Victoza: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Cảnh báo đặc biệt về nguy cơ ung thư tuyến giáp
Victoza có một cảnh báo đặc biệt về nguy cơ ung thư tuyến giáp. Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo nghiêm trọng nhất được Cục Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra nhằm cảnh báo bác sĩ và bệnh nhân về tác dụng có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc.
Để biết thêm thông tin về tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Tác dụng phụ của Victoza” bên dưới.
Victoza là gì?
Victoza được sử dụng cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này có tác dụng:
- kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn và một số trẻ em mắc tiểu đường type 2. Victoza được kết hợp cùng với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.
- giảm nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch ở người lớn mắc cả tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch.
Victoza không được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 1 và không được dùng cùng với các loại thuốc khác cũng chứa liraglutide. Để tìm hiểu thêm, vui lòng đọc phần “Công dụng của Victoza” bên dưới.
Thông tin cơ bản về Victoza
Victoza là một loại thuốc dạng lỏng được tiêm dưới da bằng bút tiêm. Victoza thuộc nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 (glucagon-like peptide-1). Victoza là thuốc biệt dược, hiện không có dạng thuốc gốc.
Tác dụng phụ của Victoza
Dưới đây là những tác dụng phụ phổ biến của Januvia. Ngoài ra còn có những tác dụng phụ khác.
Nguy cơ, loại và mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Tuổi tác
- Các bệnh lý khác đang mắc
- Các loại thuốc khác đang dùng
Để biết thêm thông tin chi tiết về tác dụng phụ, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ hoặc đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc. Bác sĩ và dược sĩ cũng sẽ cho biết cách khắc phục các tác dụng phụ.
Tác dụng phụ nhẹ
Một số tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo của Victoza gồm có:
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Nôn
- Đau bụng
- Chán ăn
- Táo bón
- Nổi mề đay
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)
- Đau đầu
Tác dụng phụ nhẹ của nhiều loại thuốc thường tự hết trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ gây khó chịu hoặc kéo dài không đỡ thì hãy báo cho bác sĩ.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Victoza có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng không phổ biến. Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng thuốc, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức. Nếu cảm thấy tình trạng đang gặp phải có thể gây nguy hiểm thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Victoza gồm có:
- Viêm tụy (viêm tuyến tụy)
- Hạ đường huyết nghiêm trọng
- Bệnh túi mật
- Suy thận
- Tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp*
- Dị ứng*
* Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
Chi tiết tác dụng phụ
Thông tin chi tiết về một số tác dụng phụ mà Victoza có thể gây ra.
Cảnh báo đặc biệt
Victoza đi kèm một cảnh báo đặc biệt về nguy cơ ung thư tuyến giáp. Đây là cảnh báo nghiêm trọng từ Cục Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA).
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Victoza có thể gây hình thành khối u ác tính ở tuyến giáp. Điều này xảy ra khi động vật được cho dùng Victoza với liều lượng thường được sử dụng ở người. Trong những nghiên cứu này, liều dùng Victoza càng cao hoặc thời gian dùng thuốc càng lâu thì nguy cơ hình thành khối u càng cao. Tuy nhiên, những gì xảy ra trong các nghiên cứu trên động vật không phải lúc nào cũng đúng với con người.
Các nghiên cứu về Victoza được thực hiện trên người không phát hiện thấy sự gia tăng nguy cơ ung thư tuyến giáp. Kể từ khi Victoza được phê duyệt, một loại ung thư tuyến giáp gọi là ung thư tuyến giáp thể tuỷ đã được báo cáo ở một số trường hợp sử dụng loại thuốc này. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ liệu Victoza có phải nguyên nhân gây ung thư hay không.
Đối với những trường hợp có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc ung thư tuyến giáp thể tuỷ, bác sĩ thường sẽ không kê Victoza. Loại thuốc này cũng không an toàn cho những người mắc hội chứng đa u tuyến nội tiết type 2 hay MEN2 (một bệnh di truyền gây ra ung thư tuyến giáp thể tuỷ).
Trước khi kê Victoza, bác sĩ sẽ trao đổi về nguy cơ ung thư tuyến giáp. Đi khám ngay nếu cảm thấy có khối u hoặc bất kỳ thay đổi bất thường nào ở cổ họng khi dùng Victoza. Các triệu chứng khác của ung thư tuyến giáp gồm có:
- Khàn giọng
- Khó nuốt
- Khó thở
Có thể cân nhắc khám tầm soát ung thư tuyến giáp trong khi dùng Victoza.
Tiêu chảy
Tiêu chảy là một tác dụng phụ phổ biến của Victoza.
Tiêu chảy nặng có thể dẫn đến mất nước (lượng chất lỏng trong cơ thể quá thấp) và điều này sẽ làm suy giảm chức năng thận theo thời gian. Do đó, người dùng Victoza có thể bị suy thận do tiêu chảy nặng mãn tính.
Báo cho bác sĩ nếu bị tiêu chảy khi dùng Victoza. Ngoài ra, hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc khác đang dùng. Nếu như đang dùng các loại thuốc gây ảnh hưởng đến thận, bác sĩ sẽ điều chỉnh thuốc.
Ăn các loại thực phẩm ít chất xơ có thể giúp giảm tiêu chảy.
Để ngăn ngừa tình trạng mất nước do tiêu chảy, hãy bổ sung nước và chất điện giải (khoáng chất). Có thể ăn các loại thực phẩm giàu khoáng chất, uống nước uống thể thao hay dung dịch bù điện giải.
Ngoài ra người bệnh cũng có thể dùng các loại thuốc trị tiêu chảy không kê đơn. Tuy nhiên, nên hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào cùng với Victoza.
Buồn nôn
Buồn nôn cũng là một tác dụng phụ phổ biến của Victoza. Tác dụng phụ này thường xảy ra khi mới bắt đầu dùng thuốc và sau một thời gian sẽ hết. Nhưng sử dụng Victoza quá liều cũng có thể gây buồn nôn.
Buồn nôn có thể dẫn đến nôn mửa, gây mất nước và các vấn đề về thận.
Để tránh bị buồn nôn và các tác dụng phụ về tiêu hóa khác khi điều trị bằng Victoza, hãy bắt đầu từ liều thấp.
Khi dùng Victoza đều đặn hàng ngày, cảm giác buồn nôn sẽ tự hết sau khoảng vài ngày. Khi không còn bị buồn nôn, hãy cho bác sĩ biết để tăng liều dùng.
Sử dụng thuốc đúng liều mà bác sĩ kê và không được tăng liều lên gấp đôi khi quên tiêm thuốc. Nếu quên tiêm Victoza hơn ba lần liên tiếp thì hãy báo cho bác sĩ. Trong trường hợp này, người bệnh có thể sẽ phải dùng liều thấp hơn trong một thời gian trước khi trở về liều bình thường.
Dị ứng
Victoza có thể gây dị ứng ở một số người. Điều này rất hiếm thấy trong các nghiên cứu.
Phản ứng dị ứng nhẹ có thể gây phát ban, ngứa, đỏ và nóng da.
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng do Victoza mặc dù rất hiếm gặp nhưng có thể xảy ra. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm có:
- Sưng dưới da, thường là ở mặt, mí mắt, môi, tay hoặc chân
- Sưng lưỡi, miệng hoặc cổ họng, gây khó thở
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
- Tim đập nhanh
Báo ngay cho bác sĩ nếu có triệu chứng dị ứng khi dùng Victoza. Nếu gặp các triệu chứng nghiêm trọng thì cần phải gọi ngay cho cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất.
Một số câu hỏi thường gặp về Victoza
Dưới đây là giải đáp cho một số câu hỏi thường gặp về Victoza.
Victoza có giúp giảm cân không? Liều dùng để giảm cân là bao nhiêu và nên tiêm thuốc vào thời điểm nào để có hiệu quả giảm cân tốt nhất?
Liraglutide - hoạt chất trong Victoza - có thể giúp giảm cân nhưng Victoza không được phê duyệt sử dụng cho mục đích giảm cân.
Loại thuốc này được phê duyệt để kiểm soát lượng đường trong máu cho người mắc tiểu đường type 2 và được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục. Vì vậy, hiệu quả giảm cân khi dùng Victoza cũng có thể là nhờ việc tập thể dục thường xuyên và ăn uống điều độ.
Vì Victoza không được phê duyệt sử dụng cho mục đích giảm cân nên không có khuyến nghị về liều dùng và thời điểm tiêm thuốc để giảm cân. Nếu như muốn thử dùng liraglutide để giảm cân thì nên trao đổi với bác sĩ để được tư vấn cụ thể.
Cơ chế tác dụng của Victoza là gì? Và hiệu quả của thuốc kéo dài bao lâu?
Victoza giúp kiểm soát lượng đường trong máu thông qua các cơ chế sau:
- Kích hoạt một thụ thể (một loại protein) có tên là glucagon-like peptide-1 (GLP-1). Thụ thể GLP-1 nằm trong tuyến tụy. Khi được kích hoạt, thụ thể GLP-1 giải phóng hormone insulin từ tuyến tụy vào máu. Insulin giúp các tế bào lấy đường (glucose) từ máu để tạo năng lượng và nhờ đó làm giảm lượng đường trong máu.
- Giảm lượng glucagon được giải phóng vào máu. Glucagon cũng là một loại hormone do tuyến tụy tiết ra nhưng hoạt động trái ngược với insulin. Glucagon thúc đẩy gan phân hủy glycogen thành glucose và giải phóng vào máu, do đó làm tăng lượng đường trong máu. Bằng cách làm giảm mức glucagon, Victoza giúp giữ đường huyết ở mức ổn định.
- Làm chậm tốc độ thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống ruột. Điều này giúp duy trì cảm giác no lâu hơn sau khi ăn, nhờ đó khiến cho người bệnh ăn ít đi. Thức ăn được tiêu hóa chậm hơn còn giúp ngăn ngừa sự tăng đường huyết đột ngột sau ăn.
Victoza tồn tại trong cơ thể khoảng 52 đến 65 giờ sau khi tiêm nhưng tác dụng của thuốc không kéo dài được lâu như vậy.
Bảo quản Victoza như thế nào? Có cần bảo quản trong tủ lạnh không?
Bảo quản bút tiêm Victoza chưa sử dụng trong tủ lạnh. Thuốc cần được giữ lạnh ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C (36°F đến 46°F).
Bút tiêm đã mở có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng (15°C đến 30°C hay 59°F đến 86°F) trong tối đa 30 ngày. Có thể bảo quản trong tủ lạnh nhưng khi cần tiêm nên lấy bút ra ngoài và chờ đến khi thuốc trở về nhiệt độ phòng.
Khi không tiêm hết lượng thuốc trong bút, hãy đậy nắp kín. Nếu bảo quản bút tiêm Victoza ở nhiệt độ phòng thì cần để để bút ở nơi thoáng mát, tránh những nơi có ánh nắng chiếu trực tiếp, nhiệt độ cao hoặc ẩm ướt.
Không gắn kim vào bút khi chưa sử dụng để tránh rò rỉ thuốc ra ngoài và ngăn vi trùng xâm nhập vào bên trong bút.
Victoza có gây mệt mỏi, ợ hơi hay đau khớp không?
Victoza không gây mệt mỏi (thiếu năng lượng), ợ hơi hay đau khớp. Đây đều không phải là tác dụng phụ được xác định của Victoza. Nhưng nếu có những triệu chứng này trong khi dùng thuốc và các triệu chứng gây khó chịu hoặc kéo dài thì hãy báo cho bác sĩ.
Victoza có tác dụng điều trị hội chứng buồng trứng đa nang không?
Liraglutide – hoạt chất trong Victoza - có thể được sử dụng dưới hình thức ngoài hướng dẫn để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). (Sử dụng thuốc dưới hình thức ngoài hướng dẫn hay off-label có nghĩa là một loại thuốc được sử dụng cho một mục đích nằm ngoài những mục đích đã được phê duyệt.)
Hội chứng buồng trứng đa nang là một dạng rối loạn nội tiết tố xảy ra khi cơ thể phụ nữ có nhiều hormone androgen hơn bình thường. Điều này gây ra các triệu chứng như tăng cân, mọc lông không mong muốn, kinh nguyệt không đều, da dầu, nổi mụn trứng cá, rụng tóc… Hội chứng buồng trứng đa nang làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh khác, gồm có béo phì và tiểu đường. Liraglutide có thể được sử dụng để giảm cân và làm giảm các triệu chứng khác của hội chứng buồng trứng đa nang.
Trong một nghiên cứu, những người bị béo phì và hội chứng buồng trứng đa nang dùng kết hợp cả metformin và liraglutide đã giảm cân nhiều hơn so với những người chỉ dùng một trong hai loại thuốc. Metformin là một loại thuốc được sử dụng để điều trị cả hội chứng buồng trứng đa nang và bệnh tiểu đường.
Bác sĩ có thể chỉ kê Victoza hoặc kê cùng với metformin để giảm cân cho người bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Victoza có giống Januvia và Jardiance không?
Các loại thuốc này có một vài điểm giống nhau. Victoza được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 và ngoài ra còn được sử dụng để giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch nghiêm trọng ở người lớn mắc đồng thời cả bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường type 2.
Januvia và Jardiance cũng có tác dụng giảm lượng đường trong máu ở người bệnh tiểu đường type 2. Giống như Victoza, Jardiance cũng giúp làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch ở người lớn mắc đồng thời cả bệnh tim mạch và bệnh tiểu đường type 2.
Ba loại thuốc này thuộc các nhóm thuốc điều trị tiểu đường khác nhau. Victoza có dạng lỏng và được tiêm dưới da trong khi Januvia và Jardiance đều có dạng viên nén dùng qua đường uống.
Liều dùng Victoza
Liều dùng thuốc ở mỗi một ca bệnh là khác nhau. Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng thích hợp dựa trên một số yếu tố như tuổi tác, khả năng kiểm soát đường huyết và tình trạng bệnh tiểu đường. Dưới đây là liều thường được sử dụng nhưng hãy luôn dùng đúng liều mà bác sĩ kê.
Dạng thuốc và hàm lượng
Victoza có dạng lỏng được đựng sẵn trong bút tiêm. Mỗi ml dung dịch tiêm chứa 6mg liraglutide.
Liều dùng khuyến nghị
Victoza được sử dụng một lần mỗi ngày. Khi mới dùng thuốc, bác sĩ sẽ kê liều thấp hơn so với liều cần thiết để kiểm soát lượng đường trong máu. Sau một thời gian, bác sĩ sẽ tăng liều và cho bạn liều dùng tối đa.
Bắt đầu từ liều thấp sẽ giúp cơ thể thích nghi dần với thuốc và hạn chế các tác dụng phụ về tiêu hóa như buồn nôn. Nếu thuốc gây buồn nôn, nôn hoặc tiêu chảy, bác sĩ sẽ tăng liều chậm hơn.
Câu hỏi về liều dùng Victoza
Cần làm gì nếu lỡ quên tiêm thuốc? Nếu quên tiêm Victoza một lần, hãy bỏ qua liều của ngày hôm đó và ngày hôm sau tiêm thuốc như bình thường. Không tiêm nhiều hơn một liều Victoza trong vòng 24 giờ. Nếu quên tiêm hơn ba liều liên tiếp thì hãy báo cho bác sĩ. Người bệnh có thể sẽ phải dùng liều thấp hơn trong một thời gian trước khi trở về liều bình thường.
Có cần dùng Victoza lâu dài không? Bệnh tiểu đường là bệnh lý mãn tính, có nghĩa là kéo dài và không có cách chữa trị dứt điểm. Vì vậy, người bệnh sẽ phải dùng các loại thuốc như Victoza về lâu dài để kiểm soát đường trong máu. Bác sĩ sẽ cho biết cụ thể cần dùng thuốc trong bao lâu. Liều dùng thuốc có thể sẽ thay đổi theo thời gian.
Mất bao lâu để Victoza phát huy tác dụng? Victoza bắt đầu phát huy tác dụng làm giảm lượng đường trong máu trong vòng vài giờ sau khi tiêm nhưng phải sau vài tháng dùng thuốc đều đặn thì mới có sự cải thiện rõ rệt về mức đường huyết.
Victoza và Saxenda
Victoza và Saxenda đều chứa hoạt chất liraglutide nhưng hai loại thuốc này được sử dụng để điều trị các bệnh lý khác nhau. Victoza được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu cho người bị tiểu đường type 2 và ngoài ra còn có tác dụng làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch ở những người mắc đồng thời cả tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch. Saxenda được sử dụng để kiểm soát cân nặng.
Victoza và một số loại thuốc trị tiểu đường khác
Ngoài Victoza còn có rất nhiều loại thuốc khác để điều trị bệnh tiểu đường. Dưới đây là điểm giống và khác nhau giữa Victoza và một số loại thuốc trị tiểu đường khác.
Victoza và Ozempic
Giống như Victoza, Ozempic cũng là một loại thuốc điều trị tiểu đường thuộc nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 và cũng có dạng lỏng tiêm dưới da. Nhưng hai loại thuốc này chứa các hoạt chất khác nhau. Hoạt chất của Ozempic là semaglutide còn của Victoza là liraglutide.
Victoza và Trulicity
Trulicity cũng có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu cho người mắc bệnh tiểu đường type 2 và cũng nằm trong nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1. Trulicity và Victoza đều được tiêm dưới da nhưng Trulicity chứa hoạt chất dulaglutide trong khi Victoza chứa hoạt chất liraglutide.
Cách sử dụng Victoza
Khi kê Victoza, bác sĩ sẽ hướng dẫn cách tiêm cũng như liều lượng và thời điểm tiêm thuốc. Hãy thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Đường dùng thuốc
Victoza được tiêm dưới da bằng bút tiêm có chứa sẵn thuốc. Người bệnh tiêm thuốc một lần mỗi ngày và có thể tiêm bất cứ lúc nào trong ngày nhưng nên tiêm vào cùng một thời điểm hàng ngày.
Không dùng chung bút tiêm Victoza với bất cứ người nào khác.
Vị trí tiêm Victoza
Có thể tiêm Victoza vào đùi, bắp tay hoặc bụng. Không tiêm thuốc ở khu vực quanh rốn.
Sử dụng Victoza cùng các loại thuốc khác
Bác sĩ có thể kê Victoza cùng với các loại thuốc khác. Việc sử dụng kết hợp các loại thuốc có cơ chế tác dụng khác nhau sẽ giúp kiểm soát bệnh tiểu đường tốt hơn. Một số loại thuốc điều trị tiểu đường khác gồm có:
- metformin
- glyburide (Diabeta)*
- insulin*
- empagliflozin (Jardiance)
- acarbose
- sitagliptin (Januvia)
Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng trước khi sử dụng Victoza vì một số loại thuốc có thể tương tác với Victoza và ngược lại, Victoza cũng có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc khác đang dùng. (Đọc phần “Lưu ý trước khi dùng Victoza” ở bên dưới để biết chi tiết.)
* Dùng Victoza cùng với các loại thuốc tác động trực tiếp đến sự giải phóng insulin trong cơ thể, chẳng hạn như insulin hoặc glyburide sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Do nguy cơ này nên bác sĩ thường giảm liều insulin hoặc glyburide khi dùng Victoza.
Nên tiêm Victoza trước hay sau ăn? Có cần kiêng loại thực phẩm nào khi dùng Victoza không?
Có thể tiêm Victoza vào bất cứ thời điểm nào trong ngày, trước hay sau ăn đều được, miễn là tiêm vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Người bệnh không cần kiêng bất kỳ loại thực phẩm nào khi dùng Victoza.
Công dụng của Victoza
Victoza được sử dụng cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này có tác dụng:
- Giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn và trẻ em từ 10 tuổi trở lên.* Thuốc được dùng kết hợp cùng với chế độ ăn uống và tập thể dục.
- Giảm nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về tim hoặc mạch máu ở người lớn mắc đồng thời cả bệnh tim mạch và tiểu đường type 2.
Bệnh tiểu đường xảy ra khi khả năng sử dụng đường trong máu (glucose) của cơ thể có vấn đề. Đặc trưng của bệnh tiểu đường là lượng đường trong máu cao do vấn đề về sản xuất hoặc sử dụng hormone insulin. Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra do cơ thể không có đủ insulin hoặc không thể sử dụng hiệu quả lượng insulin mà tuyến tụy tạo ra.
Victoza giúp kiểm soát đường trong máu thông qua nhiều cơ chế. Loại thuốc này làm cho tuyến tụy và một thụ thể (protein) ở tuyến tụy giải phóng insulin để giúp các tế bào hấp thụ đường từ máu, nhờ đó làm giảm lượng đường lưu thông trong máu. Victoza còn làm giảm sự giải phóng một loại hormone làm tăng lượng đường trong máu (glucagon). (Để biết chi tiết, vui lòng đọc phần “Cơ chế tác dụng của Victoza?” trong mục “Một số câu hỏi thường gặp về Victoza” ở bên trên.)
Lưu ý, Victoza không có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường type 1 và không dùng loại thuốc này cùng với các loại thuốc khác có chứa liraglutide, chẳng hạn như Saxenda.
* Trẻ em dùng Victoza sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết cao hơn người lớn, ngay cả khi không dùng các loại thuốc trị tiểu đường khác. Do đó trẻ em cần dùng liều thấp hơn. Nếu trẻ được kê Victoza, bố mẹ nên hỏi bác sĩ về các biện pháp ngăn ngừa và điều trị hạ đường huyết.
Lưu ý trước khi dùng Victoza
Người bệnh cần cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe tổng thể và các bệnh lý khác đang mắc. Ngoài ra cần liệt kê tất cả các loại thuốc đang dùng. Đây là điều này rất quan trọng vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến Victoza.
Tương tác thuốc
Tương tác thuốc là phản ứng xảy ra giữa hai loại thuốc hoặc giữa một loại thuốc với thảo dược, thực phẩm chức năng hay thực phẩm tự nhiên. Tương tác thuốc có thể làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc gây ra tác dụng phụ.
Trước khi dùng Victoza, hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn cũng như là thảo dược và thực phẩm chức năng để xem có sản phẩm nào có thể tương tác với Victoza hay không.
Tương tác với thuốc và thực phẩm chức năng
Victoza có thể tương tác với một số loại thuốc. Victoza làm chậm quá trình thức ăn di chuyển từ dạ dày xuống ruột nên có thể tương tác với bất kỳ loại thuốc đường uống nào. Nhưng các nghiên cứu không phát hiện thấy bất kỳ sự thay đổi nào về khả năng hấp thụ các loại thuốc khác trong quá trình điều trị bằng Victoza.
Nếu bạn đang dùng các loại thuốc đường uống, hãy hỏi bác sĩ về thời điểm nên tiêm Victoza.
Một số loại thuốc có thể tương tác với Victoza gồm có:
- Các loại insulin, chẳng hạn như insulin degludec (Tresiba) và insulin glargine (Lantus)
- Nhóm thuốc sulfonylurea, gồm có glyburide (Diabeta) và glimepiride (Amaryl). Đây cũng là một nhóm thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường.
Trên đây chỉ là một vài ví dụ. Ngoài ra còn có nhiều thuốc khác có thể tương tác với Victoza. Do đó, điều quan trọng là phải liệt kê đầy đủ các loại thuốc và thực phẩm chức năng đang dùng cho bác sĩ để tránh xảy ra vấn đề không mong muốn.
Cảnh báo đặc biệt
Victoza đi kèm một cảnh báo đặc biệt về nguy cơ ung thư tuyến giáp. Cảnh báo đặc biệt (boxed warning) là cảnh báo nghiêm trọng được Cục Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy Victoza có thể gây hình thành khối u ác tính ở tuyến giáp. Tuy nhiên, những gì xảy ra trong các nghiên cứu trên động vật không phải lúc nào cũng đúng với con người. Chưa rõ liệu Victoza có gây ung thư tuyến giáp ở người hay không.
Xem phần “Tác dụng phụ của Victoza” bên trên để biết thêm chi tiết về nguy cơ này.
Các cảnh báo khác
Victoza có thể không phù hợp với người đang mắc một số bệnh lý hay có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử trước khi dùng Victoza. Những yếu tố cần cân nhắc trước khi dùng Victoza gồm có:
- Suy thận: Victoza gây suy thận (suy giảm chức năng thận) ở một số người dùng. Suy thận thường xảy ra ở những người gặp phải một số tác dụng phụ nhất định, gồm có buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc mất nước. Báo cho bác sĩ nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào khi dùng Victoza. Nguy cơ suy thận sẽ càng cao nếu dùng Victoza cùng với các loại thuốc khác có thể ảnh hưởng đến thận hoặc gây mất nước. Do đó, cần liệt kê đầy đủ các loại thuốc đang dùng cho bác sĩ trước khi dùng Victoza. Những người mắc bệnh thận phải cho bác sĩ biết về tình trạng của mình nếu đươc kê Victoza. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác hoặc điều chỉnh liều dùng.
- Dị ứng. Không dùng Victoza nếu từng bị dị ứng với loại thuốc này hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác.
- Hạ đường huyết: Dùng Victoza cùng với một số loại thuốc trị tiểu đường khác có thể gây hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp). Những loại thuốc này gồm có glyburide (Diabeta) và insulin. Lượng đường trong máu có thể giảm xuống mức thấp nghiêm trọng. Trẻ em dùng Victoza sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết cao hơn người lớn, kể cả khi không dùng kèm các loại thuốc trị tiểu đường khác. Người bệnh cần nhận biết được các dấu hiệu và cách xử trí khi bị hạ đường huyết.
Victoza và đồ uống có cồn
Hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ xem có thể uống rượu bia trong khi dùng thuốc Victoza hay không. Trong các thử nghiệm thì Victoza không tương tác với đồ uống có cồn nhưng đồ uống có cồn có thể gây hạ đường huyết tạm thời. Điều này sẽ ảnh hưởng khả năng kiểm soát lượng đường trong máu.
Sử dụng Victoza khi đang mang thai và cho con bú
Victoza có thể được sử dụng trong thời kỳ mang thai nhưng chưa rõ Victoza có ảnh hưởng như thế nào đến thai nhi. Nếu bạn bị tiểu đường và đang mang thai hoặc dự định có thai thì hãy trao đổi với bác sĩ về cách an toàn nhất để kiểm soát tình trạng bệnh.
Cũng chưa rõ liệu Victoza có đi vào sữa mẹ và ảnh hưởng đến trẻ sơ sinh bú mẹ hay không.
Bác sĩ sẽ cho biết có nên dùng Victoza trong thời gian cho con bú hay không dựa trên những lợi ích và rủi ro đối với trẻ.
Cần làm gì khi dùng thuốc quá liều?
Không dùng Victoza vượt quá liều mà bác sĩ kê. Sử dụng thuốc quá liều có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Triệu chứng dùng thuốc quá liều
Các triệu chứng có thể xảy ra khi tiêm Victoza quá liều gồm có buồn nôn, nôn mửa và hạ đường huyết nghiêm trọng.
Cách xử trí khi tiêm Victoza quá liều
Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu lỡ tiêm Victoza quá liều. Nếu như có các triệu chứng nghiêm trọng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
Metformin là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Metformin có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em.
Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này được sử dụng kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu.
Glimepiride được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 – bệnh lý mãn tính có đặc trưng là đường trong máu cao.
Avandia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn. Thuốc này được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục trong phác đồ điều trị tiểu đường.
Januvia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Giống như nhiều loại thuốc khác, Januvia được kết hợp cùng chế độ ăn kiêng và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh lý này.