HPV
HPV là gì?
HPV là viết tắt của Human papillomavirus (virus u nhú ở người). Đây là một loại virus lây truyền từ người sang người qua tiếp xúc da. Có hơn 100 chủng HPV, trong đó có hơn 40 chủng lây truyền qua đường tình dục và ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục, miệng hoặc cổ họng của người nhiễm. Một người có thể bị nhiễm nhiều chủng HPV cùng lúc.
Theo thống kê của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC), nhiễm HPV là bệnh lây truyền qua đường tình dục (STD) phổ biến nhất.
Trên thực tế, virus này phổ biến đến mức hầu hết những người đã từng quan hệ tình dục đều bị nhiễm một chủng HPV nào đó, kể cả khi không quan hệ với người lạ.
Trong đa số các trường hợp thì HPV lây qua đường tình dục không gây ra bất kỳ vấn đề sức khỏe nào. Tuy nhiên, một số chủng HPV lại gây nên mụn cóc sinh dục và thậm chí là ung thư (cổ tử cung, âm đạo, dương vật, hậu môn, cổ họng,…).
Con đường lây nhiễm
HPV lây truyền qua tiếp xúc da trực tiếp. Hầu hết mọi người đều bị nhiễm HPV sinh dục thông qua quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ tình dục qua đường âm đạo, đường hậu môn và đường miệng.
Vì HPV có thể lây truyền khi tiếp xúc da nên kể cả khi quan hệ không xâm nhập thì vẫn có thể bị nhiễm virus.
Rất nhiều người dù bị nhiễm HPV nhưng lại không biểu hiện bất kỳ triệu chứng nào nên không biết rằng mình mắc bệnh. Tuy nhiên, bạn vẫn có thể bị lây bệnh kể cả khi bạn tình của bạn không có biểu hiện bất thường.
Người mẹ bị nhiễm HPV có thể truyền virus sang cho con trong khi sinh. Khi bị nhiễm virus, đứa trẻ có thể sẽ mắc bệnh u nhú tái phát ở đường hô hấp. Đây là tình trạng mà u nhú hình thành bên trong cổ họng hoặc đường hô hấp.
Yếu tố nguy cơ
Bất cứ ai tiếp xúc da trực tiếp với người bị nhiễm HPV đều có nguy cơ bị lây virus. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm tăng nguy cơ lây nhiễm HPV, gồm có:
- Quan hệ với nhiều người
- Quan hệ tình dục qua đường âm đạo, đường miệng hoặc đường hậu môn mà không có biện pháp bảo vệ an toàn
- Hệ miễn dịch bị suy yếu
- Có bạn tình bị nhiễm HPV
Nếu bạn bị nhiễm một chủng HPV nguy cơ cao thì có một số yếu tố khiến cho virus không tự biến mất mà tiếp tục phát triển thành ung thư. Các yếu tố này gồm có:
- Hệ miễn dịch suy yếu
- Mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, chẳng hạn như bệnh lậu, chlamydia và herpes
- Viêm mạn tính
- Từng sinh con nhiều lần (dễ bị ung thư cổ tử cung)
- Sử dụng thuốc tránh thai trong một thời gian dài (dễ bị ung thư cổ tử cung)
- Sử dụng các sản phẩm thuốc lá, bao gồm cả thuốc lá truyền thống và thuốc lá điện tử (ung thư miệng hoặc cổ họng)
- Quan hệ tình dục qua đường hậu môn (ung thư hậu môn)
Triệu chứng nhiễm HPV
Thông thường, người bị nhiễm HPV không gặp phải vấn đề nào về sức khỏe và cũng không bộc lộ triệu chứng.
Trên thực tế, theo CDC, 90% trường hợp bị nhiễm HPV đều tự khỏi trong vòng hai năm. Tuy nhiên, vì virus vẫn còn trong cơ thể trong thời gian này nên người đó vẫn có thể vô tình lan truyền virus cho người khác.
Mặt khác, khi virus không tự biến mất, nó có thể gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, gồm có mụn cóc sinh dục và mụn cóc ở cổ họng (được gọi là bệnh u nhú tái phát ở đường hô hấp).
Ngoài ra, HPV còn có thể gây ra các bệnh ung thư, bao gồm ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, ung thư âm hộ, ung thư dương vật, ung thư hậu môn, ung thư cổ họng hay ung thư đầu cổ.
Các chủng HPV gây mụn cóc khác với các chủng gây ung thư. Vì vậy, việc bị mụn cóc ở bộ phận sinh dục do HPV không có nghĩa là bạn sẽ bị ung thư.
Ung thư do HPV thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi bệnh tiến triển sang các giai đoạn sau. Do đó, nên đi khám sàng lọc thường xuyên để phát hiện sớm các vấn đề sức khỏe liên quan đến HPV. Điều này sẽ giúp tăng triển vọng điều trị và cơ hội sống sót.
HPV ở nam giới
Nhiều nam giới bị nhiễm virus không biểu hiện triệu chứng, nhưng cũng có một số người bị mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Cần đi khám ngay nếu nhận thấy có hiện tượng nổi u cục hoặc xuất hiện vùng tổn thương bất thường trên dương vật, bìu hoặc hậu môn.
Một số chủng HPV còn gây ung thư dương vật, hậu môn và cổ họng ở nam giới. Nguy cơ này tăng cao hơn bình thường ở những người quan hệ tình dục qua đường hậu môn và những người có hệ miễn dịch yếu.
HPV ở phụ nữ
Theo ước tính, có khoảng 80% phụ nữ bị nhiễm ít nhất một chủng HPV trong suốt cuộc đời. Giống như nam giới, nhiều phụ nữ bị nhiễm HPV cũng không gặp bất kỳ biểu hiện bất thường nào và tình trạng nhiễm virus sẽ tự hết mà không gây ra vấn đề về sức khỏe.
Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, HPV lại gây mụn cóc sinh dục ở bên trong âm đạo, trong hoặc xung quanh hậu môn, trên cổ tử cung hoặc âm hộ.
Cần đi khám ngay nếu thấy nổi cục không rõ nguyên nhân trong hoặc xung quanh bộ phận sinh dục.
Một số chủng HPV có thể gây ung thư cổ tử cung hoặc ung thư âm đạo, hậu môn hoặc cổ họng ở phụ nữ. Nên đi khám sàng lọc thường xuyên để phát hiện kịp thời những thay đổi liên quan đến ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, nên làm xét nghiệm DNA trên các tế bào cổ tử cung để phát hiện các chủng HPV gây ung thư ở bộ phận sinh dục.
Xét nghiệm HPV
Phương pháp xét nghiệm HPV ở nam giới và nữ giới là khác nhau.
Xét nghiệm ở nữ giới
Cơ quan y học dự phòng Hoa Kỳ (USPSTF) khuyến cáo phụ nữ nên làm xét nghiệm Pap smear (Pap) hay còn gọi là phết tế bào cổ tử cung lần đầu ở tuổi 21, bất kể đã từng quan hệ tình dục hay chưa.
Việc làm xét nghiệm Pap định kỳ sẽ giúp phát hiện các tế bào bất thường ở phụ nữ. Các tế bào này có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung hoặc các vấn đề khác liên quan đến HPV.
Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi chỉ cần làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần. Từ 30 đến 65 tuổi, phụ nữ nên thực hiện một trong các xét nghiệm sau đây:
- Xét nghiệm Pap smear 3 năm một lần
- Xét nghiệm HPV 5 năm một lần. Phương pháp này giúp phát hiện các chủng HPV nguy cơ cao (High-risk HPV)
- Làm cả hai xét nghiệm cùng lúc 5 năm một lần. Bộ hai xét nghiệm này được gọi là Co-testing.
Nếu chưa đến 30 tuổi và kết quả xét nghiệm Pap không bình thường thì có thể bạn sẽ cần làm tiếp xét nghiệm HPV.
Có ít nhất 14 chủng HPV có thể gây ung thư. Nếu bạn bị nhiễm một trong các chủng này thì bạn sẽ cần phải làm xét nghiệm Pap thường xuyên hơn để bác sĩ theo dõi, phát hiện những thay đổi bất thường ở cổ tử cung.
Ngoài ra có thể cần thực hiện thêm các phương pháp chẩn đoán khác, chẳng hạn như soi cổ tử cung.
Thông thường, phải nhiều năm sau khi nhiễm virus thì những thay đổi tiền ung thư ở cổ tử cung mới xuất hiện và đa phần thì HPV thường tự biến mất mà không gây ung thư. Do đó, khi phát hiện tế bào bất thường thì nên theo dõi sát sao trước thay vì tiến hành điều trị ngay.
Xét nghiệm ở nam giới
Xét nghiệm DNA HPV chỉ được áp dụng để phát hiện HPV ở phụ nữ. Hiện tại vẫn chưa có xét nghiệm nào được FDA chấp thuận để chẩn đoán HPV ở nam giới.
Bên cạnh đó, việc đi khám sàng lọc ung thư hậu môn, ung thư cổ họng hoặc ung thư dương vật ở nam giới là điều chưa được CDC khuyến nghị.
Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao mắc ung thư hậu môn có thể làm xét nghiệm Pap smear hậu môn để phát hiện bệnh từ sớm. Những đối tượng có nguy cơ này là nam giới quan hệ tình dục qua đường hậu môn và những người nhiễm HIV.
Phương pháp điều trị khi nhiễm HPV
Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều tự khỏi, vì vậy nên không cần điều trị và hiện nay cũng không có biện pháp điều trị HPV. Thay vào đó, người bị nhiễm HPV nên làm xét nghiệm lại sau khoảng một năm để kiểm tra xem HPV có còn tồn tại trong cơ thể hay không và có bất kỳ biến đổi bất thường nào ở tế bàocần theo dõi thêm không.
Nếu HPV gây mụn cóc sinh dục thì có thể điều trị bằng thuốc kê đơn, loại bỏ mụn cóc bằng cách đốt điện hoặc đóng băng bằng nitơ lỏng. Tuy nhiên, việc loại bỏ mụn cóc bằng các phương pháp này đều không điều trị được vi-rút và sau điều trị, mụn cóc vẫn có thể quay trở lại.
Các tế bào tiền ung thư do HPV có thể được loại bỏ bằng một thủ thuật nhanh chóng, đơn giản. Khi HPV gây bệnh ung thư thì sẽ điều trị bằng các phương pháp như hóa trị, xạ trị hoặc phẫu thuật. Đôi khi, một người sẽ cần điều trị bằng nhiều phương pháp cùng lúc.
Hiện tại vẫn chưa có bất kỳ phương pháp điều trị thay thế nào dành cho những trường hợp nhiễm HPV.
Việc khám sàng lọc HPV định kỳ và tầm soát ung thư cổ tử cung là điều rất quan trọng để phát hiện, theo dõi và điều trị kịp thời các vấn đề sức khỏe do nhiễm HPV.
>>> Các phương pháp điều trị khi nhiễm HPV
Ngăn ngừa nhiễm HPV
Cách đơn giản nhất để tránh bị nhiễm HPV là sử dụng bao cao su cũng như là những biện pháp an toàn khác khi quan hệ tình dục.
Ngoài ra, tiêm vắc-xin để phòng ngừa mụn cóc và các bệnh ung thư do HPV gây ra.
CDC khuyến nghị nên tiêm vắc-xin này ở độ tuổi 11 - 12. Vắc-xin gồm có hai mũi, được tiêm cách nhau ít nhất 6 tháng. Người trong độ tuổi từ 15 đến 26 cũng có thể tiêm nhưng sẽ cần tiêm ba mũi.
Ngoài ra, những người trong độ tuổi từ 27 đến 45 chưa từng tiêm vắc-xin ngừa HPV cũng có thể tiêm Gardasil 9.
Để ngăn ngừa các vấn đề sức khỏe liên quan đến HPV, bạn nên đi khám sức khỏe, sàng lọc và xét nghiệm Pap smear định kỳ.
>>> Những ưu và nhược điểm của việc tiêm vắc-xin HPV
HPV ở phụ nữ có thai
Việc bị nhiễm HPV không ảnh hưởng gì đến khả năng mang thai. Nhưng nếu bạn bị nhiễm HPV và đang mang thai thì nên chờ cho đến khi sinh con xong mới bắt đầu điều trị. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nhiễm HPV có thể gây ra các vấn đề trong thai kỳ.
Sự thay đổi nội tiết tố diễn ra trong thai kỳ có thể gây hình thành mụn cóc sinh dục và trong một số trường hợp, những mụn cóc này còn chảy máu. Nếu mụn cóc sinh dục lan rộng, chúng sẽ gây khó khăn cho việc sinh thường. Do đó, khi bị mụn cóc sinh dục thì thai phụ thường phải sinh mổ.
Trong một số ít trường hợp, phụ nữ bị nhiễm HPV truyền virus sang cho con. Khi điều này xảy ra, trẻ có thể sẽ bị mắc một vấn đề hiếm gặp nhưng nghiêm trọng gọi là bệnh u nhú tái phát ở đường hô hấp (hay còn gọi là u nhú thanh quản). Khi mắc bệnh lý này, các khối u lành (không phải ung thư), gọi là u nhú hình thành trong đường dẫn khí từ miệng và mũi đến phổi.
Những thay đổi ở cổ tử cung do HPV vẫn có thể xảy ra trong thai kỳ, vì vậy bạn nên tiếp tục đi khám sàng lọc ung thư cổ tử cung và HPV trong thời gian mang bầu.
Tìm hiểu thêm về nhiễm HPV ở phụ nữ mang thai
- Thông tin về bảng giá HPV
- Hỏi đáp về HPV
- Video HPV của các khách hàng
- Hình ảnh trước sau HPV