Ung thư âm hộ: Triệu chứng, chẩn đoán và điều trị
Ung thư âm hộ là gì?
Ung thư xảy ra khi các tế bào trở nên bất thường và nhân lên một cách mất kiểm soát. Ung thư có thể phát sinh ở bất cứ nơi nào trong cơ thể. Các triệu chứng và phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào loại, vị trí và giai đoạn ung thư. Các bệnh ung thư xảy ra ở bộ phận sinh dục nữ được gọi là ung thư phụ khoa và trong đó có ung thư âm hộ.
Ung thư âm hộ là ung thư phát sinh ở âm hộ - bộ phận sinh dục ngoài của phụ nữ. Âm hộ gồm có môi bé (môi trong), môi lớn (môi ngoài), cửa âm đạo và âm vật. Ung thư thường bắt đầu ở môi lớn nhưng cũng có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác trong khu vực âm hộ, đặc biệt là khi ung thư lan rộng.
Bệnh ung thư này tiến triển chậm và thường phát triển từ tân sinh trong biểu mô âm hộ - tình trạng xảy ra khi các tế bào da khỏe mạnh xung quanh âm hộ bị biến đổi bất thường. Nếu không điều trị, các tế bào bất thường này sẽ trở thành ung thư.
Loại ung thư âm hộ
Tùy vào loại tế bào bị ung thư mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phù hợp. Hai loại ung thư âm hộ phổ biến nhất gồm có:
- Ung thư biểu mô tế bào vảy: Loại ung thư này bắt đầu trong các tế bào dẹt nằm trên bề mặt của âm hộ. Hầu hết các trường hợp ung thư âm hộ là ung thư biểu mô tế bào vảy.
- Ung thư tế bào hắc tố: Loại ung thư này bắt đầu trong các tế bào có vai trò sản xuất sắc tố tạo màu da.
Dấu hiệu ung thư âm hộ
Ở giai đoạn đầu, ung thư âm hộ thường không có bất kỳ dấu hiệu nào nhưng nếu có thì thường là:
- Chảy máu âm đạo bất thường, ví dụ như chảy máu ngoài kỳ kinh nguyệt hay sau mãn kinh
- Ngứa ngáy ở vùng âm hộ
- Da âm hộ bị chuyển màu (đỏ, trắng hoặc thâm đen)
- Đau khi đi tiểu
- Đau nhức và nhạy cảm ở âm hộ
- Nổi cục giống như mụn cóc hoặc có vết loét
Cần đi khám ngay lập tức nếu phát hiện thấy những dấu hiệu này. Càng phát hiện và điều trị sớm thì tiên lượng sẽ càng khả quan.
Ai có nguy cơ bị ung thư âm hộ?
Nguyên nhân chính xác gây ung thư âm hộ hiện vẫn chưa được tìm ra nhưng có một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh, gồm có:
- Tuổi cao: Nguy cơ ung thư âm hộ tăng theo tuổi tác. Mặc dù bệnh này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng những người trên 55 tuổi sẽ có nguy cơ cao hơn. Độ tuổi trung bình của người bệnh tại thời điểm chẩn đoán là 65.
- Nhiễm HPV (vi-rút u nhú ở người): HPV là một loại vi-rút lây truyền qua đường tình dục và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, trong đó có ung thư âm hộ và ung thư cổ tử cung. Nhiễm HPV là một vấn đề rất phổ biến nhưng đa phần thì vi-rút sẽ tự biến mất sau một vài năm. Tuy nhiên đôi khi, vi-rút khiến cho các tế bào biến đổi và dẫn đến ung thư.
- Hút thuốc: Hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư âm hộ và nhiều bệnh ung thư khác.
- Hệ miễn dịch suy yếu: Những người dùng thuốc ức chế miễn dịch, chẳng hạn như thuốc chống thải ghép sau phẫu thuật ghép tạng và những người mắc các bệnh làm suy yếu hệ miễn dịch, chẳng hạn như HIV có nguy cơ mắc ung thư âm hộ cao hơn bình thường.
- Bị tân sinh trong biểu mô âm hộ: Đây là một tình trạng tiền ung thư làm tăng nguy cơ ung thư âm hộ. Khi bị vấn đề này thì sẽ cần điều trị để loại bỏ những tế bào bất thường và đi khám định kỳ để theo dõi.
- Bị các vấn đề về da ở âm hộ, ví dụ như lichen xơ hóa. Vấn đề này làm cho vùng da âm hộ trở nên mỏng và ngứa, đồng thời làm tăng nguy cơ ung thư âm hộ.
Ung thư âm hộ được chẩn đoán bằng cách nào?
Chẩn đoán ung thư
Các phương pháp được sử dụng để chẩn đoán ung thư âm hộ gồm có:
- Khám lâm sàng: Bác sĩ kiểm tra kỹ lưỡng khu vực âm hộ để tìm những dấu hiệu bất thường.
- Soi cổ tử cung: Sử dụng một thiết bị phóng đại hình ảnh gọi lá máy soi cổ tử cung để kiểm tra kỹ hơn nữa.
- Sinh thiết: Lấy một mẫu mô nhỏ để phân tích và xác định xem vùng tế bào đáng ngờ phát hiện được khi soi cổ tử cung có phải là ung thư hay không. Quá trình sinh thiết được thực hiện với phương pháp gây tê tại chỗ. Nếu cần lấy lượng mô lớn thì sẽ phải khâu vết thương.
Xác định giai đoạn ung thư
Sau khi chẩn đoán ung thư âm hộ, bác sĩ sẽ tiếp tục phải xác định giai đoạn ung thư bằng những phương pháp như:
- Kiểm tra vùng chậu để đánh giá phạm vi lan rộng của ung thư.
- Các phương pháp chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp cắt lớp vi tính (CT scan), chụp cộng hưởng từ (MRI) và chụp cắt lớp phát xạ positron (PET) lồng ngực và khoang bụng để xem tế bào ung thư đã lan đến các cơ quan trong những khu vực này hay chưa. Ngoài ra có thể còn cần nội soi bàng quang và trực tràng.
Các giai đoạn ung thư âm hộ
Giai đoạn ung thư được xác định dựa trên mức độ lan rộng của ung thư, kích thước và số lượng các khối u. Điều này giúp bác sĩ đưa ra phác đồ điều trị hiệu quả nhất.
Ung thư âm hộ tiến triển qua 5 giai đoạn, từ 0 đến 4. Càng sang giai đoạn sau thì mức độ càng nghiêm trọng:
- Giai đoạn 0: Ở giai đoạn đầu, tế bào ung thư mới chỉ giới hạn ở bề mặt da âm hộ.
- Giai đoạn 1: Ung thư chỉ giới hạn trong phạm vi âm hộ hoặc đáy chậu. Đáy chậu là khu vực giữa âm đạo và hậu môn. Ở giai đoạn này, tế bào ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc các khu vực khác của cơ thể.
- Giai đoạn 2: Ung thư đã lan từ âm hộ đến các cấu trúc lân cận, chẳng hạn như phần dưới của niệu đạo, âm đạo và hậu môn.
- Giai đoạn 3: Tế bào ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết xung quanh.
- Giai đoạn 4:
- Giai đoạn 4A: Ung thư đã lan rộng hơn đến các hạch bạch huyết hoặc phần trên của niệu đạo và âm đạo. Trong một số trường hợp, tế bào ung thư còn lan đến bàng quang, trực tràng hoặc cơ quan khác trong vùng chậu.
- Giai đoạn 4B: Ung thư đã di căn đến các cơ quan hoặc hạch bạch huyết ở xa trong cơ thể.
Điều trị
Phác đồ điều trị sẽ phụ thuộc vào giai đoạn ung thư tại thời điểm chẩn đoán. Có 4 phương pháp điều trị tiêu chuẩn là:
Liệu pháp laser
Liệu pháp laser sử dụng ánh sáng cường độ cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Các chùm tia được đưa vào qua ống nội soi để nhắm mục tiêu chính xác và phá hủy khối u. Liệu pháp laser có ưu điểm là gây hình thành sẹo và chảy máu ít hơn so với các phương pháp điều trị khác. Sau điều trị, bệnh nhân có thể xuất viện về nhà ngay trong ngày.
Phẫu thuật
Phẫu thuật là phương pháp điều trị ung thư âm hộ phổ biến nhất. Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau và sẽ được lựa chọn phụ thuộc vào giai đoạn ung thư và tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Cắt bỏ khối u
Cắt bỏ khối u là lựa chọn dành cho những trường hợp mà ung thư chưa lan đến các hạch bạch huyết hoặc cơ quan khấc. Trong quá trình phẫu thuật, bác sĩ cắt bỏ đi khối u và một vùng mô khỏe mạnh xung quanh để đảm bảo loại bỏ được hết các tế bào ung thư. Có thể sẽ cần cắt cả một vài hạch bạch huyết lân cận.
Cắt âm hộ
Với những trường hợp mà ung thư đã lan rộng hơn thì sẽ cần phẫu thuật cắt một phần âm hộ hoặc toàn bộ âm hộ, bao gồm cả các lớp mô bên dưới da. Thường sẽ cần xạ trị và hóa trị trước để thu nhỏ kích thước khối u. Điều này giúp thu hẹp phạm vi phải cắt bỏ trong quá trình phẫu thuật.
Phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ âm hộ có một số rủi ro như nhiễm trùng và vết mổ lâu lành.
Dù là phương pháp phẫu thuật nào thì cũng đều có thể ảnh hưởng đến cảm giác ở vùng sinh dục. Trong một số trường hợp, bộ phận sinh dục bị tê bì và không còn nhạy cảm như trước. Điều này sẽ ảnh hưởng đến cảm giác khi quan hệ tình dục.
Phẫu thuật cắt bỏ hạch bạch huyết
Ung thư âm hộ có thể lan đến các hạch bạch huyết ở bẹn, vì vậy bác sĩ cần cắt bỏ các hạch bạch huyết này trong ca phẫu thuật. Số lượng hạch bạch huyết cần loại bỏ sẽ tùy thuộc vào tình trạng cụ thể của từng trường hợp.
Cắt bỏ hạch bạch huyết có thể gây ứ nước và sưng phù chân, tình trạng này được gọi là phù bạch huyết.
Trong một số trường hợp, bác sĩ sử dụng một kỹ thuật cho phép loại bỏ ít hạch bạch huyết hơn, gọi là kỹ thuật sinh thiết hạch gác cửa. Trước tiên là xác định hạch bạch huyết nơi ung thư có khả năng lan đến đầu tiên. Sau đó, bác sĩ sẽ cắt hạch bạch huyết đó ra để kiểm tra. Nếu không tìm thấy tế bào ung thư thì khả năng là ung thư chưa di căn sang các hạch bạch huyết khác.
Cắt tạng chậu
Trong những trường hợp ung thư âm hộ giai đoạn cuối thì thường sẽ cần cắt tạng chậu. Tùy thuộc vào nơi ung thư đã di căn đến mà sẽ cần cắt bỏ:
- Cổ tử cung
- Âm đạo
- Phần dưới của đại tràng
- Trực tràng
- Bàng quang
- Buồng trứng
- Hạch bạch huyết
Nếu bàng quang, trực tràng và đại tràng bị cắt bỏ thì sẽ cần tạo lỗ mở ra da để đưa nước tiểu và phân ra khỏi cơ thể.
Xạ trị
Xạ trị là phương pháp sử dụng các chùm năng lượng mạnh, như tia X và proton để tiêu diệt các tế bào ung thư. Có hai phương pháp xạ trị là xạ trị chùm tia bên ngoài và xạ trị áp sát. Xạ trị chùm tia bên ngoài sử dụng thiết bị di chuyển xung quanh cơ thể hướng chùm tia phóng xạ một cách chính xác vào vị trí có khối u. Xạ trị áp sát là phương pháp đưa nguồn phóng xạ vào ngay sát cạnh khối u.
Xạ trị đôi khi được tiến hành trước phẫu thuật để thu nhỏ khối u có kích thước lớn và giúp cho việc cắt bỏ được dễ dàng hơn. Phương pháp xạ trị có thể được kết hợp với hóa trị để làm cho các tế bào ung thư dễ bị phá hủy hơn.
Nếu phát hiện tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết thì sẽ cần xạ trị cả khu vực xung quanh hạch bạch huyết để tiêu diệt tế bào ung thư còn sót lại sau phẫu thuật.
Hóa trị
Hóa trị liệu là phương pháp sử dụng các loại thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Thuốc hóa trị thường được truyền qua tĩnh mạch ở cánh tay hoặc dùng qua đường uống.
Đối với những trường hợp bị ung thư âm hộ giai đoạn cuối, ung thư đã di căn đến các khu vực khác trong cơ thể thì giải pháp thường là hóa trị để làm giảm các triệu chứng.
Hóa trị đôi khi được kết hợp với xạ trị để thu nhỏ khối u có kích thước lớn trước phẫu thuật. Phương pháp điều trị kết hợp này cũng được sử dụng nếu phát hiện ung thư đã lan đến các hạch bạch huyết.
Trong một số trường hợp, bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối có thể đăng ký tham gia vào các thử nghiệm lâm sàng. Thử nghiệm lâm sàng là một phần của nghiên cứu khoa học. Trong đó, những người tham gia sẽ tiếp nhận các phương pháp điều trị mới và được theo dõi sát sao để đánh giá hiệu quả của quá trình điều trị. Phương pháp này giúp mở ra hy vọng cho những người mắc bệnh nan y.
Tiên lượng
Sau khi điều trị, người bệnh sẽ cần đến tái khám định kỳ để đánh giá quá trình hồi phục của cơ thể, tác dụng phụ của các phương pháp điều trị và theo dõi, phát hiện sớm dấu hiệu ung thư tái phát.
Tiên lượng phụ thuộc vào giai đoạn ung thư tại thời điểm chẩn đoán, điều trị và kích thước của khối u. Tỷ lệ sống sót khi ung thư âm hộ được chẩn đoán và điều trị sớm là khá cao. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm là khoảng 86% nếu ung thư được điều trị ngay từ giai đoạn 1. Điều này có nghĩa là trong số những người bắt đầu điều trị khi ung thư ở giai đoạn 1 thì đến 86% có thể sống thêm ít nhất 5 năm kể từ thời điểm chẩn đoán. Tuy nhiên, một khi ung thư đã tiến triển sang giai đoạn 4 hay giai đoạn cuối thì tỷ lệ sống sót sau 5 năm giảm xuống chỉ còn khoảng 16%.
Ngoài giai đoạn ung thư, tỷ lệ sống còn phụ thuộc vào các yếu tố như:
- Phương pháp điều trị
- Mức độ đáp ứng điều trị
- Tuổi tác
- Tình trạng sức khỏe tổng thể
Phòng ngừa ung thư âm hộ
Để giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư âm hộ thì cần:
- Không quan hệ với nhiều người: Càng quan hệ với nhiều người thì nguy cơ nhiễm HPV càng cao.
- Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: Bao cao su giúp làm giảm nguy cơ nhiễm HPV.
- Tiêm vắc-xin ngừa HPV: Tiêm vắc-xin giúp bảo vệ cơ thể chống lại các chủng HPV gây ung thư và mụn cóc sinh dục.
Việc điều trị kịp thời nhiễm trùng lây qua đường tình dục có thể ngăn ngừa bệnh viêm vùng chậu.
U nang tuyến Bartholin là vấn đề hiếm gặp nhưng nếu xuất hiện thì rất dễ xử lý.
Ung thư buồng trứng được cho là một trong những “kẻ giết người thầm lặng” vì nhiều phụ nữ không có bất kỳ triệu chứng nào cho đến khi bệnh di căn (lan đến những khu vực, bộ phận khác trong cơ thể).
Khi đã lan sang các cơ quan khác trong cơ thể (di căn) thì không thể chữa khỏi ung thư được nữa. Tuy nhiên, có nhiều biện pháp để giảm bớt các triệu chứng và cải thiện chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Giống như herpes sinh dục, herpes hậu môn cũng có thể lây truyền từ người này sang người khác. Khả năng lây truyền sẽ cao nhất khi có mụn nước và vết loét ở trong hoặc xung quanh hậu môn.