Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Nội dung chính của bài viết
- Khi các tế bào trong cổ tử cung trở nên bất thường và nhân lên một cách mất kiểm soát thì có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung.
- Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung đều là do một loại virus có tên là HPV gây ra.
- Chảy máu âm đạo bất thường, kinh nguyệt và dịch tiết âm đạo ra nhiều, đau vùng chậu, đau khi đi tiểu hay khi quan hệ, sụt cân không chủ đích... là những biểu hiện của ung thư cổ tử cung.
- Để giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung cần phải tránh bị nhiễm HPV, bằng cách tiêm vắc-xin phòng HPV.
- Ung thư cổ tử cung nếu phát hiện sớm có thể điều trị khỏi.
Ung thư cổ tử cung
Cổ tử cung là bộ phận nằm giữa âm đạo và tử cung trong cơ thể người phụ nữ,. Khi các tế bào trong cổ tử cung trở nên bất thường và nhân lên một cách mất kiểm soát thì có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung có thể đe dọa đến tính mạng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.
Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung đều là do một loại virus có tên là HPV (virus u nhú ở người - human papilloma virus) gây ra. Hiện nay đã có phương pháp xét nghiệm phát hiện virus này và các tế bào tiền ung thư để sàng lọc ung thư cổ tử cung, từ đó có phương pháp điều trị ngăn ngừa.
Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển sang các giai đoạn sau. Ngoài ra, các triệu chứng của bệnh này cũng thường bị nhầm với những hiện tượng xảy ra vào kỳ kinh nguyệt hoặc biểu hiện của những bệnh khác như nhiễm nấm âm đạo hoặc viêm đường tiết niệu.
Một số triệu chứng thường gặp của ung thư cổ tử cung gồm có:
- Chảy máu âm đạo bất thường, chẳng hạn như ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, sau khi quan hệ tình dục, sau khi khám phụ khoa, thụt rửa hoặc sau mãn kinh
- Kinh nguyệt ra nhiều hoặc kéo dài hơn bình thường
- Dịch tiết âm đạo ra nhiều, có màu sắc, kết cấu hoặc mùi không bình thường
- Đau đớn khi quan hệ tình dục
- Đi tiểu nhiều
- Đau vùng chậu và/hoặc đau thắt lưng kéo dài dai dẳng
- Đau khi đi tiểu
- Mệt mỏi
- Sụt cân không chủ đích
Tất cả phụ nữ trên 21 tuổi đều cần sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ. Ngoài ra, nếu gặp những triệu chứng này thì cần đến bệnh viện kiểm tra ngay.
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
HPV là thủ phạm gây ra hầu hết các ca ung thư cổ tử cung. Một số chủng virus này khiến các tế bào cổ tử cung bình thường trở nên bất thường. Qua vài năm hoặc vài chục năm, những tế bào này có thể trở thành ung thư.
Những phụ nữ mà mẹ sử dụng thuốc diethylstilbestrol (DES) trong thời gian mang bầu có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung. Diethylstilbestrol là một loại estrogen được sử dụng để ngăn ngừa sảy thai.
Tuy nhiên, DES có thể gây hình thành các tế bào bất thường ở cổ tử cung và âm đạo. Do đó mà thuốc này hiện đã bị cấm ở nhiều nơi trên thế giới.
HPV là gì?
HPV là loại virus lây truyền qua đường tình dục, có thể gây ung thư cổ tử cung và mụn cóc sinh dục. Một người có thể bị nhiễm virus này khi quan hệ tình dục đường hậu môn, đường miệng hoặc đường âm đạo. Theo Tổ chức Liên minh Ung thư Cổ tử cung Quốc gia Hoa Kỳ (National Cervical Cancer Coalition), 99% số ca ung thư cổ tử cung là do HPV gây ra.
Có hơn 200 chủng HPV nhưng không phải tất cả đều gây ung thư cổ tử cung. Các chủng HPV được chia thành hai loại là HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao.
HPV-6 và 11 là hai chủng gây mụn cóc sinh dục. Những chủng HPV này không gây ung thư và được xếp vào loại nguy cơ thấp.
HPV-16 và 18 là hai chủng HPV nguy cơ cao. Theo Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (National Cancer Institute), phần lớn các ca bệnh ung thư liên quan đến HPV, gồm có cả ung thư cổ tử cung, đều là do hai chủng này.
Những chủng HPV nguy cơ cao còn có thể gây ra những bệnh ung thư khác như:
- Ung thư hậu môn
- Ung thư vòm họng
- Ung thư âm đạo
- Ung thư âm hộ
Nhiễm HPV là một trong những bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) phổ biến nhất. Tuy nhiên, trong số những phụ nữ bị nhiễm HPV thì chỉ có một tỷ lệ nhỏ bị ung thư cổ tử cung. Virus thường tự biến mất sau hai năm hoặc thậm chí sớm hơn mà không cần điều trị nhưng nhiều người vẫn tiếp tục mang virus trong suốt một thời gian dài sau khi phơi nhiễm.
HPV và ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu không phải lúc nào cũng có các biểu hiện, triệu chứng. Tuy nhiên, có thể kiểm tra sự hiện diện của các tế bào bất thường trong cổ tử cung bằng phương pháp xét nghiệm Pap smear (phết tế bào cổ tử cung) khi đi khám định kỳ hàng năm. Ngoài ra cũng có thể làm xét nghiệm HPV.
Chẩn đoán ung thư cổ tử cung bằng cách nào?
Có thể phát hiện sự hiện diện các tế bào bất thường và có khả năng trở thành ung thư bằng phương pháp xét nghiệm Pap smear hay Pap. Đây là thủ thuật mà bác sĩ dùng tăm bông vô trùng quệt lên cổ tử cung để lấy mẫu tế bào. Sau đó, mẫu tế bào sẽ được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích tìm các tế bào tiền ung thư hoặc ung thư.
Lực lượng đặc nhiệm các dịch vụ phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (The United States Preventive Services Task Force – USPSTF) khuyến nghị phụ nữ trong độ tuổi từ 21 đến 29 nên sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap 3 năm một lần. Phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần hoặc xét nghiệm HPV 5 năm một lần. Nếu làm cả xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV thì có thể thực hiện 5 năm một lần.
Xét nghiệm HPV rất giống với xét nghiệm Pap. Bác sĩ cũng lấy tế bào từ cổ tử cung theo cách tương tự. Các kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm sẽ kiểm tra các tế bào xem có sự hiện diện của vật liệu di truyền liên quan đến HPV hay không, gồm có DNA hoặc RNA của các chủng HPV đã biết.
Ngay cả khi đã tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV thì vẫn nên làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ.
Nên hỏi bác sĩ về tần suất nên làm xét nghiệm Pap. Một số người sẽ cần làm xét nghiệm thường xuyên hơn so với khuyến nghị, ví dụ như những người có hệ miễn dịch bị suy yếu do:
- HIV/AIDS
- Sử dụng steroid trong thời gian dài
- Từng phẫu thuật ghép tạng
- Từng điều trị bằng hoa trị hay xạ trị
Ngoài ra, tùy từng trường hợp mà bác sĩ sẽ có khuyến nghị cụ thể về tần suất nên làm xét nghiệm.
Điều trị ung thư cổ tử cung
Khi được phát hiện ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung có thể được điều trị khỏi và trên thực tế, đây là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao nhất nếu được phát hiện sớm. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, số ca tử vong do ung thư cổ tử cung đã giảm mạnh trong những năm gần đây vì phụ nữ đã nhận thức rõ hơn về tầm quan trọng của việc sàng lọc bằng phương pháp xét nghiệm Pap smear.
Xét nghiệm Pap định kỳ để kiểm tra các tế bào tiền ung thư là một trong những biện pháp phòng ngừa quan trọng và hiệu quả nhất. Tiêm vắc-xin ngừa HPV và xét nghiệm Pap thường xuyên có thể giúp làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.
Làm thế nào để ngăn ngừa HPV và ung thư cổ tử cung?
Phụ nữ có thể giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung bằng cách tránh bị nhiễm HPV. Với những người trong độ tuổi từ 9 đến 45 thì nên tiêm vắc-xin phòng HPV.
Mặc dù hiện có nhiều loại vắc-xin phòng HPV khác nhau nhưng tất cả đều có tác dụng bảo vệ cơ thể chống lại chủng HPV 16 và 18, đây là hai chủng gây ra phần lớn các ca ung thư. Một số loại vắc-xin còn tạo khả năng miễn dịch chống lại nhiều chủng HPV hơn. Nên tiêm vắc-xin trước khi bắt đầu quan hệ tình dục.
Ngoài ra còn có các cách khác để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, gồm có:
- Làm xét nghiệm Pap smear thường xuyên. Hỏi bác sĩ về tần suất nên làm xét nghiệm dựa trên độ tuổi và tình trạng sức khỏe.
- Sử dụng các biện pháp bảo vệ khi quan hệ tình dục, ví dụ như bao cao su và màng chắn miệng.
- Không hút thuốc. Phụ nữ hút thuốc có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn so với những người không hút.
Đôi khi, vì một số lý do nhất định mà phụ nữ sẽ cần phẫu thuật cắt đi cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào bất thường trên cổ tử cung phát triển một cách mất kiểm soát.
Cắt tử cung là quy trình phẫu thuật nhằm loại bỏ tử cung của người phụ nữ.
Mục đích của phương pháp sinh thiết nội mạc tử cung là để chẩn đoán các vấn đề bất thường xảy ra ở tử cung hoặc để loại trừ các bệnh khác.
Việc nhận biết các triệu chứng của ung thư cổ tử cung sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và từ đó có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời.