1

Có nên tiêm vắc-xin HPV không?

Vắc-xin HPV có tác dụng gì Những ai cần tiêm? Cần tiêm mấy mũi? Vắc-xin có gây hại gì không? Dưới đây là giải đáp cho một số thắc mắc chung về vắc-xin HPV.
HPV vaccine Có nên tiêm vắc-xin HPV không?

Tại sao cần tiêm vắc-xin HPV?

HPV (human papillomavirus hay virus u nhú ở người) là một virus lây qua tiếp xúc trực tiếp và qua con đường quan hệ tình dục. Có hơn 200 chủng HPV khác nhau. Đa số chúng ta đều bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời nhưng virus này đa phần không gây ra vấn đề gì. Tuy nhiên, một số chủng HPV lại gây ra các vấn đề như mụn cóc sinh dục hoặc gây ung thư. Những chủng gây ung thư được gọi là HPV nguy cơ cao. Trên thực tế, hầu hết các ca bệnh ung thư cổ tử cung đều là do HPV mà cụ thể là HPV 16 và 18 gây nên. Việc tiêm vắc-xin HPV nhằm mục đích bảo vệ chống lại virus và ngăn ngừa các bệnh do virus này gây ra.

Các loại vắc-xin HPV

Có hai loại vắc-xin HPV là Gardasil và Cervarix.

Gardasil

Chủng HPV ngăn ngừa

Các chủng HPV mà vắc-xin Gardasil ngăn ngừa gồm có HPV 6, 11, 16 và 18. Hiện nay còn có loại vắc-xin mới là Gardasil 9 có khả năng bảo vệ chống lại 9 chủng HPV là 6, 11, 16, 19, 31, 33, 45, 52 và 58. HPV 16 và HPV 18 là hai loại mạnh nhất và là nguyên nhân chủ yếu gây ung thư cổ tử cung.

Liều tiêm

Gardasil cần tiêm ba mũi trong vòng 6 tháng. Mũi tiêm thứ hai cách mũi đầu 2 tháng và mũi cuối cùng được tiêm 4 tháng cách mũi thứ hai, có nghĩa là 6 tháng tính từ mũi đầu.

Mỗi người cần phải tiêm đủ ba mũi để vắc-xin phát huy hiệu quả tối đa nhưng người dưới 14 tuổi có thể chỉ cần tiêm 2 mũi.

Đối tượng

Vắc-xin Gardasil được khuyến nghị cho bé gái và phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung, âm hộ, âm đạo và hậu môn, mụn cóc sinh dục do HPV chủng 6 và 11 cũng như là một số tổn thương tiền ung thư ở hậu môn.

Vắc-xin này cũng được sử dụng cho nam giới trong độ tuổi này để ngăn ngừa ung thư hậu môn do các chủng HPV 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58 cũng như là mụn cóc sinh dục và tổn thương hậu môn tiền ung thư.

Ceravix

Chủng HPV ngăn ngừa

Các chủng HPV mà vắc-xin Ceravix ngăn ngừa gồm có HPV 16 và 18.

Liều tiêm

Giống như Gardasil, Cervarix cũng được tiêm 3 mũi trong thời gian 6 tháng, nhưng mũi thứ hai cách mũi thứ nhất 1 tháng và mũi thứ ba cách mũi thứ hai 5 tháng. Mỗi người cũng cần tiêm đủ cả 3 mũi để có được sự bảo vệ tối đa.

Đối tượng

Ceravix được FDA phê chuẩn cho các bé gái và phụ nữ từ 9 đến 25 tuổi để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung.

Vắc-xin HPV có hiệu quả không?

Những vắc-xin này đều có hiệu quả rất cao trong việc chống lại các chủng HPV mà vắc-xin nhắm đến nếu được tiêm trước khi phơi nhiễm virus. Ngoài ung thư cổ tử cung, các vắc-xin này còn có thể ngăn ngừa ung thư âm đạo và ung thư âm hộ ở phụ nữ, mụn cóc sinh dục và ung thư hậu môn ở cả phụ nữ và nam giới.

Việc tiêm vắc-xin cho nam giới cũng có tác dụng bảo vệ phụ nữ không bị nhiễm vi-rút bằng cách giảm thiểu sự lây truyền khi quan hệ. Một số chủng HPV còn gây ung thư ở vùng miệng và họng, do vậy mà vắc-xin HPV còn có tác dụng ngăn ngừa các loại ung thư này.

Ai cần tiêm vắc-xin HPV và nên tiêm khi nào?

Vắc-xin HPV được khuyến nghị tiêm cho bé gái và bé trai từ 11 đến 12 tuổi nhưng cũng có thể tiêm ngay từ khi 9 tuổi. Tốt nhất là nên tiêm vắc-xin trước khi quan hệ tình dục và tiếp xúc với vi-rút.

Khi đã bị nhiễm HPV mới tiêm thì vắc-xin sẽ không hiệu quả như khi tiêm trước phơi nhiễm hoặc hoàn toàn không có tác dụng gì. Ngoài ra, đáp ứng với vắc-xin ở người trẻ tuổi thường cao hơn người lớn tuổi.

Trẻ dưới 14 tuổi có thể tiêm hai mũi cách nhau ít nhất 6 tháng thay vì liều 3 mũi. Vắc-xin HPV có thể được tiêm đến năm 26 tuổi đối với những người chưa tiêm đầy đủ trước đó và người từ 15 tuổi trở lên cần tiêm liều 3 mũi như bình thường.

Ai không nên tiêm vắc-xin HPV?

Những người không nên hoặc nên hoãn tiêm vắc-xin HPV:

  • Từng bị phản ứng dị ứng nghiêm trọng khi tiêm vắc-xin HPV hoặc với bất kỳ thành phần nào có trong vắc-xin.
  • Những người bị dị ứng nặng, bao gồm cả dị ứng với nấm men cần nói chuyện với bác sĩ trước khi tiêm vắc-xin.
  • Phụ nữ đang có thai và cho con bú không nên tiêm.
  • Những người bị sốt vừa hoặc nặng (trên 38 độ) nên đợi cho đến khi khỏi mới tiêm. Nếu chỉ ốm nhẹ (như cảm, sổ mũi hay ho) thì vẫn có thể tiêm.

Lợi ích của vắc-xin HPV

Cho đến nay đã có ba loại vắc-xin được chính thức phê chuẩn để ngăn ngừa HPV, đó là Gardasil, Gardasil 9 và Cervarix. Cả ba đều có khả năng bảo vệ chống lại nhiều chủng HPV khác nhau, nhất là HPV 16 và 18. Cả hai đều là những chủng HPV nguy cơ cao vì là nguyên nhân gây ra một số bệnh ung thư như ung thư cổ tử cung, âm hộ hoặc hậu môn. Ngoài ra, vắc-xin còn ngăn chặn các vấn đề khác do HPV gây ra như mụn cóc sinh dục, ung thư ở vùng miệng – họng.

Vắc-xin HPV có tác dụng phụ hay rủi ro nào không?

Bên cạnh các lợi ích, vắc-xin HPV cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ. Tuy nhiên, các tác dụng phụ đều rất hiếm gặp và cho đến nay, chưa hề có trường hợp nào gặp phải các vấn đề nghiêm trọng do vắc-xin HPV gây ra.

Các tác dụng phụ từ nhẹ đến vừa của vắc-xin HPV gồm có:

  • Sưng đau tại vị trí tiêm
  • Sốt nhẹ
  • Đau đầu
  • Mệt mỏi
  • Đau cơ
  • Đau khớp
  • Choáng váng, có thể ngất xỉu
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Đau bụng
  • Tiêu chảy

Nếu bạn tiêm vắc-xin và gặp phải tác dụng phụ nào nêu trên hoặc có bất kỳ triệu chứng bất thường nào khác thì nên đến gặp bác sĩ.

Nhiều người lo ngại rằng tiêm vắc-xin HPV có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng và lâu dài, chẳng hạn như ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.

Tuy nhiên, nhiều nghiên cứu lớn đã chứng minh rằng vắc-xin HPV rất an toàn, cũng giống như tất cả các loại vắc-xin khác và hoàn toàn không có chuyện gây vô sinh. Thậm chí, vắc-xin HPV còn ít rủi ro hơn nhiều loại vắc-xin khác hiện nay.

Vắc-xin HPV không những không ảnh hưởng đến khả năng sinh sản mà còn có thể cải thiện khả năng sinh sản cho nhiều phụ nữ bị phơi nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Ngoài ra, vắc-xin HPV còn có một số điểm hạn chế khác như:

Các loại vắc-xin HPV chỉ ngăn ngừa được một số chứ không phải tất cả các bệnh ung thư liên quan đến HPV. Do đó, kể cả khi đã tiêm thì phụ nữ vẫn cần làm xét nghiệm Pap smear định kỳ để phát hiện sớm bất kỳ dấu hiệu ung thư nào.

Vắc-xin HPV không có tác dụng ngăn ngừa các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác (STD) và cũng không điều trị được các bệnh do HPV đã mắc phải. Kể cả khi đã tiêm, bạn vẫn sẽ cần sử dụng bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ an toàn khác trong khi quan hệ tình dục để ngăn ngừa lây truyền hoặc nhiễm STD.

Nếu đã từng nhiễm một chủng HPV và tiêm thì vắc-xin sẽ không còn tác dụng ngăn ngừa chủng HPV đó nữa.

Các yếu tố nguy cơ nhiễm HPV

Dưới đây là một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm HPV khi chưa tiêm phòng:

  • Quan hệ tình dục mà không mang bao cao su hoặc các biện pháp bảo vệ khác ­­­­
  • Quan hệ với nhiều người
  • Có vết thương hở
  • Tiếp xúc với mụn cóc truyền nhiễm
  • Hút thuốc lá, do các chất độc trong thuốc lá làm suy yếu hệ miễn dịch
  • Hệ miễn dịch bị suy yếu
  • Chế độ ăn ít vitamin, khoáng chất và các chất dinh dưỡng thiết yếu khác

Đã quan hệ thì còn có thể tiêm vắc-xin HPV không?

Những người đã quan hệ vẫn có thể tiêm vắc-xin HPV. Thậm chí ngay cả khi đã nhiễm một chủng HPV thì vẫn có thể tiêm vắc-xin và vắc-xin vẫn phát huy tác dụng bảo vệ cơ thể khỏi các chủng khác. Tuy nhiên, không có loại vắc-xin nào có thể điều trị được bệnh do HPV gây ra mà chỉ có thể bảo vệ bạn khỏi các chủng virus mà bạn chưa từng bị nhiễm.

Phụ nữ đã tiêm vắc-xin HPV có cần phải xét nghiệm Pap không?

Phụ nữ đã tiêm vắc-xin HPV vẫn cần phải xét nghiệm Pap để tầm soát ung thư. Vắc-xin HPV không thể ngăn ngừa được tất cả các bệnh ung thư cổ tử cung nên việc sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap định kỳ, bắt đầu ở tuổi 21 vẫn là điều quan trọng để bảo vệ sức khỏe phụ nữ.

Cần làm gì để bảo vệ bản thân khỏi ung thư cổ tử cung nếu không thể tiêm vắc-xin?

HPV lây lan qua quan hệ tình dục, cả đường miệng, đường âm đạo và đường hậu môn. Do đó, để bảo vệ bản thân không bị nhiễm vi-rút thì cần sử dụng bao cao su mỗi khi quan hệ tình dục. Ngoài ra, không được hút thuốc vì hút thuốc làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Để phát hiện ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm nhất, hãy đến bệnh viện để làm xét nghiệm Pap thường xuyên, bắt đầu từ tuổi 21. Ngoài ra, cần đi khám ngay khi nhận thấy bất kỳ dấu hiệu hoặc triệu chứng bất thường nào nghi là ung thư cổ tử cung như chảy máu âm đạo sau khi quan hệ, ra máu giữa hai kỳ mãn kinh hoặc sau khi mãn kinh, đau nhức vùng chậu hoặc đau rát khi quan hệ.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
HPV có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?
HPV có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?

Nhiễm HPV là vấn đề xảy ra rất phổ biến mà hầu như ai có quan hệ tình dục cũng gặp phải.

Nhiễm HPV có thể cho con bú không?
Nhiễm HPV có thể cho con bú không?

Cho đến thời điểm hiện tại thì chưa có bất cứ khuyến cáo nào về việc những phụ nữ bị nhiễm HPV không được cho con bú. Khả năng lây truyền HPV từ mẹ sang con qua con đường này là rất thấp.

Mụn cóc có ngứa không?
Mụn cóc có ngứa không?

Mặc dù không phải tất cả mụn cóc đều ngứa nhưng đây là một hiện tượng hoàn toàn bình thường khi có những nốt mụn này và xảy ra đơn giản là do da bị khô, kích ứng.

Trị Mụn Cóc Bằng Axit Salicylic Có Hiệu Quả Không?
Trị Mụn Cóc Bằng Axit Salicylic Có Hiệu Quả Không?

Trị mụn cóc bằng Axit Salicylic có hiệu quả không? Là một trong những hoạt chất có tính năng tiêu sừng hiệu quả với một số loại mụn. Tuy nhiên, với mụn cóc thì như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu qua bài viết này nhé!

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây