Avandia (rosiglitazone): Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Cảnh báo về nguy cơ suy tim sung huyết
Avandia có một cảnh báo đặc biệt. Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo nghiêm trọng nhất được Cục Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra nhằm cảnh báo bác sĩ và bệnh nhân về tác dụng có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc.
Ở một số người, Avandia có thể gây phù nề nghiêm trọng (tích tụ chất lỏng trong cơ thể). Điều này có thể gây suy tim sung huyết hoặc khiến cho tình trạng nặng hơn ở những người đã mắc bệnh. Nếu bị tăng cân nhanh chóng, khó thở hoặc phù nề dưới da khi sử dụng Avandia thì hãy báo ngay cho bác sĩ. Đó có thể là những dấu hiệu của suy tim sung huyết. Những người có tiền sử suy tim độ III hoặc IV không nên dùng Avandia vì thuốc có thể làm cho tình trạng suy tim trở nên nghiêm trọng hơn.
Avandia là gì?
Avandia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn. Thuốc này được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục trong phác đồ điều trị tiểu đường.
Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra do các tế bào cơ thể không đáp ứng tốt với insulin – hormone giúp vận chuyển đường từ máu và tế bào để tạo năng lượng. Điều này gây ra lượng đường trong máu cao. Lượng đường trong máu cao trong thời gian dài sẽ gây tổn thương nhiều cơ quan trong cơ thể như mắt, thận, dây thần kinh, tim và mạch máu.
Cơ chế tác dụng của Avandia giúp các tế bào phản ứng tốt hơn với insulin trong cơ thể (tăng độ nhạy insulin), có nghĩa là các tế bào sẽ lấy đường từ máu hiệu quả hơn và dẫn đến làm giảm lượng đường trong máu.
Avandia có dạng viên nén dùng qua đường uống, có hai mức hàm lượng là 2 mg và 4 mg.
Avandia chứa hoạt chất rosiglitazone, thuộc nhóm thuốc thiazolidinedione. Nhóm thuốc là các loại thuốc có cơ chế tác dụng tương tự nhau.
Hiệu quả
Để biết thông tin về hiệu quả của Avandia, vui lòng đọc phần “Chỉ định của Avandia” ở bên dưới.
Avandia dạng thuốc gốc
Avandia hiện chỉ có dạng biệt được và không có dạng thuốc gốc.
* Khi một loại thuốc mới được phát minh ra, nó sẽ được đăng ký tên thuốc gốc theo danh pháp quốc tế hoặc danh pháp của từng nước cùng với tên biệt dược của nơi tiến hành nghiên cứu. Sau khi được cấp phép lưu hành trên thị trường, biệt dược sẽ được giữ bằng sáng chế trong một khoảng thời gian nhất định theo quy định của mỗi nước. Sau khi hết hạn độc quyền, các nhà sản xuất khác có thể sản xuất thuốc này với tên thuốc gốc hoặc một tên biệt dược khác.
Hoạt chất trong Avandia là rosiglitazone.
Tác dụng phụ của Avandia
Avandia có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Dưới đây chỉ nêu ra một số tác dụng phụ chính có thể xảy ra khi dùng Avandia. Ngoài ra còn có những tác dụng phụ khác.
Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ của Avandia, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ.
Tác dụng phụ nhẹ
Các tác dụng phụ nhẹ của Avandia gồm có:*
- Suy hô hấp cấp
- Sổ mũi
- Đau đầu
- Đầy bụng
- Đau lưng
- Mệt mỏi (thiếu năng lượng)
- Viêm xoang
- Tiêu chảy
- Đường trong máu cao
- Đường trong máu thấp
- Tăng huyết áp
- Tăng cân (xem phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới)
Hầu hết các tác dụng phụ này thường tự biến mất trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ nghiêm trọng hoặc kéo dài thì cần báo cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ đưa ra biện pháp khắc phục phù hợp.
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Avandia hiếm khi gây tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng cũng có. Báo cho bác sĩ ngay lập tức nếu gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng Avandia. Gọi cấp cứu nếu cảm thấy các triệu chứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Các tác dụng phụ nghiêm trọng của Avandia và các triệu chứng gồm có:
- Tổn thương gan. Các triệu chứng gồm có:
- Buồn nôn và nôn
- Đau bụng
- Mệt mỏi
- Chán ăn
- Nước tiểu sẫm màu
- Phù nề nặng (tích tụ chất lỏng trong cơ thể). Các triệu chứng gồm có:
- Tăng cân đột ngột
- Phù bàn tay, bàn chân hoặc mắt cá chân
- Khó thở, nhất là khi hoạt động thể chất
- Phù hoàng điểm (tích tụ chất lỏng ở một phần của võng mạc). Các triệu chứng gồm có:
- Nhìn mờ
- Song thị (nhìn một vật thành hai)
- Có vật thể lạ trôi nổi trong tầm nhìn
- Loãng xương. Các triệu chứng gồm có:
- Xương dễ gãy, điều này thường xảy ra với xương đầu trên cánh tay, xương bàn tay hoặc bàn chân
- Thiếu máu (số lượng hồng cầu trong máu thấp). Các triệu chứng gồm có:
- Thường xuyên trong trạng thái mệt mỏi
- Da hoặc nướu nhợt nhạt, không hồng hào
- Hạ đường huyết (đường trong máu thấp) nghiêm trọng. Các triệu chứng gồm có:
- Cảm giác lâng lâng
- Chóng mặt
- Run tay
- Đói cồn cào
- Da, môi nhợt nhạt
- Tim đập nhanh
- Khó thở
Một số tác dụng phụ nghiêm trọng được nói rõ hơn trong phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
* Avandia có cảnh báo đặc biệt về tác dụng phụ này. Điều này đã được nói ở phần đầu bài viết.
Chi tiết tác dụng phụ
Dưới đây là thông tin chi tiết về một số tác dụng phụ mà Avandia có thể gây ra.
Dị ứng
Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Avandia có thể gây dị ứng ở một số người.
Đến nay chưa có nghiên cứu lâm sàng nào báo cáo phản ứng dị ứng với Avandia. Tuy nhiên, đã có nhiều trường hợp người dùng bị dị ứng ở mức độ từ nhẹ đến nặng kể từ khi Avandia có mặt trên thị trường vào năm 1999. Không rõ xác suất xảy ra các phản ứng dị ứng khi dùng Avandia là bao nhiêu.
Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ gồm có:
- Phát ban da
- Ngứa ngáy
- Da đỏ và ấm nóng
Phản ứng dị ứng nghiêm trọng mặc dù rất hiếm gặp nhưng có thể xảy ra. Các triệu chứng gồm có:
- Sưng phù dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân
- Sưng lưỡi, miệng hoặc cổ họng
- Khó thở
- Nổi mụn nước trên da hoặc bên trong mắt, miệng hoặc mũi
- Da khô, bong tróc
- Cảm thấy chóng mặt, ngất xỉu
- Tim đập rất nhanh
Báo ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng dị ứng nghiêm trọng khi dùng Avandia. Gọi cấp cứu nếu các cảm thấy tình trạng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng.
Suy tim
Avandia có thể gây phù nề nghiêm trọng (tích tụ chất lỏng trong cơ thể). Điều này có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng suy tim sung huyết. Ở những người đã bị suy tim, việc sử dụng Avandia có thể khiến cho bệnh tiến triển nặng hơn.
Theo các nghiên cứu lâm sàng được thực hiện trên những người bị suy tim, 25% người dùng Avandia bị phù nề mới hoặc triệu chứng phù nề trở nên nặng hơn trong khi tỷ lệ này ở những người dùng giả dược (thuốc không chứa hoạt chất) là 9%.
Trong các nghiên cứu tương tự, 6% người dùng Avandia bị suy tim sung huyết nặng hơn và tỷ lệ này ở những người dùng giả dược là 4%.
Những người dùng cả Avandia và insulin có nguy cơ suy tim sung huyết cao hơn so với những người chỉ dùng insulin. Do đó, không nên dùng Avandia cùng với insulin.
Các triệu chứng của suy tim sung huyết gồm có:
- Tăng cân đột ngột
- Khó thở
- Phù nề, thường là ở mắt cá chân và bàn chân
Phải báo ngay cho bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng nào trong số này khi dùng Avandia vì đó có thể là dấu hiệu cho thấy bạn đã bị suy tim hoặc tình trạng suy tim tiến triển nặng.
Nhồi máu cơ tim
Việc sử dụng Avandia có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Theo một tổng quan nghiên cứu tổng hợp 52 nghiên cứu lâm sàng, 0,4% người dùng Avandia bị nhồi máu cơ tim và tỷ lệ này ở những người dùng các loại thuốc điều trị tiểu đường khác là 0,3%.
Ảnh hưởng của Avandia đến tim đã được nghiên cứu thêm trong một thử nghiệm lâm sàng. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt về tỷ lệ bị nhồi máu cơ tim giữa những người dùng Avandia và người dùng các loại thuốc trị tiểu đường khác.
Các triệu chứng của nhồi máu cơ tim gồm có:
- Cảm giác khó chịu ở giữa ngực
- Cảm giác đau hoặc tức ở ngực như bị bóp chặt hay có vật nặng đè lên
- Cảm giác đau hoặc khó chịu lan đến cánh tay
- Khó thở, có thể có hoặc không đi kèm cảm giác khó chịu ở ngực
- Đổ mồ hôi lạnh
- Cảm giác lâng lâng, chóng mặt
Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này, hãy gọi cấp cứu hoặc nhờ người đưa đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức.
Tăng cân
Avandia có thể gây tăng cân. Nguyên nhân là do sự kết hợp của tình trạng phù nề và tăng tích mỡ.
Một nghiên cứu lâm sàng đã cho những người tham gia sử dụng các loại thuốc trị tiểu đường khác nhau là Avandia, glyburide (DiaBeta, Glynase) hoặc metformin (Glucophage) và theo dõi họ trong 4 đến 6 năm.
Trong thời gian này, các nhà nghiên cứu quan sát thấy:
- Ít nhất một nửa số người dùng Avandia tăng 3,5kg (7,7lb) trở lên
- Ít nhất một nửa số người dùng glyburide tăng 2kg (4,4lb) trở lên
- Ít nhất một nửa số người dùng metformin đã giảm 2,4kg (5,2lb) trở lên
Trao đổi với bác sĩ nếu bạn lo ngại về nguy cơ tăng cân khi dùng Avandia. Bác sĩ sẽ tư vấn các cách để kiểm soát cân nặng khi dùng thuốc.
Nếu bị tăng cân nhanh chóng khi dùng Avandia, hãy báo ngay cho bác sĩ. Đó có thể là dấu hiệu của phù nề và phù nề nghiêm trọng có thể dẫn đến các vấn đề nguy hiểm như suy tim sung huyết.
Liều dùng Avandia
Liều dùng Avandia không cố định mà sẽ được bác sĩ kê dựa trên các yếu tố như:
- Tuổi tác
- Các loại thuốc khác đang dùng
- Tình trạng sức khỏe (các bệnh lý khác đang mắc)
Thông thường, bác sĩ sẽ bắt đầu từ liều thấp. Sau đó, liều dùng sẽ được điều chỉnh theo thời gian cho đến khi đạt đến liều dùng phù hợp nhất.
Dưới đây là liều dùng Avandia khuyến nghị hoặc liều dùng được kê phổ biến. Tuy nhiên, hãy uống thuốc đúng liều theo chỉ định của bác sĩ.
Dạng thuốc và hàm lượng
Avandia có dạng viên nén dùng qua đường uống, có hai mức hàm lượng là 2 mg và 4 mg.
Liều dùng để điều trị bệnh tiểu đường type 2
Liều khởi đầu khuyến nghị của Avandia là 4 mg, có thể uống một lần mỗi ngày hoặc chia ra uống làm hai lần (mỗi lần 2 mg). Nếu đáp ứng tốt với thuốc, liều dùng có thể tăng lên 8 mg mỗi ngày.
Cần làm gì nếu quên uống thuốc?
Nếu lỡ quên uống thuốc, hãy uống ngay khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu khi nhớ ra đã gần đến giờ dùng liều tiếp theo thì hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều tiếp theo như bình thường. Không được uống gộp liều để bù lại liều đã quên. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ gặp phải tác dụng phụ.
Avandia và các loại thuốc điều trị tiểu đường khác cần được uống đều đặn hàng ngày.
Để tránh quên uống thuốc, hãy đặt chuông báo trên điện thoại.
Có cần sử dụng Avandia lâu dài không?
Avandia được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường về lâu dài. Nếu bác sĩ xác nhận rằng Avandia an toàn và hiệu quả thì người bệnh có thể dùng thuốc lâu dài.
Công dụng của Avandia
Mỗi một loại thuốc được phê duyệt để điều trị một số bệnh lý nhất định nhưng cũng có thể được sử dụng dưới hình thức ngoài hướng dẫn. Sử dụng ngoài hướng dẫn hay off-label có nghĩa là một loại thuốc được sử dụng cho mục đích nằm ngoài những mục đích đã được phê duyệt.
Điều trị bệnh tiểu đường type 2
Avandia được FDA phê duyệt để điều trị bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn. Thuốc này được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục.
Ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2, cơ thể sử dụng hormone insulin không hiệu quả. Điều này dẫn đến lượng đường trong máu cao (tăng đường huyết). Theo thời gian, lượng đường trong máu cao sẽ dần dần gây tổn hại mắt, thận, dây thần kinh, tim, mạch máu và các cơ quan khác trong cơ thể.
Avandia có cơ chế tác dụng là tăng độ nhạy insulin, có nghĩa là làm cho các tế bào đáp ứng tốt hơn với insulin và sử dụng đường trong máu làm năng lượng hiệu quả hơn. Điều này giúp làm giảm lượng đường trong máu.
Hiệu quả đối với bệnh tiểu đường type 2
Các nghiên cứu lâm sàng đã thử nghiệm sử dụng mình Avandia cũng như kết hợp Avandia với các loại thuốc trị tiểu đường khác như metformin (Glucophage), glimepiride (Amaryl) hay glipizide (Glucotrol). Mỗi nghiên cứu kéo dài 26 tuần.
Hiệu quả làm giảm đường huyết lúc đói
Các nghiên cứu lâm sàng đã đánh giá tác động của Avandia và các loại thuốc khác đến mức đường huyết lúc đói (lượng đường trong máu sau 8 tiếng không ăn uống). (1)
Sau khi cho những người tham gia sử dụng mình Avandia hoặc kết hợp cùng với các loại thuốc khác, các nhà nghiên cứu nhận thấy:
- Những người chỉ uống Avandia có mức đường huyết lúc đói giảm trung bình từ 25 mg/dL đến 55 mg/dL, tùy thuộc vào liều dùng.
- Những người dùng cả metformin và Avandia có mức đường huyết lúc đói giảm trung bình từ 33 mg/dL đến 48 mg/dL, tùy thuộc vào liều dùng.
- Những người dùng cả sulfonylurea và Avandia có mức đường huyết lúc đói giảm trung bình từ 25 mg/dL đến 43 mg/dL, tùy thuộc vào liều dùng.
- Những người dùng cả metformin, sulfonylurea và Avandia có mức đường huyết lúc đói giảm trung bình từ 19 mg/dL đến 40 mg/dL, tùy thuộc vào liều dùng.
Để so sánh, khi chỉ sử dụng các loại thuốc khác mà không có Avandia:
- Những người chỉ dùng giả dược (thuốc không chứa hoạt chất) có mức đường huyết lúc đói tăng trung bình 8 mg/dL.
- Những người dùng cả metformin và giả dược có mức đường huyết lúc đói tăng trung bình 6 mg/dL.
- Những người dùng cả sulfonylurea và giả dược có mức đường huyết lúc đói tăng trung bình từ 8 mg/dL đến 17 mg/dL, tùy thuộc vào liều dùng.
- Những người dùng cả metformin và sulfonylurea (không thêm bất kỳ loại thuốc nào) có mức đường huyết lúc đói tăng trung bình 14 mg/dL.
Hiệu quả giảm mức A1c
Các nghiên cứu lâm sàng cũng đánh giá tác động của từng loại thuốc điều trị tiểu đường đến mức HbA1c (A1c). A1c là một chỉ số xét nghiệm máu cho biết mức đường huyết trung bình trong 3 tháng gần nhất).
Khi Avandia được sử dụng một mình hoặc cùng với các loại thuốc khác:
- Những người chỉ dùng Avandia đã giảm mức HbA1c trung bình tới 0,7%, tùy thuộc vào liều dùng.
- Những người dùng cả metformin và Avandia đã giảm mức HbA1c trung bình từ 0,6% đến 0,8%, tùy thuộc vào liều dùng.
- Những người dùng Avandia cùng với sulfonylurea đã giảm mức HbA1c trung bình từ 0,5% đến 1,2%, tùy thuộc vào liều dùng.
- Những người dùng Avandia cùng với metformin và sulfonylurea đã giảm mức HbA1c trung bình từ 0,4% đến 0,9%, tùy thuộc vào liều dùng.
Để so sánh, khi chỉ sử dụng các loại thuốc khác mà không có Avandia:
- Những người chỉ dùng giả dược có mức HbA1c tăng trung bình 0,8%.
- Những người dùng cả metformin và giả dược có mức HbA1c tăng trung bình 0,5%.
- Những người dùng cả sulfonylurea và giả dược có mức HbA1c tăng trung bình tới 0,4%, tùy thuộc vào liều dùng.
- Những người dùng cả metformin và sulfonylurea (không sử dụng thêm bất kỳ loại thuốc nào) có mức HbA1c tăng trung bình 0,2%.
Sử dụng ngoài hướng dẫn
Ngoài mục đích sử dụng đã phê duyệt là điều trị tiểu đường type 2, Avandia còn được sử dụng dưới hình thức ngoài hướng dẫn. Sử dụng ngoài hướng dẫn hay off-label có nghĩa là một loại thuốc được sử dụng cho mục đích nằm ngoài những mục đích đã được phê duyệt.
Điều trị hội chứng buồng trứng đa nang
Avandia không được FDA phê duyệt để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Tuy nhiên, đôi khi Avandia được sử dụng kết hợp với metformin dưới hình thức ngoài hướng dẫn để kiểm soát một số triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang. Sự kết hợp hai loại thuốc này đã được chứng minh là có tác dụng cải thiện sự cân bằng nội tiết tố ở những phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang.
Phụ nữ bị hội chứng buồng trứng đa nang có nồng độ hormone androgen cao hơn bình thường. Điều này gây ra tình trạng mọc lông ở những vị trí không mong muốn trên cơ thể (chứng rậm lông), chu kỳ kinh nguyệt không đều, tăng cân không kiểm soát và u nang buồng trứng. Đa số phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang cũng bị kháng insulin. Kháng insulin có nghĩa là cơ thể không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. (Insulin là một loại hormone được tạo ra bởi tuyến tụy, có vai trò điều hòa lượng đường trong máu.)
Avandia có cơ chế tác dụng là làm tăng khả năng đáp ứng của các tế bào cơ thể với lượng insulin mà tuyến tụy tạo ra, nhờ đó cải thiện tình trạng kháng insulin. Nên trao đổi với bác sĩ trước khi dùng Avandia để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang.
Sử dụng Avandia cho trẻ em
Avandia không được phê duyệt sử dụng cho trẻ em do chưa có đủ bằng chứng chứng minh tính an toàn hoặc hiệu quả của thuốc khi sử dụng cho trẻ em.
Sử dụng Avandia cùng với các loại thuốc khác
Người bệnh có thể phải dùng Avandia cùng với các loại thuốc điều trị tiểu đường khác, tùy thuộc vào khuyến nghị của bác sĩ và khả năng kiểm soát tình trạng bệnh.
Loại thuốc phổ biến nhất được dùng kết hợp với Avandia là metformin (Glucophage) nhưng ngoài ra còn có các loại thuốc khác như:
- glimepirid (Amaryl)
- glipizide (Glucotrol)
- linagliptin (Tradjenta)
- liraglutide (Victoza)
- semaglutua (Ozempic)
- dapagliflozin (Farxiga)
- canagliflozin (Invokana)
Các lựa chọn thay thế cho Avandia
Hiện nay có rất nhiều loại thuốc khác có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường type 2. Mỗi người sẽ phù hợp với một vài loại thuốc nhất định. Nếu vì một lý do nào đó mà bạn không thể hoặc không muốn sử dụng Avandia, hãy nói với bác sĩ. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác có hiệu quả tương đương.
Lưu ý, một số loại thuốc được liệt kê dưới đây chưa được chính thức phê duyệt sử dụng để để điều trị bệnh tiểu đường type 2 mà được sử dụng dưới hình thức ngoài hướng dẫn.
Một số loại thuốc khác cũng được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 gồm có:
- glimepirid (Amaryl)
- glipizide (Glucotrol)
- linagliptin (Tradjenta)
- liraglutide (Victoza)
- semaglutua (Ozempic)
- dapagliflozin (Farxiga)
- canagliflozin (Invokana)
- metformin (Glucophage)
Avandia và Actos
Actos cũng là một loại thuốc điều trị tiểu đường type 2. Cùng tìm hiểu điểm giống và khác nhau giữa Avandia và Actos.
Thành phần
Avandia chứa hoạt chất rosiglitazone trong khi Actos chứa hoạt chất pioglitazone. Cả hai loại thuốc này đều thuộc nhóm thuốc thiazolidinedione.
Công dụng
Cả Actos và Avandia đều được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2.
Dạng thuốc và cách dùng
Avandia có dạng viên nén, được uống 1 – 2 lần mỗi ngày. Actos cũng có dạng viên nén nhưng chỉ được uống một lần mỗi ngày.
Tác dụng phụ và rủi ro
Avandia và Actos có một số tác dụng phụ giống nhau và cũng có những tác dụng phụ khác nhau.
Tác dụng phụ nhẹ
Dưới đây là một số tác dụng phụ nhẹ của Avandia và Actos.
Tác dụng phụ nhẹ của Avandia:
- Sổ mũi
- Đau lưng
- Mệt mỏi (thiếu năng lượng)
- Tiêu chảy
- Tăng huyết áp
Tác dụng phụ nhẹ của Actos:
- Đau cơ
- Đau họng
- Nhiễm trùng đường tiết niệu
Tác dụng phụ nhẹ của cả Avandia và Actos:
- Đau đầu
- Suy hô hấp cấp
- Viêm xoang
- Tăng cân
- Hạ đường huyết
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Dưới đây là một số tác dụng phụ nghiêm trọng của Avandia và Actos.
Tác dụng phụ nghiêm trọng của Avandia:
- Nhồi máu cơ tim
- Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp)
- Tác dụng phụ nghiêm trọng của Actos:
- Tăng nguy cơ ung thư bàng quang
Tác dụng phụ nghiêm trọng của cả Avandia và Actos:
- Suy tim sung huyết*
- Hạ đường huyết nghiêm trọng
- Tổn thương gan
- Loãng xương
- Phù nề nặng (tích tụ chất lỏng trong cơ thể)
- Phù hoàng điểm (tích tụ chất lỏng ở một phần của võng mạc)
* Cả Avandia và Actos đều có cảnh báo về tác dụng phụ này. Để biết thêm thông tin về nguy cơ suy tim sung huyết khi dùng Avandia, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên trên.
Hiệu quả
Cả Actos và Avandia đều được phê duyệt để cải thiện lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2.
Hai loại thuốc này chưa được so sánh trực tiếp trong các nghiên cứu lâm sàng. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chứng minh rằng cả Avandia và Actos đều có hiệu quả trong điều trị bệnh tiểu đường type 2.
Avandia và metformin
Metformin cũng là một loại thuốc điều trị tiểu đường type 2. Cùng tìm hiểu điểm giống và khác nhau giữa Avandia và metformin.
Thành phần
Avandia chứa hoạt chất rosiglitazone, thuộc nhóm thuốc thiazolidinedione.
Metformin là phiên bản thuốc gốc của Glucophage, thuộc nhóm thuốc biguanide.
Công dụng
Cả Avandia và metformin đều được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Avandia chỉ dành cho người lớn còn metformin có thể dùng được cho cả người lớn và trẻ em từ 10 tuổi trở lên.
Dạng thuốc và cách dùng
Avandia và metformin đều có dạng viên nén, dùng 1 – 2 lần mỗi ngày.
Tác dụng phụ và rủi ro
Avandia và metformin có một số tác dụng phụ giống nhau và cũng có những tác dụng phụ khác nhau.
Tác dụng phụ nhẹ
Dưới đây là một số tác dụng phụ nhẹ của Avandia và metformin.
Tác dụng phụ nhẹ của Avandia:
- Suy hô hấp cấp
- Sổ mũi
- Đau lưng
- Tăng đường huyết
- Mệt mỏi (thiếu năng lượng)
- Viêm xoang
- Tăng huyết áp
- Tăng cân
Tác dụng phụ nhẹ của metformin:
- Buồn nôn và nôn
- Đầy hơi hoặc đau bụng
- Miệng có vị kim loại
- Cảm giác uể oải, không có sức lực
Tác dụng phụ nhẹ của cả Avandia và metformin:
- Hạ đường huyết
- Tiêu chảy
- Đau đầu
Tác dụng phụ nghiêm trọng
Dưới đây là một số tác dụng phụ nghiêm trọng của Avandia và metformin.
Tác dụng phụ nghiêm trọng của Avandia:
- Nhồi máu cơ tim
- Thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp)
- Tổn thương gan
- Loãng xương
- Phù nề nặng
- Phù hoàng điểm
- Suy tim sung huyết*
Tác dụng phụ nghiêm trọng của metformin:
- Nhiễm toan axit lactic (nồng độ axit lactic trong máu tăng cao)
- Tác dụng phụ nghiêm trọng của cả Avandia và metformin:
- Hạ đường huyết nghiêm trọng
Hiệu quả
Hai loại thuốc này chưa được so sánh trực tiếp trong các nghiên cứu lâm sàng. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chứng minh rằng cả Avandia và metformin đều có hiệu quả trong điều trị bệnh tiểu đường type 2.
Tương tác thuốc
Avandia có thể tương tác với một số loại thuốc khác hoặc thực phẩm chức năng, thực phẩm tự nhiên và thảo dược.
Mỗi tương tác sẽ gây ra những thay đổi khác nhau. Ví dụ, một số tương tác có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc trong khi một số khác lại làm tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ hoặc làm cho các tác dụng phụ trở nên nghiêm trọng hơn.
Tương tác giữa Avandia với các loại thuốc khác
Trước khi dùng Avandia cần cho bác sĩ và dược sĩ biết về tất cả các loại thuốc (cả kê đơn lẫn không kê đơn), thực phẩm chức năng và thảo dược đang dùng để tránh xảy ra tươmg tác thuốc. Dưới đây là danh sách một số loại thuốc có thể tương tác với Avandia.
Avandia và insulin
Không nên dùng Avandia cùng với insulin vì điều này có thể làm tăng nguy cơ giữ nước, dẫn đến phù nề nghiêm trọng và suy tim sung huyết. Việc sử dụng cả Avandia và insulin còn có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết trầm trọng.
Một số loại insulin phổ biến gồm có:
- insulin aspart (Novolog, Fiasp)
- insulin lispro (Humalog)
- insulin detemir (Levemir)
- insulin degludec (Tresiba)
- insulin glargine (Lantus, Basaglar)
Avandia và các loại thuốc ảnh hưởng đến enzyme CYP2C8
Không nên dùng Avandia cùng với một số loại thuốc ức chế (làm giảm hoạt động) hoặc thuốc cảm ứng (làm tăng hoạt động) enzyme CYP2C8.
Thuốc ức chế CYP2C8
Thuốc ức chế enzyme CYP2C8 có thể làm tăng nồng độ Avandia trong cơ thể. Điều này sẽ làm tăng nguy cơ xảy ra một số tác dụng phụ nhất định.
Một số loại thuốc ức chế enzyme CYP2C8 gồm có:
- gemfibrozil (Lopid): được sử dụng để giảm mức triglyceride
- deferasirox (Exjade): được sử dụng để điều trị ngộ độc sắt mãn tính
- lapatinib (Tykerb): được sử dụng ngộ độc sắt một số loại ung thư vú
- trimethoprim: một loại thuốc thành phần của thuốc kháng sinh Bactrim DS (sulfamethoxazole/trimethoprim)
Trong trường hợp phải dùng một trong những loại thuốc này cùng với Avandia, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng Avandia hoặc các loại thuốc khác.
Thuốc cảm ứng CYP2C8
Thuốc cảm ứng enzyme CYP2C8 có thể làm giảm nồng độ Avandia trong cơ thể. Điều này sẽ làm giảm hiệu quả của Avandia.
Một số loại thuốc cảm ứng CYP2C8 gồm có:
- rifampin (Rifadin) - một loại kháng sinh
- phenobarbital - một loại thuốc chống co giật
- phenytoin (Dilantin) – cũng là một loại thuốc chống co giật
- secobarbital (Seconal) - một loại thuốc an thần được sử dụng trước khi phẫu thuật hoặc điều trị rối loạn giấc ngủ
Trong trường hợp phải dùng một trong những loại thuốc này cùng với Avandia, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng Avandia hoặc các loại thuốc khác.
Tương tác giữa Avandia với thảo dược và thực phẩm chức năng
Chưa có bất kỳ loại thảo dược hay thực phẩm chức năng nào được phát hiện là có thể tương tác với Avandia. Tuy nhiên, vẫn hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng bất kỳ sản phẩm nào trong số này trong thời gian dùng Avandia.
Tương tác giữa Avandia và thực phẩm tự nhiên
Chưa có bất kỳ loại thực phẩm nào phát hiện là có thể tương tác với Avandia.
Tương tác giữa Avandia và đồ uống có cồn
Các thử nghiệm không phát hiện thấy tương tác giữa Avandia và đồ uống có cồn. Tuy nhiên, cả Avandia và đồ uống có cồn đều có tác động tiêu cực đến gan và điều này có thể dẫn đến tổn thương gan.
Để đảm bảo an toàn, hãy hỏi bác sĩ về việc uống rượu bia khi dùng Avandia.
Cơ chế tác dụng của Avanadia
Avandia có tác dụng điều trị bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn. Bệnh tiểu đường type 2 xảy ra do cơ thể không sản xuất đủ insulin hoặc không thể sử dụng insulin một cách hiệu quả. Insulin là một loại hormone được sản xuất bởi tuyến tụy, có vai trò giúp các tế bào hấp thụ đường (glucose) trong máu làm năng lượng, nhờ đó điều hòa lượng đường trong máu.
Nếu cơ thể không có đủ insulin hoặc sử dụng insulin không hiệu quả, lượng đường trong máu sẽ tăng cao. Nếu không được kiểm soát, tình trạng này sẽ gây tổn thương mắt, thận, dây thần kinh, tim, mạch máu và các cơ quan khác trong cơ thể.
Bệnh tiểu đường type 2 có thể xảy ra do sự kết hợp của nhiều yếu tố, gồm có chế độ ăn uống, lối sống, di truyền và độ nhạy insulin (khả năng phản ứng của các tế bào cơ thể với insulin).
Cơ chế kiểm soát đường huyết của Avandia
Avandia cải thiện khả năng phản ứng của cơ thể với hormone insulin. Điều này giúp làm giảm lượng đường trong máu.
Avandia truyền tín hiệu báo cho các tế bào tạo ra nhiều thụ thể insulin hơn. Điều này cho phép các phân tử insulin bám vào tế bào và làm cho cho các tế bào hấp thụ đường (glucose) từ máu. Khi có nhiều đường trong máu đi vào tế bào và được chuyển hóa thành năng lượng, lượng đường còn lại trong máu sẽ giảm.
Mất bao lâu để Avandia phát huy tác dụng?
Avandia sẽ bắt đầu làm giảm lượng đường trong máu trong vòng vài ngày sau khi dùng liều đầu tiên nhưng có thể phải mất đến 2 tuần thì các triệu chứng bệnh tiểu đường mới có cải thiện rõ rệt và mất vài tháng để giảm mức HbA1c.
Cách dùng Avandia
Người bệnh cần dùng Avandia theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.
Dùng Avandia vào thời điểm nào?
Nếu chỉ cần uống Avandia một lần mỗi ngày thì có thể uống vào bất cứ thời điểm nào trong ngày. Nếu phải uống Avandia hai lần mỗi ngày thì nên uống cách nhau khoảng 12 tiếng. Có thể uống thuốc trước hoặc sau ăn đều được.
Cố gắng uống thuốc đều đặn hàng ngày. Để tránh quên uống thuốc thì hãy đặt chuông báo trên điện thoại.
Có thể bẻ, nghiền hoặc nhai Avandia không?
Chưa rõ liệu việc bẻ, nghiền hoặc nhai Avandia có ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc khi vào cơ thể hay không.
Nếu bạn gặp khó khăn khi uống thuốc, hãy hỏi với bác sĩ hoặc dược sĩ xem có cách nào uống thuốc dễ dàng hơn hay không.
Một số câu hỏi thường gặp về Avandia
Dưới đây là giải đáp cho một số câu hỏi thường gặp về Avandia.
Avandia có làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang không?
Hiện chưa rõ liệu Avandia có làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang hay không. Nghiên cứu trên chuột cho thấy Actos - một loại thuốc cùng nhóm với Avandia – có thể làm tăng nguy cơ ung thư bàng quang. Tuy nhiên, một nghiên cứu lớn kéo dài hơn 10 năm lại cho thấy không có sự gia tăng nguy cơ ung thư bàng quang ở những người dùng Actos.
Một nghiên cứu đã đánh giá nguy cơ ung thư bàng quang ở những người dùng Avandia và Actos. Kết quả cho thấy có thể có mối liên hệ nhất định giữa việc dùng Avandia và bệnh ung thư bàng quang.
Những người có tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc bệnh ung thư bàng quang hoặc lo lắng về nguy cơ ung thư bàng quang nên trao đổi kỹ với bác sĩ trước khi dùng Avandia.
Avandia có tác dụng điều trị tiểu đường type 1 không?
Avandia không được phê duyệt để điều trị bệnh tiểu đường type 1. Chưa có đủ bằng chứng chứng minh liệu Avandia có an toàn và hiệu quả khi được sử dụng cho loại bệnh tiểu đường này hay không.
Avandia chỉ được phê duyệt để điều trị bệnh tiểu đường type 2.
Có thể dùng insulin cùng với Avandia không?
Không nên dùng insulin cùng với Avandia. Kết hợp insulin và Avandia có thể làm tăng nguy cơ phù nề nghiêm trọng (tích tụ chất lỏng trong cơ thể) và suy tim sung huyết. (Để biết thông tin về nguy cơ suy tim sung huyết khi dùng Avandia, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên trên.)
Dùng cùng lúc cả insulin và Avandia còn có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết nghiêm trọng.
Một số loại insulin phổ biến gồm có:
- insulin aspart (Novolog, Fiasp)
- insulin lispro (Humalog)
- insulin detemir (Levemir)
- insulin degludec (Tresiba)
- insulin glargine (Lantus, Basaglar)
Nếu bạn hiện đang dùng insulin và muốn dùng Avandia thì cần tham khảo ý kiến bác sĩ trước.
Người trên 65 tuổi dùng Avandia có an toàn không?
Tuổi tác không phải yếu tố quyết định việc có thể dùng Avandia hay không. Các nghiên cứu lâm sàng không phát hiện thấy bất kỳ sự khác biệt nào về tính an toàn và hiệu quả của Avandia khi sử dụng ở người từ 65 tuổi trở lên và người dưới 65 tuổi.
Hãy trao đổi với bác sĩ nếu bạn lo ngại về tính an toàn của Avandia.
Avandia có gây đi tiểu nhiều không?
Một số loại thuốc điều trị tiểu đường type 2 có cơ chế tác dụng là làm cho thận tạo ra nhiều nước tiểu hơn để đào thải lượng đường dư thừa trong máu. Điều này khiến người bệnh đi tiểu nhiều hơn bình thường. Tuy nhiên, đây không phải là cơ chế tác dụng của Avandia nên loại thuốc này không gây đi tiểu nhiều.
Avandia làm tăng khả năng phản ứng của cơ thể với insulin mà tuyến tụy tạo ra, nhờ đó làm giảm lượng đường trong máu.
Sử dụng Avandia trong thai kỳ
Chưa rõ liệu Avandia có an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai hay không. Loại thuốc này chưa được nghiên cứu ở phụ nữ mang thai.
Trong các nghiên cứu được thực hiện trên chuột và thỏ mang thai, Avandia không gây ra tác động tiêu cực nào đến chuột/thỏ mẹ và bào thai. Tuy nhiên, những gì diễn ra trong nghiên cứu trên động vật không phải lúc nào cũng đúng với con người.
Nếu bạn đang mang thai hoặc dự định có thai thì hãy nói chuyện với bác sĩ trước khi sử dụng Avandia.
Sử dụng biện pháp kiểm soát sinh sản khi dùng Avandia
Chưa rõ liệu sử dụng Avandia trong thời gian mang thai có an toàn hay không.
Avandia có thể gây rụng trứng sớm và điều này có thể làm tăng nguy cơ mang thai ngoài ý muốn.
Do đó, nếu không có dự định mang thai thì nên sử dụng các biện pháp kiểm soát sinh sản trong thời gian sử dụng Avandia.
Để biết thêm thông tin về việc dùng Avandia khi mang thai, vui lòng đọc phần “Sử dụng Avandia trong thai kỳ” ở bên trên.
Avandia và thuốc tránh thai
Avandia không tương tác với thuốc tránh thai nên bạn có thể tiếp tục dùng thuốc tránh thai trong quá trình điều trị bằng Avandia.
Trao đổi với bác sĩ nếu có bất kỳ thắc mắc nào về việc sử dụng biện pháp tránh thai trong khi sử dụng Avandia.
Sử dụng Avandia trong khi cho con bú
Chưa rõ liệu sử dụng Avandia khi cho con bú có an toàn hay không. Thuốc này chưa được nghiên cứu ở phụ nữ đang cho con bú.
Trong các nghiên cứu được thực hiện trên chuột cái mới sinh, Avandia được tìm thấy trong sữa của chuột. Tuy nhiên, những điều được quan sát trong nghiên cứu trên động vật không phải lúc nào cũng đúng với con người.
Nếu bạn hiện đang cho con bú thì hãy nói chuyện với bác sĩ về việc sử dụng Avandia. Có thể sẽ phải đổi loại thuốc khác nếu vẫn muốn tiếp tục cho con bú hoặc tiếp tục dùng thuốc và nuôi con bằng sữa công thức.
Cảnh báo
Avandia đi kèm với một số cảnh báo.
Cảnh báo về nguy cơ suy tim sung huyết
Avandia có một cảnh báo đặc biệt. Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo nghiêm trọng nhất được Cục Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đưa ra nhằm cảnh báo bác sĩ và bệnh nhân về tác dụng có thể gây nguy hiểm của một loại thuốc.
Avandia có thể gây tích tụ chất lỏng trong cơ thể và dẫn đến phù nề nghiêm trọng. Điều này có thể dẫn đến suy tim sung huyết hoặc làm cho tình trạng nặng hơn ở những người đã mắc bệnh. Nếu bị tăng cân nhanh chóng, khó thở hoặc phù nề dưới da khi sử dụng Avandia thì hãy báo ngay cho bác sĩ. Đó có thể là những dấu hiệu của suy tim sung huyết. Những người có tiền sử suy tim độ III hoặc IV không nên dùng Avandia vì thuốc có thể làm cho tình trạng suy tim trở nên nghiêm trọng hơn.
Các cảnh báo khác
Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử trước khi dùng Avandia. Avandia không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý nhất định hoặc có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe, chẳng hạn như:
- Bệnh tim mạch hoặc nhồi máu cơ tim: Avandia có thể làm tăng nguy cơ nhồi máu cơ tim. Những người có tiền sử bệnh tim mạch hoặc đã từng bị nhồi máu cơ tim sẽ có nguy cơ cao bị nhồi máu cơ tim khi dùng Avandia.
- Tiền sử phù nề: Avandia có thể gây phù nề nghiêm trọng. Ở những người có tiền sử bị phù nề do các vấn đề về tim mạch hoặc thận, Avandia có thể làm cho tình trạng trở nên nặng hơn.
