Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Nội dung chính của bài viết
- HPV (virus u nhú ở người) là nguyên nhân chính gây ra ung thư cổ tử cung ở phụ nữ.
- Nhiễm HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục.
- Cần tiêm vắc xin và quan hệ tình dục an toàn để ngăn ngừa nhiễm HPV.
- Một số yếu tố di truyền và thói quen sống cũng có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HPV ở phụ nữ và dẫn đến ung thư cổ tử cung.
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Mặc dù có nhiều yếu tố khác nhau khiến phụ nữ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung nhưng hầu hết các ca ung thư cổ tử cung đều là do HPV (virus u nhú ở người - human papillomavirus) gây ra. Đây cũng chính là loại virus gây mụn cóc sinh dục. Có hơn 100 chủng HPV khác nhau. Tuy nhiên, chỉ một số chủng nhất định có liên quan đến ung thư cổ tử cung. Chúng được gọi là các chủng HPV nguy cơ cao. Các chủng HPV nguy cơ cao gồm có:
- HPV 16
- HPV 18
- HPV 31
- HPV 33
- HPV 45
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society - ACS), khoảng hai phần ba số ca bệnh ung thư cổ tử cung là do HPV 16 và 18 gây ra. Tuy nhiên, cả hai chủng này đều có thể phòng ngừa được bằng cách tiêm vắc-xin. Ngoài ra, không phải cứ khi nào nhiễm HPV cũng đều bị ung thư cổ tử cung. Trong hầu hết các trường hợp, HPV tự biến mất trong vòng hai năm sau khi vào cơ thể.
Nhưng nếu virus vẫn tồn tại trong cơ thể suốt một vài năm mà không biến mất thì sẽ có nguy cơ ung thư. Hiện nay khoa học vẫn chưa lý giải được tại sao ở một số người, HPV tự biến mất trong khi ở người khác, virus lại vẫn tồn tại và gây ung thư..
Phòng ngừa nhiễm HPV
Nhiễm HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục rất phổ biến. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), hơn một nửa dân số trưởng thành có quan hệ tình dục sẽ bị nhiễm virus này vào một thời điểm nào đó trong đời.
Tuy nhiên, hai chủng HPV gây ra hầu hết các ca ung thư cổ tử cung đều là những chủng có thể ngăn ngừa được bằng cách tiêm vắc-xin. Hai chủng gây ra phần lớn các trường hợp mụn cóc sinh dục là HPV 6 và HPV 11 cũng có thể phòng ngừa được bằng vắc-xin. Tuy nhiên, việc tiêm vắc-xin chỉ cho hiệu quả cao nhất khi được thực hiện trước khi bắt đầu quan hệ tình dục.
Ngoài ra cũng có thể giảm nguy cơ nhiễm HPV bằng cách sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục như đeo bao cao su.
Tình dục an toàn và ung thư cổ tử cung
HPV có thể lây truyền khi quan hệ tình dục qua đường âm đạo, đường hậu môn và cả đường miệng.
Quan hệ tình dục an toàn sẽ làm giảm nguy cơ bị nhiễm virus. Khi quan hệ qua đường âm đạo và đường hậu môn thì phải đeo bao cao su. Bao cao su và màng chắn miệng cũng có thể làm giảm nguy cơ lây nhiễm virus khi quan hệ tình dục đường miệng. Tuy nhiên, bao cao su không thể ngăn ngừa hoàn toàn HPV. Virus này có thể lây cả khi tiếp xúc da. Do đó, kể cả khi đã đeo bao cao su hoặc quan hệ tình dục không xâm nhập thì vẫn có thể bị nhiễm virus.
Các chủng HPV lây truyền qua đường tình dục còn có thể gây ra những bệnh khác ngoài ung thư cổ tử cung như:
- Ung thư hậu môn
- Ung thư âm hộ
- Ung thư âm đạo
- Ung thư vòm họng
Quan hệ tình dục an toàn sẽ làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư liên quan đến HPV.
Các yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung
Một số yếu tố di truyền và thói quen sống có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HPV ở phụ nữ và dẫn đến ung thư cổ tử cung. Những yếu tố này gồm có:
- Bắt đầu quan hệ tình dục từ quá sớm
- Quan hệ với nhiều người
- Có tiền sử bị mắc các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục khác, chẳng hạn như chlamydia hoặc lậu
- Quan hệ tình dục với một nam giới có bạn tình bị ung thư cổ tử cung
Ngoài ra còn có các yếu tố khác cũng khiến phụ nữ có nguy cơ nhiễm HPV cao hơn. Về tuổi tác, phụ nữ trẻ là nhóm đối tượng đặc biệt dễ bị nhiễm vi-rút ở cổ tử cung. Những người hút thuốc sẽ dễ bị ung thư hơn khi nhiễm HPV. Những vấn đề gây suy giảm hệ miễn dịch khác cũng khiến cơ thể khó chống lại HPV hơn.
Tuy nhiên, không phải tất cả các trường hợp nhiễm HPV đều sẽ bị ung thư cổ tử cung. Mặc dù nguyên nhân chính xác hiện vẫn chưa được xác định rõ nhưng các yếu tố cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung gồm có:
- Mang thai đủ tháng từ 3 lần trở lên hoặc từng mang thai đủ tháng trước 17 tuổi
- Có tiền sử gia đình bị ung thư cổ tử cung
- Sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài (trên 5 năm)
- Nhiễm chlamydia
Những người có mẹ sử dụng diethylstilbestrol (DES) - một loại thuốc nội tiết trong thời gian mang thai sẽ có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao hơn bình thường. Tuy nhiên, đây là những trường hợp đặc biệt. Ở những người này, nguyên nhân gây ung thư không phải lúc nào cũng là do HPV và ung thư bắt đầu phát sinh ở một loại tế bào không giống với hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung khác. Ở những phụ nữ phơi nhiễm với diethylstilbestrol khi còn trong bụng mẹ thì ung thư âm đạo xảy ra phổ biến hơn ung thư cổ tử cung.
Cắt tử cung là quy trình phẫu thuật nhằm loại bỏ tử cung của người phụ nữ.
Mục đích của phương pháp sinh thiết nội mạc tử cung là để chẩn đoán các vấn đề bất thường xảy ra ở tử cung hoặc để loại trừ các bệnh khác.
Việc nhận biết các triệu chứng của ung thư cổ tử cung sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và từ đó có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời.
Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi được, đặc biệt là khi phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu.
Phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán.