Protein niệu là gì? Có nguy hiểm không?
Protein niệu là gì?
Thận có chức năng lọc máu, đào thải các chất độc hại và đồng thời giữ lại các chất cần thiết trong cơ thể.
Thận có các mạch máu nhỏ gọi là cầu thận. Cầu thận loại bỏ chất thải vào nước tiểu và tái hấp thu protein vào máu.
Khi thận không hoạt động bình thường, protein trong máu có thể rò rỉ vào nước tiểu. Kết quả là lượng protein trong nước tiểu tăng cao, tình trạng này được gọi là protein niệu.
Protein niệu được chia thành nhiều loại:
- Protein niệu có nguồn gốc cầu thận
- Protein niệu có nguồn gốc ống thận
- Protein niệu do tăng dòng chảy
- Protein niệu do nguyên nhân ngoài thận
Protein niệu có nguồn gốc cầu thận là loại phổ biến nhất. Albumin niệu – tình trạng lượng albumin trong nước tiểu cao hơn bình thường - một dạng protein niệu có nguồn gốc cầu thận.
Protein niệu có thể là do các tình trạng tạm thời, chẳng hạn như mất nước hoặc do tổn thương thận nghiêm trọng. Hãy cùng tìm hiểu các nguyên nhân gây ra protein niệu cùng với các triệu chứng và cách điều trị.
Nguyên nhân gây protein niệu
Protein trong nước tiểu có thể là do nhiều nguyên nhân gây ra. Tùy vào nguyên nhân mà tình trạng này còn đi kèm các triệu chứng khác.
Mất nước
Mất nước xảy ra khi lượng nước mất đi nhiều hơn lượng nước hấp thụ. Đây là một nguyên nhân phổ biến gây protein niệu. Tình trạng này chỉ là tạm thời.
Cơ thể cần có nước để vận chuyển các chất dinh dưỡng, chẳng hạn như protein, đến thận. Khi không có đủ nước, quá trình vận chuyển chất dinh dưỡng này sẽ không thể diễn ra bình thường và thận sẽ không thể giữ lại protein. Kết quả là protein bị đào thải ra ngoài theo nước tiểu.
Protein niệu còn có nhiều triệu chứng khác, tùy vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng mất nước, chẳng hạn như:
- Mệt mỏi
- Nhức đầu
- Chóng mặt
- Khát nước
- Nước tiểu sẫm màu
- Lượng nước tiểu ít
- Khô miệng hoặc khô da
Mất nước có thể xảy ra do:
- Tiêu chảy
- Nôn mửa
- Đổ quá nhiều mồ hôi
- Sốt
- Không uống đủ nước
Cao huyết áp
Cao huyết áp (hay tăng huyết áp) có thể làm hỏng các mạch máu trong thận. Điều này làm giảm khả năng tái hấp thu protein của thận và cũng dẫn đến tình trạng lượng protein trong nước tiểu tăng cao.
Cao huyết áp thường diễn tiến chậm và không biểu hiện triệu chứng trong suốt nhiều năm nhưng khi trở nên nghiêm trọng, tình trạng này sẽ gây nhức đầu, khó thở hoặc chảy máu cam.
Hầu hết các trường hợp cao huyết áp đều không xác định được nguyên nhân nhưng ở một số người, cao huyết áp có thể là do:
- Bệnh thận
- Bệnh tuyến giáp
- Chứng ngưng thở khi ngủ
- U tuyến thượng thận
- Một số loại thuốc, chẳng hạn như thuốc ngừa thai hoặc thuốc trị nghẹt mũi
- Đái tháo đường
Đái tháo đường hay tiểu đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa có đặc trưng là lượng đường trong máu cao. Có nhiều loại đái tháo đường, gồm có đái tháo đường type 1 và đái tháo đường type 2.
Lượng đường trong máu cao buộc thận phải hoạt động nhiểu hơn để loại bỏ lượng đường dư thừa khỏi máu. Theo thời gian, thận dần trở nên duy yếu và điều này khiến protein rò rỉ vào nước tiểu.
Bệnh đái tháo đường có nhiều triệu chứng, tùy thuộc vào loại và mức độ nghiêm trọng. Một số triệu chứng thường gặp gồm có:
- Thường xuyên cảm thấy khát và đói
- Đi tiểu nhiều lần
- Mệt mỏi
- Mờ mắt
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Cảm giác tê hoặc châm chích ở bàn tay, bàn chân
- Vết thương chậm lành
Viêm cầu thận
Protein niệu có thể là dấu hiệu của viêm cầu thận.
Thông thường khi lọc máu, cầu thận sẽ tái hấp thu protein. Nhưng khi cầu thận bị tổn thương, protein có thể đi qua cầu thận và vào trong nước tiểu.
Viêm cầu thận gây ra một nhóm các triệu chứng được gọi là hội chứng thận hư. Ngoài protein niệu, các triệu chứng khác của hội chứng thận hư gồm có:
- Tăng lipid máu (nồng độ chất béo và cholesterol trong máu cao)
- Sưng phù bàn chân, cẳng chân hoặc mắt cá chân
- Giảm albumin máu (nồng độ albumin trong máu thấp)
Viêm cầu thận cũng có thể gây tiểu ra máu. Tiểu ra máu khiến nước tiểu có màu hồng, đỏ hoặc màu nâu đỏ như nước coca.
Thông thường, viêm cầu thận xảy ra khi hệ miễn dịch tấn công thận. Viêm cầu thận có liên quan đến:
- Viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn
- HIV
- Viêm gan B
- Viêm gan C
- Bệnh lupus
- Bệnh thận đái tháo đường
- Cao huyết áp
Suy thận mạn
Suy thận mạn là tình trạng suy giảm chức năng thận tiến triển từ từ trong nhiều năm. Suy thận mạn giai đoạn đầu có thể gây ra protein niệu nhưng thường không biểu hiện bất kỳ triệu chứng rõ rệt nào.
Khi tiến triển sang giai đoạn nặng hơn, suy thận mạn có các triệu chứng như:
- Khó thở, hụt hơi
- Buồn tiểu liên tục
- Nấc cụt
- Thường xuyên mệt mỏi
- buồn nôn, nôn
- Khó ngủ
- Da khô, ngứa
- Sưng phù bàn tay và bàn chân
- Chán ăn
Các nguyên nhân có thể làm hỏng thận và dẫn đến bệnh thận mạn:
- Bệnh tim mạch
- Cao huyết áp
- Đái tháo đường
- Viêm cầu thận
- Viêm thận kẽ
- Bệnh thận đa nang
- Nhiễm trùng thận tái phát
Suy thận mạn không được điều trị có thể tiến triển thành suy thận mạn giai đoạn cuối.
Bệnh tự miễn
Hệ miễn dịch tạo ra kháng thể, hay còn được gọi là globulin miễn dịch (immunoglobulin), để chống lại vi sinh vật xâm nhập. Tuy nhiên, đôi khi hệ miễn dịch tạo ra kháng thể tấn công chính các mô của cơ thể và dẫn đến bệnh tự miễn. Những kháng thể này được gọi là tự kháng thể.
Các tự kháng thể có thể tấn công và làm tổn thương cầu thận, gây ra viêm. Điều này dẫn đến tổn thương thận và protein niệu.
Protein niệu có thể xảy ra với các bệnh tự miễn sau:
- Lupus ban đỏ hệ thống. Mặc dù bệnh lupus ban đỏ hệ thống chủ yếu ảnh hưởng đến da và khớp nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến thận.
- Hội chứng Goodpasture. Ở người mắc hội chứng Goodpasture, các tự kháng thể tấn công thận và phổi.
- Bệnh thận IgA (bệnh Berger): Bệnh thận IgA xảy ra khi globulin miễn dịch A tích tụ trong cầu thận.
Tiền sản giật
Tiền sản giật là một biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra trong 3 tháng cuối (từ tuần thứ 20) của thai kỳ với hai triệu chứng đặc trưng là cao huyết áp và protein niệu.
Các triệu chứng khác của tiền sản giật gồm có:
- Sưng phù tay và mặt
- Nhức đầu
- Mờ mắt
- Đau vùng bên phải của bụng
- Tăng cân
Mặc dù tiền sản giật thường tự hết sau khi sinh nhưng đây là một biến chứng nghiêm trọng có thể dẫn đến sinh non. Những phụ nữ bị tiền sản giật cần được theo dõi cẩn thận.
Ung thư
Đôi khi, protein niệu là dấu hiệu của bệnh ung thư. Một số loại ung thư có thể làm tăng nồng độ protein trong nước tiểu gồm có:
- Ung thư biểu mô tế bào thận
- Ung thư phổi
- Ung thư vú
- Ung thư đại trực tràng
- U lympho không Hodgkin
- Ung thư gan
- Đa u tủy
Các chuyên gia cho rằng tác động bệnh ung thư gây viêm và làm thay đổi chức năng thận.
Ở một số loại ung thư, chẳng hạn như đa u tủy, tổn thương thận xảy ra khi các protein bất thường trong máu kết hợp với các protein bình thường trong nước tiểu. Khi chức năng thận suy giảm, lượng protein đi vào nước tiểu sẽ tăng cao.
Mặc dù mỗi bệnh ung thư có các triệu chứng khác nhau nhưng một số triệu chứng chung gồm có:
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
- Mệt mỏi
- Sốt
- Đau
- Thay đổi về da
Các nguyên nhân khác
Ngoài các nguyên nhân kể trên, protein niệu còn có thể là do các nguyên nhân khác như:
- Các rối loạn chức năng ảnh hưởng đến ống thận
- Viêm đường tiết niệu, có thể là do các nguyên nhân như nhiễm trùng đường tiết niệu hoặc khối u
- Sự sản xuất quá mức một số loại protein
Triệu chứng protein niệu
Ở giai đoạn đầu, tổn thương thận thường không có bất kỳ triệu chứng nào vì mới chỉ có một lượng nhỏ protein trong nước tiểu.
Khi thận bị tổn thương nặng hơn, lượng protein trong nước tiểu sẽ tăng lên. Điều này gây ra các triệu chứng như:
- Nước tiểu có bọt
- Sưng phù ở tay, chân, mặt hoặc bụng phình to
- Đi tiểu nhiều lần
- Chuột rút cơ vào ban đêm
- Buồn nôn
- Nôn
- Mất cảm giác ngon miệng
Điều trị protein niệu
Nếu chỉ bị protein niệu tạm thời hoặc mức độ nhẹ thì có thể không cần điều trị. Nếu protein niệu là do một bệnh lý gây ra thì sẽ phải điều trị bệnh lý đó.
Các phương pháp điều trị gồm có:
- Điều chỉnh chế độ ăn uống: Điều này có thể giúp kiểm soát bệnh thận, đái tháo đường và cao huyết áp.
- Kiểm soát cân nặng: Duy trì cân nặng khỏe mạnh có thể giúp kiểm soát các tình trạng làm suy giảm chức năng thận.
- Thuốc điều trị cao huyết áp: Nếu bạn bị cao huyết áp hoặc đái tháo đường thì có thể sẽ phải dùng các loại thuốc làm giảm huyết áp.
>>> Tìm hiểu thêm về mối liên hệ giữa cao huyết áp và bệnh đái tháo đường.
- Thuốc điều trị đái tháo đường: Nếu mắc bệnh đái tháo đường, bạn sẽ phải dùng thuốc hoặc insulin để kiểm soát lượng đường trong máu.
- Lọc máu. Nếu bị viêm cầu thận hoặc suy thận, bạn sẽ phải lọc máu để kiểm soát cao huyết áp, lọc bỏ chất thải và duy trì sự cân bằng chất lỏng trong cơ thể.
Các yếu tố nguy cơ của protein niệu
Protein niệu xảy ra phổ biến hơn ở một số nhóm chủng tộc, chẳng hạn như người gốc Phi, gốc Latinh, Tây Ban Nha và và người gốc Á.
Ngoài chủng tộc, các yếu tố nguy cơ cơ khác còn có:
- Tuổi tác: Người lớn tuổi có nguy cơ bị mất nước và các vấn đề về thận cao hơn. Phụ nữ mang thai từ 40 tuổi trở lên có nguy cơ bị tiền sản giật cao hơn.
- Cao huyết áp: Những người bị cao huyết áp có nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và bệnh thận cao hơn.
- Bệnh đái tháo đường: Đái tháo đường là nguyên nhân phổ biến nhất của bệnh thận mạn. Đái tháo đường làm tăng nguy cơ tiền sản giật và viêm cầu thận.
- Tiền sử gia đình: Những người có tiền sử gia đình mắc bệnh thận hoặc tiền sản giật có nguy cơ bị protein niệu cao hơn.
- Thừa cân: Người thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao huyết áp, đái tháo đường và tiền sản giật cao hơn.
Chẩn đoán protein niệu
Cách duy nhất để chẩn đoán protein niệu là xét nghiệm nước tiểu.
Đây là một xét nghiệm rất đơn giản. Bạn sẽ lấy nước tiểu vào một lọ chứa vô trùng và mẫu nước tiểu sẽ được đem đến phòng xét nghiệm. Mẫu nước tiểu được chia làm hai phần, một phần được nhúng que test có phủ hóa chất, sau đó kỹ thuật viên đối chiếu màu que test với bảng màu để xác định lượng protein trong nước tiểu.
Phần còn lại của mẫu nước tiểu sẽ được gửi phân tích dưới kính hiển vi.
Nếu bác sĩ nghi ngờ có vấn đề về thận thì bạn sẽ phải lặp lại xét nghiệm 3 lần trong vòng 3 tháng. Điều này giúp nhằm loại trừ các nguyên nhân tạm thời gây ra protein niệu.
Các phương pháp khác để chẩn đoán nguyên nhân gây ra protein niệu:
- Xét nghiệm protein trong nước tiểu 24 giờ: Bạn sẽ phải thu thập nước tiểu trong vòng 24 giờ.
- Xét nghiệm máu đo độ lọc cầu thận (GMR) nhằm kiểm tra chức năng thận.
- Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh, gồm có siêu âm hoặc chụp CT để tạo hình ảnh chi tiết của thận và đường tiết niệu.
- Sinh thiết thận: bác sĩ sẽ lấy mẫu mô từ thận và phân tích dưới kính hiển vi xem có dấu hiệu tổn thương thận hay không.
Tóm tắt bài viết
Protein niệu có thể chỉ là tạm thời do mất nước nhưng đa phần, protein niệu là dấu hiệu cho thấy chức năng lọc máu của thận đang có vấn đề. Việc điều trị sẽ tùy vào nguyên nhân cụ thể gây protein niệu. Các phương pháp điều trị sẽ giúp duy trì chức năng thận và giảm bớt các triệu chứng.
Nhiễm trùng đường tiết niệu gây ra nhiều triệu chứng như đau bụng dưới, buồn tiểu liên tục, nóng rát khi đi tiểu, nước tiểu đục, có mùi nồng và thậm chí có máu. Các triệu chứng này thường thuyên giảm nhanh chóng sau khi bắt đầu điều trị.
Nhiễm khuẩn niệu không triệu chứng là tình trạng vi khuẩn hiện diện trong mẫu nước tiểu mà người bệnh không có bất kỳ triệu chứng nào của nhiễm trùng đường tiết niệu. Nguyên nhân gây nhiễm khuẩn niệu là do vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu.
Ung thư thận ở tuổi thiếu niên có nguy hiểm không? Bài viết này sẽ nêu ra những loại ung thư thận mà thiếu niên có thể mắc phải, nguyên nhân, chứng và tiên lượng bệnh.
U nguyên bào thận là loại ung thư phổ biến thứ tư ở trẻ em và là loại ung thư thận phổ biến nhất ở trẻ em.