn đã bị bàng quang tăng hoạt.
Cơ chế điều trị bàng quang tăng hoạt của Botox
Có nhiều phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt, một trong số đó là sử dụng thuốc. Các loại thuốc này có dạng viên uống, gel bôi hoặc miếng dán ngoài da. Thuốc giúp làm dịu các dây thần kinh và cơ xung quanh bàng quang, từ đó làm giảm các triệu chứng. Một trong những nhóm thuốc chính để điều trị bàng quang tăng hoạt là thuốc kháng cholinergic.
Tiêm Botox thường được chỉ định khi thuốc kháng cholinergic không hiệu quả. Botox ngăn sự trao đổi tín hiệu giữa các dây thần kinh và cơ bàng quang, nhờ đó làm giảm hoạt động của cơ bàng quang và cải thiện tình trạng tiểu gấp, tiểu nhiều lần và són tiểu.
Quá trình điều trị
Liệu pháp tiêm Botox để điều trị bàng quang tăng hoạt được thực hiện tại bệnh viện.
Bác sĩ sẽ tiêm Botox trực tiếp vào cơ bàng quang của người bệnh. Quá trình tiêm chỉ mất khoảng vài phút nhưng người bệnh sẽ phải ở lại bệnh viện ít nhất 30 phút sau khi tiêm hoặc cho đến khi đi tiểu để xem người bệnh có dung nạp Botox hay không. Những vấn đề không mong muốn xảy ra trong khoảng thời gian này sẽ được nhanh chóng can thiệp. Hầu hết mọi người đều dung nạp tốt Botox.
Hiệu quả của phương pháp tiêm Botox có thể kéo dài đến 8 tháng. Sau đó, người bệnh sẽ phải tiêm lại. Không có giới hạn về thời gian có thể sử dụng liệu pháp tiêm Botox để điều trị bàng quang tăng hoạt. Tuy nhiên, FDA khuyến cáo mỗi lần điều trị nên cách nhau ít nhất 12 tuần.
Điều trị bàng quang tăng hoạt bằng tiêm Botox có hiệu quả không?
Botox cần có thời gian để phát huy tác dụng. Đa phần, các triệu chứng bàng quang tăng hoạt sẽ thuyên giảm trong vòng hai tuần sau lần tiêm Botox đầu tiên.
Một nghiên cứu vào năm 2012 được công bố trên Tạp chí Y học New England (NEMJ) cho thấy liệu pháp tiêm Botox cho hiệu quả tương đương thuốc kháng cholinergic trong điều trị chứng tiểu không tự chủ. Trên thực tế, có vẻ như liệu pháp tiêm Botox có hiệu quả cao hơn một chút.
Nghiên cứu cho thấy sau một tháng, tỷ lệ thuyên giảm triệu chứng tiểu không tự chủ ở nhóm tiêm Botox cao hơn so với nhóm điều trị bằng thuốc kháng cholinergic. Hiệu quả duy trì đến một năm sau khi tiêm.
Tác dụng phụ của tiêm Botox
Mặc dù tiêm Botox là một giải pháp hiệu quả để kiểm soát các triệu chứng của bàng quang tăng hoạt nhưng giống như nhiều phương pháp điều trị khác, tiêm Botox cũng có tác dụng phụ. Nghiên cứu đăng trên NEJM cho thấy những phụ nữ tiêm Botox có tỷ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn so với những phụ nữ sử dụng thuốc kháng cholinergic. Tuy nhiên, nhóm điều trị bằng thuốc kháng cholinergic lại có nguy cơ bị khô miệng cao hơn nhóm tiêm Botox.
Tóm tắt bài viết
Tiêm Botox là một phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt bằng cách ngăn cản sự trao đổi tín hiệu giữa dây thần kinh và cơ bàng quang. Liệu pháp tiêm Botox thường được sử dụng khi các phương pháp điều trị khác như dùng thuốc đường uống không hiệu quả. Hiệu quả sau khi tiêm có thể kéo dài nhiều tháng và sau đó người bệnh sẽ phải tiêm lại.
Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder) là một nhóm các triệu chứng rối loạn tiểu tiện, trong đó nổi bật nhất là tiểu gấp (đột ngột buồn tiểu). Một trong những phương pháp đơn giản và được sử dụng đầu tiên để điều trị bàng quang tăng hoạt là rèn luyện bàng quang (bladder training). Rèn luyện bàng quang giúp nhịn tiểu được lâu hơn và giảm tần suất đi tiểu trong một ngày. Dưới đây là những điều cơ bản về phương pháp rèn luyện bàng quang, gồm có cách thực hiện và những lợi ích.
Có nhiều phương pháp kiểm soát bàng quang tăng hoạt, từ các biện pháp tự nhiên như thảo dược, thay đổi chế độ ăn uống, tập cơ sàn chậu cho đến các phương pháp điều trị y tế như tiêm Botox, dùng thuốc, kích thích điện hay phẫu thuật. Nghiên cứu mới đây đã phát hiện thêm một phương pháp nữa để điều trị chứng bàng quang tăng hoạt, đó là cannabidiol (CBD).
Có nhiều phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt, gồm có thay đổi lối sống, dùng thuốc làm giãn cơ bàng quang hay tiêm Botox vào bàng quang. Kích thích điện thần kinh chày qua da (percutaneous tibial nerve stimulation) cũng là một phương pháp điều trị bàng quang tăng hoạt.
Bàng quang tăng hoạt (overactive bladder - OAB) là tình trạng cơ bàng quang co bóp không tự chủ, gây buồn tiểu liên tục. Cơn buồn tiểu có thể xảy đến đột ngột và người bệnh bị rò rỉ nước tiểu khi chưa kịp vào nhà vệ sinh. Bàng quang tăng hoạt gây ảnh hưởng lớn đến công việc, sinh hoạt hàng ngày, chức năng tình dục và giấc ngủ của người bệnh. Bàng quang tăng hoạt thậm chí còn ảnh hưởng đến cả sức khỏe tinh thần.
Miếng dán oxybutynin là một giải pháp điều trị hội chứng bàng quang tăng hoạt. Miếng dán oxybutynin có thể giúp làm giãn cơ bàng quang và giảm các triệu chứng. Miếng dán được đặt trên da, hoạt chất oxybutyninsẽ thẩm thấu qua da, giúp làm giảm tần suất buồn tiểu và giảm tình trạng tiểu gấp.