1

Ung Thư Cổ Tử Cung

Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung là một loại ung thư bắt đầu phát triển ở cổ tử cung. Cổ tử cung là bộ phận có hình trụ rỗng, nối phần dưới của tử cung với âm đạo. Hầu hết các bệnh ung thư cổ tử cung đều bắt đầu hình thành ở các tế bào trên bề mặt cổ tử cung. Nguyên nhân gây ra hầu hết các ca ung thư cổ tử cung là do một số chủng human papillomavirus (HPV) - một virus lây qua đường tình dục.

Khi nhiễm HPV, đa phần cơ thể đều có thể ngăn chặn và tấn công virus. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, virus lại có khả năng tồn tại trong suốt nhiều năm và khiến tế bào cổ tử cung trở thành tế bào ung thư.

Bạn có thể giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung bằng cách khám sàng lọc và tiêm vắc-xin ngăn ngừa HPV.

Ung thư cổ tử cung đã từng là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ nhưng hiện nay điều này đã có cải thiện đáng kể nhờ vắc-xin và các phương pháp xét nghiệm sàng lọc.

Triệu chứng ung thư cổ tử cung

Nhiều phụ nữ bị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu không hề hay biết là mình mắc bệnh vì bệnh này thường không biểu hiện triệu chứng cho đến khi tiến triển sang giai đoạn muộn. Và khi các triệu chứng xuất hiện thì lại dễ bị nhầm với triệu chứng của các vấn đề phổ biến khác như nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) hay kinh nguyệt.

Các triệu chứng điển hình của ung thư cổ tử cung gồm có:

  • Chảy máu âm đạo bất thường, ví dụ như ra máu giữa các kỳ kinh, sau khi quan hệ hoặc sau mãn kinh.
  • Kỳ kinh nguyệt dài hơn và ra máu nhiều hơn bình thường
  • Chảy máu sau khi quan hệ, thụt rửa hoặc khám phụ khoa
  • Dịch âm đạo có kết cấu hoặc mùi khác với bình thường
  • Xuất hiện các cơn đau ở vùng chậu và/hoặc ở lưng không rõ nguyên nhân
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Đau khi đi tiểu

Nếu nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào trong số này thì cần đi khám bác sĩ phụ khoa ngay.

Triệu chứng ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối

Nếu ung thư lan ra khỏi cổ tử cung vào các mô và cơ quan xung quanh thì sẽ còn gây ra các triệu chứng khác như:

  • Đau ở vùng lưng dưới hoặc vùng chậu
  • Đau dữ dội ở bên hông hoặc lưng do chức năng thận bị ảnh hưởng
  • Táo bón
  • Tiểu tiện hoặc đại tiện nhiều hơn bình thường
  • Tiểu không tự chủ do bàng quang mất kiểm soát hoặc đại tiện không tự chủ do ruột mất kiểm soát
  • Lẫn máu trong nước tiểu
  • Sưng nề một hoặc cả hai bàn chân
  • Chảy máu âm đạo nghiêm trọng

Các loại ung thư cổ tử cung

Loại ung thư cổ tử cung là yếu tố xác định phác đồ điều trị và tiên lượng của người bệnh. Các loại ung thư cổ tử cung chính gồm có:

  • Ung thư biểu mô tế bào vảy: Loại ung thư cổ tử cung này bắt đầu hình thành trong các tế bào mỏng, phẳng (tế bào vảy) lót phần bên ngoài của cổ tử cung (phần hướng vào âm đạo). Hầu hết các ca ung thư cổ tử cung là ung thư biểu mô tế bào vảy.
  • Ung thư biểu mô tuyến: Loại ung thư cổ tử cung này bắt đầu hình thành trong các tế bào tuyến – các tế bào bao phủ dọc theo ống cổ tử cung.

Đôi khi, ung thư cổ tử cung xảy ra ở cả hai loại tế bào này. Rất hiếm khi ung thư xảy ra ở các tế bào khác trong cổ tử cung.

Các giai đoạn ung thư cổ tử cung

Sau khi đưa ra chẩn đoán ung thư cổ tử cung, bác sĩ sẽ xác định giai đoạn ung thư để biết ung thư đã lan rộng hay chưa và nếu có thì đã lan rộng bao xa. Dựa trên giai đoạn ung thư cụ thể, bác sĩ sẽ đưa ra được phác đồ điều trị thích hợp.