- Thừa cân hoặc béo phì: Avandia đã được phát hiện là có thể gây tăng cân ở một số người. Nguyên nhân gây tăng cân là do sự kết hợp của tình trạng tích tụ chất lỏng và tăng tích mỡ. Ở những người vốn đã thừa cân, Avandia sẽ gây tăng cân nhiều hơn. Nếu lo lắng về nguy cơ tăng cân khi dùng Avandia, hãy nói chuyện với bác sĩ. Có thể giảm thiểu tác dụng phụ này bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống và lối sống trong thời gian dùng thuốc.
- Tổn thương gan: Avandia đã được phát hiện là làm tăng men gan ở một số người và đây có thể là dấu hiệu của tổn thương gan. Ở những người có tiền sử mắc bệnh gan, Avandia có thể làm cho tình trạng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm kiểm tra men gan trước khi bắt đầu dùng Avandia và xét nghiệm định kỳ trong thời gian dùng thuốc để theo dõi sức khỏe của gan.
- Phù hoàng điểm: Avandia có thể làm tăng nguy cơ phù hoàng điểm (tích tụ chất lỏng ở một phần của võng mạc). Ở những người đã bị phù hoàng điểm, Avandia có thể khiến cho tình trạng thêm nặng hơn. Người bệnh nên khám mắt định kỳ vì phù hoàng điểm cũng là một biến chứng của bệnh tiểu đường.
- Sử dụng trong thai kỳ: Chưa rõ liệu sử dụng Avandia trong thời gian mang thai có an toàn hay không. Để biết thêm thông tin, vui lòng đọc phần “Sử dụng Avandia trong thai kỳ” bên trên.
- Sử dụng khi cho con bú: Chưa rõ liệu sử dụng Avandia khi cho con bú có an toàn hay không. Để biết thêm thông tin, vui lòng đọc phần “Sử dụng Avandia khi cho con bú” bên trên.
Để biết thêm thông tin về các tác động tiêu cực của Avandia, vui lòng đọc phần “Tác dụng phụ của Avandia” bên trên.
Cần làm gì khi dùng Avandia quá liều?
Sử dụng Avandia vượt quá liều dùng được kê có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng. Do đó phải uống thuốc đúng liều.
Nếu lỡ uống thuốc quá liều, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu nhận thấy các triệu chứng nghiêm trọng thì phải gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức.
Hạn sử dụng và bảo quản
Bảo quản
Hạn sử dụng của thuốc là ngày cuối cùng mà nhà sản xuất đảm bảo hiệu quả và tính an toàn khi sử dụng thuốc. Thời gian mà thuốc duy trì hiệu lực và tính an toàn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, gồm có cách bảo quản và nơi bảo quản.
Nên bảo quản viên nén Avandia ở nhiệt độ phòng (khoảng 77°F hay 25°C) trong hộp đậy kín, tránh ánh sáng. Thuốc cũng có thể được bảo quản trong thời gian ngắn ở nhiệt độ15°C đến 30°C (59°F đến 86°F), chẳng hạn khi đi du lịch. Không để thuốc ở nơi ẩm ướt, chẳng hạn như phòng tắm.
Xử lý thuốc không sử dụng
Việc vứt bỏ thuốc không sử dụng cũng cần được thực hiện một cách thận trọng để tránh người khác (nhất là trẻ em) và vật nuôi vô tình nuốt phải và không gây hại cho môi trường.
Thông tin dành cho nhân viên y tế
Dưới đây là những thông tin về Avandia dành cho nhân viên y tế.
Chỉ định
Avandia được chỉ định để cải thiện khả năng kiểm soát đường huyết ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Thuốc được sử dụng kết hợp với thói quen sinh hoạt lành mạnh, gồm có chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên.
Cơ chế tác dụng
Avandia chứa hoạt chất rosiglitazone, là một loại thuốc thuộc nhóm thiazolidinedione. Avandia là một chất chủ vận PPARg – một thụ thể có trong mô mỡ, cơ xương và gan. PPARg đóng vai trò quan trọng trong việc tăng cường điều chỉnh các thụ thể insulin của tế bào. Tăng cường điều chỉnh các thụ thể insulin của tế bào dẫn đến giảm nồng độ glucose trong huyết tương.
Dược động học và chuyển hóa
Nồng độ Avandia trong máu đạt mức tối đa sau khi uống 1 giờ. Khoảng 99,8% lượng thuốc liên kết với protein trong huyết tương (chủ yếu là albumin). Avandia được chuyển hóa thông qua quá trình khử metyl và hydroxyl hóa. CYP2C8 là enzyme chính tham gia vào quá trình này. Avandia được bài tiết chủ yếu qua nước tiểu (64%) và phân (23%). Thời gian bán thải (thời gian để nồng độ thuốc trong cơ thể giảm một nửa) là khoảng 3 đến 4 tiếng.
Chống chỉ định
Không dùng Avandia cho bệnh nhân bị suy tim sung huyết độ III hoặc IV và những người có tiền sử dị ứng với Avandia (rosiglitazone) hoặc bất kỳ thành phần tá dược nào của thuốc.
Bảo quản
Viên nén Avandia cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng (25°C hay 77°F) trong hộp đậy kín, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp. Thuốc có thể được bảo quản trong thời gian ngắn ở nhiệt độ15°C đến 30°C (59°F đến 86°F).
Metformin là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Metformin có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em.
Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này được sử dụng kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu.
Glimepiride được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 – bệnh lý mãn tính có đặc trưng là đường trong máu cao.
Januvia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Giống như nhiều loại thuốc khác, Januvia được kết hợp cùng chế độ ăn kiêng và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh lý này.
Victoza được sử dụng cho những người mắc bệnh tiểu đường type 2 để kiểm soát lượng đường trong máu và giảm nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về tim mạch.