Januvia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Januvia là gì?
Januvia là một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường type 2.
Loại thuốc này được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn bị tiểu đường type 2. Tiểu đường là bệnh lý có đặc trưng là lượng đường trong máu quá cao.
Januvia không phù hợp cho những người mắc bệnh tiểu đường type 1 và những người có tiền sử viêm tụy.
Thông tin cơ bản về Januvia
Januvia chứa hoạt chất sitagliptin, có dạng viên nén dùng qua đường uống.
Januvia là một loại biệt dược, không có dạng thuốc gốc.
Khi một loại thuốc mới được phát minh ra, nó sẽ được đăng ký tên thuốc gốc theo danh pháp quốc tế hoặc danh pháp của từng nước cùng với tên biệt dược của nơi tiến hành nghiên cứu. Sau khi được cấp phép lưu hành trên thị trường, biệt dược sẽ được giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của mỗi nước. Sau khi hết hạn độc quyền, các nhà sản xuất khác có thể sản xuất thuốc này với tên thuốc gốc hoặc một tên biệt dược khác.
Cùng tìm hiểu về công dụng, liều dùng, tác dụng phụ và cách sử dụng Januvia.
Tác dụng phụ của Januvia
Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Januvia cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Dưới đây là những tác dụng phụ phổ biến của Januvia. Ngoài ra còn có những tác dụng phụ khác.
Nguy cơ, loại và mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Tuổi tác
- Các bệnh lý khác đang mắc
- Các loại thuốc khác đang dùng
Để biết thêm thông tin chi tiết về tác dụng phụ, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ hoặc đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Bác sĩ và dược sĩ cũng sẽ cho biết cách khắc phục các tác dụng phụ.
Tác dụng phụ nhẹ
Dưới đây là danh sách một số tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo của Januvia.
- Nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường hoặc viêm xoang
- Đau đầu
- Đau bụng*
- Tiêu chảy*
- Hạ đường huyết nhẹ (lượng đường trong máu thấp)* xem phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới để biết chi tiết
Tác dụng phụ nhẹ của nhiều loại thuốc thường tự hết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ chúng gây khó chịu hoặc kéo dài thì hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
* Tác dụng phụ này đã được báo cáo khi Januvia được sử dụng cùng một số loại thuốc điều trị tiểu đường khác.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Januvia có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng không phổ biến. Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng thuốc, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức. Nếu cảm thấy vấn đề có thể gây nguy hiểm thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Januvia gồm có:
- Phù nề, đặc biệt là ở bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân
- Suy tim
- Pemphigoid bọng nước (tình trạng da nổi mụn nước hoặc vết loét)
- Viêm tụy (viêm tuyến tụy)*
- Hạ đường huyết nghiêm trọng (lượng đường trong máu rất thấp),* tác dụng phụ này xảy ra khi januvia được sử dụng cùng các loại thuốc điều trị tiểu đường khác
- Đau khớp nghiêm trọng và mất khả năng vận động*
- Dị ứng*
* Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
Chi tiết tác dụng phụ
Thông tin chi tiết về một số tác dụng phụ của Januvia.
Viêm tụy
Januvia có thể gây viêm tụy nặng.
Một trong các triệu chứng của viêm tụy là đau nhói ở bụng trên và cơn đau lan ra sau lưng. Viêm tụy còn có thể gây buồn nôn và nôn.
Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng viêm tụy khi dùng Januvia.
Nếu bị viêm tụy, người bệnh sẽ phải ngừng dùng Januvia nhưng không được tự ý ngừng thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Để điều trị viêm tụy, người bệnh sẽ phải truyền dịch qua tĩnh mạch.
Hạ đường huyết
Januvia có thể gây hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp).
Nếu đang dùng Januvia cùng với insulin hoặc các loại thuốc kích thích tuyến tụy tiết insulin thì nguy cơ hạ đường huyết sẽ càng cao. (Insulin giúp giảm lượng đường trong máu.) Các loại thuốc trị tiểu đường có tác dụng làm tăng sự tiết insulin gồm có các loại thuốc nhóm sulfonylurea như glyburide (Glynase) và glimepiride (Amaryl).
Các triệu chứng hạ đường huyết gồm có:
- Run tay
- Hồi hộp, lo âu
- Đổ mồ hôi và ớn lạnh
- Tâm trạng thay đổi thất thường, cáu gắt
- Mơ hồ, chóng mặt, lâng lâng
- Tim đập nhanh
- Đói cồn cào
- Buồn nôn
- Da nhợt nhạt
- Buồn ngủ, uể oải
- Mờ mắt
- Châm chích hoặc tê ở môi, lưỡi hoặc má
- Nhức đầu
- Mất thăng bằng, đi lại không vững
- Mơ thấy ác mộng (nếu hạ đường huyết xảy ra trong khi ngủ)
- Co giật
Nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy kiểm tra lượng đường trong máu bằng máy đo đường huyết xem có đúng là bị hạ đường huyết hay không.
Trong những trường hợp dùng kết hợp cả insulin hoặc các loại thuốc làm tăng tiết insulin khác cùng với Januvia, bác sĩ có thể sẽ đề nghị giảm liều. Người bệnh không được tự ý giảm liều bất kỳ loại thuốc nào hay thay đổi cách sử dụng mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Để tránh bị hạ đường huyết khi dùng Januvia, người bệnh nên đo đường huyết thường xuyên. Tần suất cần đo đường huyết sẽ tùy thuộc vào một số yếu tố, chẳng hạn như các loại thuốc trị tiểu đường khác đang dùng và đã từng bị hạ đường huyết hay chưa. Bác sĩ sẽ cho biết tần suất đo đường huyết phù hợp.
Khi bị hạ đường huyết, người bệnh có thể tăng lượng đường trong máu bằng cách ăn một thứ gì đó có chứa đường. Quy tắc 15-15 là một cách hiệu quả để đưa lượng đường trong máu trở lại phạm vi an toàn khi bị hạ đường huyết. Cách thực hiện quy tắc này như sau: Ăn 15 gram đường, sau đó chờ 15 phút rồi đo lại đường huyết. Nếu đường huyết vẫn quá thấp thì ăn thêm 15 gram đường nữa và lặp lại các bước như trên.
Một số loại đồ ăn, thức uống cung cấp 15g đường:
- Khoảng nửa cốc nước ép trái cây hoặc nước ngọt có đường
- 01 muỗng canh đường, mật ong hoặc siro ngô
- Kẹo cứng hoặc kẹo dẻo có đường
- Viên nén glucose
Có thể hỏi bác sĩ về cách hiệu quả nhất để tăng lượng đường trong máu khi bị hạ đường huyết. Người bệnh nên chuẩn bị sẵn đồ ăn, đồ uống có chứa đường để có thể nhanh chóng điều trị hạ đường huyết.
Đau khớp
Januvia có thể gây đau khớp nghiêm trọng và ảnh hưởng đến khả năng vận động. Tình trạng đau khớp có thể bắt đầu ngay sau liều Januvia đầu tiên hoặc sau khi dùng thuốc được vài năm mới xảy ra.
Các loại thuốc cùng nhóm với Januvia cũng có thể gây đau khớp, ví dụ như saxagliptin (Onglyza) và linagliptin (Tradjenta).
Nếu bị đau khớp khi dùng Januvia, hãy báo ngay cho bác sĩ. Đây có thể là một tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc.
Nếu nguyên nhân đúng là do Januvia thì người bệnh sẽ phải ngừng thuốc.
Tình trạng đau khớp sẽ tự hết sau khi ngừng thuốc. Tuy nhiên, không được tự ý ngừng dùng Januvia mà không hỏi ý kiến bác sĩ trước.
Khi tiếp tục dùng Januvia hoặc một loại thuốc khác trong cùng nhóm, tác dụng phụ này sẽ quay trở lại.
Dị ứng
Januvia có thể gây dị ứng ở một số người.
Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ gồm có:
- Phát ban da
- ngứa ngáy
- Da đỏ, có cảm giác nóng ấm
- Nổi mề đay
Mặc dù hiếm nhưng Januvia cũng có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có sưng tấy dưới da, thường là ở mặt, mí mắt, môi, bàn tay hoặc bàn chân. Phản ứng dị ứng nghiêm trọng còn có thể gây sưng lưỡi, miệng hoặc cổ họng, dẫn đến khó thở.
Báo ngay cho bác sĩ nếu có triệu chứng dị ứng khi dùng Januvia. Nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng và cảm thấy tình trạng có thể gây nguy hiểm thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
Liều dùng Januvia
Liều dùng thuốc trong mỗi ca bệnh là khác nhau. Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp cho mỗi người bệnh.
Dưới đây là liều dùng thường được sử dụng của Januvia nhưng hãy dùng đúng liều mà bác sĩ kê.
Dạng thuốc và hàm lượng
Januvia có dạng viên nén dùng qua đường uống.
Thuốc có 3 mức hàm lượng là 100 miligram (mg), 50mg và 25mg.
Liều dùng khuyến nghị
Uống Januvia một lần mỗi ngày. Liều dùng mỗi lần sẽ tùy thuộc vào chỉ định của bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho biết liều khuyến nghị hàng ngày và liều dùng tối đa.
Đối với những người bị bệnh thận, bác sĩ sẽ kê Januvia liều thấp hơn bình thường.
Câu hỏi về liều dùng Januvia
Dưới đây là các câu hỏi phổ biến về liều dùng Januvia.
- Cần làm gì nếu lỡ quên uống thuốc? Nếu lỡ quên uống thuốc Januvia, hãy uống ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu khi nhớ ra đã gần đến lúc uống liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không được uống gộp liều để bù lại liều đã quên.
- Có cần sử dụng Januvia lâu dài không? Tiểu đường type 2 là một bệnh lý mãn tính, có nghĩa là kéo dài và không có cách chữa trị khỏi hoàn toàn. Do đó, người bệnh sẽ phải dùng các loại thuốc như Januvia lâu dài để kiểm soát lượng đường trong máu. Tuy nhiên, tùy thuộc vào sự tiến triển của bệnh tiểu đường theo thời gian mà bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh liều dùng hoặc đề nghị chuyển sang các loại thuốc khác.
- Januvia mất bao lâu để phát huy tác dụng? Januvia ngăn cản hoạt động của một loại protein trong cơ thể và loại thuốc này phát huy tác dụng nhanh chóng ngay sau khi uống. Tuy nhiên phải dùng thuốc đều đặn trong vài tháng thì mức đường huyết mới có sự cải thiện rõ rệt. Trong các nghiên cứu, một số người đã nhận thấy sự cải thiện về mức đường huyết sau 18 tuần dùng Januvia.
Công dụng của Januvia
Januvia được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Giống như nhiều loại thuốc khác, Januvia được kết hợp cùng chế độ ăn kiêng và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh lý này.
Bệnh tiểu đường type 2 có đặc trưng là lượng đường trong máu quá cao. Điều này là do cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả. (Insulin là loại hormone được tuyến tụy tạo ra, giúp vận chuyển đường từ máu vào các tế bào để tạo năng lượng, nhờ đó làm giảm và điều hòa lượng đường trong máu.)
Januvia ngăn cản một loại protein làm bất hoạt hormone incretin trong cơ thể. Hormone incretin giúp kiểm soát lượng đường trong máu bằng cách kích thích tuyến tụy tạo ra và giải phóng insulin. Bằng cách ngăn cản hoạt động của protein, hormone incretin sẽ có thể thực hiện chức năng kiểm soát đường huyết hiệu quả hơn.
Lưu ý, không dùng Januvia để điều trị bệnh tiểu đường type 1. Ngoài ra, loại thuốc này cũng không dành cho những bệnh nhân tiểu đường bị viêm tụy (viêm tuyến tụy) vì chưa có đủ bằng chứng chứng minh tính an toàn của Januvia khi dùng cho những người bị viêm tụy. Vui lòng đọc phần “Tác dụng phụ của Januvia” ở bên trên để biết thêm thông tin về nguy cơ viêm tụy khi dùng Januvia.
Một số câu hỏi thường gặp về Januvia
Dưới đây là câu trả lời cho một số câu hỏi thường gặp về Januvia.
Januvia có giống với các loại thuốc trị tiểu đường khác như Jardiance, Trulicity hoặc glipizide không?
Jardiance, Trulicity và glipizide đều là những loại thuốc được dùng để điều trị bệnh tiểu đường. Mỗi loại thuộc một nhóm thuốc khác nhau và có cơ chế tác dụng khác với Januvia.
Một số loại thuốc điều trị tiểu đường còn có thêm những lợi ích khác ngoài kiểm soát lượng đường trong máu. Ví dụ, một số loại thuốc có thể giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở người bệnh tiểu đường. Nhưng Januvia không nằm trong số đó. Ví dụ về các loại thuốc trị tiểu đường có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch gồm có:
- Jardiance (empagliflozin)
- Farxiga (dapagliflozin)
- Invokana (canagliflozin)
Giống như Januvia, glipizide cũng kích thích tuyến tụy tiết ra hormone insulin để làm giảm lượng đường trong máu. Glipizide nằm trong cùng một nhóm thuốc với glyburide (Glynase) và glimepiride (Amaryl).
Khác với Januvia có dạng viên nén dùng qua đường uống, Victoza và Trulicity có dạng dung dịch tiêm. Nhưng giống như Januvia, các loại thuốc này cũng được dùng để điều trị bệnh tiểu đường.
Tất cả các loại thuốc nêu trên đều chỉ được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 và không dành cho bệnh tiểu đường type 1.
Đôi khi Januvia được kết hợp cùng metformin. Tùy thuộc vào liều dùng của từng loại thuốc mà người bệnh có thể sẽ được kê thêm Janumet. Đây là một loại thuốc kết hợp chứa cả sitagliptin (hoạt chất trong Januvia) và metformin.
Cơ chế tác dụng của Januvia
Januvia thuộc nhóm thuốc thuốc ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4).
DPP-4 là một loại protein ngăn cản hoạt động của hormone incretin. Hormone incretin giúp kiểm soát lượng đường trong máu. Khi chúng ta ăn uống, đường tiêu hóa tiết ra incretin. Hormone này tác động đến tuyến tụy, kích thích tuyến tụy tạo ra và giải phóng insulin. Insulin giúp các tế bào hấp thụ đường trong máu để tạo năng lượng hoặc dự trữ để dùng sau này, nhờ đó làm giảm lượng đường trong máu.
Bằng cách ức chế DPP-4, Januvia giúp cơ thể có nhiều hormone incretin hơn để kiểm soát lượng đường trong máu. Đây là cơ chế tác dụng của Januvia.
Januvia có tác dụng giảm cân không?
Januvia không phải một loại thuốc giảm cân. Loại thuốc này được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống và tập thể dục để điều trị bệnh tiểu đường type 2.
Giống như Januvia, chế độ ăn uống và tập thể dục cũng giúp kiểm soát lượng đường trong máu.
Đặc trưng của bệnh tiểu đường type 2 là lượng đường trong máu cao. Nguyên nhân gây bệnh thường là do yếu tố về lối sống và chế độ ăn. Duy trì thói quen tập thể dục đều đặn và ăn uống lành mạnh trong khi dùng Januvia sẽ giúp kiểm soát cân nặng. Vì vậy, có thể người bệnh sẽ nhận thấy những thay đổi về cân nặng trong quá trình điều trị.
Januvia có gây ung thư, chẳng hạn như ung thư tuyến tụy không?
Chưa rõ liệu Januvia có gây ung thư hay không.
Một nghiên cứu cho thấy việc dùng Januvia liều cao có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ ung thư tuyến tụy. Các nhà nghiên cứu khuyến nghị liều dùng Januvia không nên vượt quá 100 miligram (mg). Tuy nhiên, cần có thêm bằng chứng để xác nhận khuyến nghị này.
Một nghiên cứu khác cho thấy rằng một số người có nguy cơ mắc ung thư tuyến giáp cao hơn khi dùng Januvia. Nhưng cũng cần có thêm bằng chứng để chứng minh điều này.
Theo một nghiên cứu khác, Januvia có thể làm giảm nguy cơ ung thư vú ở những người mắc bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, phát hiện này cũng cần được nghiên cứu thêm.
Nếu lo lắng về nguy cơ ung thư khi dùng Januvia, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Januvia có gây tăng cân, rụng tóc hoặc rối loạn cương dương không?
Cả ba đều không phải là tác dụng phụ của Januvia.
Januvia không ảnh hưởng đến cân nặng. Nhưng Januvia nên được kết hợp cùng với chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen tập thể dục để kiểm soát tốt mức đường huyết. Và những biện pháp này có thể dẫn đến thay đổi về cân nặng.
Rụng tóc không phải là tác dụng phụ được báo cáo của Januvia. Tuy nhiên, rụng tóc có thể là một triệu chứng của bệnh tiểu đường type 2. Cần có thêm nghiên cứu để xác nhận mối liên hệ giữa lượng đường trong máu cao và tình trạng rụng tóc.
Rối loạn cương dương cũng không phải một tác dụng phụ được báo cáo của Januvia. Tuy nhiên, tình trạng này có thể xảy ra nếu như bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt.
Januvia có điều trị được bệnh tiểu đường type 1 không?
Januvia không phải thuốc điều trị tiểu đường type 1.
Januvia chỉ được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Để biết rõ hơn về chỉ định của thuốc, vui lòng đọc phần “Công dụng của Januvia?” bên trên.
Bệnh tiểu đường type 1 xảy ra do các tế bào sản xuất insulin của tuyến tụy bị chính hệ miễn dịch tấn công, khiến cho cơ thể không có đủ hoặc hoàn toàn không có insulin. Do đó, người mắc bệnh tiểu đường type 1 cần phải sử dụng insulin hàng ngày để kiểm soát lượng đường trong máu. Januvia không phải là thuốc insulin.
Cách dùng Januvia
Bác sĩ sẽ hướng dẫn cách dùng Januvia khi kê thuốc, gồm có liều dùng và thời điểm dùng trong ngày. Hãy dùng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Đường dùng thuốc
Januvia có dạng viên nén dùng qua đường uống.
Dùng Januvia cùng các loại thuốc khác
Januvia được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Đôi khi người bệnh phải dùng nhiều loại thuốc khác nhau để kiểm soát tình trạng bệnh một cách hiệu quả.
Một số loại thuốc khác có thể được kê cùng Januvia gồm có:
- metformin
- insulin
- empagliflozin (Jardiance)
- dapagliflozin (Farxiga)
- dulaglutide (Trulicity)
- semaglutua (Ozempic)
- liraglutide (Victoza)
- glyburide (Glynase)
- glimepirid (Amaryl)
- pioglitazon (Actos)
- rosiglitazone (Avandia)
Tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi dùng thêm bất kỳ loại thuốc nào.
Một số câu hỏi về việc dùng Januvia
- Có thể bẻ nhỏ, nghiền hoặc nhai Januvia không? Không nên bẻ nhỏ, nghiền hoặc nhai viên nén Januvia mà phải uống cả viên thuốc để tránh làm thay đổi tác dụng của thuốc khi vào cơ thể.
- Uống Januvia trước hay sau ăn? Có thể uống Januvia trước hoặc sau ăn đều được. Nhưng thời điểm uống thuốc sẽ ảnh hưởng đến lượng thuốc mà cơ thể hấp thụ. Để duy trì lượng Januvia ổn định trong cơ thể, hãy uống uống vào cùng một thời điểm mỗi ngày.
Januvia và Tradjenta
Tradjenta cũng là một loại thuốc điều trị tiểu đường type 2 nhưng hai loại thuốc này có chứa hoạt chất khác nhau. Januvia chứa hoạt chất sitagliptin còn Tradjenta chứa hoạt chất linagliptin.
Januvia và Tradjenta có cơ chế tác dụng giống nhau và thuộc cùng một nhóm thuốc trị tiểu đường.
Januvia có dạng viên nén với 3 mức hàm lượng là 25mg, 50mg và 100mg. Januvia thường được kê với liều 100 mg, dùng một lần mỗi ngày. Tradjenta cũng dạng viên nén dùng qua đường uống nhưng chỉ có một mức hàm lượng duy nhất là 5 mg. Liều dùng khuyến nghị của Tradjenta là 5 mg, uống một lần mỗi ngày. Cả Januvia và Tradjenta đều có thể uống trước hoặc sau ăn.
Januvia và metformin
Metformin là một hoạt chất và cũng là tên thuốc gốc. Januvia là biệt dược có chứa hoạt chất sitagliptin.
Januvia thuộc nhóm thuốc ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4) trong khi metformin thuộc nhóm thuốc biguanide.
Cả Januvia và metformin đều có dạng viên nén nhưng ngoài ra metformin còn có dạng lỏng. Januvia được uống một lần mỗi ngày. Metformin có thể được uống từ 1 đến 3 lần mỗi ngày, tùy thuộc vào liều dùng.
Metformin là một trong những loại thuốc điều trị tiểu đường type 2 được sử dụng phổ biến nhất. Nhưng metformin có cơ chế tác dụng khác với Januvia.
Đôi khi, bác sĩ kê cả metformin và Januvia để kiểm soát bệnh tiểu đường. Tùy thuộc vào liều dùng của từng loại thuốc mà bác sĩ có thể kê thêm thuốc kết hợp Janumet. Loại thuốc này có chứa cả metformin và sitagliptin.
Lưu ý trước khi dùng Januvia
Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe tổng thể và các bệnh lý khác đang mắc. Ngoài ra cần liệt kê tất cả các loại thuốc đang dùng. Đây là điều này rất quan trọng vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến Januvia.
Tương tác thuốc
Tương tác thuốc là phản ứng xảy ra giữa hai loại thuốc hoặc giữa một loại thuốc với thảo dược, thực phẩm chức năng hay thực phẩm tự nhiên. Tương tác thuốc có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc gây ra tác dụng phụ.
Trước khi dùng Januvia, hãy nhớ cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn cũng như vitamin, thảo dược và thực phẩm chức năng để xem có sản phẩm nào có thể tương tác với Januvia hay không.
Tương tác với thuốc và thực phẩm chức năng
Januvia có thể tương tác với một số loại thuốc, chẳng hạn như:
- Thuốc điều trị tiểu đường:
- glyburide (Glynase)
- glimepirid (Amaryl)
- Insulin
Trên đây chỉ là một vài ví dụ. Ngoài ra, Januvia có thể tương tác với nhiều thuốc khác. Do đó, điều quan trọng là phải liệt kê đầy đủ các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng cho bác sĩ để tránh xảy ra vấn đề không mong muốn.
Cảnh báo
Januvia không phù hợp với người đang mắc một số bệnh lý hay có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử trước khi dùng Januvia. Những yếu tố cần cân nhắc trước khi dùng Januvia gồm có:
- Suy tim: Những người có vấn đề về tim không nên dùng Januvia vì loại thuốc này có thể gây ra hoặc làm nặng thêm bệnh suy tim. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ chỉ kê Januvia nếu như lợi ích lớn hơn rủi ro. Trong thời gian dùng Januvia, người bệnh cần tái khám định kỳ để kiểm tra chức năng tim. Các triệu chứng suy tim gồm có phù bàn chân, mắt cá chân hoặc cẳng chân, thay đổi cân nặng và khó thở.
- Vấn đề về thận: Một số người gặp tác dụng phụ ở thận, chẳng hạn như suy thận, khi dùng Januvia. Nếu Januvia ảnh hưởng nghiêm trọng đến thận, người bệnh có thể sẽ phải lọc máu. (Lọc máu là phương pháp can thiệp loại bỏ chất lỏng thừa và chất thải ra khỏi máu thay cho thận). Trước khi bắt đầu dùng Januvia, người bệnh sẽ phải làm các xét nghiệm đánh giá chức năng thận. Nếu thận không hoạt động tốt, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng Januvia. Người bệnh không được tự ý ngừng dùng Januvia hoặc thay đổi liều dùng. Nếu có các triệu chứng của vấn đề về thận khi dùng Januvia, hãy báo cho bác sĩ. Một số triệu chứng của vấn đề về thận gồm có tiêu chảy, buồn nôn và nôn.
- Dị ứng: Không dùng Januvia nếu từng bị dị ứng với thuốc hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Người bị dị ứng Januvia cần điều trị tiểu đường bằng các loại thuốc khác.
Januvia và đồ uống có cồn
Một số loại thuốc tương tác với đồ uống có cồn nhưng Januvia không nằm trong số đó. Tuy nhiên, người bệnh vẫn nên hỏi bác sĩ xem có thể uống rượu bia trong khi dùng Januvia hay không.
Januvia được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường. Các nghiên cứu cho thấy đồ uống có cồn có thể ảnh hưởng đến hoạt động của hormone insulin và ảnh hưởng đến lượng đường trong máu.
Uống rượu bia có thể làm tăng hoặc giảm tác dụng của insulin. Tùy thuộc vào lượng tiêu thụ mà rượu bia sẽ có những tác động khác nhau đến mức đường huyết.
Sử dụng Januvia khi mang thai và cho con bú
Chưa rõ liệu Januvia có an toàn khi sử dụng trong thời gian mang thai hay không. Tuy nhiên, bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt trong thai kỳ sẽ gây hại cho cả mẹ và thai nhi.
Nếu mang thai hoặc dự định mang thai khi đang dùng Januvia, hãy nói với bác sĩ để xem có nên tiếp tục dùng thuốc hay không.
Cũng chưa rõ liệu Januvia có đi vào sữa mẹ hoặc ảnh hưởng đến quá trình tạo sữa mẹ hay không. Nếu có ý định nuôi con bằng sữa mẹ, hãy báo cho bác sĩ trước khi dùng Januvia để được tư vấn những lợi ích và rủi ro.
Cần làm gì khi dùng thuốc quá liều?
Không dùng Januvia vượt quá liều mà bác sĩ kê. Dùng thuốc quá liều có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu lỡ uống Januvia quá liều. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
Metformin là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Metformin có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em.
Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này được sử dụng kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu.
Glimepiride được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 – bệnh lý mãn tính có đặc trưng là đường trong máu cao.
Avandia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn. Thuốc này được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục trong phác đồ điều trị tiểu đường.
Victoza được sử dụng cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2 để kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch.