1

Các biện pháp giảm đau do lạc nội mạc tử cung

Triệu chứng thường gặp nhất của lạc nội mạc tử cung là đau vùng chậu mãn tính, cơn đau trở nên đặc biệt dữ dội trong giai đoạn rụng trứng và kinh nguyệt.
Các biện pháp giảm đau do lạc nội mạc tử cung Các biện pháp giảm đau do lạc nội mạc tử cung

Nội dung chính của bài viết

  • Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý gây đau đớn.
  • Có nhiều biện pháp như dùng thuốc, liệu pháp hormone thay thế hay phẫu thuật để điều trị triệu chứng đau đớn do lạc nội mạc tử cung gây ra.
  • Hãy thử các biện pháp giảm đau và tìm ra biện pháp phù hợp nhất cho mình để kiểm soát cơn đau và ngăn các triệu chứng ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày.

Lạc nội mạc tử cung là gì?

Lạc nội mạc tử cung là một bệnh lý phụ khoa mà trong đó, mô niêm mạc tử cung – những mô vốn chỉ hình thành ở bề mặt trong của tử cung – lại phát triển “lạc chỗ” ở những vị trí khác trong cơ thể như bề mặt ngoài của tử cung, dây chẳng hỗ trợ tử cung, bề mặt khung chậu, buồng trứng, ống dẫn trứng, túi cùng, cổ tử cung, ruột, bàng quang, niệu quản, lớp màng bao phủ bề mặt ổ bụng (phúc mạc)…

Triệu chứng thường gặp nhất của lạc nội mạc tử cung là đau vùng chậu mãn tính, cơn đau trở nên đặc biệt dữ dội trong giai đoạn rụng trứng và kinh nguyệt.

Các triệu chứng khác mà người bệnh còn có thể gặp phải gồm có đau khi quan hệ tình dục, cơ sàn chậu siết chặt và đau khi đi đại tiện, tiểu tiện, kinh nguyệt ra nhiều, ra máu ngoài thời gian có kinh, người mệt mỏi, trướng bụng, táo bón, tiêu chảy và vô sinh... Những triệu chứng này sẽ ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

Hiện chưa có cách chữa trị khỏi bệnh lạc nội mạc tử cung nhưng có nhiều phương pháp điều trị giúp giảm bớt các triệu chứng. Mỗi một trường hợp sẽ cần những phương pháp khác nhau và hiệu quả có được là không giống nhau. Dưới đây là các phương pháp chính để khắc phục triệu chứng đau do lạc nội mạc tử cung.

Tại sao lạc nội mạc tử cung lại gây đau?

Triệu chứng đau của lạc nội mạc tử cung bắt đầu xảy ra khi những mô vốn chỉ có trong tử cung phát triển ở các khu vực khác của khoang bụng và vùng chậu. Mỗi tháng, lớp niêm mạc tử cung dày lên để chuẩn bị cho trứng sau khi thụ tinh sẽ bám vào làm tổ và phát triển thành bào thai. Khi trứng không được thụ tinh thì lớp niêm mạc dày lên này sẽ bong ra và chảy máu, dẫn đến hiện tượng hành kinh mà phụ nữ trải qua hàng tháng.

Khi phát triển ở các bộ phận khác trong cơ thể thì mô niêm mạc tử cung cũng vẫn theo một chu kỳ y hệt như vậy. Chúng cũng dày lên mỗi tháng trong chu kỳ kinh nguyệt rồi bong ra và chảy máu. Tuy nhiên, vì không ở bên trong tử cung nên những mô này không thể thoát ra ngoài qua âm đạo. Chúng có thể chèn ép lên dây thần kinh hoặc các cấu trúc khác trong vùng chậu và gây đau, đặc biệt là trong kỳ kinh nguyệt.

Biện pháp điều trị

Thuốc giảm đau

Người bệnh có thể dùng thuốc giảm đau kê đơn hoặc không kê đơn. Tuy nhiên, thuốc giảm đau không kê đơn thường chỉ dành cho những trường hợp bệnh nhẹ. Đối với những trường hợp lạc nội mạc tử cung mức độ từ vừa đến nặng thì thường phải dùng đến thuốc giảm đau kê đơn. Nếu đã thử thuốc giảm đau không kê đơn mà thấy không hiệu quả thì hãy nói với bác sĩ để được kê các loại thuốc khác hiệu quả hơn.

Loại thuốc giảm đau được sử dụng phổ biến nhất là thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Các thuốc chống viêm không steroid không kê đơn gồm có ibuprofen, aspirin và naproxen. Ngoài ra còn có cả các loại thuốc chống viêm không steroid kê đơn.

NSAID có cơ chế giảm đau bằng cách ngăn cản hoạt động của prostaglandin - một loại hợp chất sinh học được sản xuất tự nhiên trong cơ thể. Prostaglandin gây đau, sưng và viêm – những hiện tượng thường xảy ra trong kỳ kinh nguyệt. Tác động này của prostaglandin đặc biệt tăng cao ở những phụ nữ bị lạc nội mạc tử cung.

Để có hiệu quả cao nhất thì cần sử dụng NSAID trước khi cơ thể bắt đầu sản xuất các hợp chất gây đau này.

Khi bị lạc nội mạc tử cung thì hãy thử sử dụng NSAID ít nhất 24 đến 48 tiếng trước ngày rụng trứng và trước ngày đầu tiên có kinh nguyệt. Bằng cách này, thuốc sẽ có thời gian để ngăn cản hoạt động của prostaglandin trong cơ thể. Nếu chu kỳ kinh nguyệt không đều thì có thể cần dùng thuốc giảm đau trong một tuần trước khi bắt đầu hành kinh.

Mỗi một loại thuốc sẽ có hiệu quả khác nhau. Có thể sẽ cần thử nhiều loại NSAID khác nhau hoặc kết hợp NSAID với các biện pháp khác để giảm đau tối đa. Tuy nhiên, một số loại NSAID không được kết hợp với các thuốc khác. Cần nói chuyện với bác sĩ trước khi bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc mới nào. Vì thuốc chống viêm không steroid có thể gây ra các tác dụng phụ như đau, viêm loét dạ dày, tiêu chảy, đau đầu, chóng mặt và chảy máu nên các chuyên gia khuyến cáo không nên sử dụng trong thời gian dài.

Opioid là nhóm thuốc giảm đau mạnh hơn so với thuốc chống viêm không steroid và có thể làm dịu các cơn đau mức độ nặng. Tuy nhiên, nhóm thuốc này lại đi kèm với những rủi ro lớn hơn. Vì thuốc giảm đau nhóm opioid có thể gây nghiện nên không được sử dụng để điều trị triệu chứng đau mãn tính. Hiệu quả của các loại thuốc này sẽ giảm dần theo thời gian và do đó cần dùng liều cao hơn.

Thuốc giảm đau chỉ có thể làm giảm triệu chứng đau do lạc nội mạc tử cung chứ không thể giải quyết được nguyên nhân gốc rễ. Nếu đang dùng thuốc chống viêm không steroid hoặc các loại thuốc giảm đau khác và nhận thấy cơn đau không thuyên giảm thì hãy nói với bác sĩ để được tư vấn các phương pháp điều trị khác.

Liệu pháp hormone

Liệu pháp hormone điều trị cơn đau do lạc nội mạc tử cung bằng cách kiểm soát sự thay đổi nồng độ nội tiết tố trong chu kỳ kinh nguyệt. Phương pháp này có thể làm giảm hoặc ngừng kinh nguyệt hoàn toàn. Đây không phải là một giải pháp phù hợp cho những phụ nữ đang muốn mang thai.

Các hormone mà cơ thể tạo ra quanh ngày rụng trứng và kỳ kinh nguyệt là nguyên nhân khiến cho các triệu chứng lạc nội mạc tử cung trở nên ngiêm trọng hơn trong những khoảng thời gian này. Điều này có thể dẫn đến hình thành sẹo ở vùng chậu hoặc khiến cho những mô sẹo hiện có dày lên. Mục đích của liệu pháp hormone là ngăn chặn sự phát triển của mô lạc nội mạc tử cung và sự hình thành mô sẹo mới bằng cách giữ cho nồng độ hormone ở mức ổn định.

Các liệu pháp hormone được sử dụng để điều trị lạc nội mạc tử cung gồm có:

Biện pháp tránh thai nội tiết

Thuốc tránh thai kết hợp (gồm có cả estrogen và progesterone) đã được sử dụng để điều trị lạc nội mạc tử cung từ những năm 1950. Những loại thuốc này được coi là phương pháp điều trị chính nhưng ngoài ra, các biện pháp tránh thai khác như vòng tránh thai nội tiết, vòng âm đạo hoặc miếng dán tránh thai cũng được sử dụng.

Nếu chọn dùng thuốc tránh thai đường uống thì nên uống thuốc liên tục. Điều này có nghĩa là người bệnh sẽ hoàn toàn không có kinh nguyệt và tránh được các triệu chứng lạc nội mạc tử cung trong một khoảng thời gian. Việc không có kinh nguyệt trong vài tháng (hoặc thậm chí vài năm) cũng không gây hại gì cả.

GnRH đồng vận và GnRH đối vận

GnRH (hormone giải phóng gonadotropin) đưa cơ thể vào trạng thái mãn kinh tạm thời. Hormone này làm giảm nồng độ estrogen, ngừng sự rụng trứng và chu kỳ kinh nguyệt. Điều này có thể giúp làm giảm sự phát triển của mô niêm mạc tử cung.

Mặc dù có hiệu quả nhưng các đồng vận và đối vận GnRH sẽ khiến cho người dùng gặp phải những triệu chứng của thời kỳ mãn kinh tự nhiên như giảm mật độ xương, bốc hỏa, khô âm đạo, khó ngủ, người mệt mỏi, giảm ham muốn tình dục… Những loại thuốc này có nhiều dạng khác nhau như dạng tiêm, dạng xịt mũi và dạng thuốc uống hàng ngày.

Liệu pháp progestin

Progestin được cho là có thể làm giảm các triệu chứng lạc nội mạc tử cung bằng cách làm chậm sự phát triển của mô niêm mạc tử cung. Người bệnh có thể dùng vòng tránh thai giải phóng progestin, tiêm thuốc hoặc dùng thuốc đường uống để kiểm soát các triệu chứng.

Liệu pháp hormone là một giải pháp hiệu quả trong việc giảm đau và các triệu chứng khác của lạc nội mạc tử cung. Tuy nhiên, cần lưu ý là các triệu chứng sẽ quay trở lại khi ngừng điều trị.

Phẫu thuật

Trong những trường hợp bị lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng, khi các loại thuốc và phương pháp điều trị không xâm lấn khác không hiệu quả thì sẽ cần cân nhắc đến phương án phẫu thuật.

Các phương pháp phẫu thuật điều trị triệu chứng của lạc nội mạc tử cung bằng cách loại bỏ những mô niêm mạc tử cung phát triển nhầm chỗ - nguyên nhân gây ra các cơn đau. Có một số phương pháp phẫu thuật khác nhau. Phương pháp thứ nhất là chỉ loại bỏ đi những mô niêm mạc tử cung “đi lạc” cùng với mô sẹo nếu có. Thủ thuật này thường được thực hiện bằng kỹ thuật nội soi ổ bụng qua những đường rạch nhỏ và được gọi là phương pháp phẫu thuật bảo tồn vì chỉ loại bỏ đi mô lạc nội mạc tử cung trong khi vẫn giữ lại các mô khỏe mạnh.

Một nghiên cứu vào năm 2016 được đăng trên tạp chí Women’s Health đã cho thấy rằng phương pháp phẫu thuật này là giải pháp hiệu quả để giảm các triệu chứng đau do lạc nội mạc tử cung. Một nghiên cứu với hơn 4.000 phụ nữ tham gia vào năm 2018 đã chứng minh rằng thủ thuật cắt bỏ mô lạc nội mạc tử cung bằng kỹ thuật nội soi ổ bụng giúp điều trị hiệu quả tình trạng đau vùng chậu và các triệu chứng khác liên quan đến đường ruột của lạc nội mạc tử cung. Thủ thuật này đã cải thiện chất lượng cuộc sống của những phụ nữ mắc bệnh.

Theo một khảo sát, 80% phụ nữ từng phẫu thuật để điều trị lạc nội mạc tử cung cho biết các cơn đau đã đỡ hẳn so với trước. Tuy nhiên, triệu chứng đau có thể quay trở lại một vài tháng sau đó. 40 đến 80% bệnh nhân bị đau trở lại sau hai năm kể từ khi phẫu thuật. Một biện pháp để trì hoãn thời gian tái phát triệu chứng là bắt đầu điều trị bằng liệu pháp hormone sau phẫu thuật.

Trước đây, các trường hợp lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng còn được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật cắt tử cung và buồng trứng. Đây từng được coi là giải pháp tốt nhất để chấm dứt các triệu chứng. Tuy nhiên, hiện nay, những phương pháp này đã không còn được sử dụng nhiều nữa. Việc cắt bỏ buồng trứng sẽ làm ngừng sự sản xuất estrogen và ngăn chặn sự phát triển của mô niêm mạc tử cung. Tuy nhiên, ngay cả khi tử cung và buồng trứng không còn thì mô niêm mạc tử cung vẫn có thể phát triển ở các cơ quan khác trong cơ thể.

Phẫu thuật không phải là phương pháp có thể chữa khỏi lạc nội mạc tử cung và cũng không thể chấm dứt các triệu chứng về lâu dài. Mô niêm mạc tử cung vẫn có thể hình thành trở lại và làm tái phát triệu chứng đau sau phẫu thuật. Hơn nữa, cắt tử cung là một ca đại phẫu và gây ra thay đổi lớn trong cơ thể. Sau ca phẫu thuật này, phụ nữ sẽ không thể mang thai được nữa. Do đó, cần nói chuyện với bác sĩ và cân nhắc kỹ những lợi ích, rủi ro trước khi đưa ra quyết định.

Liệu pháp điều trị thay thế và bổ sung

Ngoài những phương pháp điều trị kể trên, những người bị lạc nội mạc tử cung có thể thử thêm các biện pháp thay thế và bổ sung. Tuy nhiên, luôn phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi thử bất kỳ một phương pháp mới nào.

Một số phương pháp điều trị thay thế và bổ sung gồm có:

  • Châm cứu: Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy rằng châm cứu có thể làm giảm triệu chứng đau do lạc nội mạc tử cung.
  • Kích thích thần kinh bằng xung điện qua da (transcutaneous electrical nerve stimulation - TENS): Thiết bị TENS phát ra dòng điện ở cường độ thấp giúp giảm đau và thư giãn các cơ. Một nghiên cứu nhỏ đã chứng minh phương pháp này cho hiệu quả giảm đau khá cao, bao gồm cả triệu chứng đau do lạc nội mạc tử cung.
  • Giảm đau bằng nhiệt: Chườm nóng và tắm nước ấm có thể làm thư giãn các cơ đang co thắt và từ đó giảm đau.
  • Giảm stress: Stress có thể gây phản ứng viêm mãn tính và cũng ảnh hưởng đến nồng độ hormone trong cơ thể. Các kỹ thuật thư giãn chẳng hạn như thiền, yoga và tập thể dục sẽ giúp giảm stress, từ đó giảm viêm và giữ cho nồng độ hormone ở mức ổn định.
  • Tập thể dục: Mặc dù khi bị đau đớn thì không ai muốn đứng dậy vận động cả nhưng khoa học đã chứng minh tập thể dục có thể giảm đau. Khi tập thể dục, cơ thể sẽ tiết ra endorphin – một chất giảm đau tự nhiên. Ngoài ra, thói quen tập luyện thường xuyên còn làm giảm lượng estrogen trong cơ thể và mang lại tác dụng tương tự như các liệu pháp hormone mà bác sĩ kê đơn để điều trị lạc nội mạc tử cung.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: biện pháp
Tin liên quan
Lạc Nội Mạc Tử Cung: Làm Sao Để Không Đau khi quan hệ tình dục?
Lạc Nội Mạc Tử Cung: Làm Sao Để Không Đau khi quan hệ tình dục?

Mặc dù các triệu chứng của lạc nội mạc tử cung ở mỗi phụ nữ là khác nhau nhưng có rất nhiều cách để giảm bớt các cơn đau.

Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo: Triệu chứng và cách điều trị
Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo: Triệu chứng và cách điều trị

Lạc nội mạc tử cung trực tràng – âm đạo là một trong những loại lạc nội mạc tử cung nghiêm trọng và gây đau đớn nhất.

Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành là gì?
Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành là gì?

Lạc nội mạc tử cung ở cơ hoành là dạng ít gặp hơn nhiều so với các dạng lạc nội mạc tử cung khác.

Cắt đốt nội mạc tử cung được thực hiện như thế nào?
Cắt đốt nội mạc tử cung được thực hiện như thế nào?

Cắt đốt nội mạc tử cung là một trong những giải pháp điều trị kinh nguyệt ra nhiều (cường kinh) và không thể kiểm soát được bằng thuốc.

8 lời khuyên giúp phụ nữ dễ chịu hơn khi bị lạc nội mạc tử cung
8 lời khuyên giúp phụ nữ dễ chịu hơn khi bị lạc nội mạc tử cung

Lạc nội mạc tử cung có triệu chứng điển hình là đau vùng chậu hay đau bụng dưới và thắt lưng, gây cản trở công việc, học tập và sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây