1

Những điều cần biết về probiotic

Probiotic hiểu đơn giản là những vi khuẩn có lợi cho sức khỏe, thường có trong các sản phẩm bổ sung. Probiotic có công dụng là giúp tăng cường số lượng vi sinh vật có lợi cho đường ruột.
Những điều cần biết về probiotic Những điều cần biết về probiotic

Trước đây, số lượng vi khuẩn trong cơ thể từng được cho là nhiều hơn số lượng tế bào với tỷ lệ là 10:1. Tuy nhiên, một nghiên cứu gần đây cho thấy rằng tỷ lệ này gần như là 1:1. (1)

Theo như tỷ lệ này thì mỗi người có khoảng 39 – 300 nghìn tỷ vi khuẩn sống bên trong cơ thể. Và cho dù tỷ lệ là bao nhiêu thì số lượng vi khuẩn mà cơ thể mỗi người có cũng đều là con số lớn.

Phần lớn những vi khuẩn này cư trú trong ruột và đa số là vô hại. Một số loại vi khuẩn có lợi trong khi một phần nhỏ lại có thể gây bệnh.

Vi khuẩn đường ruột mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, ví dụ như:

  • Giảm cân
  • Cải thiện tiêu hóa
  • Tăng cường chức năng miễn dịch
  • Giúp làn da khỏe mạnh hơn
  • Giảm nguy cơ mắc một số bệnh

Probiotic hiểu đơn giản là những vi khuẩn có lợi cho sức khỏe, thường có trong các sản phẩm bổ sung. Probiotic có công dụng là giúp tăng cường số lượng vi sinh vật có lợi cho đường ruột.

Dưới đây là những lợi ích đối với sức khỏe của probiotic.

Probiotic là gì?

Probiotic là những vi sinh vật sống, khi đi vào cơ thể sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Probiotic thường là vi khuẩn, nhưng một số loại nấm men cũng có cơ chế hoạt động giống như probiotic. Ngoài ra còn có các loại vi sinh vật khác trong đường ruột hiện cũng đang được nghiên cứu, gồm có virus, nấm, vi khuẩn cổ và giun sán. (2)

Chúng ta có thể đưa những vi sinh vật có lợi này vào cơ thể bằng cách uống các sản phẩm bổ sung men vi sinh hoặc ăn uống các loại thực phẩm được chế biến qua quá trình lên men, ví dụ như sữa chua, kefir, dưa muối, tempeh, kim chi, trà kombucha,… Lưu ý, probiotic khác với prebiotic. Prebiotic là carb (chủ yếu là chất xơ) nuôi các vi khuẩn có lợi trong đường ruột hay nói cách khác, prebiotic là thức ăn của probiotic.

Các sản phẩm có chứa cả prebiotic và probiotic được gọi là synbiotic. Các sản phẩm synbiotic thường kết hợp cả các vi khuẩn có lợi cùng với một số thức ăn cho vi khuẩn.

Một số loại vi khuẩn có lợi phổ biến nhất là Lactobacillus, Bifidobacteria, Saccharomyces, Streptococcus, Enterococcus, Escherichia và Bacillus.

Mỗi chi vi khuẩn này gồm có nhiều loài khác nhau và mỗi loài lại gồm có nhiều chủng. Nhãn của sản phẩm bổ sung probiotic thường có ghi chủng vi khuẩn cụ thể (bao gồm có cả chi), loài, phân loài nếu có và mã chủng.

Mỗi loại probiotic mang lại những lợi ích và giúp khắc phục các vấn đề sức khỏe khác nhau. Do đó, việc lựa chọn đúng loại là điều rất cần thiết.

Các sản phẩm probiotic phổ rộng (broad-spectrum probiotic) hay probiotic đa chủng (multi-probiotic) có chứa cùng lúc từ hai loài vi khuẩn khác nhau trở lên.

Mặc dù các bằng chứng cho đến thời điểm hiện tại đều cho thấy những kết quả đầy hứa hẹn nhưng vẫn cần nghiên cứu thêm về lợi ích của probiotic đối với sức khỏe.

Tóm tắt: Probiotic là những vi sinh vật sống giúp tăng cường sức khỏe khi được tiêu thụ với lượng vừa đủ. Có nhiều loại probiotic khác nhau và có thể đưa vào cơ thể bằng các sản phẩm bổ sung hoặc thực phẩm.

Tầm quan trọng của vi sinh vật đối với đường ruột

Tập hợp tất cả những vi sinh vật sống trong ruột được gọi là hệ vi sinh đường ruột.

Đó là một cộng đồng phức tạp gồm có vi khuẩn, virus, nấm, vi khuẩn cổ (archaea) và giun sán, trong đó vi khuẩn chiếm phần lớn. Đường ruột là nơi sinh sống của 300 – 500 loài vi khuẩn. (3)

Hầu hết các vi khuẩn có lợi (lợi khuẩn) đường ruột đều sinh sống trong ruột già hay đại tràng - phần cuối cùng của đường tiêu hóa.

Điều đáng ngạc nhiên là các hoạt động trao đổi chất của hệ vi sinh vật đường ruột cũng giống với các hoạt động của một số cơ quan nội tạng trong cơ thể. Vì vậy nên hệ vi sinh vật này còn được gọi là “cơ quan bị lãng quên trong đường ruột”.

Hệ vi sinh vật đường ruột thực hiện nhiều chức năng quan trọng đối với sức khỏe, ví dụ như sản xuất vitamin, gồm có vitamin K và một số vitamin nhóm B.

Các vi sinh vật này còn thực hiện quá trình biến chất xơ thành các axit béo chuỗi ngắn, ví dụ như butyrate, propionat và axeta nuôi dưỡng thành ruột và thực hiện nhiều chức năng trao đổi chất.

Những axit béo này còn kích thích hệ miễn dịch và củng cố thành ruột. Điều này giúp ngăn chặn các tác nhân có hại xâm nhập vào cơ thể và kích hoạt đáp ứng miễn dịch.

Hệ vi sinh vật đường ruột rất nhạy cảm với chế độ ăn uống và các nghiên cứu cho thấy rằng hệ vi sinh vật đường ruột mất cân bằng là yếu tố làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật, ví dụ như béo phì, tiểu đường tuýp 2, hội chứng chuyển hóa, bệnh tim mạch, ung thư đại trực tràng, bệnh Alzheimer và trầm cảm.

Probiotic và prebiotic sẽ điều chỉnh sự cân bằng này và giúp hệ vi sinh vật đường ruột hoạt động một cách tối ưu.

Tóm tắt: Hệ vi sinh vật đường ruột gồm có hàng trăm loại vi sinh vật khác nhau. Những vi sinh vật này thực hiện nhiều chức năng quan trọng trong cơ thể.

Lợi ích đối với sức khỏe hệ tiêu hóa

Một trong những khía cạnh được nghiên cứu nhiều nhất của probiotic là tác dụng đối với sức khỏe của hệ tiêu hóa.

Bằng chứng cho thấy rằng các sản phẩm bổ sung probiotic có thể giúp điều trị bệnh tiêu chảy do thuốc kháng sinh. (4)

Việc dùng thuốc kháng sinh, đặc biệt là trong thời gian dài, có thể gây tiêu chảy. Tình trạng tiêu chảy có thể tiếp diễn trong suốt một thời gian dài sau khi bệnh đã được chữa khỏi và ngừng dùng thuốc.

Nguyên nhân của điều này là do thuốc kháng sinh tiêu diệt nhiều vi khuẩn tự nhiên trong đường ruột, bao gồm cả những vi khuẩn có lợi, làm mất cân bằng hệ vi sinh vật và tạo điều kiện cho vi khuẩn có hại phát triển.

Probiotic còn có thể giúp chống lại hội chứng ruột kích thích (IBS) - một chứng rối loạn tiêu hóa phổ biến, giảm đầy hơi, chướng bụng, táo bón, tiêu chảy và nhiều vấn đề khác.

Đã có nhiều nghiên cứu cho thấy hiệu quả của việc bổ sung probiotic trong điều trị hội chứng ruột kích thích. Theo một bản đánh giá tổng hợp gần đây, 7 trong số 11 nghiên cứu đã cho thấy sự cải thiện trong các triệu chứng của hội chứng ruột kích thích sau khi bổ sung probiotic.

Nghiên cứu chỉ ra rằng các sản phẩm bổ sung probiotic đa chủng (multi-probiotic) mang lại hiệu quả cao nhất, đặc biệt là khi dùng trong thời gian từ 8 tuần trở lên.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều điều chưa rõ về phương pháp điều trị hội chứng ruột kích thích bằng probiotic. Cần nghiên cứu sâu hơn để trả lời các câu hỏi như:

  • Probiotic có thể cải thiện những triệu chứng nào?
  • Loại vi khuẩn nào mang lại hiệu quả cao nhất?
  • Liều lượng và thời gian điều trị thế nào?
  • Các dạng hội chứng ruột kích thích khác nhau có cần điều trị bằng các loại probiotic khác nhau không?

Các nhà nghiên cứu đã nhận thấy kết quả ban đầu đầy hứa hẹn của việc sử dụng probiotic để điều trị hội chứng ruột kích thích nhưng vẫn cần tiến hành thêm các thử nghiệm lớn trước khi đưa vào làm phương pháp điều trị chính.

Một số nghiên cứu cũng tìm ra lợi ích của việc bổ sung probiotic trong việc chống lại các bệnh viêm ruột, chẳng hạn như bệnh Crohn và viêm loét đại tràng. Tuy nhiên, cũng cần nghiên cứu sâu hơn trước khi xác nhận phương pháp này thực sự có hiệu quả.

Probiotic còn giúp cơ thể chống lại vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) - một trong những nguyên nhân chính gây viêm loét và làm tăng nguy cơ ung thư dạ dày.

Nếu như bạn đang gặp các vấn đề về tiêu hóa thì có thể cân nhắc bổ sung probiotic.

Tóm tắt: Probiotic giúp khắc phục nhiều vấn đề về tiêu hóa, ví dụ như tiêu chảy do thuốc kháng sinh và hội chứng ruột kích thích.

Probiotic giúp giảm cân

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng những người bị béo phì có hệ vi sinh vật đường ruột khác với những người có cân nặng khỏe mạnh.

Các nghiên cứu cũng cho thấy mối liên hệ giữa vi khuẩn đường ruột và bệnh béo phì ở cả trẻ sơ sinh lẫn người lớn. Ngoài ra, những thay đổi trong hệ vi sinh vật đường ruột là một yếu tố làm tăng nguy cơ béo phì khi trưởng thành.

Nhiều nhà khoa học tin rằng vi khuẩn đường ruột đóng vai trò rất quan trọng trong việc xác định khối lượng cơ thể.

Một số chủng lợi khuẩn được cho là có thể giúp giảm cân nhưng cân nghiên cứu thêm để làm rõ các vấn đề sau:

  • Loại probiotic cụ thể cần bổ sung
  • Liều lượng và thời gian sử dụng probiotic
  • Những tác động lâu dài của việc sử dụng probiotic
  • Sự tác động của yếu tố tuổi tác, giới tính, tình trạng sức khỏe và lối sống đến hiệu quả

Trong một nghiên cứu, 210 người bị béo phì với lượng mỡ thừa lớn ở vùng bụng, đã uống bổ sung probiotic chứa lợi khuẩn Lactobacillus gasseri hàng ngày. Những người này đã giảm trung bình khoảng 8.5% lượng mỡ bụng trong vòng 12 tuần.

Khi những người tham gia ngừng dùng probiotic, lượng mỡ bụng đã trở lại trong vòng 4 tuần.

Bằng chứng cũng cho thấy rằng Lactobacillus rhamnosus và Bifidobacterium lactis có thể hỗ trợ giảm cân và giúp ngăn ngừa béo phì.

Tóm tắt: Mặc dù cần nghiên cứu thêm nhưng một số bằng chứng đã cho thấy một số chủng lợi khuẩn có thể hỗ trợ giảm cân.

>>> Vai trò của probiotic trong giảm cân và giảm mỡ bụng

Lợi ích đối với hệ thần kinh

Trong nhiều năm trở lại đây, nghiên cứu đã chỉ ra rằng ruột và não được kết nối trong một hệ thống gọi là trục não - ruột. Trục này liên kết hệ thần kinh trung ương và đường ruột – được coi là hệ thần kinh thứ hai với vai trò là kiểm soát quá trình tiêu hóa.

Các nghiên cứu cho thấy một số loại vi sinh vật trong đường ruột có thể ảnh hưởng đến não bộ thông qua trục não - ruột. Chúng được gọi là “psychobiotic” – có nghĩa là một số chủng vi khuẩn nhất định có ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần.

Nghiên cứu chỉ ra rằng psychobiotic có thể giúp điều trị các dạng rối loạn về nhận thức và thần kinh, chẳng hạn như bệnh tự kỷ, bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson.

Những loại vi sinh vật cụ thể và cơ chế mà chúng tương tác với não bộ hiện đang là chủ đề của nhiều nghiên cứu.

Theo nghiên cứu, đối với nhiều người thì việc bổ sung một số chủng lợi khuẩn sẽ tốt hơn là dùng các loại thuốc hướng thần để đối phó với tình trạng căng thẳng tinh thần, lo âu và buồn bã.

Tóm tắt: Các nghiên cứu ban đầu cho thấy rằng một số loại vi khuẩn đường ruột (psychobiotic) có thể giúp điều trị các rối loạn nhận thức và thần kinh, chẳng hạn như bệnh tự kỷ, bệnh Alzheimer và bệnh Parkinson.

Các lợi ích khác

Ngoài các lợi ích nêu trên, probiotic còn mang lại rất nhiều lợi ích khác, ví dụ như:

  • Giảm viêm: Probiotic làm giảm phản ứng viêm toàn thân - nguyên nhân gây ra nhiều bệnh khác nhau.
  • Cải thiện chứng trầm cảm và lo âu: Các chủng lợi khuẩn Lactobacillus helveticus và Bifidobacterium longum đã được chứng minh là giúp làm giảm các triệu chứng của chứng trầm cảm lâm sàng.
  • Giảm cholesterol trong máu: Một số loại probiotic đã được chứng minh là có tác dụng giảm chỉ số cholesterol toàn phần và LDL cholesterol (cholesterol xấu).
  • Hạ huyết áp: Probiotic có thể giúp hạ huyết áp ở những người bị cao huyết áp.
  • Tăng cường chức năng miễn dịch: Một số chủng lợi khuẩn có thể tăng cường chức năng miễn dịch, nhờ đó làm giảm nguy cơ nhiễm trùng, từ những bệnh nhẹ như cảm lạnh thông thường cho đến những bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng hơn.
  • Cải thiện sức khỏe làn da: Một số bằng chứng cho thấy probiotic có thể làm giảm tình trạng mụn trứng cá, bệnh trứng cá đỏ (rosacea), bệnh chàm và các vấn đề về da khác.
  • Chống lão hóa: Mặc dù nghiên cứu còn rất hạn chế nhưng đã có bằng chứng cho thấy rằng probiotic có khả năng kéo dài tuổi thọ bằng cách tăng khả năng tự tái tạo của tế bào.

Trên đây chỉ là một phần nhỏ trong số những lợi ích của probiotic, ngoài ra còn có rất nhiều lợi ích khác nữa hiện đang được nghiên cứu và những lợi ích chưa được khám phá ra.

Tóm tắt: Ngoài tác dụng đối với việc giảm cân, chức năng tiêu hóa và các rối loạn thần kinh, probiotic còn giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, chức năng miễn dịch và các triệu chứng trầm cảm, lo âu.

Lợi ích của probiotic đối với bệnh Covid-19

Một số nghiên cứu cho thấy rằng cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột bằng cách uống bổ sung probiotic và điều chỉnh chế độ ăn uống là một cách giúp ngăn ngừa và điều trị bệnh Covid-19 – bệnh do virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây ra.

Covid-19 gây tổn hại đến hệ miễn dịch – hệ thống phòng thủ chống lại bệnh tật của cơ thể thông qua “bão cytokine” (cytokine storm) – hiện tượng nồng độ cytokine gây viêm trong cơ thể tăng cao đột biến. Đây được cho là nguyên nhân chính khiến sức khỏe suy giảm và thậm chí dẫn đến tử vong.

Vì lợi khuẩn đường ruột đã được chứng minh là giúp tăng cường hệ miễn dịch và chống lại phản ứng viêm nên các nghiên cứu cho rằng bổ sung probiotic có thể giúp tăng tốc độ phục hồi sau khi bị nhiễm virus corona bằng cách ức chế hoặc hạn chế “bão cytokine”.

Ngoài các triệu chứng chính như khó thở, sốt, đau rát họng, ho khan, nhiều người bị Covid-19 còn gặp phải các triệu chứng về tiêu hóa, chẳng hạn như tiêu chảy, buồn nôn, nôn mửa, đau bụng và chán ăn.

Một số nghiên cứu đưa ra giả thuyết rằng probiotic có thể giúp chống lại virus corona bằng cách ngăn chặn thụ thể enzyme chuyển đổi angiotensin (angiotensin-converting enzyme - ACE) - nơi mà virus SARS-CoV-2 xâm nhập vào cơ thể rồi sang các tế bào của đường tiêu hóa.

Probiotic còn tác động đến bệnh Covid-19 thông qua trục ruột - phổi. Đây là hệ thống liên lạc và tương tác giữa ruột và các mô phổi, diễn ra nhờ có các vi sinh vật trong cơ thể con người.

Sự mất cân bằng của hệ vi sinh vật đường ruột có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh phổi và nhiễm trùng đường hô hấp. Việc khôi phục lại sự cân bằng này sẽ giúp cải thiện sức khỏe của phổi và bảo vệ chống lại các mầm bệnh như SARS-CoV-2.

Các nghiên cứu khác cho thấy rằng việc bổ sung probiotic có thể thúc đẩy khả năng kháng virus nói chung để cải thiện hệ miễn dịch, sức khỏe của phổi và phản ứng chống viêm, từ đó giúp cơ thể tiêu diệt virus SARS-CoV-2.

Tuy nhiên, tất cả những điều này đều mới chỉ ở giai đoạn lý thuyết. Cần thêm nhiều nghiên cứu sâu hơn để xác nhận.

Một điều cần lưu ý là không phải tất cả các chủng lợi khuẩn đều có tác dụng giống nhau. Câu hỏi được đặt ra là liệu sự thay đổi số lượng vi sinh vật có lợi trong đường ruột mà probiotic mang lại có đủ để chống lại Covid-19 hay không.

Tóm tắt: Một số nghiên cứu cho thấy rằng việc cải thiện hệ vi sinh vật đường ruột bằng cách uống bổ sung probiotic và điều chỉnh chế độ ăn uống có thể giúp điều trị Covid-19. Tuy nhiên, cần thêm nhiều nghiên cứu và thử nghiệm lâm sàng hơn nữa để xác thực điều này.

Tính an toàn và tác dụng phụ của probiotic

Probiotic thường được dung nạp tốt và an toàn cho hầu hết mọi người. Tuy nhiên, vẫn cần phải thận trọng khi lựa chọn các sản phẩm probiotic.

Lựa chọn sản phẩm phù hợp

Trong vô số sản phẩm bổ sung probiotic hiện nay thì việc lựa chọn sẽ tương đối khó khăn.

Tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn loại probiotic phù hợp dựa trên tuổi tác, giới tính và tình trạng sức khỏe.

Tác dụng phụ của probiotic

Trong vài ngày đầu tiên uống bổ sung probiotic, người dùng có thể gặp phải các tác dụng phụ về tiêu hóa, chẳng hạn như đầy hơi và khó chịu ở bụng.

Tuy nhiên, sau một thời gian, hệ tiêu hóa sẽ thích nghi và những triệu chứng này sẽ tự hết.

Ở những người có hệ miễn dịch bị tổn hại, ví dụ như những người nhiễm HIV/AIDS và một số bệnh gây suy giảm miễn dịch khác, việc bổ sung probiotic có thể dẫn đến các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm.

Nếu như đang có vấn đề sức khỏe thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung probiotic.

Tóm tắt: Các sản phẩm bổ sung probiotic có thể gây ra các triệu chứng tiêu hóa trong thời gian đầu sử dụng nhưng những triệu chứng này sẽ giảm dần trong vòng vài ngày. Việc bổ sung probiotic có thể gây nguy hiểm cho những người đang mắc một số bệnh lý, vấn đề về sức khỏe.

Những thách thức trong nghiên cứu về probiotic

Trong những năm gần đây, khoa học đã đạt được những bước tiến lớn trong việc tìm hiểu vai trò của probiotic đối với sức khỏe con người. Tuy nhiên, các nghiên cứu về probiotic vẫn đang ở giai đoạn sơ khai và còn rất nhiều điều cần tìm hiểu.

Các nhà nghiên cứu đang cố gắng xác định được hết tất cả các loài vi sinh vật sống trong đường ruột. Đây là điều rất quan trọng để hiểu rõ về cơ chế hoạt động của những vi sinh vật này đối với sức khỏe.

Ví dụ, vào năm 2019, một nhóm các nhà nghiên cứu đã thông cáo xác định được gần 2.000 loài vi khuẩn đường ruột chưa từng được biết đến trước đây. Đây là một bước quan trọng trong việc phân loại các vi sinh vật sống trong ruột người.

Sau khi xác định được các loài vi sinh vật, thách thức tiếp theo mà các nhà nghiên cứu phải đối mặt là liên kết các loài, phân loài và chủng vi sinh khác nhau với tác động của chúng đối với sức khỏe con người. Đây là một quá trình vô cùng phức tạp.

Cho đến thời điểm này đã có hàng nghìn nghiên cứu về những lợi ích đối với sức khỏe của probiotic nhưng kết quả vẫn chưa thống nhất và còn nhiều điểm mâu thuẫn với nhau.

Một lý do cho điều này là các phương pháp xử lý và phân tích dữ liệu được sử dụng trong nghiên cứu trên toàn thế giới còn chưa nhất quán. Điều này dẫn đến sự khác biệt trong dữ liệu được công bố và kết quả phân tích nghiên cứu.

Việc tiêu chuẩn hóa nghiên cứu về probiotic là một thử thách lớn vì cơ thể con người chứa một lượng lớn vi sinh vật với rất nhiều loài khác nhau. Hệ vi sinh vật trong cơ thể người còn có sự khác biệt giữa các khu vực trên thế giới, tuổi tác, giới tính,…

Thêm nữa, các chủng vi khuẩn không ngừng phát triển và sức khỏe cũng như là môi trường xung quanh cơ thể cũng có sự thay đổi.

Do đó, nhiệm vụ mà các nhà khoa học đang phải thực hiện là phân loại hàng nghìn tỷ vi sinh vật đang biến đổi liên tục trong một môi trường đa dạng, không cố định.

Nhờ có sự phát triển của phương pháp nghiên cứu đa hệ gen (metagenomic) - phân tích bộ gen của các nhóm vi sinh vật - mà nhiệm vụ này mới có thể thực hiện được.

Chỉ khi phân loại thành công và chuẩn hóa kết quả từ hàng nghìn nghiên cứu khác nhau thì mới có thể đưa ra khuyến nghị cụ thể về việc sử dụng probiotic trong điều trị bệnh và cải thiện sức khỏe.

Tóm tắt: Các nhà nghiên cứu đang gặp phải thách thức trong việc xác định tất cả các loài vi sinh vật trong đường ruột của con người. Bên cạnh đó cũng cần phải thiết lập một hệ thống chuẩn hóa kết quả nghiên cứu để đưa ra các khuyến nghị rõ ràng về việc sử dụng probiotic.

Tóm tắt bài viết

Bổ sung probiotic không phải là cách duy nhất để duy trì hệ tiêu hóa khỏe mạnh.

Chế độ ăn uống hàng ngày và tập thể dục cũng đóng vai trò quan trọng không kém vì có rất nhiều yếu tố về lối sống ảnh hưởng đến hệ vi khuẩn đường ruột.

Tuy nhiên, probiotic sẽ mang lại rất nhiều lợi ích mà hầu như không gây ra tác dụng phụ nào nghiêm trọng. Do đó, nếu như muốn cải thiện sức khỏe đường ruột thì hoàn toàn có thể thử bổ sung probiotic.

Trước tiên nên tham khảo ý kiến bác sĩ để sử dụng đúng loại probiotic với liều lượng phù hợp và tránh xảy ra các vấn đề không mong muốn.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về xét nghiệm 25-hydroxyvitamin D
Những điều cần biết về xét nghiệm 25-hydroxyvitamin D

Xét nghiệm 25-hydroxyvitamin D là cách tốt nhất để kiểm tra lượng vitamin D trong cơ thể. Nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong máu là một chỉ số cho biết cơ thể đang có bao nhiêu vitamin D, từ đó biết được một người đang bị thừa, thiếu hay đủ vitamin D.

Những điều cần biết về tác động của vitamin C đến thận
Những điều cần biết về tác động của vitamin C đến thận

Liều lượng vitamin C lớn có thể làm tăng nguy cơ hình thành loại sỏi thận phổ biến nhất, đó là sỏi canxi oxalat.

Những điều cần biết về bệnh Scorbut – căn bệnh do thiếu vitamin C
Những điều cần biết về bệnh Scorbut – căn bệnh do thiếu vitamin C

Các dấu hiệu của bệnh scorbut thường bắt đầu xuất hiện sau ít nhất 4 tuần liên tục bị thiếu vitamin C nghiêm trọng. Tuy nhiên cũng có thể phải sau 3 tháng hoặc lâu hơn thì các triệu chứng mới biểu hiện rõ.

Những điều cần biết về vitamin A
Những điều cần biết về vitamin A

Vitamin A là tên gọi của một nhóm các hợp chất tan trong chất béo có trong cả thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Những điều cần biết về bệnh tiểu đường và vitamin B12
Những điều cần biết về bệnh tiểu đường và vitamin B12

Bệnh thần kinh do tiểu đường cũng gây ra các triệu chứng giống như bệnh thần kinh ngoại biên do thiếu vitamin B12 (tê bì, yếu cơ, đau đớn và dị cảm ở cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân).

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây