Độ lọc cầu thận (GFR) cho biết điều gì?
Độ lọc cầu thận là gì?
Thận là cơ quan có chức năng lọc máu. Cặp cơ quan này loại bỏ các chất thải từ máu và bài tiết vào nước tiểu. Cầu thận là những bộ lọc nhỏ bên trong thận. Khi thận bị tổn thương, cầu thận sẽ lọc máu không hiệu quả.
Độ lọc cầu thận (glomerular filtration rate - GFR) là chỉ số cho biết mức độ hoạt động của thận. Bác sĩ sẽ chỉ định làm xét nghiệm kiểm tra độ lọc cầu thận khi người bệnh có những dấu hiệu cho thấy chức năng thận bị suy giảm.
Khi nào cần xét nghiệm độ lọc cầu thận?
Độ lọc cầu thận cho biết khả năng lọc máu của thận. Bác sĩ thường yêu cầu làm xét nghiệm kiểm tra độ lọc cầu thận khi người bệnh có các triệu chứng của bệnh thận hoặc khi cần đánh giá hiệu quả của một phương pháp điều trị. Một số triệu chứng thường gặp của bệnh thận gồm có:
- Sưng phù ở mặt, tay hoặc chân
- Nước tiểu có bọt, đục hoặc sậm màu
- Nước tiểu có mùi bất thường
- Tiểu khó
- Đau khi đi tiểu
- Tiểu nhiều lần
- Đau lưng
- Mệt mỏi
- Buồn nôn, nôn mửa
Can thiệp sớm là rất quan trọng để ngăn ngừa tổn thương thận nghiêm trọng. Bác sĩ có thể đề nghị xét nghiệm độ lọc cầu thận nếu người bệnh đang dùng các loại thuốc có thể ảnh hưởng đến chức năng thận hoặc nếu người bệnh có các bệnh lý, triệu chứng dưới đây:
- Bệnh tiểu đường
- Nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát
- Cao huyết áp
- Bệnh tim mạch
- Tiểu khó
- Máu trong nước tiểu
- Sỏi thận
- Bệnh thận đa nang
- Suy thận
Ở những người đang mắc bệnh thận, xét nghiệm độ lọc cầu thận có thể giúp đánh giá mức độ hoạt động của thận.
Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận cũng có thể phải làm xét nghiệm độ lọc cầu thận để biết tình trạng hiện tại của thận.
Xét nghiệm độ lọc cầu thận được thực hiện như thế nào?
Độ lọc cầu thận là một xét nghiệm máu đơn giản. Người bệnh không cần chuẩn bị bất cứ điều gì trước khi xét nghiệm.
Giống như các xét nghiệm máu khác, xét nghiệm này cũng được thực hiện với mẫu máu nhỏ được lấy từ tĩnh mạch ở cánh tay. Bác sĩ sẽ tính độ lọc cầu thận dựa trên kết quả xét nghiệm kết hợp với các yếu tố sau đây:
- Tuổi tác
- Giới tính
- Chủng tộc
- Chiều cao
- Cân nặng
Ý nghĩa kết quả xét nghiệm
Độ lọc cầu thận đôi khi được gọi là độ lọc cầu thận ước tính (estimated glomerular filtration rate – eGFR) do cần phải thực hiện nhiều phép tính để xác định độ lọc cầu thận. Đó là lý do tại sao độ lọc cầu thận là thước đó gián tiếp mức độ hoạt động của thận.
Độ lọc cầu thận càng thấp thì thận càng bị tổn thương nặng. Bác sĩ có thể dựa trên độ lọc cầu thận để xác định mức độ hay giai đoạn tổn thương thận. Tổn thương thận được chia thành các giai đoạn như sau:
- Giai đoạn 1 (độ lọc cầu thận từ 90 trở lên): chức năng thận mới chỉ bị suy giảm ở mức độ tối thiểu hoặc vẫn bình thường
- Giai đoạn 2 (độ lọc cầu thận từ 60 đến 89): chức năng thận giảm nhẹ
- Giai đoạn 3 (độ lọc cầu thận từ 30 đến 59): chức năng thận giảm nặng hơn
- Giai đoạn 4 (độ lọc cầu thận từ 15 đến 29): chức năng thận giảm nghiêm trọng
- Giai đoạn 5 (độ lọc cầu thận từ 15 trở xuống): suy thận giai đoạn cuối, thận gần như không còn hoạt động
Người bệnh có thể phải làm xét nghiệm nhiều lần trong thời gian vài tháng để xác nhận độ lọc cầu thận và chức năng thận.
Một trong các chỉ số được sử dụng để tính độ lọc cầu thận là nồng độ creatinin trong máu. Một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến mức creatinin và làm sai lệch kết quả xét nghiệm. Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu như đang dùng một trong các loại thuốc sau đây:
- kháng sinh cephalosporin
- kháng sinh aminoglycoside
- flucytosine
- cisplatin
- cimetidine
- trimethoprim
- ibuprofen (nếu người bệnh là người lớn tuổi)
Rủi ro của xét nghiệm độ lọc cầu thận
Xét nghiệm độ lọc cầu thận rất an toàn vì chỉ cần lấy một mẫu máu nhỏ từ cánh tay. Người bệnh có thể sinh hoạt bình thường ngay sau khi lấy máu. Tuy nhiên, vị trí lấy máu có thể sẽ hơi đau hoặc bầm tím. Hãy đi khám ngay nếu vị trí lấy máu bị chảy máu không ngừng, đau dữ dội, sưng đỏ hoặc người bệnh cảm thấy không khỏe sau khi làm xét nghiệm.
Tóm tắt bài viết
Độ lọc cầu thận là một xét nghiệm máu đơn giản cho biết mức độ hoạt động của thận, thường được thực hiện khi người bệnh có triệu chứng bệnh thận hoặc khi cần đánh giá hiệu quả điều trị. Độ lọc cầu thận được tính dựa trên chỉ số creatinin máu và một số yếu tố như tuổi tác, giới tính, chiều cao, cân nặng của người bệnh. Kết quả có được sẽ giúp xác định mức độ tổn thương thận.
Xạ trị không phải là phương pháp điều trị phổ biến cho bệnh ung thư thận. Bác sĩ có thể chỉ định xạ trị khi không còn lựa chọn khác hoặc như một phần trong quá trình chăm sóc giảm nhẹ. Nhưng với các công nghệ mới hiện nay, có thể xạ trị sẽ được sử dụng nhiều hơn trong điều trị ung thư thận.
Bàng quang tăng hoạt là vấn đề rất khó kiểm soát và có ảnh hưởng lớn đến công việc và sinh hoạt thường ngày, dẫn đến suy giảm chất lượng cuộc sống cũng như là tác động tiêu cực đến tâm lý của người mắc phải.
Viêm cầu thận hay viêm thận là một bệnh lý nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng và cần được điều trị ngay lập tức. Có hai loại viêm cầu thận là viêm cầu thận cấp và viêm cầu thận mạn.