Ung thư cổ tử cung gồm có 4 giai đoạn:

Giai đoạn I: Ung thư đã lan từ niêm mạc cổ tử cung vào lớp mô sâu hơn nhưng vẫn chỉ giới hạn trong tử cung chứ chưa lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Giai đoạn này được chia thành giai đoạn IA và IB.

  • Giai đoạn IA: Ung thư được chẩn đoán bằng cách quan sát mô hoặc tế bào cổ tử cung dưới kính hiển vi. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh hoặc xét nghiệm mẫu mô cũng được sử dụng để xác định kích thước khối u.
  • Giai đoạn IA1: Khối u có độ sâu dưới 3mm.
  • Giai đoạn IA2: Khối u có độ sâu từ 3mm đến dưới 5mm.
  • Giai đoạn IB: Ở giai đoạn này, khối u đã phát triển lớn hơn nhưng vẫn chỉ giới hạn ở cổ tử cung chứ chưa lan ra xa.
  • Giai đoạn IB1: Khối u sâu 5mm trở lên và chiều rộng dưới 2cm.
  • Giai đoạn IB2: Khối u có độ sâu từ 2cm trở lên và rộng dưới 4cm.
  • Giai đoạn IB3: Khối u có chiều rộng từ 4cm trở lên.

Giai đoạn II: Ung thư đã lan ra ngoài tử cung đến các khu vực lân cận, chẳng hạn như hạch bạch huyết, âm đạo hoặc vùng mô gần cổ tử cung, nhưng vẫn giới hạn trong vùng chậu chứ chưa lan sang các bộ phận khác của cơ thể. Giai đoạn này được chia thành các giai đoạn nhỏ hơn như sau:

  • Giai đoạn IIA: Khối u nằm giới hạn ở hai phần ba bên trên của âm đạo, chưa lan đến vùng mô bên cạnh cổ tử cung, gọi là mô cận tử cung.
  • Giai đoạn IIA1: Khối u rộng dưới 4cm.
  • Giai đoạn IIA2: Khối u có chiều rộng từ 4cm trở lên.
  • Giai đoạn IIB: Tế bào ung thư đã lan đến vùng mô cận tử cung nhưng chưa đến thành chậu.

Giai đoạn III:

  • Giai đoạn IIIA: Ung thư phát triển đến phần dưới của âm đạo nhưng chưa lan đến thành chậu.
  • Giai đoạn IIIB: Ung thư đã phát triển đến thành chậu và/hoặc chặn ống niệu quản, khiến thận bị phình to.
  • Giai đoạn IIIC: Ung thư lan sang các hạch bạch huyết trong vùng chậu và chèn lên niệu quản (ống dẫn nước tiểu từ thận đến bàng quang), khiến thận phình to, ứ nước và ngăn cản hoạt động bình thường của thận
  • Giai đoạn IIIC1: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết ở khoang chậu.
  • Giai đoạn IIIC2: Ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết quanh động mạch chủ. Các hạch bạch huyết này nằm ở ở vùng bụng gần đốt sống lưng cuối và gần động mạch chủ - mạch máu chính nối từ tim đến bụng.

Giai đoạn IV

  • Giai đoạn IVA: Ung thư đã lan đến bàng quang hoặc trực tràng, nhưng chưa di căn sang các bộ phận ở xa của cơ thể.
  • Giai đoạn IVB: Ung thư đã di căn đến các bộ phận ở xa của cơ thể.

Nguyên nhân ung thư cổ tử cung

Hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung là do human papillomavirus hay HPV (virus u nhú ở người) – một loại virus lây truyền qua đường tình dục – gây nên. Đây cũng là loại virus gây mụn cóc sinh dục và một số loại ung thư khác.

Tuy nhiên, không phải ai bị nhiễm HPV cũng đều sẽ mắc ung thư bởi có khoảng 200 chủng HPV khác nhau và chỉ có một số chủng gây ung thư cổ tử cung. Hai chủng phổ biến nhất gây ung thư cổ tử cung là HPV 16 và HPV 18.

Hơn nữa, khi nhiễm virus, hệ miễn dịch cơ thể sẽ có cơ chế tấn công và loại bỏ virus, thường là trong thời gian khoảng 2 năm. Do vậy mà trong đa số các trường hợp thì HPV đều vô hại. Tuy nhiên, đôi khi, cơ thể lại không thể tấn công và HPV gây ung thư.

Ngoài ung thư cổ tử cung, HPV còn có thể gây ra các loại ung thư khác ở phụ nữ và nam giới như:

  • Ung thư âm hộ
  • Ung thư âm đạo
  • Ung thư dương vật
  • Ung thư hậu môn
  • Ung thư trực tràng
  • Ung thư vòm họng

Nhiễm HPV là một bệnh nhiễm trùng rất phổ biến.

Yếu tố nguy cơ ung thư cổ tử cung

Nhiễm HPV là yếu tố nguy cơ lớn nhất của bệnh ung thư cổ tử cung. Ngoài ra còn có các yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư này như:

  • Quan hệ với nhiều người: Quan hệ với càng nhiều người thì khả năng bị nhiễm HPV càng cao. Nguy cơ sẽ càng tăng cao hơn nếu như bạn tình của bạn lại quan hệ tình dục với nhiều người khác.
  • Nhiễm HIV: HIV là virus gây suy giảm hệ miễn dịch và những phụ nữ bị HIV/AIDS có nguy cơ nhiễm HPV cao hơn.
  • Quan hệ tình dục sớm: Quan hệ tình dục từ quá sớm sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
  • Các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục khác (STI): Việc mắc các bệnh STI khác, chẳng hạn như chlamydia, lậu, giang mai và HIV/AIDS sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm HPV.
  • Hệ miễn dịch bị suy yếu: Bạn sẽ có khả năng mắc ung thư cổ tử cung cao nếu bị nhiễm HPV và hệ miễn dịch bị suy yếu do một vấn đề về sức khỏe khác.
  • Hút thuốc: Hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư tế bào vảy cổ tử cung.
  • Béo phì: Chỉ số khối cơ thể (BMI) cao hay thừa cân, béo phì cũng là một yếu tố làm tăng khả năng ung thư cổ tử cung.
  • Tiền sử gia đình bị ung thư cổ tử cung: Nếu có một người thân trong gia đình như bà hay mẹ mắc ung thư cổ tử cung thì bạn sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn từ 2 – 3 lần so với người bình thường.
  • Uống thuốc tránh thai trong thời gian dài: Việc dùng thuốc tránh thai trong vòng 5 năm trở lên sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ ung thư cổ tử cung. Ngược lại, việc dùng vòng tránh thai lại làm giảm nguy cơ.
  • Mang thai đủ tháng 3 lần trở lên: Những phụ nữ đã mang thai đủ tháng từ 3 lần trở lên có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn gần gấp 3 lần bình thường.
  • Mang thai lần đầu trước 17 tuổi: Nhưng phụ nữ mang thai lần đầu khi chưa đến 17 tuổi có khả năng bị ung thư cổ tử cung cao gấp đôi so với những phụ nữ mang thai sau 25 tuổi.
  • Chế độ ăn ít rau và trái cây cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Tầm soát và chẩn đoán

Tầm soát

Các xét nghiệm tầm soát giúp phát hiện ung thư cổ tử cung và các tế bào tiền ung thư (tế bào có thể phát triển thành ung thư) ngay cả khi chưa có triệu chứng. Phụ nữ được khuyến nghị bắt đầu khám tầm soát ung thư cổ tử cung và những thay đổi tiền ung thư ở tuổi 21.

Các xét nghiệm tầm soát gồm có:

  • Xét nghiệm Pap smear: Đây là phương pháp mà bác sĩ lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung, sau đó kiểm tra trong phòng thí nghiệm để phát hiện những điểm bất thường. Xét nghiệm Pap giúp phát hiện các tế bào bất thường trong cổ tử cung, bao gồm cả các tế bào ung thư và các tế bào tiền ung thư.
  • Xét nghiệm HPV – DNA: Xét nghiệm HPV - DNA là phương pháp xét nghiệm các tế bào được lấy từ cổ tử cung để phát hiện các chủng HPV có khả năng gây ung thư cổ tử cung.

Chẩn đoán

Nếu bạn đã có những dấu hiệu nghi ngờ là ung thư cổ tử cung thì bác sĩ sẽ thăm khám kỹ lưỡng cổ tử cung. Bác sĩ sẽ sử dụng thiết bị soi cổ tử cung để phát hiện các tế bào bất thường.

Trong quá trình soi cổ tử cung, bác sĩ sẽ lấy mẫu tế bào (sinh thiết) để làm xét nghiệm phân tích. Để lấy mẫu mô, bác sĩ sẽ sử dụng một trong các kỹ thuật sau:

  • Sinh thiết bấm (punch biopsy): dùng một dụng cụ sắc để lấy mẫu mô nhỏ trên cổ tử cung.
  • Nạo kênh cổ tử cung (Endocervical curettage): sử dụng một dụng cụ nhỏ giống như chiếc thìa và bàn chải mảnh để nạo lấy một mẫu mô từ cổ tử cung.
  • Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP), dao điện hoặc laser: sử dụng dao điện, dây điện mảnh, điện áp thấp hoặc laser để lấy mẫu mô. Quy trình này được thực hiện với phương pháp gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân.

Xác định giai đoạn

Khi đã được kết luận ung thư cổ tử cung, bạn sẽ cần làm thêm một số xét nghiệm để xác định giai đoạn (mức độ lan rộng) của ung thư. Giai đoạn ung thư là một yếu tố quan trọng trong việc quyết định phác đồ điều trị.

Các phương pháp được dùng để xác định giai đoạn ung thư gồm có:

  • Chẩn đoán hình ảnh. Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, CT scan, MRI và chụp PET giúp bác sĩ xác định được ung thư đã lan ra bên ngoài cổ tử cung hay chưa.
  • Kiểm tra trực quan bàng quang và trực tràng: Bác sĩ sử dụng ống soi để quan sát bên trong bàng quang và trực tràng.

Xét nghiệm Pap smear

Pap smear (Pap) hay phết tế bào cổ tử cung là một phương pháp xét nghiệm mà bác sĩ sử dụng để chẩn đoán ung thư cổ tử cung. Trong quy trình làm xét nghiệm này, bác sĩ sẽ lấy một mẫu tế bào từ bề mặt cổ tử cung. Mẫu bệnh phẩm này sau đó được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích nhằm tìm ra các thay đổi tiền ung thư hoặc ung thư.

Nếu phát hiện thấy những thay đổi bất thường, bác sĩ sẽ yêu cầu soi cổ tử cung để kiểm tra cổ tử cung. Trong quá trình soi cổ tử cung, bác sĩ sẽ tiếp tục lấy mẫu tế bào cổ tử cung để xét nghiệm thêm.

Dưới đây là hướng dẫn về xét nghiệm Pap smear cho phụ nữ theo từng độ tuổi:

  • Từ 21 đến 29: làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần.
  • Từ 30 đến 65: làm xét nghiệm Pap smear 3 năm một lần, xét nghiệm HPV nguy cơ cao (hrHPV) 5 năm một lần hoặc xét nghiệm Pap smear kết hợp xét nghiệm hrHPV 5 năm một lần.

Điều trị ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh hoàn toàn có thể điều trị được nếu phát hiện sớm. Có các phương pháp điều trị chính như sau:

  • Phẫu thuật
  • Xạ trị
  • Hóa trị
  • Liệu pháp nhắm trúng đích
  • Liệu pháp miễn dịch

Đôi khi những phương pháp này được kết hợp cùng nhau để tăng hiệu quả điều trị.

Phẫu thuật

Mục đích của phương pháp phẫu thuật là loại bỏ tế bào ung thư một cách tối đa. Trong một số trường hợp thì chỉ cần loại bỏ khối u và vùng mô xung quanh. Với các trường hợp ung thư lan rộng hơn thì sẽ cần cắt bỏ tử cung, cổ tử cung và đôi khi là cả các cơ quan khác trong khung chậu.

Phương pháp phẫu thuật mà bác sĩ chỉ định sẽ phụ thuộc vào mức độ lan rộng của ung thư:

  • Phẫu thuật lạnh (Cryosurgery): đây là kỹ thuật đóng băng và tiêu diệt các tế bào ung thư bằng một đầu dò được đưa vào trong cổ tử cung.
  • Phá hủy các tế bào ung thư bằng laser.
  • Phẫu thuật cắt bỏ khối u: Đối với những trường hợp mới chỉ có khối u nhỏ ở cổ tử cung thì có thể loại bỏ hoàn toàn khối u và vùng mô xung quanh bằng phương pháp khoét chóp cổ tử cung. Đây là kỹ thuật cắt bỏ một phần mô hình nón của cổ tử cung và vẫn giữ nguyên phần còn lại. Phương pháp này giúp người bệnh vẫn có thể mang thai trong tương lai. Quy trình này có thể được thực hiện bằng dao phẫu thuật, laser hoặc bằng vòng điện (LEEP).
  • Cắt cổ tử cung: Ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu có thể được điều trị bằng thủ thuật cắt cổ tử cung, có nghĩa là chỉ cắt cổ tử cung và giữ nguyên tử cung, ngoài ra có thể bóc một số hạch bạch huyết vùng chậu. Vì vẫn còn tử cung sau phẫu thuật nên người bệnh vẫn có thể mang thai.
  • Cắt tử cung: Cắt tử cung là phương pháp phẫu thuật cắt tử cung và cổ tử cung. Có thể chỉ cắt tử cung và cổ tử cung hoặc cắt cả tử cung, cổ tử cung, phần âm đạo trên, hạch bạch huyết và mô xung quanh cổ tử cung (cắt tử cung triệt để). Quy trình phẫu thuật này có thể được thực hiện qua đường rạch mở trên thành bụng hoặc qua đường rạch nhỏ để phẫu thuật nội soi hay phẫu thuật bằng robot. Nếu cần thiết, bác sĩ có thể còn cắt cả hai ống dẫn trứng và buồng trứng.

Đối với các trường hợp mà ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung thì sẽ cần phẫu thuật cắt các cơ quan vùng chậu. Trong ca phẫu thuật này, bác sĩ loại bỏ các cơ quan trong khoang chậu như tử cung, âm đạo, đại tràng dưới, trực tràng hoặc bàng quang nếu tế bào ung thư đã di căn từ cổ tử cung đến các cơ quan này. Phương pháp này thường được sử dụng cho những người bị ung thư tái phát sau khi xạ trị.

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm tia phóng xạ mạnh, như tia X hoặc proton, để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị thường được kết hợp với hóa trị liệu và là phương pháp điều trị chính cho các trường hợp ung thư cổ tử cung tiến triển cục bộ. Xạ trị cũng có thể được tiến hành sau phẫu thuật để tiêu diệt nốt các tế bào ung thư còn sót lại.

Có hai loại xạ trị là:

  • Xạ trị chùm tia bên ngoài: hướng chùm bức xạ từ thiết bị bên ngoài vào vị trí có khối u trong cơ thể.
  • Xạ trị bên trong hay xạ trị áp sát: đưa trực tiếp nguồn phóng xạ vào gần khối u.

Đôi khi người bệnh cần kết hợp cả xạ trị bên ngoài và xạ trị bên trong.

Nếu bạn chưa mãn kinh thì việc xạ trị có thể khiến cơ thể bắt đầu bước vào thời kỳ mãn kinh. Nếu như còn có ý định mang thai sau này thì có thể hỏi bác sĩ về phương pháp bảo quản trứng trước khi bắt đầu điều trị.

Hóa trị

Hóa trị là phương pháp sử dụng các loại hóa chất để tiêu diệt tế bào ung thư. Hóa chất có thể được truyền qua đường tĩnh mạch hoặc dùng qua đường uống ở dạng thuốc viên. Đôi khi cần kết hợp cả thuốc viên và thuốc truyền tĩnh mạch để có hiệu quả cao nhất.

Đối với ung thư cổ tử cung tiến triển cục bộ, hóa trị liệu liều thấp thường được kết hợp với xạ trị, vì hóa trị có thể làm tăng tác dụng của bức xạ. Thuốc hóa trị liều cao thường được chỉ định để kiểm soát triệu chứng của các trường hợp ung thư giai đoạn cuối.

Liệu pháp nhắm trúng đích

Đây là phương pháp điều trị bằng các loại thuốc tập trung vào những điểm yếu cụ thể của tế bào ung thư. Bằng cách can thiệp vào những điểm yếu này, các loại thuốc nhắm trúng đích sẽ tiêu diệt được tế bào ung thư. Liệu pháp nhắm trúng đích thường được kết hợp với hóa trị và là phương pháp điều trị cho những trường hợp ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.

Các trường hợp mà ung thư cổ tử cung quay trở lại sau điều trị, được gọi là ung thư tái phát hoặc nếu ung thư lan từ cổ tử cung ra ngoài khoang chậu (di căn) thường cần điều trị bằng hóa trị liệu có platinum (bạch kim) kết hợp với liệu pháp nhắm trúng đích bằng thuốc bevacizumab (Avastin). Bevacizumab (Avastin) là một loại thuốc mới hoạt động theo cơ chế khác với hóa trị và xạ trị. Thuốc này ngăn cản sự phát triển của các mạch máu mới, từ đó cắt đứt nguồn cung cấp dinh dưỡng nuôi tế bào ung thư phát triển và tồn tại. Có 2 loại thuốc tương tự như bevacizumab là bevacizumab-awwb (Mvasi) và bevacizumab-bvzr (Zirabev) đều đã được FDA chấp thuận để điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn cuối.

Liệu pháp miễn dịch

Liệu pháp miễn dịch là phương pháp sử dụng các loại thuốc để giúp hệ miễn dịch chống lại tế bào ung thư. Hệ miễn dịch vốn có vai trò chống lại bệnh tật bằng cách phát hiện và tiêu diệt các tác nhân gây hại như vi khuẩn hay virus xâm nhập từ bên ngoài. Tuy nhiên, đôi khi, hệ miễn dịch lại không thể tiêu diệt tế bào ung thư vì các tế bào này có khả năng tạo ra các protein khiến tế bào miễn dịch không thể phát hiện và tấn công. Liệu pháp miễn dịch hoạt động với cơ chế can thiệp và ngăn cản khả năng này của tế bào ung thư. Đối với ung thư cổ tử cung, liệu pháp miễn dịch thường được sử dụng cho những trường hợp ung thư giai đoạn cuối và khi các phương pháp điều trị khác không hiệu quả.

Tiên lượng khi mắc ung thư cổ tử cung

Đối với ung thư cổ tử cung ở giai đoạn đầu, khi mà tế bào ung thư vẫn còn giới hạn ở cổ tử cung thì tỷ lệ sống 5 năm (sống được thêm ít nhất 5 năm kể từ khi chẩn đoán) là 92%.

Khi ung thư đã lan rộng sang các cơ quan trong vùng chậu thì tỷ lệ sống 5 năm giảm xuống còn 56%. Khi tế bào ung thư lan đến các bộ phận ở xa trong cơ thể thì lúc này tỷ lệ sống 5 năm chỉ còn 17%.

Do đó, việc khám tầm soát ung thư thường xuyên là điều rất quan trọng để có thể phát hiện bệnh từ sớm, điều trị kịp thời và từ đó cải thiện triển vọng sống cho phụ nữ mắc ung thư cổ tử cung. Khi căn bệnh này được phát hiện sớm thì hoàn toàn có thể chữa khỏi được.

Phòng ngừa ung thư cổ tử cung

Một trong những cách để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là làm xét nghiệm Pap smear và xét nghiệm HPV thường xuyên. Khám tầm soát ung thư định kỳ sẽ giúp phát hiện các tế bào tiền ung thư và điều trị trước khi chúng trở thành tế bào ung thư.

HPV là nguyên nhân của hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung và có thể ngăn ngừa virus này gây ung thư bằng cách tiêm vắc-xin. Hiện nay có hai loại vắc-xin phòng ngừa HPV và ung thư cổ tử cung là Gardasil và Cervarix. Tốt nhất nên tiêm trước khi quan hệ tình dục lần đầu. Vắc-xin HPV được khuyến nghị cho cả nam và nữ trong độ tuổi từ 9 – 26.

Dưới đây là một số cách khác để giảm nguy cơ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung:

  • Hạn chế tối đa số lượng bạn tình
  • Luôn sử dụng bao cao su cũng như là các biện pháp bảo vệ khác khi quan hệ tình dục, bất kể là qua đường âm đạo, đường miệng hay đường hậu môn.
  • Không hút thuốc: Hút thuốc là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung nên nếu đang hút thuốc thì cần bỏ ngay.

Ung thư cổ tử cung trong thai kỳ

Bệnh ung thư cổ tử cung rất hiếm khi được chẩn đoán ở phụ nữ mang thai, tuy nhiên điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Hầu hết phụ nữ mang thai mắc ung thư cổ tử cung đều được phát hiện ở giai đoạn đầu.

Việc điều trị ung thư trong thời gian đang mang thai sẽ phức tạp hơn so với ở người bình thường. Bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cụ thể dựa trên giai đoạn ung thư và tháng của thai kỳ tại thời điểm chẩn đoán.

Nếu ung thư mới ở giai đoạn đầu thì có thể chờ đến khi sinh xong rồi bắt đầu điều trị. Bác sĩ sẽ chỉ định sinh sớm nhất có thể, ngay khi thai nhi có thể nuôi sống bên ngoài tử cung người mẹ.

Đối với những trường hợp ung thư đã tiến triển sang giai đoạn sau và cần phẫu thuật cắt tử cung hoặc xạ trị thì thai phụ và người nhà sẽ cần phải đưa ra quyết định tiếp tục mang thai hay tiếp nhận điều trị.

 

Tổng số điểm của bài viết là: 40 trong 9 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Video Ung Thư Cổ Tử Cung

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây