Metformin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Cảnh báo về nguy cơ nhiễm toan axit lactic
Metformin dạng viên nén đi kèm cảnh báo đặc biệt về nguy cơ nhiễm toan axit lactic. Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo nghiêm trọng nhất do Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đưa ra.
Nhiễm toan axit lactic là tình trạng xảy ra khi cơ thể không thể loại bỏ axit lactic đủ nhanh. Điều này khiến nồng độ axit lactic trong máu tăng cao.
Mặc dù hiếm gặp nhưng tác dụng phụ này có thể xảy ra với viên nén metformin. Nhiễm toan axit lactic có thể nghiêm trọng và thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Để biết thêm thông tin, vui lòng đọc phần “Tác dụng phụ” bên dưới.
Metformin là gì?
Metformin là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Metformin có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em.
Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi cơ thể bị suy giảm khả năng điều hòa lượng đường trong máu.
Để kiểm soát đường huyết một cách hiệu quả, người mắc bệnh tiểu đường type 2 cần kết hợp metformin với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.
Thông tin cơ bản về metformin
Metformin là một hoạt chất. Metformin có hai dạng là dạng viên nén và dạng lỏng. Metformin thuộc nhóm thuốc biguanide.
Metformin dạng viên nén có hai loại là viên nén phóng thích tức thì và viên nén phóng thích kéo dài. Viên nén phóng thích tức thì bắt đầu phát huy tác dụng ngay sau khi uống. Viên nén phóng thích kéo dài duy trì tác dụng trong một khoảng thời gian sau khi uống.
Phiên bản biệt dược của Metformin
Metformin là một loại thuốc gốc, có nghĩa là được đặt tên theo hoạt chất có trong thuốc. Metformin dạng viên nén phóng thích tức thì có phiên bản biệt dược là Glucophage. Phiên bản biệt dược của metformin dạng viên nén phóng thích kéo dài là Glumetza và Fortamet.
Khi một loại thuốc mới được phát minh ra, nó sẽ được đăng ký tên thuốc gốc theo danh pháp quốc tế hoặc danh pháp của từng nước cùng với tên biệt dược của nơi tiến hành nghiên cứu. Sau khi được cấp phép lưu hành trên thị trường, biệt dược sẽ được giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của mỗi nước. Sau khi hết hạn độc quyền, các nhà sản xuất khác có thể sản xuất thuốc này với tên thuốc gốc hoặc một tên biệt dược khác.
Mỗi một dạng metformin có tên biệt dược khác nhau..
Thuốc gốc cũng an toàn và hiệu quả giống như thuốc biệt dược nhưng giá thành thường thấp hơn so với biệt dược.
Tác dụng phụ của metformin
Giống như hầu hết các loại thuốc khác, viên nén metformin cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nặng. Danh sách dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến của metformin. Ngoài ra thuốc còn có thể gây các tác dụng phụ khác.
Loại và mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, tình trạng sức khỏe (các bệnh lý khác đang mắc) và các loại thuốc khác đang dùng.
Tác dụng phụ nhẹ
Dưới đây là một số tác dụng phụ nhẹ của metformin dạng viên nén. Để tìm hiểu về các tác dụng phụ nhẹ khác, hãy nói chuyện với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Tác dụng phụ nhẹ của viên nén metformin:
- Tiêu chảy*
- Buồn nôn hoặc nôn
- Đầy hơi
- Khó tiêu
- Đau bụng
- Đau đầu
- Sụt cân (để tìm hiểu thêm về tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Metformin và giảm cân” ở bên dưới)
Tác dụng phụ nhẹ của metformin cũng như nhiều loại thuốc khác thường tự hết sau vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, nếu các tác dụng phụ gây khó chịu hoặc kéo dài thì hãy báo cho bác sĩ.
* Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Viên nén metformin hiếm khi gây tác dụng phụ nghiêm trọng. Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng thuốc, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức. Nếu cảm thấy tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng của metformin dạng viên nén:
- Nồng độ vitamin B12 trong máu thấp
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)*
- Nhiễm toan axit lactic*
- Dị ứng*
* Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
Tác dụng phụ của metformin kéo dài bao lâu?
Điều này còn tùy thuộc vào tác dụng phụ mà người bệnh gặp phải. Ví dụ, tiêu chảy có thể xảy ra ngay khi mới bắt đầu dùng thuốc nhưng sau một thời gian, tác dụng phụ này sẽ tự hết.
Các tác dụng phụ khác, chẳng hạn như nồng độ vitamin B12 thấp, có thể kéo dài suốt khoảng thời gian dùng metformin.
Nếu như gặp phải tác dụng phụ của metformin, hãy báo cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho biết tác dụng phụ kéo dài bao lâu và đưa ra một số cách để giảm thiểu tác dụng phụ.
Chi tiết tác dụng phụ
Thông tin chi tiết về một số tác dụng phụ của metformin dạng viên nén.
Nhiễm toan axit lactic
Một số người dùng metformin đã bị nhiễm toan axit lactic. Nhiễm toan axit lactic là tình trạng xảy ra khi axit lactic bị đào thải khỏi cơ thể chậm hơn bình thường. Điều này khiến cho nồng độ axit lactic trong máu tăng cao.
Mặc dù hiếm gặp nhưng đây là một tác dụng phụ này có thể xảy ra khi dùng viên nén metformin. Tình trạng nhiễm toan axit lactic nó có thể nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Người dùng metformin cần biết rõ các triệu chứng nhiễm toan axit lactic để phát hiện và can thiệp điều trị kịp thời. Một số triệu chứng của nhiễm toan axit lactic gồm có:
- Đau cơ
- Khó thở
- Buồn ngủ
- Đau bụng
Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm toan axit lactic, hãy báo ngay cho bác sĩ. Bạn có thể sẽ phải nhập viện để điều trị nhiễm toan axit lactic.
Ngoài ra, hãy nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ nhiễm toan axit lactic trước khi bắt đầu dùng metformin. Đôi khi, các vấn đề sức khỏe hoặc thuốc khác có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic.
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic khi dùng metformin:
- Có vấn đề về thận hoặc gan
- Từ 65 tuổi trở lên
- Được tiêm thuốc thuốc cản quang để chụp CT hoặc chụp X-quang
- Trải qua phẫu thuật
- Bị suy tim sung huyết
- Uống nhiều rượu
- Dùng một số loại thuốc, chẳng hạn như topiramate (Topamax)
Đối với những người đang mắc các bệnh hay dùng thuốc làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic, bác sĩ có thể kê loại thuốc khác để điều trị tiểu đường type 2 thay vì metformin.
Tiêu chảy
Tiêu chảy cũng là một tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng viên nén metformin. Đât là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của loại thuốc này.
Người bệnh có thể bị tiêu chảy khi mới bắt đầu dùng metformin hoặc khi tăng liều dùng. Nhưng thông thường, tình trạng tiêu chảy sẽ tự hết sau một thời gian dùng thuốc khi cơ thể đã thích nghi.
Nếu bị tiêu chảy khi dùng metformin, hãy uống nhiều nước vì tiêu chảy sẽ gây mất nước (lượng chất lỏng trong cơ thể thấp). Và mất nước có thể làm tăng nguy cơ gặp phải các tác dụng phụ khác của metformin.
Có thể báo cho bác sĩ khi bị tiêu chảy. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể sẽ kê thuốc để giảm tiêu chảy.
Trong hầu hết các trường hợp, tiêu chảy chỉ là tác dụng phụ tạm thời của metformin. Sau một thời gian dùng thuốc, tình trạng tiêu chảy thường sẽ tự hết.
Hạ đường huyết
Hạ đường huyết là một tác dụng phụ khác của metformin, thường xảy ra khi metformin được sử dụng cùng với các loại thuốc khác để điều trị bệnh tiểu đường type 2, gồm có glipizide (Glucotrol), glyburide (DiaBeta) hoặc insulin.
Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu giảm xuống quá thấp. Nếu như không được điều trị kịp thời, hạ đường huyết sẽ rất nguy hiểm và thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng.
Đây là một tác dụng phụ nghiêm trọng và phổ biến của metformin.
Người dùng metformin cần lưu ý các triệu chứng hạ đường huyết để có thể kịp thời xử trí. Các triệu chứng hạ đường huyết gồm có:
- Chóng mặt
- Đổ mồ hôi
- Tim đập nhanh
- Thở gấp
- Bồn chồn, hồi hộp
- Đầu óc mơ hồ, không tỉnh táo
- Mờ mắt
- Đau đầu
- Đói
- Da nhợt nhạt
- Run tay
Người bệnh tiểu đường cần thường xuyên đo đường huyết, đặc biệt là khi phải sử dụng các loại thuốc điều trị như metformin. Đây là điều rất quan trọng để có thể theo dõi hiệu quả của các phương pháp điều trị cũng như để phát hiện tăng hoặc hạ đường huyết.
Khi có các triệu chứng hạ đường huyết thì phải điều trị ngay lập tức. Cách xử trí hạ đường huyết theo hướng dẫn của Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ như sau:
- Ăn 15 gram carbohydrate tác dụng nhanh, sau đó chờ 15 phút và đo đường huyết.
- Nếu mức đường huyết vẫn dưới 70 mg/dL thì tiếp tục ăn thêm 15g carbohydrate.
- Sau đó lại chờ 15 phút và đo lại đường huyết.
- Lặp lại các bước này cho đến khi đường huyết trở về mức trên 70 mg/dL.
Một số ví dụ về nguồn cung cấp 15 gram carbohydrate:
- 3 - 4 viên nén glucose 4 gram
- Một hộp gel glucose chứa 15g carbohydrate
- Các loại kẹo ngọt
- 120ml nước trái cây hoặc nước ngọt (loại có đường, không dùng loại dành cho người ăn kiêng)
- 1 thìa canh mật ong hoặc đường
Hạ đường huyết cần được điều trị khẩn cấp. Nếu không, tình trạng lượng đường trong máu quá thấp có thể gây bất tỉnh hoặc co giật. Trong trường hợp người bệnh bị hạ đường huyết và không thể ăn uống, người xung quanh cần tiêm glucagon cho người bệnh hoặc gọi cấp cứu hay nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế. Nếu không được can thiệp kịp thời, hạ đường huyết còn có thể dẫn đến tử vong.
Nếu bị hạ đường huyết khi dùng metformin, hãy nói với bác sĩ. Nếu cần thiết, bác sĩ sẽ cho giảm liều dùng để tránh bị hạ đường huyết.
Dị ứng
Giống như nhiều loại thuốc khác, metformin cũng có thể gây dị ứng.
Các dấu hiệu của phản ứng dị ứng nhẹ gồm có:
- Phát ban da
- Ngứa ngáy
- Da đỏ, nóng ấm
Mặc dù hiếm gặp nhưng phản ứng dị ứng nghiêm trọng cũng có thể xảy ra. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm có sưng phù dưới da, nhất là ở mí mắt, môi, bàn tay hoặc bàn chân. Sưng cũng có thể xảy ra ở lưỡi, miệng hoặc cổ họng và gây khó thở.
Báo ngay cho bác sĩ khi gặp các triệu chứng dị ứng khi dùng viên nén metformin. Nếu có các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng như khó thở hay choáng váng, hãy gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa tới bệnh viện.
Cách sử dụng viên nén metformin
Khi kê metformin dạng viên nén, bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể liều dùng và thời gian uống thuốc. Người bệnh cần sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ. Dưới đây là liều dùng phổ biến nhưng hãy luôn tuân thủ liều dùng mà bác sĩ chỉ định.
Đường dùng thuốc
Viên nén metformin được dùng qua đường uống. Metformin dạng viên nén có hai loại là phóng thích tức thì và phóng thích kéo dài.
Viên nén phóng thích tức thì bắt đầu phát huy tác dụng ngay sau khi uống. Viên nén phóng thích kéo dài duy trì tác dụng trong một khoảng thời gian sau khi uống.
Vì metformin có cả dạng phóng thích tức thì và dạng phóng thích kéo dài nên thuốc có các mức hàm lượng khác nhau:
Viên nén metformin phóng thích tức thì:
- 500 miligram (mg)
- 850 mg
- 1.000 mg
Viên nén metformin phóng thích kéo dài:
- 500 mg
- 750 mg
- 1.000 mg
Liều dùng
Liều dùng sẽ tùy thuộc vào loại metformin cụ thể (phóng thích tức thì hay phóng thích kéo dài).
Liều dùng metformin dạng viên nén phóng thích tức thì
Liều khuyến nghị tối thiểu của metformin dạng viên nén phóng thích tức thì là liều khởi đầu 500 mg, uống hai lần mỗi ngày trong hoặc ngay sau bữa ăn. Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định liều khởi đầu là 850 mg uống một lần mỗi ngày sau ăn.
Liều dùng metformin có thể được tăng lên sau mỗi tuần. Những người dùng hơn 2.000 mg metformin mỗi ngày có thể sẽ được chỉ định uống thuốc 3 lần mỗi ngày.
Liều khuyến nghị tối đa của metformin dạng viên nén phóng thích tức thì là 2.550 mg mỗi ngày.
Dưới đây là bảng liều dùng tham khảo của metformin dạng viên nén phóng thích tức thì. Tuy nhiên, liều dùng thực tế sẽ tùy thuộc vào hiệu quả kiểm soát đường huyết của thuốc. Điều quan trọng là phải sử dụng đúng liều mà bác sĩ đã kê.
Tuần điều trị | Liều dùng buổi sáng | Liều dùng buổi tối |
Tuần 1 | 500 mg | 500 mg |
Tuần 2 | 1.000 mg | 500 mg |
Tuần 3 | 1.000 mg | 1.000 mg |
Tuần 4 | 1.500mg | 1.000 mg |
Liều dùng metformin dạng viên nén phóng thích kéo dài
Liều khởi đầu được khuyến nghị của metformin dạng viên nén phóng thích kéo dài là 500 mg, uống một lần mỗi ngày trong hoặc ngay sau bữa tối. Bác sĩ có thể tăng liều thêm 500 mg sau mỗi tuần hoặc sau mỗi 2 tuần.
Liều khuyến nghị tối đa của viên nén metformin phóng thích kéo dài là 2.000 mg, uống một lần mỗi ngày.
Dưới đây là bảng liều dùng tham khảo của metformin dạng viên nén phóng thích kéo dài. Tuy nhiên, liều dùng thực tế sẽ tùy thuộc vào hiệu quả kiểm soát đường huyết của thuốc. Điều quan trọng là phải sử dụng đúng liều mà bác sĩ đã kê.
Tuần điều trị | Liều dùng buổi tối |
Tuần 1 | 500 mg |
Tuần 2 | 1.000 mg |
Tuần 3 | 1.500mg |
Tuần 4 | 2.000 mg |
Uống metformin khi nào?
Thời điểm uống metformin tùy thuộc vào loại thuốc được sử dụng:
- Viên nén phóng thích tức thì: uống hai lần mỗi ngày trong hoặc ngay sau bữa ăn, thường là sau bữa sáng và bữa tối.
- Viên nén phóng thích kéo dài: uống một lần mỗi ngày trong hoặc ngay sau bữa tối.
Uống metformin vào buổi tối
Metformin dạng viên nén phóng thích kéo dài nên được dùng một lần mỗi ngày trong hoặc ngay sau bữa tối - bữa ăn cuối cùng trong ngày. Điều này giúp thuốc phát huy tác dụng giảm lượng đường trong máu một cách hiệu quả.
Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về thời gian dùng metformin, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Dùng metformin cùng các loại thuốc khác
Đôi khi, chỉ dùng một loại thuốc sẽ không đủ để kiểm soát bệnh tiểu đường type 2.
Metformin thường là loại thuốc được kê đầu tiên để điều trị tiểu đường type 2 nhưng nếu không hiệu quả thì bác sĩ sẽ kê thêm các loại thuốc khác để kết hợp cùng với metformin.
Một số loại thuốc khác thường được dùng cùng với metformin gồm có:
- empagliflozin (Jardiance)
- dulaglutide (Trulicity)
- dapagliflozin (Farxiga)
- sitagliptin (Januvia)
- glipizide (Glucotrol)
- glyburide (DiaBeta)
- glimepiride (Amaryl)
- insulin, chẳng hạn như insulin glargine (Lantus) hoặc insulin lispro (Humalog)
Không nên tự ý dùng thêm các loại thuốc khác để điều trị bệnh tiểu đường mà phải thao khảo ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc mới nào. Thuốc mới có thể tương tác với metformin và gây ra tác dụng phụ.
Một số câu hỏi về cách sử dụng viên nén metformin
Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp kèm giải đáp về cách sử dụng metformin dạng viên nén.
- Cần làm gì nếu lỡ quên uống metformin? Nếu lỡ quên uống metformin thì hãy bỏ qua liều đã quên và dùng liều tiếp theo như bình thường. Không được uống gộp liều.
- Sử dụng metformin trong bao lâu? Nếu viên nén metformin có hiệu quả kiểm soát đường huyết thì người bệnh sẽ phải sử dụng lâu dài.
- Có thể nhai, nghiền hay bẻ đôi viên nén metformin không? Có thể nghiền hoặc bẻ đôi viên nén metformin phóng thích tức thì nhưng không được làm vậy với viên nén metformin phóng thích kéo dài. Lý do là bởi việc bẻ, nghiền hoặc nhai sẽ làm thay đổi hoạt động của thuốc trong cơ thể. Nếu cảm thấy việc nuốt cả viên thuốc hơi khó thì hãy nói chuyện với bác sĩ. Có thể bác sĩ sẽ kê loại thuốc khác hoặc kê metformin dạng lỏng.
- Uống metformin lúc đói hay lúc no? Người bệnh uống metformin trong hoặc ngay sau bữa ăn. Dạng viên nén phóng thích tức thì được dùng 2 lần mỗi ngày và dạng viên nén phóng thích kéo dài được dùng một lần mỗi ngày trong hoặc sau bữa tối.
- Mất bao lâu để viên nén metformin phát huy tác dụng? Viên nén metformin phát huy tác dụng nhanh chóng sau khi uống nhưng vẫn chậm hơn so với các loại thuốc tiêm vì thuốc tiêm được đưa trực tiếp vào máu trong khi metformin được dùng qua đường uống và cần có thời gian để thuốc hấp thụ qua ruột vào máu. Vì vậy, nếu cần giảm lượng đường trong máu nhanh hơn thì có thể sẽ phải tiêm insulin tác dụng nhanh. Để biết thêm thông tin về liệu pháp, hãy trao đổi với bác sĩ.
Một số câu hỏi thường gặp về viên nén metformin
Có thể sử dụng metformin để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang và các vấn đề về khả năng sinh sản không? Nếu có thể thì liều dùng là bao nhiêu?
Metformin không được phê duyệt sử dụng để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) hay các vấn đề về khả năng sinh sản.
Hội chứng buồng trứng đa nang là một tình trạng mất cân bằng nội tiết tố xảy ra khi buồng trứng tạo ra quá nhiều hormone androgen. Hội chứng buồng trứng đa nang gây rối loạn kinh nguyệt và có thể dẫn đến các vấn đề về khả năng sinh sản. Ngoài ra, những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang thường cũng bị kháng insulin (tình trạng các tế bào cơ thể không phản ứng tốt với insulin – hormone giúp điều hòa lượng đường trong máu). Kháng insulin có thể góp phần gây ra một số triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang, chẳng hạn như tăng cân.
Trong một số trường hợp, metformin được sử dụng dưới hình thức ngoài hướng dẫn (off-label) để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang hoặc để giải quyết các vấn đề về khả năng sinh sản. (Sử dụng ngoài hướng dẫn hay off-label có nghĩa là một loại thuốc được sử dụng cho những mục đích chưa được phê duyệt).
Metformin có thể làm giảm tình trạng kháng insulin để cơ thể sử dụng insulin hiệu quả hơn, nhờ đó làm giảm lượng đường trong máu. Và ở những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang, metformin có thể giúp chu kỳ kinh nguyệt diễn ra đều đặn hơn và điều này có thể cải thiện các vấn đề về khả năng sinh sản.
Vì metformin chưa được phê duyệt sử dụng để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang hay các vấn đề về khả năng sinh sản nên không có liều dùng khuyến nghị cho những mục đích này.
Nếu muốn sử dụng metformin để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang hoặc các vấn đề về khả năng sinh sản, hãy trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ sẽ cho biết phương pháp điều trị này có hiệu quả hay không và liều dùng thích hợp là bao nhiêu.
Metformin có cơ chế tác dụng như thế nào? Thuốc tồn tại trong cơ thể bao lâu?
Metformin có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường type 2. Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi cơ thể không còn khả năng điều hòa lượng đường trong máu một cách hiệu quả.
Bình thường, cơ thể điều hòa lượng đường trong máu bằng cách tạo ra insulin - một loại hormone giúp các tế bào cơ thể sử dụng đường (glucose) trong máu làm năng lượng. Nhưng ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2, cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc các tế bào không phản ứng tốt với insulin (kháng insulin). Cả hai đều dẫn đến kết quả là lượng đường trong máu tăng cao.
Metformin giúp làm giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 bằng cách:
- giảm lượng đường do gan tạo ra
- làm giảm sự hấp thụ đường từ thức ăn
- làm cho các tế bào phản ứng nhạy hơn với insulin, có nghĩa là làm cho hormone này hoạt động hiệu quả hơn
Thời gian mà metformin tồn tại trong cơ thể có liên quan đến thời gian bán thải của thuốc. Thời gian bán thải của một loại thuốc là khoảng thời gian để nồng độ thuốc trong máu giảm đi một nửa.
Thời gian bán thải của metformin là khoảng 6 giờ 12 phút, có nghĩa là sau khi uống thuốc khoảng 6 giờ, nồng độ thuốc trong cơ thể sẽ giảm một nửa. Nói chung, thời gian để cơ thể đào thải toàn bộ thuốc thường lâu hơn gấp 4 đến 5 lần thời gian bán thải.
Các nghiên cứu cho thấy rằng khoảng 90% lượng metformin đã uống được đào thải qua thận trong vòng 24 giờ. Đó là lý do tại sao cần phải uống metformin đều đặn hàng ngày. (1)
Nếu đường huyết quá cao thì có thể tăng liều metformin không?
Người bệnh cần sử dụng thuốc đúng liều. Hỏi ý kiến bác sĩ trước khi tăng liều metformin.
Uống metformin quá liều có thể gây hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp). nguy cơ hạ đường huyết sẽ càng cao nếu dùng metformin cùng với các loại thuốc điều trị tiểu đường khác.
Đối với những người mới sử dụng metformin, bác sĩ có thể yêu cầu tăng liều sau mỗi 1 - 2 tuần tùy thuộc vào:
- Dạng metformin được sử dụng (phóng thích tức thì hay phóng thích kéo dài)
- Mức đường huyết
Nếu có các triệu chứng tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao), hãy gọi ngay cho bác sĩ. Đó có thể là những dấu hiệu của nhiễm toan ceton – một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường type 2. Nhiễm toan ceton cần được điều trị khẩn cấp.
Một số triệu chứng thường gặp của tăng đường huyết gồm có:
- Hơi thở có mùi trái cây
- Mệt mỏi (thiếu năng lượng)
- Khó thở
- Mắt mờ
- Khô miệng, khát nước liên tục
- Đi tiểu nhiều lần
- Buồn nôn
Có những phương pháp điều trị tiểu đường nào khác ngoài metformin?
Ngoài metformin còn có rất nhiều phương pháp khác để điều trị bệnh tiểu đường type 2.
Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị sử dụng metformin làm phương pháp điều trị bước đầu cho bệnh tiểu đường type 2. (2) Tuy nhiên, nhiều người không thể dùng metformin do bị dị ứng hoặc gặp phải tác dụng phụ.
Có rất nhiều lựa chọn để điều trị bệnh tiểu đường, gồm có các loại thuốc đường uống khác, thuốc tiêm hay thực phẩm chức năng.
Các loại thuốc đường uống khác cũng thường được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 gồm có:
- sitagliptin (Januvia)
- linagliptin (Tradjenta)
- canagliflozin (Invokana)
- dapagliflozin (Farxiga)
- pioglitazon (Actos)
- glimepirid (Amaryl)
- glipizide (Glucotrol)
Các loại thuốc tiêm gồm có:
- dulaglutide (Trulicity)
- semaglutua (Ozempic)
- insulin lispro (Humalog)
- insulin aspart (Novolog)
- insulin glargine (Lantus)
Ngoài ra, một số loại thực phẩm chức năng tự nhiên cũng có tác dụng hỗ trợ kiểm soát đường huyết. Tuy nhiên, không giống như thuốc, các loại thực phẩm chức năng không phải trải qua thử nghiệm lâm sàng và không được các cơ quan chức năng kiểm soát về chất lượng.
Do đó, không gì có thể đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của thực phẩm chức năng.
Một số loại thực phẩm chức năng có thể được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường gồm có berberin, quế, coenzim Q10, nghệ và giấm.
Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thực phẩm chức năng nào. Thực phẩm chức năng có thể tương tác với thuốc và cũng có thể gây tác dụng phụ.
Có đúng là metformin làm tăng nguy cơ ung thư không?
Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy metformin làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư.
Tuy nhiên mới đây, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) đã thu hồi một số loại metformin dạng viên nén do những thuốc này có chứa một chất hóa học có tên là N- nitrosodimethylamine (NDMA) ở mức hàm lượng không an toàn. NDMA là một chất có thể làm tăng nguy cơ ung thư.
Không phải loại metformin nào cũng có chứa NDMA. FDA đã công bố danh sách những loại metformin bị thu hồi, trong đó có viên nén phóng thích kéo dài với hàm lượng 500 miligram (mg), 750 mg và 1.000 mg. (3)
Uống metformin có chứa hàm lượng NDMA vượt quá giới hạn an toàn có thể làm tăng nguy cơ ung thư. Tuy nhiên, những loại metformin không nằm trong danh sách bị thu hồi sẽ không làm tăng nguy cơ ung thư.
Trên thực tế, metformin hiện đang được thử nghiệm như một phần trong phác đồ điều trị ung thư vú và ung thư tuyến tiền liệt. Nhưng tại thời điểm này vẫn chưa đủ bằng chứng để kết luận tác dụng điều trị ung thư của metformin.
Tác dụng phụ của metformin ở nam giới và ở phụ nữ có giống nhau không?
Trong hầu hết các trường hợp, nam giới và phụ nữ gặp phải các tác dụng phụ tương tự nhau khi dùng metformin.
Một nghiên cứu đã được thực hiện để so sánh tác dụng phụ của metformin ở phụ nữ và nam giới. Nghiên cứu này cho thấy tỷ lệ gặp phải tác dụng phụ ở phụ nữ cao hơn nam giới nhưng các tác dụng phụ phổ biến được báo cáo ở cả hai nhóm đều giống nhau.
Theo nghiên cứu này, các tác dụng phụ xảy ra phổ biến nhất ở cả nam và nữ là:
- Tiêu chảy
- Buồn nôn
- Đau bụng
- Đầy hơi
- Đau đầu
- Mệt mỏi (thiếu năng lượng)
Có thể sử dụng metformin trong liệu pháp chống lão hóa không?
Cho đến thời điểm hiện tại, metformin không được phê duyệt sử dụng trong liệu pháp chống lão hóa. Có thể metformin giúp kiểm soát các bệnh liên quan đến lão hóa nhưng chưa có nghiên cứu nào chứng minh tác dụng chống lão hóa của loại thuốc này.
Metformin hiện đang được nghiên cứu về ứng dụng trong liệu pháp chống lão hóa nhưng chưa có đủ thông tin về tính an toàn và hiệu quả của thuốc khi được sử dụng cho mục đích này.
Metformin và giảm cân
Tại thời điểm này, metformin không được phê duyệt sử dụng cho mục đích giảm cân. Mặc dù vậy nhưng metformin có thể giúp giảm cân. Trên thực tế, giảm cân (sụt cân) là một tác dụng phụ của loại thuốc này.
Chưa rõ chính xác tại sao metformin lại có thể giúp giảm cân nhưng loại thuốc này không gây tăng cân.
Do metformin không được phê duyệt sử dụng để giảm cân nên không có liều dùng khuyến nghị cho mục đích này.
Những điều cần lưu ý trước khi dùng metformin
Một số thông tin quan trọng mà người bệnh nên trao đổi với bác sĩ trước khi bắt đầu điều trị tiểu đường bằng metformin gồm có:
- Các bệnh lý khác đang mắc
- Tất cả các loại thuốc khác đang dùng
- Tương tác thuốc
Việc dùng các loại thuốc đường uống khác hoặc thuốc tiêm, vắc-xin, thực phẩm tự nhiên hay thực phẩm chức năng cùng với metformin có thể ảnh hưởng đến hoạt động của metformin. Điều này được gọi là tương tác thuốc.
Do đó, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc (bao gồm cả thuốc kê đơn lẫn thuốc không kê đơn), thực phẩm chức năng và thảo dược đang dùng trước khi sử dụng metformin. Bác sĩ sẽ cho biết có loại thuốc hay thực phẩm chức năng nào có thể tương tác với metformin hay không.
Tương tác với thuốc và thực phẩm chức năng
Viên nén metformin có thể tương tác với một số loại thuốc, gồm có:
- Các loại thuốc điều trị tiểu đường khác có tác dụng làm giảm lượng đường trong máu, chẳng hạn như insulin
- Thực phẩm chức năng axit nicotinic (niacin)
- Một số loại thuốc chống co giật động kinh, gồm có topiramate và phenytoin
- Thuốc điều trị trào ngược dạ dày thực quản cimetidine
- Một số loại thuốc chống loạn thần, chẳng hạn như chlorpromazine
- Một số loại thuốc nội tiết tố, bao gồm cả thuốc tránh thai
- Một số loại thuốc điều trị cao huyết áp, chẳng hạn như hydrochlorothiazide
- Thuốc steroid, chẳng hạn như prednisone
- Thuốc điều trị bệnh tuyến giáp như levothyroxine
- Thuốc điều trị bệnh lao isoniazid
- Thuốc điều trị HIV dolutegravir
Trên đây chỉ là một vài loại thuốc có thể tương tác với viên nén metformin. Ngoài ra còn có rất nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng khác cũng có thể xảy ra tương tác với metformin.
Tương tác với thực phẩm
Người bệnh không cần phải kiêng bất kỳ loại thực phẩm nào trong khi dùng metformin, bao gồm cả bưởi – một loại trái cây cần phải tránh khi dùng một số loại thuốc khác.
Cảnh báo đặc biệt
Metformin dạng viên nén có cảnh báo đặc biệt về nguu cơ nhiễm toan axit lactic.
Nhiễm toan axit lactic là tình trạng xảy ra do cơ thể đào thải axit lactic chậm hơn bình thường. Điều này dẫn đến tích tụ axit lactic trong máu.
Mặc dù hiếm gặp nhưng tác dụng phụ này có thể xảy ra khi dùng viên nén metformin. Và nhiễm toan axit lactic thể nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Để biết thêm thông tin về nhiễm toan axit lactic do metformin, vui lòng đọc phần “Tác dụng phụ” bên trên.
Cảnh báo khác
Viên nén metformin không phù hợp với người đang mắc một số bệnh lý nhất định hoặc có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử trước khi dùng metformin. Những trường hợp không nên dùng metformin gồm có:
- Bệnh thận: Đối với những người bị bệnh thận, bác sĩ có thể sẽ kê một loại thuốc khác thay cho metformin để điều trị tiểu đường type 2. Dùng metformin khi có vấn đề về thận sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic. (Xem phần “Cảnh báo đặc biệt” ngay bên trên để biết thông tin về nhiễm toan axit lactic). Metformin có chống chỉ định đối với những người mắc bệnh thận nghiêm trọng, có nghĩa là nhóm đối tượng này không được sử dụng thuốc. Những người có vấn đề về thận cần cho bác sĩ biết trước khi dùng metformin.
- Dị ứng: Không nên dùng metformin nếu đã từng bị dị ứng với thuốc hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Đối với những trường hợp bị dị ứng metformin, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác.
- Bệnh gan: Đối với những người có vấn đề về gan, bác sĩ cũng sẽ kê một loại thuốc khác để điều trị tiểu đường type 2 thay cho viên nén metformin. Lý do là vì các vấn đề về gan có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic khi dùng metformin. Những người mắc các bệnh về gan cần cho bác sĩ biết trước khi dùng metformin.
- Bệnh tim: Những người có vấn đề về tim, chẳng hạn như suy tim sung huyết, cần nói với bác sĩ trước khi bắt đầu dùng viên nén metformin. Những vấn đề này có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic khi dùng metformin.
- Nhiễm toan ceton: Những người bị nhiễm toan ceton (một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường) không nên sử dụng metformin. Trên thực tế, metformin có chống chỉ định đối với những người bị nhiễm toan ceton. Điều này có nghĩa là người bị nhiễm toan ceton tuyệt đối không được dùng metformin.
- Sắp phẫu thuật hoặc thực hiện một số phương pháp chẩn đoán hình ảnh: Nếu đang dùng metformin, người bệnh cần thông báo cho bác sĩ biết trước khi làm phẫu thuật hoặc thực hiện các phương pháp chẩn đoán hình ảnh cần sử dụng thuốc cản quang. Có thể sẽ phải ngừng dùng metformin khoảng vài ngày trước khi phẫu thuật hoặc tiến hành thủ thuật chẩn đoán hình ảnh.
- Bệnh tiểu đường type 1: Không nên dùng metformin để điều trị bệnh tiểu đường type 1. Metformin chỉ được sử dụng để điều trị tiểu đường type 2. Bệnh tiểu đường type 1 cần được điều trị bằng các loại thuốc khác.
Uống rượu bia khi dùng metformin
Không nên uống rượu bia khi đang dùng metformin vì đồ uống có cồn sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic.
Nhiễm toan axit lactic xảy ra khi cơ thể đào thải axit lactic chậm hơn bình thường. Điều này khiến cho nồng độ axit lactic trong máu tăng cao. Tình trạng nhiễm toan axit lactic nó có thể nghiêm trọng hoặc thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Ngoài ra, tiêu thụ các loại đồ uống có cồn có chứa đường sẽ làm tăng lượng đường trong máu mà metformin lại được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu.
Dùng metformin cho phụ nữ mang thai và cho con bú
Hiện vẫn chưa có đủ bằng chứng nghiên cứu để kết luận tính an toàn của metformin khi dùng trong thời kỳ mang thai.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng metformin có thể đi vào sữa mẹ nhưng chưa rõ metformin có tác động như thế nào đến trẻ sơ sinh.
Phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bắt đầu hoặc tiếp tục dùng metformin. Có thể bác sĩ sẽ kê một loại thuốc khác để đảm bảo an toàn.
Công dụng của viên nén metformin
Metformin là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Metformin có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em.
Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra khi cơ thể không thể điều hòa lượng đường trong máu một cách hiệu quả như bình thường.
Bình thường, cơ thể điều hòa lượng đường trong máu bằng cách tạo ra insulin - một loại hormone giúp các tế bào cơ thể sử dụng đường trong máu làm năng lượng. Nhưng ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2, cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc bị kháng insulin (các tế bào phản ứng kém với insulin). Cả hai đều dẫn đến kết quả là lượng đường trong máu tăng cao.
Metformin giúp điều trị bệnh tiểu đường type 2 bằng cách làm giảm lượng đường trong máu. Để biết thêm chi tiết về cơ chế tác dụng của metformin, vui lòng đọc lại phần “Một số câu hỏi thường gặp về viên nén metformin” ở trên.
Nên kết hợp metformin với chế độ ăn uống lành mạnh và thói quen tập thể dục đều đặn. Bằng cách này, thuốc sẽ phát huy tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả hơn.
Viên nén metformin có dạng phóng thích tức thì và dạng phóng thích kéo dài. Để tìm hiểu thêm về các dạng này, vui lòng đọc phần “Cách sử dụng viên nén metformin” ở trên. Metformin dạng viên nén phóng thích tức thì có thể sử dụng cho người lớn và trẻ em từ 10 tuổi trở lên. Metformin dạng viên nén phóng thích kéo dài chỉ được sử dụng cho người lớn, không dùng được cho trẻ em.
Metformin còn có thể được sử dụng để điều trị tiền tiểu đường. Tiền tiểu đường là khi lượng đường trong máu cao hơn bình thường nhưng chưa đủ cao để được coi là bệnh tiểu đường. Tiền tiểu đường nếu không được điều trị sẽ tiến triển thành tiểu đường. Kiểm soát tiền tiểu đường là một mục đích sử dụng ngoài hướng dẫn của viên nén metformin. (Sử dụng ngoài hướng dẫn hay off-label có nghĩa là một loại thuốc được sử dụng cho những mục đích chưa được phê duyệt).
Cần làm gì khi dùng metformin quá liều?
Không dùng metformin vượt quá liều mà bác sĩ chỉ định. Sử dụng thuốc quá liều có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Triệu chứng
Các triệu chứng có thể xảy ra khi dùng metformin quá liều gồm có:
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)
- Nhiễm toan axit lactic (nồng độ axit lactic trong máu tăng cao) với các triệu chứng:
- đau cơ
- khó thở
- buồn ngủ
Cách xử trí
Báo ngay cho bác sĩ nếu đã dùng metformin quá liều. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.
Trao đổi với bác sĩ
Metformin thường là loại thuốc được kê đầu tiên để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Đây là một loại thuốc kê đơn có thể sử dụng cho cả người lớn và trẻ em mắc bệnh lý này.
Giống như các loại thuốc khác, viên nén metformin có thể gây ra một số tác dụng phụ, trong đó có các tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, đa phần thì tác dụng phụ của metformin đều chỉ ở mức độ nhẹ. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào về tác dụng phụ của metformin, người bệnh hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Dưới đây là một số câu hỏi mà người bệnh có thể hỏi bác sĩ trước khi bắt đầu dùng metformin:
- Sử dụng metformin có làm tăng nguy cơ sa sút trí tuệ không?
- Dùng nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường cùng lúc có làm tăng nguy cơ tác dụng phụ không?
- Nếu có thai thì có cần ngưng sử dụng metformin không?
- Metformin có làm giảm lượng đường trong máu hiệu quả không hay cần kết hợp thêm các loại thuốc khác?
- Có thể chuyển từ metformin dạng viên nén phóng thích tức thì sang dạng phóng thích kéo dài và ngược lại không?
Nếu muốn tìm hiểu thêm về các loại thuốc điều trị tiểu đường khác, hãy đọc bài viết này hoặc đọc bài viết này để tìm hiểu về các phương pháp điều trị thay thế.
Linagliptin-metformin được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Thuốc này được kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu.
Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này được sử dụng kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu.
Glimepiride được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 – bệnh lý mãn tính có đặc trưng là đường trong máu cao.
Avandia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn. Thuốc này được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục trong phác đồ điều trị tiểu đường.
Januvia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Giống như nhiều loại thuốc khác, Januvia được kết hợp cùng chế độ ăn kiêng và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh lý này.