Sinh thiết nội mạc tử cung để làm gì?
Nội dung chính của bài viết
- Phương pháp sinh thiết nội mạc tử cung giúp bác sĩ chẩn đoán các vấn đề bất thường xảy ra ở tử cung.
- Ngoài ra, phương pháp này cũng có thể giúp chẩn đoán một số vấn đề sức khỏe khác.
- Nếu tiến hành sinh thiết nội mạc tử cung trong khi mang thai thì có thể sẽ dẫn đến sảy thai.
- Giống như bất kỳ thủ thuật xâm lấn nào, sinh thiết nội mạc tử cung cũng tiềm ẩn một số nguy cơ, ví dụ như nhiễm trùng, chảy máu.
- Thủ thuật này còn có thể gây thủng thành tử cung nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra.
Sinh thiết nội mạc tử cung là gì?
Sinh thiết nội mạc tử cung là phương pháp lấy một mẫu mô nhỏ từ nội mạc tử cung (niêm mạc tử cung) và đem đi phân tích. Mẫu mô này sẽ cho thấy sự thay đổi trong tế bào do những vấn đề bất thường hoặc sự thay đổi nồng độ hormone.
Phương pháp sinh thiết nội mạc tử cung giúp bác sĩ chẩn đoán một số vấn đề sức khỏe.
Quá trình sinh thiết nội mạc tử cung có thể được thực hiện mà không cần gây mê toàn thân và thông thường chỉ mất khoảng 10 – 15 phút là hoàn thành.
Mục đích cần sinh thiết nội mạc tử cung
Mục đích của phương pháp sinh thiết nội mạc tử cung là để chẩn đoán các vấn đề bất thường xảy ra ở tử cung hoặc để loại trừ các bệnh khác.
Cụ thể, bác sĩ thường yêu cầu sinh thiết nội mạc tử cung để:
- Tìm nguyên nhân gây chảy máu âm đạo bất thường, ví dụ như chảy máu sau mãn kinh
- Tầm soát ung thư nội mạc tử cung
- Đánh giá khả năng sinh sản
- Kiểm tra đáp ứng của cơ thể với liệu pháp hormone
Lưu ý, phụ nữ mang thai không thể sinh thiết nội mạc tử cung và cũng không nên sinh thiết nếu có bất kỳ vấn đề nào dưới đây:
- Rối loạn đông máu
- Bệnh viêm vùng chậu cấp tính
- Viêm cổ tử cung hoặc âm đạo cấp tính
- Ung thư cổ tử cung
- Hẹp cổ tử cung
Cần chuẩn bị gì trước khi sinh thiết nội mạc tử cung?
Nếu tiến hành sinh thiết nội mạc tử cung trong khi mang thai thì có thể sẽ dẫn đến sảy thai. Do đó, cần cho bác sĩ biết nếu đang mang thai hoặc có thể đang mang thai. Nếu như không chắc chắn có mang thai hay không thì sẽ cần làm xét nghiệm thử thai trước khi sinh thiết để đảm bảo an toàn.
Ngoài ra, đôi khi bác sĩ sẽ lấy thông tin về chu kỳ kinh nguyệt vì trong một số trường hợp, thủ thuật sinh thiết cần được thực hiện vào một thời điểm cụ thể trong chu kỳ kinh.
Cần báo cho bác sĩ tất cả các loại thuốc kê đơn và không kê đơn đang dùng. Có thể sẽ phải ngừng dùng một số loại thuốc ví dụ như thuốc làm loãng máu trước khi sinh thiết nội mạc tử cung vì những loại thuốc này có thể gây chảy nhiều máu trong quá trình làm thủ thuật.
Thủ thuật sinh thiết nội mạc tử cung sẽ gây đau nên thường bệnh nhân sẽ được dùng các loại thuốc giảm đau như ibuprofen từ 30 đến 60 phút trước khi bắt đầu.
Có thể sẽ cần dùng đến cả thuốc an thần nhẹ trước khi sinh thiết. Loại thuốc này sẽ gây buồn ngủ nên cần nhờ người thân đưa về sau khi hoàn tất.
Quy trình thực hiện
Bệnh nhân cần cởi bỏ quần và quấn một chiếc khăn choàng quanh thân dưới rồi nằm ngửa trên bàn kiểm tra với hai chân mở rộng, đặt lên bàn đạp. Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành kiểm tra nhanh vùng chậu.
Bác sĩ đưa dụng cụ mỏ vịt vào âm đạo để mở rộng thành âm đạo và có thể quan sát rõ hơn bên trong cổ tử cung. Cổ tử cung sau khi được làm sạch bằng dung dịch sát trùng sẽ được xịt thuốc hoặc tiêm thuốc gây tê và đặt một chiếc kẹp forcep để giữ cho cổ tử cung ổn định trong suốt quá trình làm thủ thuật. Bước này sẽ làm cho bệnh nhân cảm thấy hơi khó chịu.
Sau đó, bác sĩ đưa một ống hẹp, linh hoạt vào qua lỗ cổ tử cung và vào sâu khoảng vài cm bên trong tử cung rồi di chuyển ống qua lại để lấy mẫu mô ở niêm mạc tử cung. Toàn bộ quá trình này thường mất khoảng 10 phút.
Mẫu mô được đựng trong một loại dung dịch đặc biệt và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Kết quả sẽ có sau khoảng 7 đến 10 ngày.
Sau thủ thuật, bệnh nhân có thể sẽ gặp hiện tượng ra máu nhẹ nên sẽ cần dùng băng vệ sinh. Nếu cảm thấy hơi đau trong âm đạo và bụng dưới thì cũng là hiện tượng bình thường. Có thể dùng thuốc giảm đau để làm dịu nhưng cần hỏi bác sĩ về loại thuốc có thể sử dụng vì một số loại thuốc, ví dụ như aspirin có thể gây chảy máu nhiều hơn.
Không được sử dụng tampon, cốc nguyệt san và quan hệ tình dục trong vài ngày sau khi sinh thiết nội mạc tử cung. Tùy thuộc vào bệnh sử mà bác sĩ sẽ đưa ra những hướng dẫn cụ thể khác.
Rủi ro
Giống như bất kỳ thủ thuật xâm lấn nào, sinh thiết nội mạc tử cung cũng tiềm ẩn một số nguy cơ, ví dụ như nhiễm trùng, chảy máu. Ngoài ra, thủ thuật này còn có thể gây thủng thành tử cung nhưng điều này rất hiếm khi xảy ra.
Ra một ít máu và hơi đau sau sinh thiết nội mạc tử cung là hiện tượng bình thường. Tuy nhiên, cần đến bệnh viện ngay nếu có bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:
- Chảy máu kéo dài quá 2 ngày
- Ra nhiều máu bất thường
- Sốt hoặc ớn lạnh
- Đau dữ dội ở bụng dưới
- Dịch tiết âm đạo (khí hư) có màu hoặc mùi bất thường
Kết quả
Kết quả sinh thiết nội mạc tử cung là bình thường khi không tìm thấy tế bào bất thường hoặc tế bào ung thư. Mặt khác, kết quả được coi là bất thường khi:
- Có dấu hiệu những khối u lành tính (không phải ung thư)
- Nội mạc tử cung dày lên quá mức hay còn được gọi là tăng sản nội mạc tử cung
- Phát hiện thấy tế bào ung thư
Mặc dù các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung ở mỗi phụ nữ là khác nhau nhưng có rất nhiều cách để giảm bớt các cơn đau.
Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo là một trong những loại lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng và gây đau đớn nhất.
Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành là dạng ít gặp hơn nhiều so với các dạng lạc nội mạc tử cung khác.
Cắt đốt nội mạc tử cung là một trong những giải pháp điều trị kinh nguyệt ra nhiều (cường kinh) và không thể kiểm soát được bằng thuốc.
Lạc nội mạc tử cung có triệu chứng điển hình là đau vùng chậu hay đau bụng dưới và thắt lưng, gây cản trở công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.