1

Sự khác biệt giữa suy thận cấp và suy thận mạn

Suy thận có nghĩa là chức năng thận bị suy giảm. Suy thận cấp là tình trạng chức năng thận bị giảm đột ngột và tạm thời. Suy thận mạn có nghĩa là chức năng thận giảm từ từ và không thể phục hồi.
Sự khác biệt giữa suy thận cấp và suy thận mạn Sự khác biệt giữa suy thận cấp và suy thận mạn

Thận là cơ quan có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ thể. Thận có chức năng lọc chất thải trong máu và giữ cân bằng lượng nước trong cơ thể. Suy thận có nghĩa thận không còn hoạt động bình thường.

Suy thận cấp là tình trạng chức năng thận bị giảm đột ngột và chỉ xảy ra trong thời gian ngắn. Suy thận cấp còn được gọi là tổn thương thận cấp tính.

Suy thận mạn hay bệnh thận mạn là tình trạng chức năng thận giảm từ từ theo thời gian và tổn thương thận là vĩnh viễn, không thể phục hồi.

Nguyên nhân gây suy thận cấp và suy thận mạn

Nguyên nhân gây suy thận cấp được chia thành ba loại: nguyên nhân trước thận, nguyên nhân tại thận và nguyên nhân sau thận.

Nguyên nhân trước thận

Các nguyên nhân trước thận gồm không đủ chất lỏng trong cơ thể hoặc giảm lưu lượng máu đến thận, ví dụ như:

  • Chảy máu nhiều
  • Tiêu chảy nặng
  • Nôn mửa nghiêm trọng
  • Sốc nhiễm khuẩn
  • Sốc phản vệ
  • Suy tim
  • Phản ứng với các loại thuốc như:
    • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin
    • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II

Nguyên nhân tại thận

Nguyên nhân tại thận có nghĩa là những vấn đề ảnh hưởng đến chức năng của thận. Đôi khi nguyên nhân trước thận có thể dẫn đến nguyên nhân tại thận nếu thận không được cung cấp đủ máu và oxy. Một số ví dụ về nguyên nhân tại thận gồm có:

  • Phản ứng với các loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid hoặc amphotericin B
  • Phản ứng với thuốc cản quang được dùng trong một số kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh
  • Bệnh lupus (một bệnh tự miễn)

Nguyên nhân sau thận

Nguyên nhân sau thận gồm có bất cứ điều gì ngăn máu hoặc nước rời khỏi thận. Một số ví dụ gồm có:

  • Sỏi thận lớn
  • Cục máu đông
  • Khối u trong hoặc xung quanh bàng quang

Nguyên nhân gây suy thận mạn

Suy thận cấp có thể dẫn đến suy thận mạn nhưng không phải lúc nào cũng vậy. Suy thận mạn thường là kết quả của một hoặc nhiều bệnh lý mạn tính, ví dụ như:

  • Tắc nghẽn đường tiết niệu
  • Viêm cầu thận mạn tính
  • Lượng đường trong máu cao kéo dài do bệnh tiểu đường
  • Cao huyết áp
  • Bệnh thận đa nang

Người mắc các bệnh lý này cần kiểm soát tình trạng bệnh để ngăn ngừa suy thận mạn.

Triệu chứng của suy thận cấp và suy thận mạn

Các triệu chứng của suy thận cấp thường xảy ra nhanh chóng. Nếu các triệu chứng kéo dài từ 3 tháng trở nên thì sẽ được coi là suy thận mạn tính.

Suy thận cấp không phải lúc nào cũng biểu hiện triệu chứng rõ rệt nhưng một trong những triệu chứng phổ biến nhất là giảm lượng nước tiểu. Thận có chức năng lọc nước và chất thải trong máu, vì vậy nên khi thận không hoạt động tốt, lượng nước tiểu sẽ ít đi.

Ngoài ra, các triệu chứng khác của suy thận cấp gồm có:

  • Lú lẫn
  • Tăng huyết áp
  • Co giật
  • Sưng phù, thường là ở bàn chân và bàn tay

Các giai đoạn đầu của suy thận mạn thường không có triệu chứng. Các triệu chứng thường xuất hiện khi chức năng thận giảm xuống dưới 20%. Triệu chứng ở các giai đoạn sau của suy thận mạn cũng tương tự như triệu chứng suy thận cấp, gồm có:

  • Ngứa ngáy
  • Miệng có vị kim loại
  • Co thắt cơ, chuột rút
  • Buồn nôn
  • Tê và châm chích ở bàn tay và bàn chân
  • Khó ngủ
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân
  • Nôn mửa

Nếu không được điều trị, suy thận mạn sẽ dần tiến triển sang giai đoạn cuối. Lúc này, chức năng thận chỉ còn 10% so với bình thường hoặc thậm chí thấp hơn. Những người bị suy thận mạn giai đoạn cuối cần phải lọc máu hoặc ghép thận.

Chẩn đoán suy thận cấp và suy thận mạn

Xét nghiệm creatinin máu là cách chính xác nhất để đánh giá chức năng thận và xác nhận tình trạng suy thận.

Creatinin là một chất thải mà thận lọc từ máu. Trong máu có quá nhiều creatinin có nghĩa là thận đang không hoạt động tốt. Giảm lượng nước tiểu dù không thay đổi lượng nước uống có thể là một dấu hiệu của suy thận cấp.

Theo thời gian, cả suy thận cấp và suy thận mạn đều có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng. Thận không chỉ lọc nước dư thừa mà còn lọc các chất điện giải như kali, canxi và phốt pho. Quá nhiều kali trong máu sẽ gây hại cho tim.

Vì lý do này nên suy thận cấp và suy thận mạn không được điều trị có thể dẫn đến các triệu chứng như:

  • Rối loạn nhịp tim
  • Thiếu máu (lượng hồng cầu trong máu thấp)
  • Tích tụ chất lỏng ở khoang màng phổi, gây khó thở

Nếu những triệu chứng này xảy ra sau khi bị chấn thương hoặc kèm theo một bệnh lý nào đó thì rất có thể chức năng thận đang có vấn đề.

Suy thận được xác định là mạn tính khi các dấu hiệu tổn thương thận kéo dài từ 3 tháng trở lên. Một phương pháp thường được sử dụng để chẩn đoán tổn thương thận là độ lọc cầu thận (GFR). Đây là một xét nghiệm máu đơn giản giúp đánh giá chức năng thận.

Độ lọc cầu thận được xác định dựa trên các yếu tố gồm có:

  • Chỉ số creatinin
  • Tuổi tác
  • Giới tính
  • Chủng tộc
  • Kích thước cơ thể

Giá trị GFR càng thấp thì chức năng thận càng kém.

GFR

Chức năng thận
60 trở lên Thận đang hoạt động ở mức bình thường.
Dưới 60 Suy thận mạn nếu giá trị GFR ở mức này trong 3 tháng trở nên
15 trở xuống Suy thận mạn giai đoạn cuối.

Điều trị suy thận cấp và suy thận mạn

Để điều trị suy thận cấp thì cần phải giải quyết nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận. Một số nguyên nhân gây suy thận, chẳng hạn như mất nước hay mất máu, có thể đảo ngược được trong khi một số khác, chẳng hạn như tổn thương thận do thuốc hoặc hóa chất độc hại, là không thể đảo ngược.

Để xác định nguyên nhân gây suy giảm chức năng thận, bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh tăng lượng nước uống và theo dõi xem lượng nước tiểu có thay đổi hay không. Nếu suy thận cấp là do nguyên nhân trước thận thì lượng nước tiểu sẽ tăng lên sau khi uống nhiều nước.

Suy thận cấp có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng. Nếu một trong những loại thuốc này gây hại cho thận thì người bệnh sẽ phải ngừng thuốc. Suy thận cấp đôi khi là do thuốc cản quang dược sử dụng trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp CT.

Ngoài ra, các phương pháp điều trị khác gồm có:

  • Lọc máu để loại bỏ nước dư thừa và chất điện giải thay cho thận
  • Liệu pháp thay thế thận liên tục trong những trường hợp không thể lọc máu
  • Thuốc lợi tiểu để ngăn ngừa tích nước và phù nề

Phát hiện và điều trị sớm suy thận cấp sẽ giúp ngăn ngừa tổn thương thận vĩnh viễn.

Đối với suy thận mạn, nếu nguyên nhân là do các bệnh lý như cao huyết áp hay tiểu đường thì cần phải kiểm soát các bệnh lý này. Trong những trường hợp suy thận mạn giai đoạn cuối, người bệnh sẽ phải lọc máu hoặc ghép thận.

Bảng so sánh suy thận cấp và suy thận mạn

  Suy thận cấp Suy thận mạn
Nguyên nhân Chấn thương, bệnh tật hoặc tác dụng phụ của thuốc Các bệnh lý mạn tính như tiểu đường, cao huyết áp
Khởi phát Đột ngột Từ từ (vài tháng đến vài năm)
Triệu chứng Xảy ra nhanh chóng và có thể rất nghiêm trọng Thường không có triệu chứng ở giai đoạn đầu. Chỉ đến khi chức năng thận suy giảm nghiêm trọng mới xuất hiện triệu chứng
Điều trị Điều trị nguyên nhân gốc rễ Điều trị nguyên nhân gốc rễ ở giai đoạn đầu.
Lọc máu hoặc ghép thận ở các giai đoạn sau
Khả năng phục hồi Thường có thể khôi phục chức năng thận Chức năng thận không thể phục hồi

Tóm tắt bài viết

Suy thận cấp và suy thận mạn có nhiều điểm khác biệt nhưng cả hai đều gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe. Suy thận cấp cần được điều trị kịp thời để ngăn ngừa tổn thương thận vĩnh viễn và suy thận mạn.

Đối với suy thận mạn, giải pháp điều trị ở các giai đoạn đầu là kiểm soát bệnh lý mạn tính gây tổn thương thận và thay đổi chế độ ăn uống. Khi suy thận mạn tiến triển sang giai đoạn cuối, người bệnh cần lọc máu hoặc ghép thận.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: khác biệt
Tin liên quan
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, trầm cảm và suy thận
Mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, trầm cảm và suy thận

Bệnh tiểu đường, trầm cảm và suy thận là những bệnh lý riêng biệt nhưng lại có mối liên hệ với nhau. Các bệnh lý này có thể xảy ra cùng lúc.

Mối liên hệ giữa bệnh đa u tủy và suy thận
Mối liên hệ giữa bệnh đa u tủy và suy thận

Suy thận là một biến chứng phổ biến của bệnh đa u tủy. Phát hiện và điều trị bệnh ngay từ sớm sẽ giúp giảm thiểu tối đa những ảnh hưởng đến thận. Có nhiều phương pháp để ngăn ngừa và điều trị tổn thương thận do ung thư gây ra.

Độ lọc cầu thận (GFR) cho biết điều gì?
Độ lọc cầu thận (GFR) cho biết điều gì?

Độ lọc cầu thận cho biết khả năng lọc máu của thận. Xét nghiệm kiểm tra độ lọc cầu thận thường được thực hiện khi người bệnh có các triệu chứng của bệnh thận hoặc khi cần đánh giá hiệu quả của một phương pháp điều trị.

Mối liên hệ giữa suy thận mạn, tiểu đường và cao huyết áp
Mối liên hệ giữa suy thận mạn, tiểu đường và cao huyết áp

Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về suy thận mạn cũng như mối liên hệ giữa bệnh tiểu đường, cao huyết áp và suy thận mạn.

Mối liên hệ giữa viêm khớp dạng thấp và suy thận
Mối liên hệ giữa viêm khớp dạng thấp và suy thận

Tình trạng viêm liên quan đến viêm khớp dạng thấp có thể ảnh hưởng đến chức năng thận. Nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị viêm khớp dạng thấp có nguy cơ cao mắc bệnh suy thận.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây