1

Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới: Nguyên nhân và điều trị

Mặc dù nguy cơ thấp hơn phụ nữ nhưng nam giới cũng có thể bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Ở nam giới, nhiễm trùng đường tiết niệu được coi là một bệnh nhiễm trùng phức tạp. Các triệu chứng thường gặp gồm có tiểu gấp, tiểu nhiều lần và nóng rát khi đi tiểu.
Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới: Nguyên nhân và điều trị Nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới: Nguyên nhân và điều trị

Nhiễm trùng đường tiết niệu là gì?

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn (thường là từ trực tràng hoặc da) xâm nhập và phát triển quá mức trong bàng quang, thận hoặc niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang).

Nhiễm trùng đường tiết niệu được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Nhiễm trùng đường tiết niệu có phổ biến ở nam giới không?

Theo Văn phòng Sức khỏe Phụ nữ (Office of Women’s Health), phụ nữ có nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu cao hơn gấp 30 lần so với nam giới. Điều này là do sự khác biệt về giải phẫu đường tiết niệu. Niệu đạo của phụ nữ ngắn hơn so với niệu đạo nam giới, có nghĩa là vi khuẩn từ bên ngoài dễ dàng xâm nhập vào bàng quang hơn.

Khi có tuổi, nam giới sẽ dễ bị nhiễm trùng đường tiết niệu hơn so với khi còn trẻ. Một lý do là nam giới lớn tuổi có nguy cơ bị phì đại tuyến tiền liệt hay tăng sản tuyến tiền liệt lành tính cao hơn. Tuyến tiền liệt bao quanh cổ bàng quang. Do đó, tuyến tiền liệt phì đại sẽ chèn ép cổ bàng quang và khiến nước tiểu khó chảy qua hơn. Điều này khiến bàng quang không thể làm rỗng hoàn toàn khi đi tiểu và dẫn đến vi khuẩn tích tụ lại trong bàng quang.

Triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu

Các triệu chứng của nhiễm trùng bàng quang gồm có:

  • Đau hoặc nóng rát khi đi tiểu
  • Buồn tiểu liên tục
  • Tiểu gấp (đột ngột buồn tiểu dữ dội)
  • Đau ở khu vực giữa bụng dưới, ngay phía trên mu
  • Máu trong nước tiểu

Khi có những triệu chứng này cùng với các triệu chứng dưới đây thì rất có thể là tuyến tiền liệt đã bị nhiễm trùng (viêm):

  • Sốt
  • Ớn lạnh
  • Mệt mỏi
  • Tiểu khó
  • Dòng nước tiểu yếu, ngập ngừng
  • Đau vùng chậu

Nguyên nhân gây nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu đa phần là do vi khuẩn Escherichia coli (E. coli) gây ra, đây là một loại vi khuẩn vốn tồn tại tự nhiên trong cơ thể. Vi khuẩn có thể xâm nhập vào đường tiết niệu qua niệu đạo (ống dẫn nước tiểu từ bàng quang đến đầu dương vật).

Các yếu tố có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiễm trùng đường tiết niệu:

  • Từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu trước đây
  • Sử dụng ống thông tiểu trong thời gian dài
  • Nằm một chỗ trong thời gian dài
  • Không uống đủ nước
  • Mới phẫu thuật đường tiết niệu hoặc thận
  • Tắc nghẽn đường tiết niệu, chẳng hạn như do sỏi thận hoặc phì đại tuyến tiền liệt
  • Mắc bệnh tiểu đường
  • Không cắt bao quy đầu
  • Đại tiện không tự chủ

Quan hệ tình dục qua đường hậu môn, điều này có thể khiến niệu đạo tiếp xúc với nhiều vi khuẩn hơn

Chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu

Để chẩn đoán nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và hỏi về các triệu chứng cũng như tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu. Tiếp theo, người bệnh sẽ phải làm xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra vi khuẩn và tế bào bạch cầu trong nước tiểu. Sự hiện diện bạch cầu trong nước tiểu là dấu hiệu cho thấy cơ thể đang phải chống lại nhiễm trùng.

Có thể sẽ phải xét nghiệm cấy nước tiểu để xác định loại vi khuẩn gây nhiễm trùng. Trong trường hợp người bệnh đã từng bị nhiễm trùng đường tiết niệu, bác sĩ sẽ tiến hành siêu âm để kiểm tra xem đường tiết niệu có gì bất thường hay không.

Các loại nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu được chia thành hai loại: nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp và nhiễm trùng đường tiết niệu không phức tạp. Nhiễm trùng đường tiết niệu không phức tạp xảy ra ở đường tiết niệu dưới và còn được gọi là viêm bàng quang hoặc nhiễm trùng bàng quang. Loại nhiễm trùng đường tiết niệu này được điều trị bằng thuốc kháng sinh và thường khỏi sau vài ngày đến vài tuần.

Tất cả các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra ở nam giới đều là nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp.

Nhiễm trùng đường tiết niệu được coi là phức tạp nếu xảy ra ở:

  • Nam giới
  • Phụ nữ mang thai
  • Người bị suy giảm miễn dịch
  • Người cao tuổi
  • Người sử dụng ống thông tiểu
  • Người bị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát

Hãy đi khám ngay khi có các dấu hiệu nhiễm trùng đường tiết niệu. Tình trạng này thường được chẩn đoán bằng xét nghiệm nước tiểu. Người bệnh cũng có thể phải siêu âm để kiểm tra xem có bất thường nào trong đường tiết niệu hay không.

Điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu cần điều trị bằng thuốc kháng sinh. Thời gian điều trị tùy thuộc vào loại kháng sinh nhưng thường là từ 10 đến 14 ngày.

Điều quan trọng là phải uống đủ nước. Nếu bị đau khi đi tiểu thì người bệnh có thể giảm lượng nước uống nhưng đi tiểu có thể giúp loại bỏ vi khuẩn khỏi cơ thể.

Một biện pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu là uống nước ép quả nam việt quất. Các thí nghiệm trên chuột cho thấy một số chất trong nước ép nam việt quất có tác dụng làm giảm số lượng vi khuẩn trong bàng quang. Do đó, uống nước ép nam việt quất có thể có lợi đối với người bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Tuy nhiên, vẫn cần nghiên cứu thêm trên người để xác minh công dụng tiêu diệt vi khuẩn và điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu của nước ép nam việt quất.

Nhiễm trùng đường tiết niệu có chữa khỏi được không?

Nguyên nhân và cách điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới cũng tương tự như ở phụ nữ. Thuốc kháng sinh sẽ tiêu diệt vi khuẩn gây nhiễm trùng và chấm dứt các triệu chứng. Tuy nhiên, nhiễm trùng có thể tái phát bất cứ lúc nào. Nếu đã uống thuốc kháng sinh mà các triệu chứng vẫn kéo dài hoặc tái phát thường xuyên thì nên đi khám. Đó có thể là dấu hiệu cho thấy nhiễm trùng đã lan đến các khu vực khác, chẳng hạn như tuyến tiền liệt.

Bao lâu sẽ khỏi bệnh?

Các triệu chứng thường sẽ giảm rõ rệt trong vòng 24 – 48 giờ sau khi bắt đầu dùng thuốc kháng sinh. Nếu các triệu chứng không thuyên giảm sau khi dùng thuốc kháng sinh thì hãy báo cho bác sĩ.

Điều quan trọng là phải uống kháng sinh đủ liều, ngay cả khi nhận thấy các triệu chứng đã thuyên giảm. Dừng thuốc kháng sinh giữa chừng có thể khiến cho vi khuẩn có khả năng kháng thuốc. Trên thực tế, khi uống thuốc kháng sinh không đủ liều, vi khuẩn sẽ không bị tiêu diệt hết. Những vi khuẩn còn tồn tại sẽ hình thành khả năng chống lại thuốc.

Nếu nhiễm trùng đã lan đến tuyến tiền liệt, người bệnh sẽ phải dùng thuốc kháng sinh lâu hơn.

Biến chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu

Hãy đi khám càng sớm càng tốt nếu nghi ngờ bản thân bị nhiễm trùng đường tiết niệu. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng có thể lan từ đường tiết niệu dưới lên đường tiết niệu trên và gây nhiễm trùng thận, chẳng hạn như viêm thận bể thận.

Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu lan đến thận gồm có:

  • Đau ở hai bên vùng hạ sườn hoặc lưng, cơn đau không đỡ khi thay đổi tư thế
  • Sốt và ớn lạnh
  • Buồn nôn và nôn
  • Cảm giác nóng rát khi đi tiểu

Trong trường hợp bị nhiễm trùng thận, nếu người bệnh có thể uống thuốc thì bác sĩ sẽ kê thuốc kháng sinh để điều trị tại nhà. Một số trường hợp, chẳng hạn như trẻ nhỏ hoặc người có vấn đề sức khỏe khác, có thể phải nhập viện để điều trị.

Viêm thận bể thận hoặc nhiễm trùng đường tiết niệu trên có thể dẫn đến nhiễm trùng máu nếu không được điều trị. Nhiễm trùng máu là một tình trạng rất nguy hiểm, có thể đe dọa đến tính mạng.

Các triệu chứng nhiễm trùng máu gồm có:

  • Rối loạn nhịp tim hoặc tim đập nhanh
  • Thay đổi thân nhiệt đột ngột
  • Thay đổi trạng thái tinh thần
  • Sốt và ớn lạnh
  • Khó thở

Nhiễm trùng máu có thể xảy ra do nhiễm trùng ở đường tiết niệu. Người bị nhiễm trùng máu cần phải nhập viện điều trị tích cực bằng thuốc kháng sinh và truyền dịch tĩnh mạch.

Nếu có các dấu hiệu nhiễm trùng máu, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được can thiệp điều trị kịp thời.

Ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu

Để ngăn ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu, điều quan trọng nhất là phải làm giảm nguy cơ vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu. Dưới đây là một số cách giúp phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu:

  • Đi tiểu ngay khi cảm thấy buồn. Không được nhịn tiểu.
  • Uống đủ nước mỗi ngày. Hãy tăng lượng nước uống khi thời tiết nắng nóng hoặc hoạt động ra nhiều mồ hôi.
  • Giữ vùng sinh dục luôn sạch sẽ và khô ráo.

Một số câu hỏi thường gặp

Dưới đây là một số câu hỏi thường gặp về nhiễm trùng đường tiết niệu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu và nhiễm trùng bàng quang có gì khác nhau?

Nhiễm trùng bàng quang là một dạng nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra ở đường tiết niệu dưới. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng bàng quang có thể lan sang các bộ phận khác của đường tiết niệu, chẳng hạn như thận. Nhiễm trùng bàng quang và nhiễm trùng đường tiết niệu có nhiều triệu chứng giống nhau. Hãy đi nếu có các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu, chẳng hạn như đau khi đi tiểu, đau ở vùng giữa bụng dưới hoặc có máu trong nước tiểu.

Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu mà không cần sử dụng thuốc kháng sinh không?

Nhiễm trùng đường tiết niệu cần phải điều trị bằng thuốc kháng sinh. Tất cả các trường hợp nhiễm trùng đường tiết niệu ở nam giới đều là nhiễm trùng phức tạp. Trì hoãn điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu phức tạp có thể dẫn đến các biến chứng, chẳng hạn như nhiễm trùng thận hoặc nhiễm trùng máu. Khi nhận thấy các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu, hãy đi khám ngay. Xét nghiệm nước tiểu sẽ giúp chẩn đoán vấn đề.

Tóm tắt bài viết

Nhiễm trùng đường tiết niệu xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu. Nam giới có nguy cơ bị nhiễm trùng đường tiết niệu thấp hơn so với phụ nữ nhưng nguy cơ sẽ gia tăng khi nam giới có tuổi, mắc bệnh tiểu đường, bị suy giảm miễn dịch hoặc sử dụng ống thông tiểu.

Nếu có các triệu chứng nghi là nhiễm trùng đường tiết niệu thì hãy đi khám ngay. Nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu có thể dẫn đến biến chứng nguy hiểm, bao gồm cả nhiễm trùng máu.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?
Có thể điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu bằng tinh dầu không?

Ngày càng có nhiều người tìm đến các phương pháp tự nhiên để điều trị nhiễm trùng đường tiết niệu tái phát. Một trong những phương pháp đó là sử dụng tinh dầu.

Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu điều trị bằng cách nào?
Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu điều trị bằng cách nào?

Nhiễm trùng đường tiết niệu do ống thông tiểu là tình trạng đường tiết niệu bị nhiễm vi khuẩn hoặc nấm từ ống thông tiểu và bị viêm. Điều này chủ yếu xảy ra do ống thông tiểu bên trong.

Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính: Triệu chứng và cách điều trị
Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính: Triệu chứng và cách điều trị

Nhiễm trùng đường tiết niệu mạn tính là nhiễm trùng đường tiết niệu không đáp ứng với điều trị hoặc tiếp tục tái phát sau điều trị.

Tắc nghẽn đường tiết niệu: Nguyên nhân và cách điều trị
Tắc nghẽn đường tiết niệu: Nguyên nhân và cách điều trị

Tắc nghẽn đường tiết niệu là tình trạng nước tiểu không thể chảy qua niệu quản, bàng quang hoặc niệu đạo một cách bình thường. Thay vì chảy từ thận đến bàng quang, nước tiểu chảy ngược trở lại thận.

Tại sao đã điều trị bằng kháng sinh mà nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn không khỏi?
Tại sao đã điều trị bằng kháng sinh mà nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn không khỏi?

Nếu các triệu chứng nhiễm trùng đường tiết niệu vẫn kéo dài sau khi điều trị thì có thể phải điều trị bằng một loại thuốc khác hoặc cũng có thể các triệu chứng là do một bệnh lý khác gây ra.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây