1

Những điều cần biết về axit folic (Vitamin B9)

Axit folic là một loại vitamin tổng hợp, tan trong nước được sử dụng trong nhiều loại thực phẩm chức năng và một số thực phẩm chế biến sẵn. Đây là phiên bản nhân tạo của folate - một loại vitamin nhóm B.
Những điều cần biết về axit folic (Vitamin B9) Những điều cần biết về axit folic (Vitamin B9)

Axit folic là gì?

Axit folic là phiên bản nhân tạo của folate hay vitamin B9 - một trong 8 loại vitamin B. Khác với dạng tự nhiên là folate có trong các loại thực phẩm, axit folic là dạng tổng hợp, được sử dụng trong các sản phẩm viên uống bổ sung.

Cơ thể chúng ta không thể tự tạo ra folate hay axit folic nên cần phải hấp thụ từ thực phẩm hoặc viên uống bổ sung.

Nhiều người vẫn còn nhầm lẫn giữa folate và axit folic nhưng thực chất hai dạng này có nhiều điểm khác biệt. Axit folic khác folate về mặt cấu trúc hóa học và có các tác dụng sinh học hơi khác nhau trong cơ thể. Mặc dù vậy nhưng cả hai đều là những chất dinh dưỡng cần thiết đối với sức khỏe.

Folate có trong cả các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật và thực vật, ví dụ như cải xoăn, bông cải xanh, quả bơ, trái cây họ cam quýt, trứng và gan.

Mặc dù không có trong các loại thực phẩm tự nhiên nhưng axit folic được thêm vào một số loại thực phẩm qua chế biến như bột mì, ngũ cốc ăn sáng và sữa. Ngoài ra, axit folic còn được sản xuất dưới dạng thực phẩm chức năng.

Cơ thể con người sử dụng folate cho nhiều chức năng quan trọng, gồm có:

  • Tổng hợp, sửa chữa và metyl hóa (thêm nhóm metyl) trình tự gen DNA
  • Phân chia tế bào
  • Chuyển đổi homocysteine thành methionine – một loại axit amin được sử dụng để tổng hợp protein hoặc chuyển đổi thành S-adenosylmethionine (SAMe) - một hợp chất có vai trò là nguồn cung cấp methyl chính trong cơ thể và cần thiết cho nhiều phản ứng tế bào
  • Sự hình thành hồng cầu

Folate tham gia vào một số quá trình trao đổi chất quan trọng và do đó, sự thiếu hụt folate sẽ dẫn đến một loạt các tác động tiêu cực đến sức khỏe, gồm có thiếu máu hồng cầu khổng lồ, tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, một số bệnh ung thư và dị tật bẩm sinh ở trẻ sơ sinh.

Thiếu folate có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, gồm có:

  • Chế độ ăn uống không đủ dinh dưỡng
  • Mắc một số bệnh hoặc từng phẫu thuật ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ folate trong hệ tiêu hóa, ví dụ như bệnh celiac, hội chứng ruột ngắn hay từng phẫu thuật nối tắt dạ dày (một phương pháp phẫu thuật giảm cân)
  • Thiếu axit chlohydrit dịch vị hay lượng axit dạ dày thấp
  • Đang dùng các loại thuốc ảnh hưởng đến sự hấp thụ folate, ví dụ như methotrexate và sulfasalazine
  • Nghiện rượu
  • Đang mang thai
  • Bị chứng thiếu máu tán huyết
  • Lọc máu ngoài thận

Nhiều quốc gia trên thế giới, ví dụ như Mỹ, quy định các sản phẩm ngũ cốc phải được bổ sung axit folic để giảm tỷ lệ thiếu hụt folate.

Lý do là bởi tình trạng thiếu folate xảy ra khá phổ biến và một số nhóm dân số, chẳng hạn như người lớn tuổi và phụ nữ mang thai có nhu cầu folate cao hơn bình thường và khó có thể đáp ứng đủ nếu chỉ bổ sung từ chế độ ăn uống hàng ngày.

Lượng khuyến nghị hàng ngày

Cơ thể chỉ dự trữ một lượng folate rất nhỏ (khoảng từ 10 – 30 mg) và phần lớn nằm trong gan, lượng còn lại được dự trữ trong máu và các mô. Nồng độ folate trong máu bình thường dao động trong khoảng từ 5 – 15 ng/mL. Dạng folate chính trong máu là 5-methyltetrahydrofolate.

DFEs (Dietary Folate Equivalents) là đơn vị đo cho sự khác biệt về khả năng hấp thụ của axit folic và folate.

Axit folic trong viên uống bổ sung được cho là có khả năng hấp thụ 100% khi tiêu thụ lúc đói, trong khi axit folic trong các loại thực phẩm chế biến sẵn chỉ có khả năng hấp thụ là 85%. Folate trong thực phẩm tự nhiên có khả năng hấp thụ thấp hơn nhiều, khoảng 50%.

Khi dùng ở dạng viên uống bổ sung, 5-methyltetrahydrofolate có tính sinh khả dụng tương đương hoặc cao hơn một chút so với các sản phẩm viên uống axit folic.

Do sự khác biệt về khả năng hấp thụ của các dạng folate và axit folic nên 1 mcg DFE được quy đổi như sau: (1)

1 mcg DFE = 1 mcg folate trong thực phẩm tự nhiên = 0,5 mcg axit folic trong viên uống bổ sung dùng khi bụng đói = 0,6 mcg axit folic uống sau khi ăn

Người trưởng thành cần khoảng 400 mcg DFE folate mỗi ngày để đáp ứng đủ nhu cầu của cơ thể. Phụ nữ mang thai và đang cho con bú có nhu cầu folate cao hơn, lần lượt là 600 mcg và 500 mcg DFE folate mỗi ngày. (2)

Lượng khuyến nghị hàng ngày (RDA) đối với trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ và thiếu niên như sau: (3)

  • 0 đến 6 tháng tuổi: 65 mcg DFE
  • 7 - 12 tháng tuổi: 80 mcg DFE
  • 1 - 3 tuổi: 150 mcg DFE
  • 4 - 8 tuổi: 200 mcg DFE
  • 9 – 13 tuổi: 300 mcg DFE
  • 14 – 18 tuổi: 400 mcg DFE

Các lợi ích của folate và axit folic

Có nhiều lý do cần phải bổ sung đủ axit folic và folate mỗi ngày.

Mặc dù các sản phẩm viên uống axit folic và folate thường được sử dụng để điều trị các vấn đề sức khỏe giống nhau nhưng hai dạng này có những tác dụng khác nhau bên trong cơ thể và điều này sẽ được nói rõ hơn ở phần sau của bài viết này.

Dưới đây là những lợi ích và tác dụng phổ biến nhất mà việc uống bổ sung axit folic và folate mang lại.

Phòng ngừa dị tật bẩm sinh và các biến chứng thai kỳ

Một trong những mục đích chính của việc uống bổ sung axit folic và folate là ngăn ngừa dị tật bẩm sinh, đặc biệt là dị tật ống thần kinh, ví dụ như tật nứt đốt sống và hội chứng não phẳng (não và hộp sọ phát triển không hoàn thiện).

Lượng folate trong cơ thể người mẹ là một yếu tố chính ảnh hưởng đến nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi. Vì thế nên nhiều tổ chức y tế đã đưa ra khuyến nghị về việc uống bổ sung axit folic đối với phụ nữ đang hoặc có dự định mang thai.

Ví dụ, theo khuyến cáo của Lực lượng đặc nhiệm các dịch vụ phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (U.S. Preventive Services Task Force) - một hội đồng độc lập gồm các chuyên gia phòng chống dịch bệnh quốc gia, tất cả phụ nữ có kế hoạch mang thai hoặc đang trong độ tuổi sinh sản nên uống bổ sung 400 – 800 mcg axit folic mỗi ngày, bắt đầu từ ít nhất 1 tháng trước khi mang thai và tiếp tục trong 2 - 3 tháng đầu của thai kỳ. (3)

Phụ nữ mang thai có thể sẽ được bác sĩ kê viên uống axit folic để ngăn ngừa dị tật bẩm sinh ở thai nhi và ngăn ngừa các biến chứng thai kỳ, ví dụ như tiền sản giật.

Điều trị thiếu folate

Tình trạng thiếu folate có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân, gồm có chế độ ăn uống không đủ chất, từng phẫu thuật, mang thai, nghiện rượu và mắc các bệnh khiến cơ thể hấp thụ folate kém.

Sự thiếu hụt folate có thể dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng, chẳng hạn như thiếu máu hồng cầu khổng lồ, dị tật bẩm sinh, rối loạn tâm thần, suy giảm chức năng miễn dịch và trầm cảm.

Cả axit folic và folate đều có thể khắc phục tình trạng thiếu folate.

Tăng cường chức năng não bộ

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng nồng độ folate trong máu ở mức thấp có thể làm giảm chức năng não bộ và tăng nguy cơ sa sút trí tuệ. Lượng folate thấp sẽ làm tăng nguy cơ rối loạn tâm thần ở người lớn tuổi.

Các nghiên cứu đã chứng minh rằng bổ sung axit folic có thể cải thiện chức năng não bộ ở những người bị rối loạn tâm thần và giúp điều trị bệnh Alzheimer.

Trong một nghiên cứu vào năm 2019 được thực hiện ở 180 người trưởng thành bị suy giảm nhận thức nhẹ (MCI), việc uống bổ sung 400 mcg axit folic mỗi ngày trong vòng 2 năm đã giúp cải thiện đáng kể các chỉ số đo chức năng não bộ, gồm có chỉ số IQ ngôn ngữ và giảm nồng độ một số protein liên quan đến bệnh Alzheimer. (4)

Một nghiên cứu khác được thực hiện trên 121 người mới được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer và đang điều trị bằng thuốc donepezil cho thấy những người uống 1,250 mcg axit folic mỗi ngày trong vòng 6 tháng đã cải thiện khả năng nhận thức và giảm nồng độ chất chỉ điểm phản ứng viêm so với những người không bổ sung axit folic.

Hỗ trợ điều trị rối loạn sức khỏe tâm thần

Theo nghiên cứu, những người bị trầm cảm có lượng folate trong máu thấp hơn so với những người có sức khỏe tâm thần bình thường.

Các nghiên cứu cho thấy việc bổ sung axit folic và folate có thể làm giảm các triệu chứng trầm cảm khi kết hợp với thuốc chống trầm cảm.

Một bản đánh giá đã chứng minh rằng khi được sử dụng cùng với thuốc chống trầm cảm thì viên uống folate, bao gồm cả dạng axit folic và methylfolate, giúp làm giảm đáng kể các triệu chứng trầm cảm so với khi chỉ điều trị bằng thuốc chống trầm cảm.

Ngoài ra, theo một bản đánh giá tổng hợp 7 nghiên cứu, việc dùng kết hợp các loại viên uống bổ sung folate cùng với thuốc chống loạn thần giúp cải thiện các triệu chứng tâm thần phân liệt hiệu quả hơn so với khi chỉ dùng thuốc chống loạn thần. (5)

Giảm nguy cơ bệnh tim mạch

Uống bổ sung folate, ví dụ như viên uống axit folic, có thể giúp cải thiện sức khỏe tim mạch và giảm nguy cơ bệnh tim mạch.

Nồng độ homocysteine (một loại axit amin) trong máu ở mức cao sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Nồng độ homocysteine trong máu được xác định bởi cả yếu tố dinh dưỡng và di truyền.

Folate đóng vai trò quan trọng trong quá trình chuyển hóa homocysteine và lượng folate thấp có thể góp phần làm tăng nồng độ homocysteine, tình trạng này được gọi là tăng homocysteine máu.

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung axit folic có thể làm giảm nồng độ homocysteine và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Ví dụ, một bản đánh giá gồm có 30 nghiên cứu với tổng cộng hơn 80.000 người tham gia đã chứng minh rằng bổ sung axit folic giúp giảm 4% nguy cơ mắc bệnh tim mạch nói chung và giảm 10% nguy cơ đột quỵ. (6)

Bổ sung axit folic còn giúp hạ huyết áp ở những người bị cao huyết áp – đây là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch.

Ngoài ra, việc uống bổ sung axit folic đều đặn còn được chứng minh là có tác dụng cải thiện lưu thông máu, từ đó giúp tăng cường chức năng tim mạch.

Các lợi ích khác

Bổ sung axit folic còn đem lại những lợi ích khác như:

  • Kiểm soát bệnh tiểu đường: Uống bổ sung các dạng folate như axit folic có thể giúp cải thiện khả năng kiểm soát lượng đường trong máu, giảm tình trạng kháng insulin và tăng cường chức năng tim mạch ở những người mắc bệnh tiểu đường. Bổ sung axit folic còn giúp giảm các biến chứng tiểu đường, bao gồm cả bệnh thần kinh.
  • Tăng cường khả năng sinh sản: Tiêu thụ nhiều folate ở dạng thực phẩm chức năng (hơn 800 mcg mỗi ngày) được chứng minh là giúp làm tăng khả năng thụ thai và sinh nở thành công ở những phụ nữ sử dụng các biện pháp hỗ trợ sinh sản. Bổ sung đủ folate là điều rất cần thiết đối với chất lượng, sự trưởng thành và khả năng bám vào thành tử cung sau thụ tinh của trứng.
  • Giảm viêm: Việc uống bổ sung axit folic và folate đã được chứng minh là giúp làm giảm nồng độ các chất chỉ điểm phản ứng viêm, gồm có protein phản ứng C (CRP) ở nhiều nhóm đối tượng khác nhau, bao gồm cả những phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) và trẻ em bị động kinh.
  • Giảm tác dụng phụ của thuốc: Bổ sung folate ở dạng thực phẩm chức năng có thể làm giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ khi sử dụng một số loại thuốc, chẳng hạn như methotrexate - một loại thuốc ức chế miễn dịch để điều trị viêm khớp dạng thấp, bệnh vảy nến và một số bệnh ung thư.
  • Cải thiện tình trạng bệnh thận: Do chức năng thận bị suy giảm nên tăng phospho máu là một vấn đề xảy ra ở đa số (trên 80%) trường hợp bị bệnh thận mãn tính. Bổ sung axit folic có thể giúp giảm nồng độ homocysteine và giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch ở nhóm này.

Trên đây chỉ là một số trong những công dụng của việc uống bổ sung các dạng folate. Viên uống axit folic hay các dạng folate khác còn đem lại nhiều lợi ích khác nữa.

Các đa hình gen ảnh hưởng đến lượng folate trong cơ thể

Một số người mang các biến thể gen ảnh hưởng đến cách mà cơ thể chuyển hóa folate. Đa hình gen trong các enzyme chuyển hóa folate, chẳng hạn như methylenetetrahydrofolate reductase (MTHFR), có thể can thiệp vào lượng folate trong cơ thể và ảnh hưởng đến sức khỏe.

Một trong những biến thể gen phổ biến nhất là C677T. Những người mang biến thể C677T có hoạt tính enzyme thấp hơn. Do đó, cơ thể những người này thường có nồng độ homocysteine ​​trong máu ở mức cao và điều này làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch.

Những người bị thiếu hụt MTHFR nghiêm trọng không thể tạo ra 5-methyltetrahydrofolate - dạng hoạt tính sinh học của folate và có thể có lượng folate trong cơ thể ở mức vô cùng thấp.

Ngoài C677T thì còn có nhiều đột biến gen khác cũng ảnh hưởng đến sự chuyển hóa folate, gồm có MTRR A66G, MTHFR A1298C, MTR A2756G và FOLH1 T484C.

Những biến thể gen này còn có thể làm tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh, đau nửa đầu, trầm cảm, rối loạn lo âu, sảy thai và một số bệnh ung thư.

Tỷ lệ mang các biến thể gen ảnh hưởng đến sự chuyển hóa folate tùy thuộc vào chủng tộc và vị trí địa lý. Ví dụ, đột biến C677T phổ biến ở các quần thể người Mỹ da đỏ, người Mestizo ở Mexico và người Hán ở Trung Quốc.

Phương pháp điều trị được khuyến nghị thường là bổ sung 5-methyltetrahydrofolate có hoạt tính sinh học và các loại vitamin B khác. Tuy nhiên, kế hoạch điều trị thực tế sẽ được điều chỉnh tùy theo từng trường hợp.

Nếu có nhu cầu thì có thể đến bệnh viện để được tư vấn về việc làm xét nghiệm tìm các đột biến di truyền ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa folate, bao gồm cả xét nghiệm đột biến gen MTHFR.

Vai trò của axit folic trong thai kỳ

Folate là chất dinh dưỡng có vai trò quan trọng đối với sự tăng trưởng và phát triển của thai nhi. Ví dụ, folate cần thiết cho sự phân chia tế bào và phát triển mô. Đó là lý do tại sao cần duy trì đủ lượng folate trong cơ thể cả trước và trong khi mang bầu.

Kể từ những năm 1990, nhiều quốc gia trên thế giới đã quy định bột mì và một số loại thực phẩm chủ lực khác phải được bổ sung axit folic sau khi kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng sự thiếu hụt folate ở phụ nữ làm tăng nguy cơ dị tật ống thần kinh ở thai nhi.

Mặt khác, bằng chứng cho thấy rằng bổ sung đủ axit folic trước và trong khi mang thai giúp làm giảm đáng kể nguy cơ dị tật ống thần kinh, gồm có tật nứt đốt sống và hội chứng não phẳng.

Ngoài tác dụng ngăn ngừa các dị tật bẩm sinh, bổ sung axit folic trong thai kỳ còn có thể cải thiện sự phát triển hệ thần kinh và chức năng não bộ ở trẻ em, cũng như là bảo vệ trẻ khỏi rối loạn phổ tự kỷ.

Tuy nhiên, các nghiên cứu khác đã kết luận rằng tiêu thụ nhiều axit folic và lượng axit folic chưa chuyển hóa cao trong máu có thể có tác động tiêu cực đến sự phát triển thần kinh nhận thức và làm tăng nguy cơ tự kỷ (điều này sẽ được nói đến trong phần tiếp theo của bài viết).

Folate cũng có vai trò rất quan trọng đối với sức khỏe của người mẹ và việc bổ sung axit folic đã được chứng minh là giúp làm giảm nguy cơ biến chứng thai kỳ, bao gồm cả tiền sản giật. Ngoài ra, lượng folate cao trong cơ thể người mẹ giúp giảm đáng kể nguy cơ sinh non.

Lượng tiêu thụ khuyến nghị (RDA) đối với folate trong thời kỳ mang thai là 600 mcg DFE.

Do tầm quan trọng của folate đối với sức khỏe của mẹ và thai nhi nhưng ở nhiều phụ nữ, chế độ ăn uống hàng ngày lại không thể đáp ứng đủ nhu cầu nên tất cả phụ nữ đang có kế hoạch mang thai hoặc đang mang thai nên uống bổ sung ít nhất 400 - 800 mcg axit folic mỗi ngày từ 1 tháng trước khi mang thai và tiếp tục trong 2 - 3 tháng đầu của thai kỳ.

Mặc dù việc bổ sung axit folic sẽ cần thiết nhất trong những tháng đầu tiên của thai kỳ nhưng một số nghiên cứu cho thấy rằng việc tiếp tục uống axit folic trong suốt thời gian mang thai có thể giúp tăng nồng độ folate trong máu của cả người mẹ và máu cuống rốn. (7)

Việc bổ sung axit folic còn giúp ngăn chặn sự gia tăng lượng homocysteine – điều thường xảy ra vào cuối thai kỳ. Tuy nhiên cần nghiên cứu thêm để làm rõ tác động của điều này đến thai kỳ và sức khỏe của trẻ.

Vì tiêu thụ nhiều axit folic có thể khiến nồng độ axit folic chưa chuyển hóa trong máu tăng cao và có thể dẫn đến các tác động tiêu cực đến sức khỏe nên nhiều chuyên gia khuyến nghị phụ nữ mang thai nên bổ sung 5-methyltetrahydrofolate - dạng hoạt tính sinh học của folate, thay vì axit folic. (8)

Không giống như axit folic, việc tiêu thụ nhiều 5-methyltetrahydrofolate không làm tăng lượng axit folic chưa chuyển hóa trong máu. Thêm vào đó, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng 5-methyltetrahydrofolate có hiệu quả hơn trong việc làm tăng lượng folate trong hồng cầu.

Hơn nữa, những phụ nữ mang các đa hình gen ảnh hưởng đến sự chuyển hóa folate cũng phản ứng tốt hơn với 5-methyltetrahydrofolate so với axit folic.

Các tác dụng phụ

Không giống như folate tự nhiên có trong thực phẩm và các dạng folate có hoạt tính sinh học như 5-methyltetrahydrofolate, axit folic khi dùng liều cao có thể gây nên các tác dụng phụ.

Tác hại của axit folic chưa chuyển hóa

Như đã nói đến ở phần trên, do sự khác biệt trong quá trình trao đổi chất nên việc tiêu thụ nhiều axit folic từ thực phẩm chức năng hoặc các loại thực phẩm được bổ sung axit folic có thể khiến cho nồng độ axit folic chưa chuyển hóa trong máu tăng cao.

Trong khi đó, ăn thực phẩm giàu folate hoặc bổ sung các dạng folate tự nhiên, chẳng hạn như 5-methyltetrahydrofolate, sẽ không gây ra tình trạng này.

Mặc dù một số nghiên cứu cho thấy lượng axit folic cao ở người mẹ khi mang thai giúp làm giảm nguy cơ tự kỷ và cải thiện sức khỏe hệ thần kinh ở trẻ nhưng một số nghiên cứu khác lại chỉ ra rằng lượng axit folic chưa chuyển hóa ở mức cao trong máu sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tự kỷ và ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển thần kinh nhận thức.

Một nghiên cứu được thực hiện gần đây trên 200 phụ nữ có thai cho thấy rằng những người có nồng độ folate trong máu ở mức cao vào tuần thứ 14 của thai kỳ có nguy cơ sinh con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ (ASD) cao hơn so với những người có nồng độ folate thấp. (9)

Các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nồng độ axit folic chưa chuyển hóa ở những phụ nữ có con bị rối loạn phổ tự kỷ ở mức cao hơn so với những phụ nữ có con không bị chứng bệnh này và tỷ lệ người uống bổ sung axit folic vào khoảng tuần 14 của thai kỳ cũng cao hơn ở nhóm phụ nữ có con bị rối loạn phổ tự kỷ sau này.

Tuy nhiên, cần lưu ý, nếu chỉ uống bổ sung dưới 400 mcg mỗi ngày thì thường xét nghiệm sẽ không phát hiện được axit folic chưa chuyển hóa trong máu.

Các nghiên cứu khác đã chỉ ra rằng nồng độ axit folic chưa chuyển hóa ở mức cao trong thời kỳ mang thai có thể gây ra những tác động tiêu cực đến sự phát triển thần kinh nhận thức ở trẻ.

Một nghiên cứu được thực hiện trên 1.682 cặp mẹ con cho thấy những trẻ có mẹ uống bổ sung hơn 1.000 mcg axit folic/ngày trong thời gian mang bầu có số điểm thấp hơn trong một bài kiểm tra đánh giá khả năng trí tuệ so với những trẻ có mẹ chỉ bổ sung từ 400 – 999 mcg axit folic/ngày. (10)

Mặc dù những nghiên cứu này cho thấy việc bổ sung axit folic liều cao trong thai kỳ có thể đi kèm rủi ro nhưng vẫn cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác nhận những kết quả này.

Không phát hiện được các dấu hiệu thiếu vitamin B12

Một vấn đề khác có thể xảy ra khi bổ sung nhiều axit folic là axit folic tổng hợp liều cao có thể khiến cho các dấu hiệu, triệu chứng thiếu hụt vitamin B12 không biểu hiện rõ và dẫn đến không được phát hiện kịp thời.

Nguyên nhân là vì liều lượng lớn axit folic có thể điều chỉnh bệnh thiếu máu hồng cầu khổng lồ - tình trạng mà tủy xương tạo ra hồng cầu có kích thước lớn, cấu trúc bất thường và kém phát triển. Đây là một vấn đề thường phát sinh khi bị thiếu vitamin B12 trầm trọng.

Tuy nhiên, bổ sung axit folic không khắc phục được các tổn thương thần kinh do thiếu vitamin B12. Vì lý do này nên tình trạng thiếu hụt vitamin B12 có thể sẽ không được phát hiện ra trong giai đoạn đầu và một khi xuất hiện các triệu chứng thì tổn thương thần kinh đã ở mức nghiêm trọng và không thể phục hồi được nữa.

Các tác dụng phụ khác của việc bổ sung quá nhiều axit folic

Ngoài các tác dụng phụ nêu trên, việc uống bổ sung axit folic liều cao còn đi kèm một số rủi ro khác như:

  • Tăng nguy cơ ung thư: Một bản đánh giá gồm có 10 nghiên cứu đã cho thấy rằng những người uống axit folic có nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt cao hơn đáng kể so với nhóm không uống.
  • Suy giảm nhận thức: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng bổ sung axit folic liều cao có thể dẫn đến suy giảm nhận thức nhanh hơn ở những người lớn tuổi có lượng vitamin B12 ở mức thấp.
  • Giảm chức năng miễn dịch: Nhiều nghiên cứu đã cho thấy việc bổ sung axit folic liều cao có thể làm giảm hoạt động của tế bào miễn dịch, bao gồm cả các tế bào tiêu diệt tự nhiên (natural killer cell) và dẫn đến ức chế chức năng miễn dịch. Sự hiện diện của axit folic chưa chuyển hóa cũng là nguyên nhân gây ảnh hưởng đến hoạt động của tế bào tiêu diệt tự nhiên.

Ở hầu hết mọi người thì chế độ ăn uống thường ngày có thể đáp ứng tốt nhu cầu folate của cơ thể nên việc uống bổ sung axit folic thường là không cần thiết.

Ví dụ, trung bình nam giới trưởng thành tiêu thụ 602 mcg DFE mỗi ngày và phụ nữ trưởng thành tiêu thụ 455 mcg DFE, như vậy là đã vượt quá mức khuyến nghị 400 mcg DFE.

Liều lượng bổ sung axit folic

Như đã nói ở trên, lượng tiêu thụ khuyến nghị (RDA) đối với axit folic là 400 mcg DFE mỗi ngày ở người lớn, 600 mcg DFE/ngày ở phụ nữ mang thai và 500 mcg DFE/ngày ở phụ nữ cho con bú.

Mặc dù chế độ ăn uống hàng ngày có thể đáp ứng mức khuyến nghị này nhưng dùng viên uống bổ sung cũng là một cách thuận tiện để tăng lượng folate cho cơ thể, đặc biệt là ở những người có nguy cơ cao bị thiếu hụt, chẳng hạn như phụ nữ mang thai và người lớn tuổi.

Folate hay axit folic có nhiều dạng và thường là thành phần phổ biến trong các sản phẩm viên uống vitamin tổng hợp hay vitamin B tổng hợp. Liều lượng trong mỗi sản phẩm là khác nhau nhưng hầu hết đều cung cấp khoảng 680 – 1.360 mcg DFE (400 – 800 mcg axit folic).

Giới hạn trên (upper limit - UL), có nghĩa là lượng chất dinh dưỡng lớn nhất có thể tiêu thụ trong một ngày mà không gây ra tác dụng phụ, chỉ được thiết lập đối với các dạng folate tổng hợp. Folate tự nhiên trong thực phẩm không có giới hạn trên. Lý do là bởi hiện chưa có bất kỳ báo cáo nào về các tác động tiêu cực do ăn nhiều thực phẩm giàu folate. UL sử dụng đơn vị mcg, không phải mcg DFE.

UL đối với các dạng folate tổng hợp có trong thực phẩm chức năng và các loại thực phẩm được bổ sung axit folic như sau: (3)

Độ tuổi Giới hạn trên (UL)
Người trưởng thành (trên 18 tuổi) 1.000 mcg
14 – 18 tuổi 800 mcg
9 – 13 tuổi 600 mcg
4 – 8 tuổi 400 mcg
1 – 3 tuổi 300 mcg

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng hầu hết trẻ em đều được cung cấp đủ lượng folate cần thiết từ các loại thực phẩm tự nhiên và thực phẩm có bổ sung axit folic như sữa hay ngũ cốc.

Bố mẹ cần phải tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi cho con uống bổ sung axit folic.

Lượng tiêu thụ dưới 1.000 mcg mỗi ngày là mức an toàn đối với phần lớn dân số trưởng thành. (3)

Axit folic có tính sinh khả dụng gần như 100% khi uống lúc đói và 85% khi uống sau bữa ăn. 5-methyltetrahydrofolate có tính sinh khả dụng tương tự. Có thể uống bổ sung các dạng folate cả trước và sau bữa ăn.

Điều gì xảy ra khi bổ sung quá liều?

Mặc dù không có giới hạn trên đối với folate tự nhiên trong thực phẩm nhưng folate tổng hợp có thể gây ra các tác dụng phụ khi dùng liều trên 1.000 mcg.

Bác sĩ có thể chỉ định dùng liều cao hơn bình thường trong một số trường hợp nhất định, chẳng hạn như những người bị thiếu folate nhưng không được tự ý uống bổ sung vượt quá giới hạn trên.

Trên thực tế đã từng ghi nhận một vài trường hợp tử vong do cố ý uống quá nhiều axit folic.

Tuy nhiên, ngộ độc là vấn đề rất hiếm gặp vì folate là loại vitamin tan trong nước và dễ dàng được đào thải khỏi cơ thể. Mặc dù vậy nhưng không nên sử dụng liều cao trừ khi có chỉ định của bác sĩ.

Tương tác thuốc

Các loại viên uống folate có thể tương tác với một số loại thuốc, gồm có:

  • Methotrexate: đây là loại thuốc được sử dụng để điều trị một số bệnh ung thư và bệnh tự miễn.
  • Thuốc chống động kinh: axit folic có thể ảnh hưởng đến các loại thuốc chống động kinh, chẳng hạn như Dilantin (phenytoin), Carbatrol (carbamazepine) và Depacon (natri valproate)
  • Sulfasalazine: một loại thuốc điều trị viêm loét đại tràng.

Nếu đang dùng một trong các loại thuốc nêu trên thì cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi uống axit folic.

Bổ sung 5-methyltetrahydrofolate thay vì axit folic có thể làm giảm tương tác với một số loại thuốc, bao gồm cả methotrexate.

Bảo quản

Bảo quản các sản phẩm viên uống bổ sung folate ở nơi khô ráo, thoáng mát, không để ở nơi ẩm ướt.

Những ai cần uống bổ sung folate?

Việc uống bổ sung folate đã được chứng minh là đặc biệt quan trọng đối với một số nhóm đối tượng cụ thể, gồm có phụ nữ mang thai, những người mang đa hình gen ảnh hưởng đến khả năng chuyển hóa folate, người lớn tuổi và những nhóm khác có nguy cơ thiếu hụt folate cao.

Trẻ em gái trong độ tuổi vị thành niên cũng dễ bị thiếu folate. Theo một khảo sát, gần 20% trẻ em gái trong độ tuổi từ 14 – 18 có lượng folate tiêu thụ mỗi ngày không đáp ứng đủ nhu cầu trung bình ước tính (EAR). EAR của một chất dinh dưỡng là mức tiêu thụ trung bình để có thể đáp ứng nhu cầu của 50% dân số khỏe mạnh.

Những người đã từng trải qua phẫu thuật cắt đoạn ruột hoặc mắc các bệnh gây ra tình trạng hấp thụ dinh dưỡng kém đều được khuyến khích uống bổ sung folate để tránh bị thiếu hụt.

Ngoài ra, bổ sung folate cũng giúp ích cho những người nghiện rượu. Rượu gây cản trở sự hấp thụ folate và làm tăng lượng folate bài tiết qua nước tiểu. Do đó, những người thường xuyên tiêu thụ một lượng lớn rượu nên bổ sung folate.

Không nên cho trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi uống bổ sung folate, trừ khi được bác sĩ chỉ định. Ở độ tuổi này chỉ nên cung cấp folate cho trẻ từ sữa mẹ, sữa công thức và thực phẩm.

Các lựa chọn thay thế axit folic

Folate có nhiều dạng khác nhau nhưng axit folinic, axit folic và 5-methyltetrahydrofolate là những dạng được sử dụng phổ biến nhất trong thực phẩm chức năng.

Folinic axit là một dạng folate tự nhiên được tìm thấy trong thực phẩm và thường được gọi là leucovorin trong nghiên cứu lâm sàng. Leucovorin được sử dụng để ngăn ngừa các tác dụng phụ của methotrexate - loại thuốc điều trị một số bệnh ung thư và thiếu máu hồng cầu khổng lồ do thiếu folate.

Axit folinic có nhiều ưu điểm hơn so với axit folic, ví dụ như giúp làm tăng lượng folate trong máu hiệu quả hơn.

Một số nghiên cứu đã chỉ ra rằng 5-methyltetrahydrofolate có khả năng hấp thụ vượt trội so với các dạng folate tổng hợp khác.

Ngoài ra, 5-methyltetrahydrofolate ít gây tương tác thuốc hơn, ít tác động đến các triệu chứng thiếu hụt vitamn B12 và được dung nạp tốt hơn ở những người có các đa hình gen như MTHFR.

Vì những lý do này nên nhiều chuyên gia khuyến nghị bổ sung 5-methyltetrahydrofolate thay vì axit folic.

Tổng số điểm của bài viết là: 50 trong 10 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về tác động của vitamin C đến thận
Những điều cần biết về tác động của vitamin C đến thận

Liều lượng vitamin C lớn có thể làm tăng nguy cơ hình thành loại sỏi thận phổ biến nhất, đó là sỏi canxi oxalat.

Những điều cần biết về bệnh Scorbut – căn bệnh do thiếu vitamin C
Những điều cần biết về bệnh Scorbut – căn bệnh do thiếu vitamin C

Các dấu hiệu của bệnh scorbut thường bắt đầu xuất hiện sau ít nhất 4 tuần liên tục bị thiếu vitamin C nghiêm trọng. Tuy nhiên cũng có thể phải sau 3 tháng hoặc lâu hơn thì các triệu chứng mới biểu hiện rõ.

Những điều cần biết về vitamin A
Những điều cần biết về vitamin A

Vitamin A là tên gọi của một nhóm các hợp chất tan trong chất béo có trong cả thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Những điều cần biết về bệnh tiểu đường và vitamin B12
Những điều cần biết về bệnh tiểu đường và vitamin B12

Bệnh thần kinh do tiểu đường cũng gây ra các triệu chứng giống như bệnh thần kinh ngoại biên do thiếu vitamin B12 (tê bì, yếu cơ, đau đớn và dị cảm ở cánh tay, bàn tay, chân và bàn chân).

Những điều cần biết về axit béo omega-3-6-9
Những điều cần biết về axit béo omega-3-6-9

Omega-3, omega-6 và omega-9 đều là những loại axit béo quan trọng đối với cơ thCả ba đều có lợi cho sức khỏe nhưng cần phải duy trì sự cân bằng các loại axit béo này trong chế độ ăn uống. Sự mất cân bằng giữa omega-3, omega-6 và omega-9 có thể góp phần gây ra một số bệnh mãn tính.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây