1

Acarbose: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Acarbose được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này giúp giảm lượng đường trong máu khi kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục.
Acarbose: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ Acarbose: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Thông tin cơ bản về acarbose

  • Acarbose cả phiên bản thuốc gốc và biệt dược. Biệt dược (tên thương mại): Precose.
  • Acarbose chỉ có dạng viên nén dùng qua đường uống.
  • Acarbose được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2.

Cảnh báo quan trọng

  • Nguy cơ vỡ nang khí thành ruột: Đây là tình trạng hình thành những nang chứa khí trên thành ruột. Vỡ nang khí thành ruột là một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng khi sử dụng acarbose. Các triệu chứng của vỡ nang khí thành ruột gồm có tiêu chảy, ra dịch nhầy, chảy máu trực tràng và táo bón. Người bệnh cần báo ngay cho bác sĩ nếu gặp những triệu chứng này khi sử dụng acarbose.
  1. Nguy cơ phản ứng dị ứng da: Trong một số trường hợp, sử dụng acarbose có thể gây phản ứng dị ứng da. Các triệu chứng gồm có phát ban, đỏ và sưng phù.
  2. Nguy cơ mắc vấn đề về gan: Đôi khi acarbose có thể gây tổn thương gan. Các triệu chứng gồm có vàng da hoặc tròng trắng mắt, bụng chướng to hoặc đau ở vùng bụng trên bên phải.

Acarbose là gì?

Acarbose là một loại thuốc kê đơn có dạng viên nén dùng qua đường uống.

Acarbose có cả phiên bản biệt dược (tên thương mại) là Precose và có cả phiên bản thuốc gốc*. Thuốc gốc thường có giá thấp hơn biệt dược nhưng đôi khi không đa dạng về dạng và mức hàm lượng giống như biệt dược.

(*Khi một loại thuốc mới được phát minh ra, nó sẽ được đăng ký tên thuốc gốc theo danh pháp quốc tế hoặc danh pháp của từng nước cùng với tên biệt dược của nơi tiến hành nghiên cứu. Sau khi được cấp phép lưu hành trên thị trường, biệt dược sẽ được giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của mỗi nước. Sau khi hết hạn độc quyền, các nhà sản xuất khác có thể sản xuất thuốc này với tên thuốc gốc hoặc một tên biệt dược khác.)

Acarbose có thể được sử dụng như một phần của liệu pháp điều trị kết hợp, có nghĩa là người bệnh có thể cần acarbose cùng với các loại thuốc khác.

Công dụng của acarbose

Acarbose được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này giúp giảm lượng đường trong máu khi kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục.

Cơ chế tác dụng của acarbose

Acarbose thuộc nhóm thuốc ức chế alpha-glucosidase. Cơ chế điều trị bệnh tiểu đường của acarbose là cản trở hoạt động của một số enzyme phân hủy thức ăn thành đường. Điều này làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate, nhờ đó giữ cho lượng đường trong máu không tăng quá cao sau khi ăn.

Tác dụng phụ của acarbose

Acarbose không gây buồn ngủ nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ khác.

Tác dụng phụ phổ biến

Các tác dụng phụ phổ biến của acarbose gồm có:

  • Đau bụng
  • Tiêu chảy
  • Đầy hơi

Những tác dụng phụ này thường xảy ra trong vài tuần đầu sử dụng acarbose. Các tác dụng phụ sẽ giảm khi người bệnh tiếp tục dùng thuốc, thường là trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Cần báo ngay cho bác sĩ nếu gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng khi sử dụng acarbose. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện nếu nhận thấy các triệu chứng có vẻ nguy hiểm. Dưới đây là một số tác dụng phụ nghiêm trọng của acarbose cùng các triệu chứng

  • Phản ứng dị ứng da. Các triệu chứng gồm có:
    • Phát ban
    • Đỏ
    • Phù nề
  • Vấn đề về gan. Các triệu chứng gồm có:
    • Tròng trắng mắt hoặc da chuyển màu vàng
    • Bụng chướng to
    • Đau ở vùng bụng trên bên phải
  • Vỡ nang khí thành ruột. Tình trạng hình thành túi chứa khí trên thành ruột. Những túi này có thể bị vỡ và gây ra các vấn đề về đường ruột, chẳng hạn như thủng, tắc hoặc chảy máu. Các triệu chứng vỡ nang khí thành ruột gồm có:
    • Tiêu chảy
    • Dịch nhầy
    • Chảy máu trực tràng
    • Táo bón

Tương tác thuốc

Acarbose có thể tương tác với các loại thuốc khác hoặc thảo dược, vitamin và thực phẩm chức năng mà người bệnh đang dùng. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc trong cơ thể. Điều này có thể khiến thuốc giảm hiệu quả hoặc tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ

Để tránh xảy ra tương tác thuốc, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thảo dược hay thực phẩm chức năng mà mình đang dùng để bác sĩ kê thuốc cho phù hợp. Để hiểu rõ về tương tác thuốc của acarbose, hãy nói chuyện trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ.

Dưới đây là một số loại thuốc có thể tương tác với acarbose.

Thuốc trị tiểu đường khác

Dùng một số loại thuốc trị tiểu đường khác cùng với acarbose có thể khiến cho lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp, tình trạng này gọi là hạ đường huyết. Các dấu hiệu hạ đường huyết gồm có tim đập nhanh, mơ hồ, thiếu tỉnh táo, đói, đổ mồ hôi, tay lạnh, run tay, mệt mỏi, thiếu năng lượng, chóng mặt. Một số ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • Nhóm thuốc sulfonylurea, chẳng hạn như glyburide hoặc glimepiride
  • Insulin

Lưu ý, sử dụng viên nén glucose hoặc dung dịch glucose để điều trị hạ đường huyết khi dùng acarbose. Đường mía (sucrose) không có tác dụng điều trị hạ đường huyết do acarbose. Thay vào đó, người bệnh cần phải sử dụng các sản phẩm glucose (dextrose) đường uống.

Thuốc trị bệnh tuyến giáp

Dùng levothyroxine – một loại thuốc điều trị suy giáp (tuyến giáp hoạt động kém) cùng với acarbose có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Nếu người bệnh phải dùng các loại thuốc này cùng nhau, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng thuốc trị tiểu đường cho phù hợp.

Estrogen và thuốc tránh thai đường uống

Dùng một số loại thuốc nội tiết tố cùng với acarbose có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Nếu người bệnh phải dùng các loại thuốc này cùng nhau, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng thuốc trị tiểu đường cho phù hợp. Một số ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • ethinyl estradiol/norgestimate
  • ethinyl estradiol/levonorgestrel
  • ethinyl estradiol/norethindrone
  • ethinyl estradiol/drospirenone

Thuốc lợi tiểu

Thuốc lợi tiểu có tác dụng làm tăng đào thải nước tiểu và có thể khiến cơ thể mất nước. Dùng acarbose với các loại thuốc này có thể dẫn đến tăng đường huyết (lượng đường trong máu quá cao). Một số ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • Thuốc lợi tiểu thiazid như:
    • hydrochlorothiazide
    • clothalidone
  • Thuốc lợi tiểu quai như:
    • furosemide
    • bumetanide
    • torsemide
    • triamterene

Corticoid

Dùng acarbose cùng với corticoid (corticosteroid) có thể gây tăng đường huyết. Một số ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • hydrocortisone
  • prednisone
  • prednisolone
  • methylprednisolone

Thuốc chống loạn thần

Dùng chlorpromazine (một loại thuốc điều trị một số rối loạn tâm thần) cùng với acarbose có thể khiến lượng đường trong máu tăng quá cao.

Thuốc chống động kinh

Dùng một số loại thuốc chống động kinh cùng với acarbose có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Một số ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • phenytoin
  • fosphenytoin

Axit nicotinic

Dùng niacin cùng với acarbose có thể khiến lượng đường trong máu tăng quá cao.

Thuốc kích thích thần kinh giao cảm

Dùng thuốc kích thích thần kinh giao cảm cùng với acarbose có thể gây tăng đường huyết. Một số ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

pseudoephedrine

phenylephrine

Thuốc điều trị cao huyết áp

Dùng thuốc chẹn beta - một nhóm thuốc điều trị cao huyết áp cùng với acarbose có thể gây tăng đường huyết. Việc sử dụng hai loại thuốc này cùng nhau còn có thể khiến lượng đường trong máu lâu trở về mức bình thường hơn. Thuốc chẹn beta còn có thể khiến người bệnh khó phát hiện các dấu hiệu hạ đường huyết, chẳng hạn như tim đập nhanh, đánh trống ngực và run tay. Một số ví dụ về các loại thuốc này gồm có:

  • metoprolol
  • isoprolol
  • atenolol
  • nadolol
  • propranolol

Thuốc điều trị bệnh lao

Dùng isoniazid – một loại thuốc điều trị bệnh lao cùng với acarbose có thể khiến lượng đường trong máu tăng quá cao.

Thuốc điều trị bệnh tim mạch

Dùng digoxin – một loại thuốc điều trị bệnh tim mạch – cùng với acarbose có thể làm thay đổi nồng độ digoxin trong cơ thể. Nếu người bệnh phải dùng các loại thuốc này cùng nhau, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng digoxin.

Lưu ý, tương tác thuốc xảy ra ở mỗi người là khác nhau. Không phải lúc nào acarbose cũng tương tác với các loại thuốc kể trên và ngoài danh sách này còn có rất nhiều loại thuốc khác có thể tương tác với acarbose. Để biết chi tiết về tương tác giữa acarbose với các loại thuốc khác hay thực phẩm chức năng, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ.

Cảnh báo về acarbose

Acarbose đi kèm một số cảnh báo.

Nguy cơ dị ứng

Acarbose có thể gây phản ứng dị ứng ở một số người dùng, đôi khi là phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:

  • Sưng đỏ da
  • Phát ban
  • Ngứa
  • Nổi mề đay
  • Sốt
  • Khó thở hoặc tức ngực
  • Phồng rộp hoặc bong tróc da
  • Sưng miệng, mặt, môi, lưỡi hoặc cổ họng

Gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất nếu người bệnh gặp các triệu chứng này khi sử dụng acarbose.

Tuyệt đối không được tiếp tục sử dụng acarbose nếu đã từng bị dị ứng với thuốc hay bất kỳ thành phần nào của thuốc. Việc tiếp tục dùng thuốc khi đã có tiền sử dị ứng có thể gây tử vong.

Tương tác với đồ uống có cồn

Rượu bia có thể ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Uống rượu bia vừa có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết và vừa có thể làm tăng lượng đường trong máu do có chứa carbohydrate. Không nên uống rượu bia khi đang sử dụng acarbose.

Cảnh báo đối với người có một số bệnh lý nhất định

  • Đối với người bị nhiễm toan ceton: Không dùng acarbose khi bị nhiễm toan ceton – tình trạng nồng độ đường và ceton trong máu tăng quá cao. Nhiễm toan ceton là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, có thể gây hôn mê và thậm chí tử vong. Các triệu chứng của nhiễm toan ceton thường phát triển chậm, gồm có khô miệng hoặc rất khát nước, mức đường huyết cao, nhức đầu, buồn nôn và đi tiểu nhiều lần. Nếu người bệnh bị nôn và nghi ngờ mình bị nhiễm toan ceton thì hãy đến bệnh viện ngay lập tức. Tình trạng này có thể gây nguy hiểm đến tính mạng chỉ chỉ trong vòng vài giờ sau khi bắt đầu có triệu chứng nôn.
  • Đối với người bị xơ gan hoặc các bệnh gan khác: Không dùng acarbose nếu người bệnh bị xơ gan hoặc mắc bệnh gan nặng. Dùng acarbose có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
  • Đối với người mắc bệnh đường ruột: Nếu người bệnh mắc một số bệnh đường ruột, chẳng hạn như viêm ruột, viêm loét đại tràng, tắc ruột một phần hoặc dễ bị tắc ruột thì không nên dùng acarbose. Sử dụng acarbose trong những trường hợp này có thể khiến cho tình trạng bệnh trở nên trầm trọng hơn.
  • Đối với người dùng insulin hoặc sulfonylurea: Dùng acarbose cùng với các loại thuốc trị tiểu đường này sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Các dấu hiệu hạ đường huyết gồm có tim đập nhanh, thiếu tỉnh táo, đói, đổ mồ hôi, run tay, uể oải, buồn ngủ và chóng mặt. Sử dụng viên nén glucose hoặc dung dịch glucose để điều trị hạ đường huyết khi dùng acarbose. Đường mía (sucrose) không có tác dụng điều trị hạ đường huyết do acarbose. Thay vào đó, người bệnh cần phải sử dụng các sản phẩm glucose (dextrose) đường uống.

Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác

Đối với phụ nữ mang thai: Cơ quan kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra một hệ thống phân loại thuốc dựa trên mức độ an toàn cho thai kỳ. Theo đó, các loại thuốc được chia thành 5 nhóm là A, B, C, D và X. Acarbose được xếp vào nhóm B, có nghĩa là:

Các nghiên cứu về thuốc trên động vật mang thai không cho thấy rủi ro đối với bào thai.

Chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện trên phụ nữ mang thai để kết luận tác động của thuốc đến thai nhi.

Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu đang mang thai hoặc dự định có thai. Chỉ nên sử dụng acarbose trong thời kỳ mang thai nếu lợi ích lớn hơn rủi ro.

  • Đối với phụ nữ đang cho con bú: Nghiên cứu trên chuột đã phát hiện thấy một lượng nhỏ acarbose trong sữa của chuột nhưng chưa rõ liệu acarbose có đi vào sữa mẹ hay không. Người bệnh nên trao đổi với bác sĩ và quyết định xem nên đổi sang loại thuốc khác để nuôi con bằng sữa mẹ hay tiếp tục dùng thuốc và nuôi con bằng sữa công thức.
  • Đối với trẻ em: Acarbose chưa được chứng minh tính an toàn và hiệu quả ở người dưới 18 tuổi.

Cách sử dụng acarbose

Dưới đây chỉ nêu một số liều dùng và dạng thuốc phổ biến. Ngoài ra còn có thể có các liều dùng và dạng thuốc khác. Liều dùng, dạng thuốc và tần suất dùng thuốc sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:

  • Tuổi tác của người bệnh
  • Bệnh lý cần điều trị
  • Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
  • Các bệnh lý khác đang mắc
  • Phản ứng của cơ thể người bệnh với liều đầu tiên

Liều dùng để điều trị bệnh tiểu đường type 2

  • Thuốc gốc: acarbose
    • Dạng: viên nén dùng qua đường uống
    • Hàm lượng: 25 mg, 50 mg và 100 mg
  • Biệt dược: Precose
    • Dạng: viên nén dùng qua đường uống
    • Hàm lượng: 25 mg, 50 mg và 100 mg

Liều dùng cho người lớn (từ 18 tuổi trở lên)

  • Liều khởi đầu điển hình: 25 mg uống ba lần mỗi ngày. Uống thuốc ngay khi bắt đầu ăn.
  • Tăng liều dùng: Liều dùng thuốc có thể tăng lên tới 100 mg, uống ba lần mỗi ngày vào đầu các bữa ăn.

Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)

Liều dùng an toàn và hiệu quả cho trẻ em hiện chưa được nghiên cứu và xác định.

Liều dùng trong những trường hợp đặc biệt

  • Liều dùng cho người nặng từ 60kg trở xuống: Những người nặng từ 60kg trở xuống có nguy cơ bị tăng men gan khi dùng acarbose. Liều tối đa là 50 mg uống ba lần mỗi ngày vào đầu các bữa ăn.
  • Đối với người có chức năng thận kém: Nếu người bệnh có chức năng thận quá kém, bác sĩ sẽ không kê acarbose mà thay bằng các loại trị tiểu đường khác.

Điều gì xảy ra nếu dùng thuốc không theo chỉ định?

Acarbose được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường về lâu dài. Thuốc có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu không sử dụng đúng theo chỉ định.

  • Nếu người bệnh ngừng dùng thuốc hoặc hoàn toàn không dùng thuốc: Nếu người bệnh không dùng acarbose theo chỉ định của bác sĩ thì sẽ không thể kiểm soát được lượng đường trong máu. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường như tổn thương thần kinh, bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ, vấn đề về mắt và suy thận.
  • Nếu người bệnh quên uống thuốc hoặc uống thuốc không đúng thời điểm: Thuốc có thể giảm hiệu quả hoặc thậm chí hoàn toàn không hiệu quả. Cơ thể luôn phải có lượng thuốc ổn định thì thuốc mới phát huy hiệu quả tốt.
  • Cần làm gì nếu quên uống thuốc? Nếu người bệnh quên uống acarbose vào đầu bữa ăn và đang ăn mới nhớ ra thì hãy uống thuốc ngay. Nếu như ăn xong mới nhớ ra thì hãy bỏ qua liều đã quên. Acarbose chỉ có tác dụng khi uống trong bữa ăn. Sau khi bỏ qua một liều, hãy dùng thuốc như bình thường vào bữa tiếp theo. Không được uống gộp liều. Điều này có thể dẫn đến tác dụng phụ nguy hiểm.
  • Nếu dùng thuốc quá liều: Dùng thuốc quá liều sẽ khiến nồng độ thuốc trong máu tăng quá cao và có thể gây ra các vấn đề như:
    • Tiêu chảy
    • Đau bụng
    • Đầy hơi

Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu lỡ uống acarbose quá liều. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

  • Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu mức đường huyết giảm thì chứng tỏ thuốc có hiệu quả. Người bệnh có thể tự kiểm tra mức đường huyết tại nhà bằng máy đo đường huyết sau khi ăn 1 tiếng.

Lưu ý khi dùng acarbose

Thời điểm và cách sử dụng thuốc

Uống thuốc vào đầu ba bữa ăn chính trong ngày. Acarbose chỉ có tác dụng khi dạ dày có thức ăn.

Không bẻ, nghiền hay nhai thuốc mà phải uống cả viên. Nghiền thuốc trước khi uống có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ về tiêu hoa như đầy hơi, chướng bụng hoặc đau bụng.

Bảo quản

  • Bảo quản acarbose ở nhiệt độ phòng dưới 25ºC (77°F), tránh nơi có nhiệt độ cao.
  • Không bảo quản thuốc trong ngăn đông tủ lạnh.
  • Đậy chặt nắp lọ thuốc sau mỗi lần lấy.
  • Không để thuốc ở những nơi ẩm ướt như phòng tắm.

Mang theo thuốc khi đi xa

  • Vì acarbose cần được sử dụng hàng ngày nên người bệnh phải mang thuốc theo khi đi xa để việc điều trị không bị gián đoạn.
  • Nếu đi máy bay, không được để thuốc trong hành lý ký gửi mà luôn phải để trong hành lý xách tay.
  • Tia X trong máy soi chiếu hành lý sẽ không ảnh hưởng đến thuốc.
  • Để thuốc trong hộp đựng gốc còn nguyên nhãn để đề phòng trường hợp nhân viên an ninh tại sân bay yêu cầu kiểm tra.
  • Không để thuốc trong ô tô khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.

Theo dõi lâm sàng

  • Xét nghiệm đường huyết: Người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm đường huyết thường xuyên để theo dõi hiệu quả của acarbose. Người bệnh cũng có thể tự đo đường huyết tại nhà.
  • Xét nghiệm chức năng gan: Trước và trong thời gian điều trị bằng acarbose, người bệnh cần làm xét nghiệm máu kiểm tra chức năng gan để theo dõi xem chức năng gan có thay đổi hay không. Nếu chức năng gan kém đi trong quá trình điều trị thì bác sĩ sẽ yêu cầu ngừng thuốc và kê loại thuốc khác.

Chế độ ăn uống

Thực hiện đúng theo lời khuyên của bác sĩ về chế độ ăn uống. Nếu không, người bệnh có thể sẽ gặp phải nhiều tác dụng phụ về tiêu hóa trong thời gian dùng acarbose.

Các lựa chọn thay thế acarboe

Ngoài acarboe còn nhiều loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường khác. Bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên các yếu tố như tuổi tác, tiền sử bệnh và mức độ đáp ứng với thuốc. Người bệnh có thể sẽ phải thử dùng nhiều loại thuốc khác nhau để tìm ra loại thuốc phù hợp nhất.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Metformin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Metformin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Metformin là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Metformin có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em.

Actos (pioglitazone): Công dụng, liều dùng, cách sử dụng và tác dụng phụ
Actos (pioglitazone): Công dụng, liều dùng, cách sử dụng và tác dụng phụ

Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này được sử dụng kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu.

Glimepiride: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Glimepiride: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Glimepiride được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 – bệnh lý mãn tính có đặc trưng là đường trong máu cao.

Avandia (rosiglitazone): Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Avandia (rosiglitazone): Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Avandia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn. Thuốc này được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục trong phác đồ điều trị tiểu đường.

Januvia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Januvia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Januvia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Giống như nhiều loại thuốc khác, Januvia được kết hợp cùng chế độ ăn kiêng và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh lý này.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây