Sitagliptin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Thông tin cơ bản về sitagliptin
- Sitagliptin hiện chỉ có phiên bản biệt dược, không có phiên bản thuốc gốc. Biệt dược (tên thương mại): Januvia.
- Sitagliptin có dạng viên nén dùng qua đường uống.
- Sitagliptin được sử dụng để điều trị tình trạng tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao) ở người mắc bệnh tiểu đường type 2.
Cảnh báo quan trọng
Nguy cơ viêm tụy: Sitagliptin có thể làm tăng nguy cơ viêm tụy (viêm tuyến tụy). Tình trạng này có thể nghiêm trọng và đôi khi còn gây tử vong. Trước khi bắt đầu sử dụng loại thuốc này, người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu như có tiền sử:
- viêm tụy
- sỏi mật (sỏi trong túi mật)
- nghiện rượu
- mức triglyceride cao
- vấn đề về thận
Nguy cơ đau khớp: Sitagliptin có thể gây đau khớp nghiêm trọng và thậm chí dẫn đến mất khả năng vận động. Người bệnh phải báo ngay cho bác sĩ nếu bị đau khớp khi dùng loại thuốc này. Bác sĩ sẽ kê một loại thuốc điều trị tiểu đường khác.
Sitagliptin là gì?
Sitagliptin là một loại thuốc kê đơn có dạng viên nén dùng qua đường uống.
Sitagliptin hiện chỉ có phiên bản biệt dược (tên thương mại) là Januvia chứ không có phiên bản thuốc gốc.
Người bệnh tiểu đường có thể cần dùng sitagliptin cùng với các loại thuốc khác.
Công dụng của sitagliptin
Sitagliptin được sử dụng để điều trị tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao) ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Thuốc được sử dụng kết hợp với những thay đổi về lối sống như điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục và không hút thuốc lá để kiểm soát bệnh tiểu đường.
Cơ chế tác dụng của sitagliptin
Sitagliptin thuộc nhóm thuốc ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4). Nhóm thuốc là tập hợp các loại thuốc có cơ chế tác dụng và công dụng tương tự nhau
Trong cơ thể chúng ta có một loại hormone có tên là insulin. Hormone này được tạo ra bởi tuyến tụy, có vai trò giúp đưa đường trong máu vào các tế bào - nơi đường được sử dụng làm năng lượng, nhờ đó insulin giúp điều hòa lượng đường trong máu. Sự sản xuất và giải phóng insulin từ tuyến tụy được kiểm soát bởi hormone incretin. Sitagliptin có tác dụng ngăn hormone incretin bị phân hủy quá nhanh. Điều này giúp cơ thể sử dụng insulin tốt hơn và nhờ đó giữ ổn định lượng đường trong máu ở mức cân bằng.
Tác dụng phụ của Sitagliptin
Sitagliptin không gây buồn ngủ nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ khác.
Tác dụng phụ phổ biến
Một số tác dụng phụ phổ biến của sitagliptin gồm có:
- Đau bụng
- Tiêu chảy
- Suy hô hấp cấp
- Nghẹt mũi hoặc sổ mũi và đau họng
- Đau đầu
Nếu các tác dụng phụ này chỉ ở mức độ nhẹ thì thường sẽ tự hết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Báo ngay cho bác sĩ nếu gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng sitagliptin. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện nếu nhận thấy các triệu chứng có vẻ nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng. Dưới đây là một số tác dụng phụ nghiêm trọng của sitagliptin cùng các triệu chứng:
- Viêm tụy. Các triệu chứng gồm có:
- Đau bụng dữ dội, kéo dài và có thể lan đến lưng
- Nôn
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp).* Các triệu chứng gồm có:
- Đói cồn cào
- Tim đập nhanh
- Cảm giác hồi hộp, lo âu không rõ nguyên do
- Run tay
- Đổ mồ hôi, ớn lạnh
- Chóng mặt, lâng lâng
- Mệt mỏi, buồn ngủ
- Mơ hồ, thiếu tỉnh táo
- Mờ mắt
- Đau đầu
- Cáu gắt
- Mơ thấy ác mộng hoặc chảy nước mắt trong khi ngủ
- Phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:
- Phát ban da
- Nổi mề đay
- Sưng mặt, môi, lưỡi và cổ họng
- Khó thở hoặc khó nuốt
- Vấn đề về thận. Các triệu chứng gồm có:
- Sưng phù bàn chân, mắt cá chân hoặc chân
- Buồn ngủ
- Mệt mỏi
- Đau ngực
- Buồn nôn
- Hụt hơi
- Lượng nước tiểu ít hơn bình thường
- Pemphigoid bọng nước. Các triệu chứng gồm có:
- Nổi các mụn nước lớn trên da
- Da ngứa ngáy
- Lở loét da
* Điều trị hạ đường huyết
Sitagliptin có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu. Tuy nhiên, đôi khi thuốc có thể khiến lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp, tình trạng này gọi là hạ đường huyết. Tình trạng này sẽ gây hại cho sức khỏe nên một khi xảy ra thì sẽ phải điều trị.
Trong trường hợp bị hạ đường huyết nhẹ (đường huyết 55 – 70 mg/dL), người bệnh cần ăn hoặc uống 15 – 20 gram glucose để làm tăng lượng đường trong máu. Có thể ăn hoặc uống một trong những thứ sau:
- 3 - 4 viên nén glucose
- Một ống gel glucose
- Nửa cốc nước trái cây hoặc nước ngọt (loại có đường, không phải loại dành cho người ăn kiêng)
- 1 cốc sữa tách béo hoặc 1% béo
- 1 thìa canh đường, mật ong hoặc siro ngô
- Vài viên kẹo ngọt
Sau đó chờ 15 phút và đo lại đường huyết. Nếu đường huyết vẫn thấp thì tiếp tục lặp lại các bước trên cho đến đường huyết tăng lên tối thiểu là 70 mg/dL.
Khi đường huyết trở về mức bình thường, hãy ăn một thứ gì đó nếu còn hơn 1 tiếng nữa mới đến giờ ăn bữa tiếp theo.
Lưu ý, phản ứng của cơ thể mỗi người với thuốc là không hoàn toàn giống nhau nên tác dụng phụ mà mỗi người gặp phải khi dùng sitagliptin sẽ khác nhau. Không phải ai dùng sitagliptin cũng gặp các tác dụng phụ kể trên và ngoài danh sách này, sitagliptin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ khác. Trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để biết rõ hơn về các tác dụng phụ của thuốc.
Tương tác thuốc
Tương tác thuốc là phản ứng giữa hai loại thuốc với nhau hoặc giữa một loại thuốc với thực phẩm chức năng, thảo dược hay thực phẩm tự nhiên. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến các tác dụng phụ gây hại hoặc làm giảm hiệu quả của thuốc. Để tránh xảy ra tương tác thuốc, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thảo dược hay thực phẩm chức năng mà mình đang dùng để bác sĩ kê thuốc cho phù hợp. Để hiểu rõ về tương tác thuốc của sitagliptin, hãy nói chuyện trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Dưới đây là một số loại thuốc có thể tương tác với sitagliptin.
Thuốc điều trị tiểu đường khác
Khi dùng sitagliptin cùng một số loại thuốc trị tiểu đường khác, lượng đường trong máu có thể giảm xuống mức quá thấp. Do đó, nếu phải dùng nhiều loại thuốc trị tiểu đường cùng lúc, người bệnh cần đo đường huyết thường xuyên hơn. Một số ví dụ về các loại thuốc có thể gây hạ dường huyết khi dùng cùng sitagliptin gồm có:
- insulin
- thuốc nhóm sulfonylurea
- glipizide
- glimepiride
- glyburide
Lưu ý, phản ứng của cơ thể mỗi người với các loại thuốc là khác nhau nên tương tác thuốc trong mỗi trường hợp sẽ không hoàn toàn giống nhau. Không phải lúc nào sitagliptin cũng tương tác với các loại thuốc kể trên và ngoài danh sách này còn có rất nhiều loại thuốc khác có thể tương tác với sitagliptin. Để biết chi tiết về tương tác giữa sitagliptin với các loại thuốc khác hay thực phẩm chức năng, vitamin và thảo dược, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ.
Cảnh báo về sitagliptin
Sitagliptin đi kèm với một số cảnh báo.
Nguy cơ dị ứng
Sitagliptin có thể gây dị ứng ở một số người. Phản ứng dị ứng có thể nhẹ hoặc nặng, tùy cơ thể mỗi người. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm có:
- Phát ban da
- Nổi mề đay
- Sưng mặt, môi, lưỡi và cổ họng
- Khó thở hoặc khó nuốt
Nếu người bệnh có các triệu chứng này khi dùng sitagliptin thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
Không được tiếp tục sử dụng sitagliptin nếu đã từng bị dị ứng. Việc tiếp tục sử dụng thuốc có thể gây tử vong.
Cảnh báo đối với người cóbệnh lý khác
Đối với người bị viêm tụy: Sitagliptin có thể làm tăng nguy cơ viêm tụy. Trong những trường hợp người bệnh đã bị viêm tụy, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc điều trị tiểu đường khác.
- Đối với người có vấn đề về thận: Liều dùng sitagliptin sẽ phụ thuộc vào chức năng thận. Trong những trường hợp có chức năng thận kém, người bệnh sẽ được kê sitagliptin liều thấp hơn để tránh xảy ra tác dụng phụ.
- Đối với người bị nhiễm toan ceton: Không sử dụng sitagliptin để điều trị nhiễm toan ceton – một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường.
Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác
Đối với phụ nữ mang thai: Các nghiên cứu về sitagliptin trên động vật mang thai không cho thấy rủi ro đối với bào thai. Tuy nhiên, hiện chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện trên phụ nữ mang thai nên chưa thể kết luận loại thuốc này có an toàn cho thai nhi hay không.
Cần báo cho bác sĩ nếu người bệnh đang dùng sitagliptin và mang thai hoặc dự định có thai. Nói chung chỉ nên sử dụng sitagliptin trong thời gian mang thai nếu lợi ích lớn hơn rủi ro.
Đối với phụ nữ đang cho con bú: Chưa rõ liệu sitagliptin có đi vào sữa mẹ hay không và nếu có thì thuốc có ảnh hưởng như thế nào đến trẻ sơ sinh bú mẹ.
Người bệnh cần trao đổi với bác sĩ xem có thể dùng sitagliptin khi cho con bú hay không. Nếu vấn tiếp tục dùng thuốc thì người bệnh sẽ cần được theo dõi sát sao để phát hiện các tác dụng phụ của thuốc. Có thể sẽ phải lựa chọn giữa cho con bú và đổi loại thuốc khác hoặc tiếp tục dùng sitagliptin và nuôi con bằng sữa công thức
Đối với người cao tuổi: Khi có tuổi, thận sẽ không còn hoạt động tốt như khi còn trẻ. Điều này có nghĩa là thuốc sẽ tồn tại trong cơ thể lâu hơn và gia tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ. Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm kiểm tra năng thận trước và trong thời gian điều trị bằng sitagliptin để giảm thiểu nguy cơ tác dụng phụ.
Đối với trẻ em: Sitagliptin hiện chưa được chứng minh là an toàn và hiệu quả khi sử dụng cho người dưới 18 tuổi.
Cách sử dụng sitagliptin
Liều dùng và dạng thuốc mà mỗi người bệnh cần sử dụng là khác nhau. Liều dùng, dạng thuốc và tần suất sử dụng thuốc sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Tuổi tác của người bệnh
- Bệnh lý cần điều trị
- Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
- Các bệnh lý khác đang mắc
- Phản ứng của cơ thể với liều đầu tiên
Dạng thuốc và hàm lượng
Biệt dược (tên thương mại): Januvia
- Dạng bào chế: viên nén dùng qua đường uống
- Hàm lượng: 25 mg, 50 mg và 100 mg
Liều dùng để điều trị bệnh tiểu đường type 2
Liều dùng cho người lớn (từ 18 – 64 tuổi)
Liều dùng điển hình: 100 mg uống một lần mỗi ngày.
Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)
Sitagliptin hiện chưa được nghiên cứu ở trẻ em. Không sử dụng thuốc này cho người dưới 18 tuổi.
Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)
Khi có tuổi, chức năng thận sẽ kém đi. Liều dùng sitagliptin sẽ phụ thuộc vào chức năng thận. Người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm đánh giá chức năng thận trước và trong thời gian sử dụng thuốc.
Liều dùng trong những trường hợp đặc biệt
Liều dùng cho người có vấn đề về thận:
- Suy thận nhẹ (độ thanh thải creatinin từ 45 ml/phút trở lên nhưng dưới 90 ml/phút): Không cần thay đổi liều dùng.
- Suy thận vừa (độ thanh thải creatinin từ 30 mL/phút trở lên nhưng dưới 45 mL/phút): liều dùng 50 mg mỗi ngày.
- Suy thận nặng (độ thanh thải creatinin dưới 30 mL/phút): liều dùng 25 mg mỗi ngày.
- Suy thận giai đoạn cuối (phải lọc máu): liều dùng 25 mg mỗi ngày.
Lưu ý, trên đây chỉ là một số liều dùng tham khảo. Người bệnh cần phải dùng thuốc đúng liều mà bác sĩ kê.
Điều gì xảy ra nếu dùng thuốc không theo chỉ định?
Sitagliptin được dùng để điều trị bệnh tiểu đường về lâu dài. Thuốc có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu như không sử dụng đúng theo chỉ định.
- Nếu người bệnh hoàn toàn không dùng thuốc: Các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 sẽ không thuyên giảm hoặc thậm chí còn trở nên nặng hơn.
- Nếu người bệnh ngừng dùng thuốc đột ngột: Nếu tình trạng bệnh có cải thiện trong khi điều trị bằng sitagliptin và người bệnh đột ngột ngừng dùng thuốc, các triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2 có thể quay trở lại.
- Nếu người bệnh dùng thuốc quá liều: Nếu tăng liều dùng lên gấp đôi hoặc thời gian uống hai liều quá gần nhau thì người bệnh sẽ rất dễ gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng như vấn đề về tiêu hóa hoặc hạ đường huyết. Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu lỡ uống sitagliptin quá liều. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
- Nếu quên uống thuốc: Nếu người bệnh quên uống một liều sitagliptin, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu chỉ còn vài giờ nữa là đến lần dùng thuốc tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không được uống gộp liều. Uống thuốc gộp liều sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu mức đường huyết ổn định trong phạm vi mà bác sĩ đưa ra và các triệu chứng của bệnh tiểu đường thuyên giảm thì chứng tỏ thuốc có hiệu quả.
Những điều quan trọng cần lưu ý khi dùng sitagliptin
Thời điểm dùng thuốc
Sitagliptin có thể uống trước hoặc sau khi ăn.
Bảo quản
- Bảo quản sitagliptin ở nhiệt độ phòng từ 20 - 25°C (68 - 77°F). Thuốc cũng có thể được bảo quản trong thời gian ngắn ở nhiệt độ từ 15 - 30°C (59 - 86°F).
- Bảo quản thuốc ở nơi tránh ánh sáng.
- Không để thuốc ở những nơi ẩm ướt như phòng tắm.
Mang theo thuốc khi đi xa
Vì sitagliptin cần được sử dụng hàng ngày nên người bệnh cần mang thuốc theo khi đi xa để việc điều trị không bị gián đoạn.
Lưu ý khi mang theo thuốc khi đi xa:
- Nếu đi máy bay, không được để thuốc trong hành lý ký gửi mà luôn phải để trong hành lý xách tay.
- Tia X trong máy soi chiếu hành lý sẽ không ảnh hưởng đến thuốc.
- Để thuốc trong hộp đựng đi kèm còn nguyên nhãn để đề phòng trường hợp nhân viên an ninh tại sân bay yêu cầu kiểm tra.
- Không để thuốc trong ô tô khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
Tự theo dõi đường huyết
Trong khi dùng sitagliptin, người bệnh sẽ phải theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên. Người bệnh cần mua những dụng cụ sau đây:
- Máy đo đường huyết
- Que thử đường huyết
- Bông và cồn sát trùng
- Kim chích máu ngón tay
- Hộp an toàn đựng vật sắc nhọn để vứt kim đã qua sử dụng
Hỏi bác sĩ về tần suất đo đường huyết khi sử dụng thuốc.
Theo dõi lâm sàng
Trước khi bắt đầu dùng sitagliptin và trong thời gian điều trị, người bệnh có thể sẽ phải xét nghiệm máu định kỳ để kiểm tra:
- lượng đường trong máu
- mức A1C – chỉ số cho biết khả năng kiểm soát lượng đường trong máu trong 2 – 3 tháng gần nhất
- mức cholesterol
- chức năng thận
Chế độ ăn uống
Sitagliptin có thể giúp làm giảm lượng đường trong máu khi kết hợp với những thay đổi về lối sống như điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục, đồng thời không hút thuốc lá. Người bệnh nên thực hiện theo những lời khuyên của bác sĩ về chế độ ăn uống.
Các lựa chọn thay thế sitagliptin
Ngoài sitagliptin còn nhiều loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường khác. Bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên các yếu tố như tuổi tác, tiền sử bệnh và mức độ đáp ứng với thuốc. Người bệnh có thể sẽ phải thử dùng nhiều loại thuốc khác nhau để tìm ra loại thuốc phù hợp nhất.
Metformin là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Metformin có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em.
Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này được sử dụng kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu.
Glimepiride được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 – bệnh lý mãn tính có đặc trưng là đường trong máu cao.
Avandia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn. Thuốc này được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục trong phác đồ điều trị tiểu đường.
Januvia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Giống như nhiều loại thuốc khác, Januvia được kết hợp cùng chế độ ăn kiêng và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh lý này.