Tại sao lại bị chướng bụng vào thời kỳ mãn kinh?
Nội dung chính của bài viết:
- Phụ nữ thường gặp hiện tượng chướng bụng trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh hoặc thậm chí còn kéo dài đến tận sau khi mãn kinh.
- Việc thay đổi hormone, do chế độ ăn, tập thể dục, căng thẳng hay một số vấn đề về sức khỏe khác sẽ gây ra hiện tượng chướng bụng.
- Nếu bạn vẫn còn chu kỳ kinh nguyệt thì sự dao động hormone có thể là thủ phạm chính. Triệu chứng này sẽ tự giảm dần sau khi mãn kinh.
- Khi tình trạng chướng bụng kéo dài hoặc đi kèm triệu chứng đau đớn thì cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
- Chướng bụng trong suốt nhiều tuần có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng hoặc một vấn đề sức khỏe, bệnh lý khác.
Bên cạnh những triệu chứng phổ biến như bốc hỏa hay đổ mồ hôi về đêm, nhiều phụ nữ còn gặp hiện tượng chướng bụng trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Đó thường là kết quả do sự dao động nồng độ hormone trong giai đoạn này của cuộc đời. Sau mãn kinh, buồng trứng ngừng sản xuất hormone estrogen và progesterone. Lúc này, nồng độ hormone ổn định ở mức thấp thì triệu chứng này sẽ giảm dần và tự hết.
Chướng bụng sẽ khiến bụng có cảm giác nặng nề, căng cứng, to lên và còn ảnh hưởng đến cả các bộ phận khác trên cơ thể như hông và đùi. Tuy nhiên, bạn có thể khắc phục tình trạng này trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh bằng một số điều chỉnh trong lối sống hoặc dùng thuốc. Tuy nhiên, khi bị chướng bụng trong thời gian dài thì nên đi khám vì đó có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe khác.
Tìm hiểu thêm: 11 điều mà mọi phụ nữ cần biết về thời kỳ mãn kinh
Nguyên nhân gây chướng bụng trong thời kỳ mãn kinh và mãn kinh
Các triệu chứng mãn kinh có thể bắt đầu xuất hiện từ vài năm trước khi chính thức chấm dứt kinh nguyệt. Khoảng thời gian này được gọi là giai đoạn tiền mãn kinh. Mãn kinh được định nghĩa là mất kinh nguyệt trong 12 tháng liên tục. Điều này xảy ra do buồng trứng ngừng sản xuất hormone estrogen và progesterone. Sau khi mãn kinh, phụ nữ sẽ không thể mang thai một cách tự nhiên được nữa.
Hầu hết phụ nữ đều bước vào thời kỳ mãn kinh vào những năm đầu độ tuổi 50 nhưng cũng có người mãn kinh sớm hơn hoặc muộn hơn. Một khi đã qua 12 tháng không có kinh nguyệt thì sẽ bắt đầu giai đoạn hậu mãn kinh.
Triệu chứng chướng bụng xảy ra thường xuyên hơn trong giai đoạn tiền mãn kinh so với giai đoạn mãn kinh và hậu mãn kinh. Trong giai đoạn tiền mãn kinh, nồng độ hormone có sụ thay đổi nhanh chóng. Ban đầu, mức estrogen sẽ tăng cao hơn bình thường. Estrogen khiến cơ thể giữ nước và dẫn đến tình trạng chướng bụng, đầy hơi.
Chướng bụng không phải là dấu hiệu duy nhất cho thấy một phụ nữ đang trải qua giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh. Sự dao động hormone trong khoảng thời gian này còn dẫn đến những dấu hiệu, triệu chứng khác như:
- Bốc hỏa
- Khó ngủ, ngủ không yên giấc
- Khô âm đạo
- Tâm trạng thay đổi thất thường
- Nhạy cảm, dễ buồn
- Hay cáu gắt
- Tăng cân
Một nguyên nhân nữa gây nên triệu chứng chướng bụng trong thời kỳ mãn kinh là khí tích tụ trong hệ tiêu hóa. Điều này có thể xảy ra do:
- Chế độ ăn
- Tập thể dục
- Căng thẳng
- Hút thuốc
- Nuốt không khí
- Những vấn đề sức khỏe khác
Vào giai đoạn hậu mãn kinh thì hiện tượng chướng bụng chủ yếu là do một trong những nguyên nhân này chứ không còn là do sự thay đổi nồng độ hormone gây ra nữa vì sau khi đã mãn kinh thì nồng độ hormone đã ổn định và không dao động nhiều như giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh.
Điều trị và phòng ngừa triệu chứng chướng bụng
Có thể giảm chướng bụng bằng cách điều chỉnh một số thói quen sống. Những thay đổi trong lối sống cũng sẽ giúp ngăn ngừa vấn đề này tiếp tục xảy ra.
- Thay đổi chế độ ăn uống: Tránh các loại thực phẩm gây chướng bụng, ví dụ như đồ dầu mỡ, các loại rau quả gây đầy hơi, sữa và các sản phẩm từ sữa. Ngoài ra cũng nên hạn chế các loại thực phẩm qua chế biến nhiều vì những thực phẩm này chứa lượng đường và muối cao, khiến cho cơ thể giữ nước.
- Tập thể dục thường xuyên: Cố gắng tập thể dục đều đặn vài lần mỗi tuần và kết hợp nhiều hình thức tập luyện khác nhau như các bài tập tim mạch và tập tăng cơ.
- Không nhai kẹo cao su và uống đồ uống có ga: Những thứ này có thể gây tích tụ khí trong dạ dày và dẫn đến đầy bụng.
- Không hút thuốc và uống rượu vì đều có thể gây chướng bụng.
- Uống nhiều nước: Không uống đủ nước cũng có thể dẫn đến đầy hơi, chướng bụng.
Khi đã áp dụng những thay đổi này mà tình trạng chướng bụng vẫn không cải thiện thì có thể dùng các loại thuốc không kê đơn và thuốc kê đơn như:
- Thuốc trị đầy hơi: Đây là những loại thuốc không kê đơn mà bạn có thể dễ dàng mua được tại các hiệu thuốc.
- Thuốc lợi tiểu: Đây là nhóm thuốc thường được bác sĩ kê đơn để điều trị cao huyết áp nhưng cũng có thể sử dụng được cho cả những vấn đề khác như chướng bụng để ngăn cơ thể giữ quá nhiều nước.
- Thuốc tránh thai nội tiết: Thuốc tránh thai có thể điều trị chướng bụng và các triệu chứng tiền kinh nguyệt khác cho những phụ nữ đang trong giai đoạn tiền mãn kinh vì thuốc này giúp ổn định nồng độ hormone. Nên đến gặp bác sĩ để được tư vấn loại thuốc phù hợp với mục đích sử dụng.
- Liệu pháp hormone thay thế: Đây là phương pháp được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề xảy ra trong thời kỳ mãn kinh. Liệu pháp này giúp cân bằng mức estrogen và progesterone trong cơ thể. Tuy nhiên, vì có đi kèm với nhiều tác dụng phụ nên cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu.
Phân biệt chướng bụng và tăng cân
Trong giai đoạn tiền mãn kinh và mãn kinh, triệu chứng chướng bụng có thể bị nhầm với tăng cân. Sự thay đổi nội tiết tố trong khoảng thời gian này cũng sẽ khiến phụ nữ dễ tăng cân và khó giảm cân hơn bình thường, đặc biệt dễ tích mỡ ở vùng bụng. Đây không chỉ là một dấu hiệu của thời kỳ mãn kinh. Phụ nữ cũng có thể tăng cân do lão hóa, lối sống không lành mạnh và tiền sử gia đình.
Chướng bụng thường chỉ xảy ra trong một khoảng thời gian ngắn, có thể là vào khoảng vài ngày trước khi có kinh ở những phụ nữ vẫn còn có kinh nguyệt hoặc sau khi ăn quá nhiều, ăn quá nhanh hoặc ăn các loại thực phẩm gây đầy bụng. Khi bị chướng bụng, dạ dày sẽ nhô ra và khiến cho bụng to lên nhưng hiện tượng này sẽ tự giảm dần. Còn khi bụng to lên do tăng cân và tích mỡ thì sẽ không thay đổi kích thước.
Tăng cân là một vấn đề mà nhiều phụ nữ gặp phải trong thời kỳ mãn kinh và có thể làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tiểu đường và bệnh tim mạch. Tăng cân cũng có thể được khắc phục, ngăn ngừa bằng một số thay đổi trong lối sống. Một chế độ ăn uống cân bằng, ít muối và đường, ngủ đủ giấc và tập thể dục thường xuyên sẽ giúp tránh tăng cân và ngăn ngừa chướng bụng.
Khi nào cần đi khám?
Chướng bụng trước khi có kinh nguyệt hoặc do sự dao động nội tiết tố trong thời kỳ mãn kinh là một hiện tượng bình thường và sẽ tự hết dần. Tuy nhiên, nếu tình trạng chướng bụng kéo dài hoặc đi kèm triệu chứng đau đớn thì cần đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Chướng bụng trong suốt nhiều tuần có thể là dấu hiệu của ung thư buồng trứng hoặc một vấn đề sức khỏe, bệnh lý khác.
Sự thay đổi nội tiết tố xảy ra trong thời kỳ mãn kinh có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu mà phổ biến nhất là bốc hỏa, thay đổi tâm trạng, khô âm đạo và đổ mồ hôi về đêm. Nhiều phụ nữ còn gặp phải những triệu chứng ở da, chẳng hạn như khô da và ngứa ngáy.
Bên cạnh những thay đổi về thể chất, phụ nữ sẽ còn gặp phải những thay đổi về tâm lý, tinh thần trong thời kỳ mãn kinh.
Khi đang trong giai đoạn tiền mãn kinh, phụ nữ sẽ gặp phải nhiều dấu hiệu, triệu chứng khác nhau và mệt mỏi là một trong số đó.
“Sương mù não” là gì và tại sao phụ nữ lại gặp phải vấn đề này trong thời kỳ mãn kinh?
Khi bị đau bụng dưới thì đây có thể là dấu hiệu cho thấy rằng chu kỳ kinh vẫn chưa chấm dứt hẳn. Hiện tượng này có thể xảy ra ngay cả khi bạn nghĩ rằng mình đã qua thời kỳ mãn kinh. Nếu bị đau bụng dưới kèm theo các triệu chứng khác, ví dụ như chảy máu âm đạo bất thường, sụt cân và chướng bụng thì cần đi khám bác sĩ.