1

Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo: Triệu chứng và cách điều trị

Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo là một trong những loại lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng và gây đau đớn nhất.
lac noi mac tu cung Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo: Triệu chứng và cách điều trị

Nội dung chính của bài viết

  • Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo là bệnh khá nghiêm trọng và gây đau đớn dữ dội.
  • Ngoài các triệu chứng đau như các loại lạc nội mạc tử cung khác, bệnh này còn gây ra hiện tượng: chảy máu từ trực tràng, phân có lẫn máu, đau ở trực tràng khi ngồi, đầy bụng, táo bón, tiêu chảy.
  • Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo sẽ khó mang thai.
  • Vì lạc nội mạc tử cung là một bệnh mãn tính, hiện chưa có cách chữa trị khỏi nên mục tiêu của việc điều trị là kiểm soát các triệu chứng.

Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo là gì?

Lạc nội mạc tử cung là tình trạng mà những mô bình thường chỉ có ở bề mặt bên trong tử cung (nội mạc tử cung hay niêm mạc tử cung) lại phát triển ở các vị trí khác trong ổ bụng và vùng chậu.

Vào chu kỳ kinh nguyệt, những mô “lạc chỗ” này cũng phản ứng với sự dao động nội tiết tố và dày lên, bong ra giống như mô bên trong tử cung. Tuy nhiên, vì nằm bên ngoài tử cung nên chúng không thể đi ra ngoài ra qua âm đạo mà tích tụ lại, ảnh hưởng đến các cơ quan khác, gây viêm và hình thành sẹo.

Lạc nội mạc tử cung được chia thành hai dạng, dựa trên mức độ phát triển của mô niêm mạc tử cung ở các cơ quan:

  • Lạc nội mạc tử cung bề mặt: Các mảng mô niêm mạc tử cung kích thước nhỏ, chỉ nằm trên bề mặt chứ không phát triển sâu vào các cơ quan.
  • Lạc nội mạc tử cung sâu: Dạng này nghiêm trọng hơn so với lạc nội mạc tử cung bề mặt, trong đó mô niêm mạc tử cung phát triển sâu vào thành của các cơ quan. Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo nằm trong nhóm này.

Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo là một trong những loại lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng và gây đau đớn nhất. Mô niêm mạc tử cung có thể phát triển vào đến 5cm hoặc thậm chí sâu hơn vào các cơ quan. Những mảng mô này có thể xâm lấn sâu vào âm đạo, trực tràng và vùng mô nằm giữa hai cơ quan này, được gọi là vách ngăn trực tràng – âm đạo.

Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo là dạng ít phổ biến hơn lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng hay ở phúc mạc (lớp màng bao phủ bề mặt bên trong của ổ bụng). Theo số liệu được công bố trên Tạp chí Quốc tế về Sức khỏe Phụ nữ (International Journal of Women’s Health), lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo chiếm 37% tổng số trường hợp lạc nội mạc tử cung.

Dấu hiệu, triệu chứng

Một số triệu chứng của lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo cũng giống như các loại lạc nội mạc tử cung khác. Các triệu chứng chung gồm có:

  • Đau vùng chậu
  • Đau đớn dữ dội mỗi khi đến kỳ kinh nguyệt
  • Đau khi quan hệ tình dục
  • Đau khi đại tiện

Ngoài ra, lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo còn có các triệu chứng riêng như:

  • Chảy máu từ trực tràng, phân có lẫn máu
  • Táo bón hoặc tiêu chảy
  • Đau ở trực tràng khi ngồi
  • Đầy bụng

Những triệu chứng này thường trở nên nặng hơn khi đến kỳ kinh nguyệt.

Nguyên nhân

Nguyên nhân chính xác gây lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo cũng như là các loại lạc nội mạc tử cung khác vẫn chưa được xác định rõ nhưng đã có một vài giả thuyết khác nhau được đưa ra.

Trong đó, giả thuyết phổ biến nhất về nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung là do hiện tượng kinh nguyệt trào ngược, có nghĩa là vào kỳ kinh nguyệt, máu và mô niêm mạc tử cung chảy ngược qua ống dẫn trứng và vào vùng chậu thay vì chảy ra khỏi cơ thể qua âm đạo như bình thường. Khi máu ứ đọng ở các khu vực trong vùng chậu và bụng thì mô niêm mạc tử cung sẽ bám vào các cơ quan.

Tuy nhiên, theo một nghiên cứu gần đây thì có tới 90% phụ nữ từng bị kinh nguyệt trào ngược nhưng chỉ có rất ít trong số đó bị lạc nội mạc tử cung. Điều đó có nghĩa là nguyên nhân chưa hẳn là do kinh nguyệt trào ngược. Vì thế mà nhiều chuyên gia cho rằng nguyên nhân là do vấn đề trong hệ miễn dịch khiến cho cơ thể không thể nhận ra và phá hủy những mô niêm mạc tử cung hình thành nhầm chỗ.

Ngoài ra còn có nhiều nguyên nhân khác cũng có thể gây lạc nội mạc tử cung gồm có:

  • Sự biến đổi tế bào: Các tế bào phúc mạc - tế bào bao phủ bề mặt bên trong của khoang bụng – biến thành tế bào niêm mạc tử cung do sự tác động của hormone và các tín hiệu hóa học khác.
  • Phản ứng viêm: Các nghiên cứu đã phát hiện ra một lượng lớn chất gây viêm có trong các mô lạc nội mạc tử cung.
  • Phẫu thuật: Sinh mổ, cắt tử cung hoặc các quy trình phẫu thuật ở vùng chậu khác có thể là nguyên nhân gây lạc nội mạc tử cung. Một nghiên cứu vào năm 2016 đã chỉ ra rằng những ca phẫu thuật này có thể kích hoạt sự phát triển của mô nội mạc tử cung ở những vị trí bên ngoài tử cung.
  • Gen: Lạc nội mạc tử cung có thể di truyền trong gia đình. Những phụ nữ có mẹ hoặc chị gái mắc lạc nội mạc tử cung sẽ có nguy cơ bị bệnh cao gấp từ 2 đến 10 lần so với những người không có tiền sử gia đình mắc bệnh.

Phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 25 là nhóm đối tượng có nguy cơ bị lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo cao nhất.

Phương pháp chẩn đoán

Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo là một bệnh khó chẩn đoán. Hiện chưa có có hướng dẫn cụ thể nào về cách xác định bệnh này.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi về các triệu chứng, ví dụ như:

  • Có kinh lần đầu tiên khi nào? Có đau đớn nhiều không?
  • Có các triệu chứng như đau vùng chậu, đau khi quan hệ tình dục hoặc khi đại tiện không?
  • Trong khoảng thời gian trước và trong kỳ kinh nguyệt có biểu hiện bất thường nào không?
  • Có các triệu chứng được bao lâu? Có thay đổi gì không? Nếu có thì thay đổi như thế nào?
  • Có từng phẫu thuật ở vùng chậu, chẳng hạn như sinh mổ không?

Sau đó, bác sĩ sẽ kiểm tra âm đạo và trực tràng bằng tay để xem có bị đau, u cục hay mô bất thường hay không.

Ngoài ra có thể sẽ cần tiến hành các phương pháp dưới đây để tìm sự hiện diện bất thường của mô niêm mạc tử cung:

  • Siêu âm: sử dụng sóng âm thanh cao tần để tạo ra hình ảnh bên trong cơ thể. Đầu dò có thể được đặt bên trong âm đạo (siêu âm qua đường âm đạo) hoặc bên trong trực tràng (siêu âm qua đường trực tràng)
  • Chụp MRI: hay còn gọi là chụp cộng hưởng từ, phương pháp này sử dụng nam châm và sóng vô tuyến mạnh để tạo ra hình ảnh bên trong khoang bụng. Hình ảnh chụp MRI sẽ cho thấy các mảng mô nội mạc tử cung trong các cơ quan hay phúc mạc.
  • Chụp CT đại tràng (nội soi đại tràng ảo): sử dụng tia X liều thấp để chụp ảnh lớp niêm mạc bên trong đại tràng và trực tràng.
  • Nội soi ổ bụng: đây là cách tốt nhất để xác nhận chẩn đoán. Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân và sau đó, bác sĩ rạch một vài đường nhỏ ở bụng, đưa ống nội soi vào trong để phát hiện mô nội mạc tử cung ở những cơ quan khác. Mẫu mô sẽ được lấy ra để phân tích.

Sau khi xác định đúng là mô nội mạc tử cung thì bác sĩ sẽ đánh giá mức độ nghiêm trọng của tình trạng. Lạc nội mạc tử cung được chia thành các giai đoạn dựa trên số lượng và độ sâu phát triển của mô nội mạc tử cung ở các cơ quan:

  • Giai đoạn 1: Mới có một vài mảng mô nội mạc tử cung cỡ nhỏ, hình thành đơn lẻ.
  • Giai đoạn 2: Các mảng mô đã lớn hơn nhưng chỉ nằm ở bề mặt của các cơ quan và chưa hình thành sẹo
  • Giai đoạn 3: Nhiều cơ quan bị ảnh hưởng hơn và đã bắt đầu hình thành sẹo.
  • Giai đoạn 4: Có những mảng mô nội mạc tử cung và sẹo lớn ở nhiều cơ quan khác nhau.

Tuy nhiên, giai đoạn lạc nội mạc tử cung không liên quan đến mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng. Nhiều người dù mới chỉ bị lạc nội mạc tử cung giai đoạn 1 hoặc 2 những đã có những triệu chứng nghiêm trọng. Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo thường là giai đoạn 4.

Phương pháp điều trị

Vì lạc nội mạc tử cung là một bệnh mãn tính, hiện chưa có cách chữa trị khỏi nên mục tiêu của việc điều trị là kiểm soát các triệu chứng. Bác sĩ sẽ chỉ định phương pháp điều trị dựa trên mức độ nghiêm trọng của tình trạng bệnh và vị trí có mô nội mạc tử cung. Thường sẽ phải kết hợp phẫu thuật và dùng thuốc.

Phẫu thuật

Bác sĩ sẽ loại bỏ đi toàn bộ mô nội mạc tử cung hình thành ở những vị trí bất thường. Nghiên cứu cho thấy phương pháp này có thể cải thiện tới 70% các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung.

Quy trình phẫu thuật có thể được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi ổ bụng hoặc bằng robot qua các vết mổ nhỏ.

Các kỹ thuật phẫu thuật điều trị lạc nội mạc tử cung gồm có:

  • Cạo: bác sĩ sử dụng dụng cụ mổ sắc để loại bỏ các mảng mô nội mạc tử cung phát triển “nhầm chỗ”. Thủ thuật này có nhược điểm là có thể còn sót lại mô lạc nội mạc tử cung.
  • Cắt đoạn ruột: cắt đi đoạn ruột có mô nội mạc tử cung và sau đó nối hai đoạn ruột còn lại với nhau.
  • Khoét lỗ: Đối với những trường hợp chỉ có các mảng mô lạc nội mạc tử cung nhỏ thì bác sĩ chỉ khoét đi vùng ruột bị ảnh hưởng và sau đó đóng lỗ hở lại.

Dùng thuốc

Hiện nay, có hai loại thuốc chính được sử dụng để điều trị lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo và các loại lạc nội mạc tử cung khác là liệu pháp hormone và thuốc giảm đau.

Liệu pháp hormone có tác dụng làm chậm sự phát triển của mô nội mạc tử cung và giảm hoạt động của những mô bên ngoài tử cung.

Các liệu pháp hormone gồm có:

  • Biện pháp tránh thai, gồm có thuốc đường uống, miếng dán hoặc vòng tránh thai nội tiết
  • Thuốc chủ vận GnRH (hormone giải phóng gonadotropin)
  • Danazol nhưng hiện nay loại thuốc này rất ít được sử dụng
  • Tiêm progestin (Depo-Provera)

Người bệnh sẽ cần dùng thêm các loại thuốc chống viêm không steroid (NSAID) không kê đơn hoặc kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hoặc naproxen để làm dịu triệu chứng đau.

Biến chứng

Những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo sẽ khó mang thai. Tỷ lệ mang thai ở phụ nữ bị loại lạc nội mạc tử cung này thấp hơn so với các loại lạc nội mạc tử cung khác ít nghiêm trọng hơn. Các giải pháp để tăng tỷ lệ thụ thai là phẫu thuật và thụ tinh trong ống nghiệm.

Các phương pháp phẫu thuật điều trị cũng có thể gây ra các biến chứng và rủi ro như:

  • Chảy máu trong khoang bụng
  • Có lỗ rò giữa âm đạo và trực tràng hoặc các cơ quan khác
  • Táo bón mãn tính
  • Rò rỉ ở vị trí nối hai đoạn ruột sau phẫu thuật
  • Các triệu chứng vẫn không cải thiện và cần phẫu thuật lại

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Nhận biết cơn đau do lạc nội mạc tử cung và cách điều trị
Nhận biết cơn đau do lạc nội mạc tử cung và cách điều trị

Đau đớn dữ dội khi đến kỳ kinh nguyệt là triệu chứng đặc trưng của lạc nội mạc tử cung.

Các biện pháp khắc phục triệu chứng lạc nội mạc tử cung tại nhà
Các biện pháp khắc phục triệu chứng lạc nội mạc tử cung tại nhà

Lạc nội mạc tử cung gây ra nhiều triệu chứng đau đớn, đặc biệt là vào kỳ kinh nguyệt. Các biện pháp khắc phục tại nhà nêu trên có thể giúp làm giảm phần nào các triệu chứng nhưng vẫn phải kết hợp với các phương pháp điều trị khác mà bác sĩ chỉ định.

Lạc nội mạc tử cung bàng quang có những triệu chứng nào?
Lạc nội mạc tử cung bàng quang có những triệu chứng nào?

Lạc nội mạc tử cung bàng quang là một dạng hiếm gặp của lạc nội mạc tử cung, xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển bên trong hoặc trên bề mặt của bàng quang.

Khắc phục triệu chứng chướng bụng do lạc nội mạc tử cung
Khắc phục triệu chứng chướng bụng do lạc nội mạc tử cung

Bên cạnh đau vùng chậu và kinh nguyệt bất thường, đầy hơi và chướng bụng cũng là một trong những triệu chứng của lạc nội mạc tử cung.

Lạc nội mạc tử cung ở ruột điều trị bằng cách nào?
Lạc nội mạc tử cung ở ruột điều trị bằng cách nào?

Có nhiều loại lạc nội mạc tử cung khác nhau và được phân loại dựa trên vị trí mà mô nội mạc tử cung hình thành. Trong một số trường hợp, lạc nội mạc tử cung xảy ra ở trên bề mặt hoặc bên trong ruột.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây