Glyburide: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Thông tin cơ bản về glyburide
- Glyburide có cả phiên bản thuốc gốc và biệt dược. Biệt dược: Diabeta, Glynase PresTab.
- Viên nén glyburide có hai dạng là dạng thường và dạng vi hạt. Dạng vi hạt chứa các hạt nhỏ hơn so với dạng thường.
- Glyburide được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2.
Cảnh báo quan trọng
- Cảnh báo về nguy cơ hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp): Glyburide có thể gây hạ đường huyết. Các triệu chứng hạ đường huyết gồm có:
- Run tay
- Cảm giác hồi hộp, bồn chồn
- Đổ mồ hôi, ớn lạnh
- Cắt gắt
- Mơ hồ, thiếu tỉnh táo
- Tim đập nhanh
- Chóng mặt
- Đói cồn cào
- Buồn nôn
- Buồn ngủ
- Mắt mờ
- Châm chích hoặc tê ở môi hoặc lưỡi
- Nhức đầu
- Mệt mỏi
- Giảm khả năng phối hợp động tác
- Mơ thấy ác mộng hoặc chảy nước mắt trong khi ngủ
- Co giật
- Bất tỉnh
Nếu không điều trị, hạ đường huyết có thể gây co giật, bất tỉnh và tổn thương não. Hạ đường huyết thậm chí còn có thể gây tử vong. Nếu người bệnh bất tỉnh hoặc không thể ăn uống do hạ đường huyết thì người xung quanh sẽ phải tiêm glucagon cho người bệnh để làm tăng lượng đường trong máu. Người bệnh có thể cần được đưa đi cấp cứu.
- Cảnh báo về dạng thuốc: Glyburide dạng vi hạt và glyburide thông thường không giống nhau nên không thể sử dụng thay cho nhau. Nếu cần chuyển từ dạng này sang dạng kia thì phải từ từ điều chỉnh liều dùng.
- Cảnh báo về nguy cơ chấn thương, nhiễm trùng và phẫu thuật: Nếu bị nhiễm trùng, bị thương hoặc sắp phải trải qua đại phẫu thì người bệnh sẽ phải tạm thời ngừng dùng glyburide một thời gian ngắn. Những điều này có thể khiến cơ thể bị stress và stress sẽ ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể. Điều này có nghĩa là glyburide sẽ bị giảm hiệu quả. Người bệnh có thể tạm thời sử dụng insulin để kiểm soát lượng đường trong máu trong những khoảng thời gian này.
Glyburide là gì?
Glyburide là một loại thuốc kê đơn được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Glyburide có dạng viên nén dùng qua đường uống. Có hai loại viên nén glyburide là loại thường và loại vi hạt. Loại vi hạt chứa các hạt nhỏ hơn so với loại thường.
Glyburide là tên thuốc gốc và ngoài ra còn có phiên bản biệt dược là Diabeta và Glynase PresTab.
(Khi một loại thuốc mới được phát minh ra, nó sẽ được đăng ký tên thuốc gốc theo danh pháp quốc tế hoặc danh pháp của từng nước cùng với tên biệt dược của nơi tiến hành nghiên cứu. Sau khi được cấp phép lưu hành trên thị trường, biệt dược sẽ được giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của mỗi nước. Sau khi hết hạn độc quyền, các nhà sản xuất khác có thể sản xuất thuốc này với tên thuốc gốc hoặc một tên biệt dược khác.)
Thuốc gốc thường có giá thấp hơn so với biệt dược nhưng đôi khi không đa dạng về dạng và mức hàm lượng giống như biệt dược.
Người bệnh có thể phải dùng glyburide cùng với các loại thuốc khác để kiểm soát bệnh tiểu đường.
Cơ chế tác dụng của glyburide
Glyburide thuộc nhóm thuốc sulfonylurea. Nhóm thuốc gồm có các loại thuốc có cơ chế tác dụng và công dụng tương tự nhau.
Glyburide giúp giải phóng insulin từ tuyến tụy. Insulin là loại hormone giúp vận chuyển đường từ máu vào các tế bào, tại đây đường được sử dụng để tạo năng lượng. Điều này giúp làm giảm lượng đường trong máu.
Tác dụng phụ của glyburide
Glyburide không gây buồn ngủ nhưng có thể gây ra các tác dụng phụ khác.
Tác dụng phụ phổ biến
Một số tác dụng phụ phổ biến của glyburide gồm có:
- Tiêu chảy
- Chóng mặt
- Đau đầu
- Ợ nóng
- Buồn nôn
- Đầy hơi
- Tăng cân
Nếu các tác dụng phụ này chỉ ở mức độ nhẹ thì thường sẽ tự hết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Tuy nhiên, nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài không hết thì cần báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Cần báo ngay cho bác sĩ nếu gặp phải các tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng glyburide. Gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện nếu nhận thấy các triệu chứng có vẻ nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng. Dưới đây là một số tác dụng phụ nghiêm trọng của glyburide cùng các triệu chứng:
- Phản ứng dị ứng, với các triệu chứng như:
- Da mẩn đỏ hoặc nổi mụn nước
- Ngứa ngáy
- Nổi mề đay
- Sưng phù mặt, môi hoặc lưỡi
- Khó thở
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) với các triệu chứng như:
- Đổ mồ hôi
- Ớn lạnh
- Cảm thấy lo lắng, bồn chồn
- Nhức đầu
- Chóng mặt
- Run tay
- Mờ mắt
- Tim đập nhanh
- Co giật
- Mất ý thức
- Mất khả năng phối hợp động tác (mất điều hòa)
- Các vấn đề về gan với các triệu chứng như:
- Nước tiểu sẫm màu
- Vàng da và/hoặc tròng trắng mắt
- Các triệu chứng giống như cúm
- Dễ chảy máu hoặc bầm tím
Điều trị hạ đường huyết
Nếu có các triệu chứng hạ đường huyết thì hãy đo đường huyết ngay. Nếu bị hạ đường huyết nhẹ (đường huyết trong khoảng 55 – 70 mg/dL) thì hãy thực hiện các bước sau để đưa lượng đường trong máu về mức an toàn:
Ăn hoặc uống 15 – 20 gram glucose, chẳng hạn như:
- 3 - 4 viên nén glucose
- Một ống gel glucose
- Nửa cốc nước trái cây hoặc nước ngọt thông thường (không dùng loại dành cho người ăn kiêng)
- 1 cốc sữa bò tách béo hoặc 1% béo
- 1 thìa canh đường, mật ong hoặc siro ngô
- 8 – 10 chiếc kẹo ngọt
Sau đó chờ 15 phút và đo lại đường huyết. Nếu đường huyết vẫn thấp thì hãy tiếp tục ăn thêm 15 – 20 gram glucose nữa.
Khi đường huyết trở lại mức bình thường, hãy ăn một chút gì đó nếu như còn hơn 1 tiếng nữa mới đến bữa ăn chính hoặc bữa ăn nhẹ.
Khi nào cần báo cho bác sĩ?
Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh có dấu hiệu hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao). Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện.
Các triệu chứng của hạ đường huyết gồm có:
- Đổ mồ hôi
- Ớn lạnh
- Cảm giác lo âu, bồn chồn không rõ nguyên nhân
- Nhức đầu
- Chóng mặt
- Run tay
- Mờ mắt
- Tim đập nhanh
- Co giật
- Mất ý thức
- Mất khả năng phối hợp động tác
Các triệu chứng của tăng đường huyết gồm có:
- Đi tiểu nhiều lần
- Khát hoặc đói liên tục
- Mệt mỏi
- Mờ mắt
- Vết thương chậm lành
- Châm chích hoặc tê ở bàn tay hoặc bàn chân
Lưu ý, vì tác động của thuốc đến cơ thể mỗi người là khác nhau nên tác dụng phụ mà mỗi người gặp phải sẽ không hoàn toàn giống nhau. Trên đây chỉ là một số tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng glyburide. Ngoài ra glyburide còn có thể gây ra những tác dụng phụ khác. Người bệnh có thể trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ hoặc đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết rõ hơn về các tác dụng phụ.
Tương tác thuốc
Glyburide có thể tương tác với các loại thuốc khác, vitamin hoặc thảo dược mà người bệnh đang dùng. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc trong cơ thể. Điều này có thể khiến thuốc giảm hiệu quả hoặc tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.
Để tránh xảy ra tương tác thuốc, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc, thảo dược hay thực phẩm chức năng mà mình đang dùng để bác sĩ kê thuốc cho phù hợp. Để hiểu rõ về tương tác thuốc của glyburide, hãy nói chuyện trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Dưới đây là một số loại thuốc có thể tương tác với glyburide.
Thuốc điều trị tăng áp động mạch phổi
Không nên dùng glyburide cùng với bosentan. Dùng hai loại thuốc này cùng nhau có thể gây tổn hại đến gan.
Thuốc điều trị trào ngược dạ dày
Nếu người bệnh phải dùng cả glyburide và cisapride – một loại thuốc điều trị chứng trào ngược dạ dày – thực quản thì có thể sẽ phải điều chỉnh liều dùng glyburide để đảm bảo hiệu quả của thuốc.
Thuốc kháng sinh điều trị nhiễm trùng và loét do H. pylori
Dùng clarithromycin (một loại thuốc điều trị nhiễm trùng do vi khuẩn) cùng với glyburide có thể làm tăng nồng độ glyburide trong máu và điều này sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.
Thuốc điều trị trào ngược, buồn nôn và nôn
Nếu người bệnh phải dùng cả glyburide và metoclopramide (một loại thuốc điều trị và dự phòng các triệu chứng nôn, buồn nôn) thì có thể sẽ cần phải điều chỉnh liều dùng glyburide để đảm bảo hiệu quả của thuốc.
Thuốc điều trị ung thư, viêm khớp dạng thấp và bệnh vảy nến
Không nên dùng glyburide cùng với methotrexate (một loại thuốc ức chế miễn dịch). Dùng hai loại thuốc này cùng nhau có thể làm tăng nồng độ methotrexate trong máu và dẫn đến tác dụng phụ nguy hiểm.
Thuốc điều trị bệnh lao
Dùng rifampin (một loại thuốc điều trị bệnh lao) cùng với glyburide có thể làm giảm nồng độ glyburide trong máu. Điều này có nghĩa là hiệu quả kiểm soát lượng đường trong máu của glyburide sẽ giảm.
Thuốc kháng axit
Dùng các loại thuốc kháng axit như cimetidin cùng với glyburide có thể làm tăng tác dụng của glyburide trong cơ thể. Điều này đồng nghĩa với việc tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, bao gồm cả hạ đường huyết. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có:
Thuốc lợi tiểu
Dùng thuốc lợi tiểu cùng với glyburide có thể gây ra tăng đường huyết hoặc hạ đường huyết ở những người mắc bệnh tiểu đường. Do đó, người bệnh cần theo dõi đường huyết thường xuyên nếu dùng các loại thuốc này cùng nhau. Có thể sẽ phải thay đổi liều dùng glyburide hoặc các loại thuốc trị tiểu đường khác.
Một số ví dụ về thuốc lợi tiểu gồm có:
- bumetanide
- furosemide
- hydrochlorothiazide
- triamterene
Aspirin và các thuốc chống viêm không steroid khác
Dùng aspirin hoặc các thuốc chống viêm không steroid (NSAID) khác cùng với glyburide có thể gây hạ đường huyết. Một số ví dụ về NSAID gồm có:
- ibuprofen
- naproxen
Thuốc trị nhiễm nấm
Dùng thuốc kháng nấm cùng với glyburide có thể làm tăng nồng độ glyburide trong máu và điều này sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Một số ví dụ về các loại thuốc này gồm có:
- fluconazole
- ketoconazole
Thuốc điều trị bệnh gout
Dùng probenecid (một loại thuốc có tác dụng tăng đào thải axit uric vào nước tiểu, được sử dụng để điều trị bệnh gout) cùng với glyburide có thể làm tăng tác dụng của glyburide và dẫn đến hạ đường huyết.
Thuốc trị nhiễm trùng mắt
Dùng chloramphenicol (một loại kháng sinh) cùng với glyburide có thể làm tăng tác dụng của glyburide và gây hạ đường huyết.
Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOI)
Dùng các loại thuốc này cùng với glyburide có thể làm tăng tác dụng của glyburide và gây hạ đường huyết. Một số ví dụ về thuốc ức chế monoamine oxidase có thể tương tác với glyburide gồm có:
- phenelzine
- selegiline
Thuốc điều trị cao huyết áp (thuốc chẹn beta)
Dùng các loại thuốc này cùng với glyburide có thể làm tăng tác dụng của glyburide và gây hạ đường huyết. Một số ví dụ về thuốc chẹn beta có thể tương tác với glyburide gồm có:
- nadolol
- propranolol
- sotolol
Corticoid
Dùng các loại thuốc trong nhóm corticoid như prednisone cùng với glyburide có thể làm giảm tác dụng của glyburide và gây tăng đường huyết.
Thuốc chống loạn thần
Dùng các loại thuốc này cùng với glyburide có thể làm giảm tác dụng của glyburide và làm tăng lượng đường trong máu. Một số ví dụ về thuốc chống loạn thần có thể tương tác với glyburide gồm có:
- clozapine
- olanzapine
- aripiprazole
- ziprasidone
Thuốc điều trị bệnh tuyến giáp
Dùng các loại thuốc điều trị bệnh tuyến giáp cùng với glyburide có thể làm giảm tác dụng của glyburide và dẫn đến tăng đường huyết. Một số ví dụ về các loại thuốc này gồm có:
- levothyroxine
- liotrix
- liothyronine
Liệu pháp hormone hoặc thuốc tránh thai đường uống
Dùng các loại thuốc này cùng với glyburide có thể làm giảm tác dụng của glyburide và dẫn đến tăng đường huyết. Một số ví dụ về các loại thuốc này gồm có:
- estrogen
- progesterone
Thuốc chống động kinh
Dùng phenytoin – một loại thuốc điều trị động kinh – cùng với glyburide có thể làm giảm tác dụng của glyburide và gây tăng đường huyết.
Thuốc điều trị cao huyết áp (thuốc chẹn kênh canxi)
Dùng các loại thuốc này cùng với glyburide có thể làm giảm tác dụng của glyburide và gây tăng đường huyết. Một số ví dụ về thuốc chẹn kênh canxi có thể tương tác với glyburide gồm có:
- amlodipine
- verapamil
- nifedipine
Niacin
Dùng niacin cùng với glyburide có thể làm giảm tác dụng của glyburide và gây tăng đường huyết.
Lưu ý, tương tác thuốc xảy ra ở mỗi người là khác nhau. Không phải lúc nào glyburide cũng tương tác với các loại thuốc kể trên và ngoài danh sách này còn có rất nhiều loại thuốc khác có thể tương tác với glyburide. Để biết chi tiết về tương tác giữa glyburide với các loại thuốc khác hay thực phẩm chức năng, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Cảnh báo về glyburide
Glyburide đi kèm một số cảnh báo.
Phản ứng dị ứng
Glyburide có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng với các triệu chứng:
- Khó thở
- Sưng cổ họng hoặc lưỡi
- Nổi mề đay
Nếu có các triệu chứng này khi dùng glyburide, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
Tuyệt đối không được tiếp tục sử dụng glyburide nếu đã từng bị dị ứng với thuốc hay bất kỳ thành phần nào của thuốc. Việc tiếp tục dùng thuốc khi đã có tiền sử dị ứng có thể gây tử vong.
Tương tác với đồ uống có cồn
Uống rượu bia có thể ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lượng đường trong máu. Do đó, nên hạn chế uống rượu bia khi đang dùng glyburide.
Cảnh báo đối với người đang mắc một số bệnh lý nhất định
- Đối với người bị nhiễm toan ceton: Không sử dụng glyburide để điều trị nhiễm toan ceton. Nhiễm toan ceton là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, cần được điều trị bằng insulin.
- Đối với người mắc bệnh tiểu đường type 1: Không sử dụng glyburide để điều trị bệnh tiểu đường type 1. Glyburide có tác dụng làm tăng lượng insulin mà tuyến tụy sản xuất. Ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1, tuyến tụy hoàn toàn không còn khả năng sản xuất insulin. Vì vậy, glyburide sẽ không có tác dụng.
- Đối với người mắc bệnh tim mạch: Glyburide có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim hoặc đột quỵ. Nếu không được điều trị kịp thời, những tình trạng này có thể dẫn đến tử vong. Những người mắc bệnh tim mạch cần phải cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu dùng glyburide.
- Đối với người mắc bệnh tuyến giáp: Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu bị bệnh về tuyến giáp vì điều này sẽ ảnh hưởng đến khả năng kiểm soát lượng đường trong máu của cơ thể. Có thể sẽ phải điều chỉnh liều dùng thuốc để kiểm soát bệnh tiểu đường và bệnh tuyến giáp.
- Đối với người mắc bệnh thận: Khi chức năng thận có vấn đề, glyburide sẽ không được đào thải ra ngoài một cách bình thường. Thuốc sẽ tích tụ trong cơ thể và làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ như hạ đường huyết.
- Đối với người mắc bệnh gan: Trong những trường hợp có vấn đề về gan, bác sĩ thường sẽ giảm liều glyburide.
Cảnh báo đối với các nhóm đối tượng khác
Đối với phụ nữ mang thai: Glyburide đi kèm những rủi ro khác nhau tùy thuộc vào loại glyburide mà người bệnh sử dụng.
- Glynaza PresTabs (glyburide dạng vi hạt): Chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện trên phụ nữ mang thai để xác định liệu thuốc có gây hại cho thai kỳ hay không.
- Diabeta (glyburide dạng thông thường): Cơ quan kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) đã đưa ra một hệ thống phân loại thuốc dựa trên mức độ an toàn cho thai kỳ. Theo đó, các loại thuốc được chia thành 5 nhóm là A, B, C, D và X. Diabeta được xếp vào nhóm C, có nghĩa là:
Nghiên cứu trên động vật cho thấy thuốc gây tác dụng phụ đối với bào thai khi mẹ dùng thuốc.
Chưa có đủ nghiên cứu được thực hiện trên người để xác định ảnh hưởng của thuốc đến thai nhi khi sử dụng trong thai kỳ.
Người bệnh cần cho bác sĩ biết nếu đang mang thai hoặc dự định có thai. Chỉ nên sử dụng glyburide trong thời gian mang thai nếu lợi ích lớn hơn rủi ro.
Nếu có thai trong thời gian sử dụng glyburide thì cần báo ngay cho bác sĩ.
Đối với phụ nữ đang cho con bú: Do chưa có đủ nghiên cứu nên chưa rõ glyburide có đi vào sữa mẹ hay không và nếu có thì thuốc gây ảnh hưởng như thế nào đến trẻ sơ sinh bú mẹ. Tuy nhiên, người bệnh nên cho bác sĩ biết nếu đang cho con bú. Trẻ sẽ được theo dõi các dấu hiệu của hạ đường huyết. Có thể sẽ phải lựa chọn giữa tiếp tục dùng thuốc và nuôi con bằng sữa công thức hoặc nuôi con bằng sữa mẹ và đổi sang loại thuốc khác.
Đối với người cao tuổi: Những người từ 65 tuổi trở lên có thể sẽ phản ứng mạnh hơn với glyburide. Điều này đồng nghĩa với việc dễ gặp phải tác dụng phụ hơn. Ngoài ra, người cao tuổi thường khó phát hiện các triệu chứng hạ đường huyết hơn. Do đó, bác sĩ thường kê liều thấp hơn cho bệnh nhân cao tuổi.
Đối với trẻ em: Hiện chưa rõ liệu glyburide có an toàn và hiệu quả ở người dưới 18 tuổi hay không.
Cách sử dụng glyburide
Liều dùng và dạng thuốc mà mỗi bệnh nhân cần sử dụng là khác nhau. Bác sĩ sẽ kê liều dùng phù hợp với mỗi ca bệnh. Liều dùng, dạng thuốc và tần suất dùng thuốc sẽ phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Tuổi tác
- Bệnh lý cần điều trị
- Mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh
- Các bệnh lý khác đang mắc
- Phản ứng của cơ thể với liều đầu tiên
Dạng thuốc và hàm lượng
- Thuốc gốc: glyburide
- Dạng: viên nén thông thường
- Hàm lượng: 1,25 mg và 2,5 mg
- Thuốc gốc: glyburide
- Dạng: viên nén vi hạt
- Hàm lượng: 1,5 mg, 3 mg và 6 mg
- Biệt dược: Diabeta
- Dạng: viên nén thông thường
- Hàm lượng: 1,25 mg, 2,5 mg và 5 mg
- Biệt dược: Glynaza PresTabs
- Dạng: viên uống vi hạt
- Hàm lượng: 1,5 mg, 3 mg và 6 mg
Liều dùng để điều trị bệnh tiểu đường type 2
Liều dùng cho người lớn (từ 18 - 64 tuổi)
Dạng viên nén thông thường
- Liều khởi đầu điển hình: 2,5 – 5 mg uống một lần mỗi ngày.
- Điều chỉnh liều dùng: tùy thuộc vào lượng đường trong máu mà bác sĩ có thể sẽ tăng liều dùng hoặc chỉ định dùng thuốc hai lần mỗi ngày.
Dạng viên nén vi hạt
- Liều khởi đầu điển hình: 1,5 – 3 mg uống một lần mỗi ngày.
- Điều chỉnh liều dùng: tùy thuộc vào lượng đường trong máu mà bác sĩ có thể sẽ tăng liều dùng lên đến 1,5 mg mỗi ngày sau mỗi tuần.
Liều dùng cho trẻ em (từ 0 – 17 tuổi)
Liều dùng an toàn và hiệu quả cho trẻ em hiện chưa được nghiên cứu và xác định.
Liều dùng cho người cao tuổi (từ 65 tuổi trở lên)
Dạng viên nén thông thường
- Liều khởi đầu điển hình: 1,25 mg uống một lần mỗi ngày.
- Điều chỉnh liều dùng: Việc điều chỉnh liều dùng sẽ được thực hiện từ từ nếu cần.
Dạng viên nén vi hạt
- Liều khởi đầu điển hình: 0,75 mg uống một lần mỗi ngày.
- Điều chỉnh liều dùng: Việc điều chỉnh liều dùng sẽ được thực hiện từ từ nếu cần.
Trên đây chỉ là liều dùng tham khảo. Khi kê thuốc, bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng phù hợp cho mỗi bệnh nhân.
Điều gì xảy ra nếu dùng thuốc không theo chỉ định?
Giống như nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường khác, glyburide được sử dụng về lâu dài. Thuốc có thể gây ra những vấn đề nghiêm trọng nếu không sử dụng đúng theo chỉ định.
- Nếu quên uống thuốc hoặc hoàn toàn không dùng thuốc: Nếu không dùng glyburide theo chỉ định của bác sĩ, lượng đường trong máu sẽ không được kiểm soát. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như tổn thương thần kinh, bệnh tim mạch, nhồi máu cơ tim, đột quỵ và vấn đề về mắt.
- Uống thuốc quá liều: Nếu lỡ uống thuốc quá liều thì phải báo ngay cho bác sĩ. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất. Dùng glyburide quá liều có thể gây hạ đường huyết nghiêm trọng.
- Cần làm gì nếu quên uống thuốc? Nếu người bệnh quên uống một liều glyburide thì hãy uống ngay khi nhớ ra. Nhưng nếu đã gần đến giờ dùng liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường, không được uống gộp liều.
- Làm thế nào để biết thuốc có hiệu quả hay không? Nếu lượng đường trong máu ổn định trong phạm vi an toàn thì chứng tỏ thuốc có hiệu quả.
Lưu ý trước khi dùng glyburide
Lưu ý chung
- Uống glyburide sau bữa ăn đầu tiên trong ngày. Không được bỏ bữa.
- Uống thuốc cùng với nhiều nước.
Bảo quản
- Bảo quản glyburide ở nhiệt độ phòng từ 15°C đến 25°C (59°F đến 77°F).
- Không bảo quản glyburide trong ngăn đông.
- Tránh để thuốc ở nơi có ánh sáng, nhiệt độ cao và ẩm ướt.
Mang thuốc theo khi đi xa
- Luôn mang theo thuốc khi đi xa vì người bệnh cần phải dùng thuốc đều đặn hàng ngày.
- Khi đi máy bay, không được để thuốc trong hành lý ký gửi mà phải để trong hành lý xách tay.
- Thuốc sẽ không bị ảnh hưởng bởi tia X của máy soi chiếu hành lý tại sân bay.
- Để thuốc trong hộp đựng gốc còn đầy đủ nhãn để nhân viên an ninh kiểm tra.
- Không để thuốc trong ô tô khi thời tiết quá nóng hoặc quá lạnh.
Tự theo dõi đường huyết
Trong khi dùng glyburide, người bệnh sẽ phải theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên. Người bệnh sẽ cần:
- học cách sử dụng máy đo đường huyết và đo hàng ngày, thậm chí nhiều lần trong ngày
- nhận biết các dấu hiệu, triệu chứng của hạ đường huyết và tăng đường huyết
- biết cách xử trí khi bị hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết
Ngoài thuốc, người bệnh còn phải mua các dụng cụ sau đây:
- Máy đo đường huyết
- Que thử đường huyết
- Kim chích máu ngón tay
- Bông y tế, cồn
- Hộp an toàn đựng kim đã qua sử dụng
Trong khi dùng glyburide, hãy luôn chuẩn bị sẵn một loại đồ ăn hoặc đồ uống có chứa đường tác dụng nhanh, chẳng hạn như kẹo hoặc viên nén glucose để đề phòng trường hợp bị hạ đường huyết.
Theo dõi lâm sàng
Trước khi bắt đầu và trong thời gian sử dụng glyburide, người bệnh có thể sẽ phải đi khám định kỳ để theo dõi:
- lượng đường trong máu
- mức A1C (cho biết khả năng kiểm soát lượng đường trong máu trong 2 – 3 tháng gần nhất)
- chức năng gan
- chức năng thận
- chức năng tim
- chức năng tuyến giáp
Chế độ ăn uống
Người bệnh cần sử dụng glyburide kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh và tập thể dục để kiểm soát bệnh tiểu đường.
Tăng độ nhạy cảm của da với ánh nắng
Glyburide có thể khiến da trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời và điều này làm tăng nguy cơ cháy nắng. Do đó khi dùng thuốc, người bệnh nên hạn chế tiếp xúc với nắng, sử dụng kem chống nắng và mặc quần áo dài khi ra ngoài trời. Không sử dụng đèn mô phỏng ánh sáng mặt trời và giường nhuộm da khi dùng glyburide.
Các lựa chọn thay thế
Ngoài glyburide còn có rất nhiều loại thuốc điều trị tiểu đường khác. Bác sĩ sẽ kê thuốc dựa trên các yếu tố như tuổi tác, tiền sử bệnh và mức độ đáp ứng với thuốc. Người bệnh có thể sẽ phải thử dùng nhiều loại thuốc khác nhau để tìm ra loại thuốc phù hợp nhất.
Metformin là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Metformin có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em.
Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này được sử dụng kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu.
Glimepiride được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 – bệnh lý mãn tính có đặc trưng là đường trong máu cao.
Avandia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn. Thuốc này được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục trong phác đồ điều trị tiểu đường.
Januvia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Giống như nhiều loại thuốc khác, Januvia được kết hợp cùng chế độ ăn kiêng và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh lý này.