Lạc nội mạc tử cung bàng quang có những triệu chứng nào?
Nội dung chính của bài viết
- Lạc nội mạc tử cung bàng quang là một dạng hiếm gặp của lạc nội mạc tử cung, xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển bên trong hoặc trên bề mặt của bàng quang.
- Thường tình trạng này không có triệu chứng. Nếu có thì sẽ thường xuyên buồn tiểu gấp, đau khi bàng quang đầy, nóng rát hoặc đau, thậm chí lẫn máu khi đi tiểu, đau vùng chậu và một bên thắt lưng.
- Lạc nội mạc tử cung bàng quang không ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản.
- Nếu không được điều trị, lạc nội mạc tử cung bàng quang có thể gây tổn hại đến thận. Phẫu thuật kịp thời sẽ ngăn ngừa biến chứng này.
- Trong một số ít trường hợp, mô nội mạc tử cung trong bàng quang có thể phát triển thành ung thư.
- Cần đi khám ngay khi thấy các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung bàng quang để bác sĩ có phương hướng điều trị phù hợp.
Lạc nội mạc tử cung bàng quang là gì?
Lạc nội mạc tử cung là tình trạng xảy ra khi mô nội mạc tử cung hình thành ở các vị trí khác trong cơ thể, ví dụ như bề mặt khoang chậu, mặt ngoài của tử cung, cổ tử cung, âm đạo, buồng trứng, ống dẫn trứng, bàng quang, phúc mạc, ruột hay trực tràng. Có nhiều loại lạc nội mạc tử cung khác nhau và được phân loại theo vị trí mà mô nội mạc tử cung “đi lạc”.
Lạc nội mạc tử cung bàng quang là một dạng hiếm gặp của lạc nội mạc tử cung, xảy ra khi mô nội mạc tử cung phát triển bên trong hoặc trên bề mặt của bàng quang.
Mỗi tháng trong chu kỳ kinh nguyệt, mô nội mạc tử cung dày lên để chuẩn bị cho trứng sau thụ tinh có thể bám vào và phát triển thành bào thai. Khi trứng không được thụ tinh thì lớp mô này sẽ bong ra khỏi cơ thể. Nhưng khi hình thành ở bề mặt ngoài của bàng quang thì mô nội mạc tử cung sẽ không thể thoát ra ngoài cơ thể.
Theo số liệu thống kê, trong số những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung thì có tới 5% bị vấn đề này trong hệ tiết niệu mà phổ biến nhất là bàng quang, tiếp theo là niệu quản - ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang.
Có hai loại lạc nội mạc tử cung bàng quang. Nếu chỉ xảy ra trên bề mặt bàng quang thì tình trạng này được gọi là lạc nội mạc tử cung bề mặt. Nếu mô niêm mạc tử cung phát triển vào trong lớp niêm mạc hoặc thành của bàng quang thì được gọi là lạc nội mạc tử cung sâu.
Triệu chứng
Theo một khảo sát vào năm 2012 về lạc nội mạc tử cung bàng quang, khoảng 30% phụ nữ bị vấn đề này không gặp phải bất kỳ triệu chứng nào. Vấn đề chỉ được phát hiện khi kiểm tra các bệnh khác, ví dụ như vô sinh.
Nếu có thì các triệu chứng thường xuất hiện vào khoảng thời gian trước và trong kỳ kinh nguyệt. Các triệu chứng gồm có:
- Thường xuyên buồn tiểu gấp
- Đau khi bàng quang đầy
- Nóng rát hoặc đau khi đi tiểu
- Lẫn máu trong nước tiểu
- Đau ở vùng chậu
- Đau một bên thắt lưng
Nếu lạc nội mạc tử cung xảy ra ở các phần khác của khoang chậu thì sẽ còn có các triệu chứng như:
- Đau vùng chậu trước và trong kỳ kinh
- Đau khi quan hệ
- Ra nhiều máu trong kỳ kinh hoặc ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt
- Người mệt mỏi
- Buồn nôn
- Tiêu chảy
Nguyên nhân
Đến nay khoa học vẫn chưa thể xác định chính xác nguyên nhân tại sao ở một số phụ nữ, mô nội mạc tử cung lại phát triển ở bàng quang nhưng một vài giả thuyết được đưa ra là:
- Kinh nguyệt trào ngược: Trong kỳ kinh nguyệt, máu không chảy ra ngoài cơ thể mà chảy ngược qua ống dẫn trứng và vào khoang chậu. Sau đó, những tế bào niêm mạc tử cung lẫn trong máu bám vào thành của bàng quang.
- Biến đổi tế bào phôi: Các tế bào còn sót lại từ phôi thai phát triển thành tế bào nội mạc tử cung dưới sự tác động của các hormone trong cơ thể như estrogen.
- Phẫu thuật: Các tế bào nội mạc tử cung có thể lan đến bàng quang trong quá trình phẫu thuật vùng chậu, chẳng hạn như trong khi sinh mổ hoặc cắt tử cung. Loại lạc nội mạc tử cung này được gọi là lạc nội mạc tử cung thứ phát.
- Sự di chuyển của tế bào nội mạc tử cung: Các tế bào nội mạc tử cung di chuyển theo hệ bạch huyết hoặc máu đến bàng quang.
- Di truyền: Lạc nội mạc tử cung đôi khi di truyền từ đời này sang đời khác trong một gia đình.
Lạc nội mạc tử cung xảy ra ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản. Độ tuổi trung bình mà vấn đề này được chẩn đoán là 35 tuổi.
Chẩn đoán lạc nội mạc tử cung bàng quang
Trước tiên, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng, gồm có bước kiểm tra âm đạo và bàng quang xem có mô bất thường hay không. Sau đó có thể cần làm xét nghiệm nước tiểu để phát hiện dấu hiệu lẫn máu.
Ngoài ra sẽ còn cần thực hiện những phương pháp chẩn đoán hình ảnh dưới đây để xác định lạc nội mạc tử cung bàng quang:
- Siêu âm: sử dụng sóng âm thanh cao tần để tạo hình ảnh từ bên trong cơ thể. Đầu dò có thể được đặt trên bụng (siêu âm qua thành bụng) hoặc đưa vào bên trong âm đạo (siêu âm qua đường âm đạo). Phương pháp này sẽ cho thấy kích thước và vị trí của vùng mô nội mạc tử cung phát triển “nhầm chỗ”.
- Chụp cộng hưởng từ (MRI): Phương pháp chẩn đoán hình ảnh này sử dụng nam châm lớn và sóng vô tuyến mạnh để phát hiện mô nội mạc tử cung trong bàng quang hay các bộ phận khác của khoang chậu.
- Nội soi bàng quang: đưa ống nội soi qua niệu đạo vào bàng quang để quan sát niêm mạc bàng quang và kiểm tra xem có mô nội mạc tử cung hay không.
Lạc nội mạc tử cung được chia thành các giai đoạn dựa trên phạm vi và độ sâu phát triển của mô nội mạc tử cung vào các cơ quan.
Có 4 giai đoạn:
- Giai đoạn 1: Mức độ nhẹ. Có những mảng mô nội mạc tử cung nhỏ hình thành trên hoặc xung quanh các cơ quan trong khoang chậu.
- Giai đoạn 2: Mức độ vừa. Có những mảng mô lớn hơn so với giai đoạn 1 nhưng chưa phát triển vào trong các cơ quan.
- Giai đoạn 3: Mức độ nặng. Mô nội mạc tử cung đã lan rộng hơn và bắt đầu phát triển vào bên trong các cơ quan trong khoang chậu.
- Giai đoạn 4: Mức độ nghiêm trọng. Mô nội mạc tử cung đã phát triển xuyên qua thành của nhiều cơ quan trong khung chậu.
Phương pháp điều trị
Lạc nội mạc tử cung là bệnh không thể chữa khỏi nhưng có nhiều phương pháp để kiểm soát các triệu chứng. Việc điều trị sẽ tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng và vị trí của mô nội mạc tử cung.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị chính cho những trường hợp lạc nội mạc tử cung. Việc loại bỏ toàn bộ mô nội mạc tử cung bất thường sẽ giúp giảm đau và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Quy trình phẫu thuật có thể được thực hiện theo các cách khác nhau. Dưới đây là những kỹ thuật được sử dụng để điều trị lạc nội mạc tử cung bàng quang. Trong quá trình phẫu thuật, các bộ phận khác cũng có thể được xử lý nếu phát hiện có mô nội mạc tử cung.
- Phẫu thuật qua niệu đạo: Bác sĩ đưa một ống nội soi vào niệu đạo và bàng quang. Đầu ống nội soi có gắn dụng cụ mổ để loại bỏ mô nội mạc tử cung.
- Cắt bàng quang một phần: Bác sĩ sẽ cắt đi phần bàng quang có chứa các mô bất thường. Thủ thuật này có thể được thực hiện qua một đường rạch dài ở bụng dưới (phương pháp mổ mở) hoặc một vài đường rạch ngắn (phẫu thuật nội soi ổ bụng).
Sau khi hoàn tất, ống thông sẽ được đặt vào trong bàng quang để dẫn nước tiểu ra ngoài cơ thể trong thời gian chờ cho bàng quang lành lại.
Dùng thuốc
Liệu pháp hormone sẽ làm chậm sự phát triển của mô nội mạc tử cung, ngoài ra còn giảm đau và duy trì khả năng sinh sản.
Một số liệu pháp hormone được sử dụng để điều trị lạc nội mạc tử cung gồm có:
- Thuốc chủ vận GnRH (hormone giải phóng gonadotropin), chẳng hạn như leuprolide (Lupron)
- Thuốc tránh thai nội tiết
- danazol
Biến chứng
Nếu không được điều trị, lạc nội mạc tử cung bàng quang có thể gây tổn hại đến thận. Phẫu thuật kịp thời sẽ ngăn ngừa biến chứng này.
Trong một số ít trường hợp, mô nội mạc tử cung trong bàng quang có thể phát triển thành ung thư.
Lạc nội mạc tử cung bàng quang không ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng sinh sản. Tuy nhiên, nếu lạc nội mạc tử cung còn xảy ra ở cả buồng trứng hoặc các bộ phận khác trong hệ sinh dục thì sẽ khó mang thai. Trong những trường hợp này, phẫu thuật sẽ giúp làm tăng khả năng thụ thai.
Có thể điều trị khỏi lạc nội mạc tử cung không?
Lạc nội mạc tử cung là một bệnh mãn tính và có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống hàng ngày của phụ nữ. Triển vọng sẽ phụ thuộc vào mức độ nghiêm trọng của tình trạng lạc nội mạc tử cung và cách điều trị. Phẫu thuật sẽ làm giảm hoặc chấm dứt các triệu chứng. Tuy nhiên, theo một số nghiên cứu, trong những trường hợp từng phẫu thuật để điều trị lạc nội mạc tử cung thì có tới 25% bị tái phát vấn đề và phải phẫu thuật lại.
Lạc nội mạc tử cung gây ra nhiều triệu chứng đau đớn, đặc biệt là vào kỳ kinh nguyệt. Các biện pháp khắc phục tại nhà nêu trên có thể giúp làm giảm phần nào các triệu chứng nhưng vẫn phải kết hợp với các phương pháp điều trị khác mà bác sĩ chỉ định.
Lạc nội mạc tử cung ở buồng trứng là một dạng lạc nội mạc tử cung phổ biến và các triệu chứng thường có thể kiểm soát được bằng thuốc. Tuy nhiên, một số trường hợp sẽ cần làm phẫu thuật để cắt bỏ các u nang.
Bên cạnh đau vùng chậu và kinh nguyệt bất thường, đầy hơi và chướng bụng cũng là một trong những triệu chứng của lạc nội mạc tử cung.
Hiện tại chưa có cách chữa trị triệt để lạc nội mạc tử cung nhưng có nhiều biện pháp để kiểm soát các triệu chứng, ví dụ như dùng thuốc, phẫu thuật và thay đổi một số thói quen, lối sống, bao gồm cả chế độ ăn uống.
Có nhiều loại lạc nội mạc tử cung khác nhau và được phân loại dựa trên vị trí mà mô nội mạc tử cung hình thành. Trong một số trường hợp, lạc nội mạc tử cung xảy ra ở trên bề mặt hoặc bên trong ruột.