1

Những điều cần biết về chế độ ăn lỏng

Chế độ ăn lỏng gồm các loại thức ăn ở dạng lỏng hoặc sẽ chuyển sang dạng lỏng ở nhiệt độ phòng. Những thực phẩm này chứa ít hoặc không chứa chất xơ và protein, vì vậy nên hệ tiêu hóa sẽ không phải hoạt động nhiều.
Những điều cần biết về chế độ ăn lỏng Những điều cần biết về chế độ ăn lỏng

Chế độ ăn lỏng là gì?

Chế độ ăn lỏng (full liquid diet) là chế độ ăn uống chỉ có các món ở dạng lỏng hoặc sẽ chuyển sang dạng lỏng ở nhiệt độ phòng hoặc khi vào trong cơ thể. Chế độ ăn này cung cấp nhiều dinh dưỡng hơn chế độ ăn chất lỏng trong suốt (clear liquid diet) vì có lựa chọn thực phẩm đa dạng hơn. Chế độ ăn chất lỏng trong suốt chỉ cho phép uống các loại chất lỏng như nước lọc, nước hầm xương, nước luộc thịt và trà. Chế độ ăn lỏng giúp cơ thể hồi phục sau một thủ thuật y tế.

Chế độ ăn lỏng thường được thực hiện trong những trường hợp:

  • Trước khi kiểm tra sức khỏe hoặc tiến hành một thủ thuật y tế
  • Sau phẫu thuật, chẳng hạn như phẫu thuật giảm cân
  • Khó nuốt hoặc khó nhai thức ăn rắn

Trong hầu hết các trường hợp, chế độ ăn lỏng chỉ được thực hiện trong một thời gian ngắn, chẳng hạn như 5 ngày đến 2 tuần.

Dưới đây là cách thực hiện chế độ ăn uống này, những gì có thể ăn, những gì cần tránh và một số lưu ý quan trọng.

Cách thực hiện chế độ ăn lỏng

Như đã nói ở trên, chế độ ăn lỏng gồm các loại thức ăn ở dạng lỏng hoặc sẽ chuyển sang dạng lỏng ở nhiệt độ phòng. Những thực phẩm này chứa ít hoặc không chứa chất xơ và protein, vì vậy nên hệ tiêu hóa sẽ không phải hoạt động nhiều.

Những người thực hiện chế độ ăn này thường phải ăn nhiều hơn 3 bữa một ngày để hấp thụ đủ lượng calo và chất dinh dưỡng cần thiết. Nên cố gắng ăn từ 6 đến 8 bữa nhỏ trong ngày với các món ăn dạng lỏng và xay nhuyễn khác nhau. Để tăng lượng calo thì nên uống sữa nguyên kem và dùng các sản phẩm từ sữa nguyên kem, chẳng hạn như bơ để chế biến món ăn.

Ngoài ra cũng có thể dùng thêm vitamin tổng hợp dạng lỏng nếu cảm thấy chế độ ăn không cung cấp đủ dinh dưỡng.

Dưới đây là thực đơn mẫu cho một ngày:

Bữa sáng

  • 1 cốc bột ngũ cốc pha loãng với nước nóng hoặc sữa nguyên kem
  • 1/2 cốc nước ép trái cây

Bữa phụ giữa buổi

  • 1/2 cốc đồ uống bổ sung dinh dưỡng,ví dụ như Ensure
  • 1/2 cốc sữa chua

Bữa trưa

  • 2 bát súp
  • 1/2 cốc nước ép cà chua
  • 1 cốc pudding sô cô la

Bữa phụ giữa buổi

  • 1/2 cốc đồ uống bổ sung dinh dưỡng
  • 1/2 cốc nước ép trái cây

Bữa tối

  • 2 bát súp
  • 1/2 hoặc 1 bát bột yến mạch trộn sữa
  • 1/2 cốc nước chanh

Bữa ăn phụ

  • 1 cốc đồ uống bổ sung dinh dưỡng
  • 1/2 cốc kem vani

Có thể ăn những loại thực phẩm nào?

So với chế độ ăn chất lỏng trong suốt thì chế độ ăn lỏng có nhiều loại thực phẩm để lựa chọn hơn.

Rau củ và trái cây

Tất cả các loại nước ép trái cây hoặc rau củ (loại bỏ tép của các loại trái cây như cam, quýt)

Canh và súp

  • Nước dùng nấu từ xương hoặc nước luộc thịt
  • Các loại canh và súp loãng, có thể thêm rau củ hoặc thịt xay nhuyễn và lọc qua rây

Sản phẩm từ sữa

  • Tất cả các loại sữa (sữa nguyên kem, sữa ít béo và sữa tách béo)
  • Các sản phẩm từ sữa không chứa lactose, chẳng hạn như sữa đậu nành, sữa hạnh nhân và các loại sữa hạt khác
  • Half and half (hỗn hợp sữa nguyên kem và kem tươi)
  • Bơ động vật
  • Kem chua
  • Sữa chua

Ngũ cốc

Bột ngũ cốc xay mịn pha loãng với sữa

Chất béo

  • Bơ động vật
  • Bơ thực vật
  • Sốt mayonaise
  • Bơ đậu phộng hoặc các loại bơ hạt khác

Đồ uống

  • Cà phê và trà
  • Ca cao nóng
  • Các loại nước đóng chai (không có ga)
  • Nước ép trái cây
  • Đồ uống thể thao
  • Sữa lắc (milk shake), có thể thêm bơ đậu phộng hoặc trái cây xay nhuyễn
  • Cocktail trứng sữa (eggnog)

Đồ uống bổ sung dinh dưỡng

  • Ví dụ như sữa Ensure, Boost…

Đồ tráng miệng

  • Pudding
  • Custard
  • Gelatin
  • Kem
  • Sherbet
  • Trái cây

Thực phẩm khác

  • Chất làm ngọt, chẳng hạn như mật ong, đường, corn syrup, maple syrup
  • Muối
  • Các loại thảo mộc, gia vị và siro tạo hương vị, chẳng hạn như siro sô-cô-la
  • Men

Hãy hỏi bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng về các loại thực phẩm dưới đây. Đôi khi có thể ăn các loại thực phẩm này trong chế độ ăn lỏng hoặc khi bắt đầu chuyển sang giai đoạn ăn đồ xay nhuyễn:

  • Sinh tố trái cây
  • Rau củ xay nhuyễn pha loãng thành súp, chẳng hạn như súp bí ngô
  • Ngũ cốc nấu chín, chẳng hạn như bột yến mạch
  • Khoai tây xay nhuyễn
  • Thịt xay nhuyễn, lọc qua rây

Thực phẩm cần tránh trong chế độ ăn lỏng

Tránh tất cả các loại thức ăn rắn trong chế độ ăn lỏng, chẳng hạn như trái cây và rau củ nguyên miếng, đặc biệt là những loại có vỏ và hạt.

Các loại thực phẩm khác cần tránh gồm có:

  • Các loại hạt và quả hạch
  • Các loại đồ ăn vặt
  • Cơm, cháo đặc, xôi, bánh, phở, bún, mì…
  • Ngũ cốc
  • Thịt, trứng, hải sản
  • Đồ uống có ga

Những người mới phẫu thuật dạ dày không nên uống nước ép cam, chanh và các loại nước ép rau củ quả có tính axit khác. Những loại nước ép này có thể gây ra các triệu chứng khó chịu như nóng rát và ợ chua.

Những điều cần lưu ý trước khi bắt đầu chế độ ăn lỏng

Khi phải thực hiện chế độ ăn lỏng, bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về những loại thực phẩm có thể ăn và những thực phẩm cần tránh.

Dựa trên hướng dẫn, người bệnh có thể tự lên kế hoạch cho các bữa ăn của mình và điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu cụ thể. Ví dụ, một số người cần phải theo một chế độ ăn uống đặc biệt do bị bệnh tiểu đường. Những người đã phẫu thuật giảm cân có thể phải kiêng hoàn toàn hoặc hạn chế một số loại thực phẩm, chẳng hạn như đường trong một khoảng thời gian khi thực hiện chế độ ăn lỏng.

Dưới đây là một số điều cần lưu ý khác:

  • Phải xay thức ăn thật nhuyễn mịn, không được lợn cợn.
  • Có thể thêm sữa, nước lọc, nước dùng, sốt trộn salad hoặc các loại sốt khác để xay nhuyễn thức ăn dễ hơn.
  • Ngừng ăn ngay khi cảm thấy no.
  • Cố gắng nạp đủ ít nhất 1,8 lít chất lỏng mỗi ngày, mỗi lần uống nước và các loại chất lỏng khác cách nhau 15 đến 20 phút.
  • Nếu phải thực hiện chế độ ăn lỏng trên 5 ngày thì nên dùng thêm các loại sữa bổ sung dinh dưỡng.
  • Cân nặng sẽ giảm đáng kể chỉ trong một thời gian ngắn thực hiện chế độ ăn lỏng. Điều này là tạm thời và cân nặng sẽ nhanh chóng tăng trở lại khi về chế độ ăn bình thường. Do gây sụt cân nhiều nên chế độ ăn lỏng không được thực hiện về lâu dài, trừ khi có chỉ định của bác sĩ.
  • Báo ngay cho bác sĩ nếu bị sốt, tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng khi thực hiện chế độ ăn lỏng. Đây có thể là những dấu hiệu của nhiễm trùng, bệnh lý tiềm ẩn khác hoặc các biến chứng của ca phẫu thuật.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Những điều cần biết về axit phytic trong thực phẩm
Những điều cần biết về axit phytic trong thực phẩm

Ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều axit phytic chẳng hạn như ngũ cốc, các loại hạt và đậu có thể làm tăng nguy cơ thiếu sắt và kẽm.

Những điều cần biết về xét nghiệm 25-hydroxyvitamin D
Những điều cần biết về xét nghiệm 25-hydroxyvitamin D

Xét nghiệm 25-hydroxyvitamin D là cách tốt nhất để kiểm tra lượng vitamin D trong cơ thể. Nồng độ 25-hydroxyvitamin D trong máu là một chỉ số cho biết cơ thể đang có bao nhiêu vitamin D, từ đó biết được một người đang bị thừa, thiếu hay đủ vitamin D.

Những điều cần biết về tác động của vitamin C đến thận
Những điều cần biết về tác động của vitamin C đến thận

Liều lượng vitamin C lớn có thể làm tăng nguy cơ hình thành loại sỏi thận phổ biến nhất, đó là sỏi canxi oxalat.

Những điều cần biết về bệnh Scorbut – căn bệnh do thiếu vitamin C
Những điều cần biết về bệnh Scorbut – căn bệnh do thiếu vitamin C

Các dấu hiệu của bệnh scorbut thường bắt đầu xuất hiện sau ít nhất 4 tuần liên tục bị thiếu vitamin C nghiêm trọng. Tuy nhiên cũng có thể phải sau 3 tháng hoặc lâu hơn thì các triệu chứng mới biểu hiện rõ.

Những điều cần biết về vitamin A
Những điều cần biết về vitamin A

Vitamin A là tên gọi của một nhóm các hợp chất tan trong chất béo có trong cả thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây