Mụn cóc có ngứa không?
Mụn cóc là gì?
Mụn cóc là những nốt sần hình thành trên da do nhiễm virus. Đây là một vấn đề phổ biến và đa phần là vô hại. Hầu hết mọi người đều có ít nhất một mụn cóc vào một thời điểm nào đó trong đời.
Mụn cóc có thể không gây ra bất kỳ cảm giác nào nhưng đôi khi sẽ gây phiền toái, khó chịu. Vậy mụn cóc có ngứa không? Mặc dù không phải tất cả mụn cóc đều ngứa nhưng đây là một hiện tượng hoàn toàn bình thường khi có những nốt mụn này và xảy ra đơn giản là do da bị khô, kích ứng.
Nguyên nhân gây ngứa khi bị mụn cóc
Nguyên nhân gây ra mụn cóc là do bị nhiễm một số chủng HPV (virus u nhú ở người). Virus này có thể lây truyền qua nhiều con đường khác nhau, ví dụ như tiếp xúc da trực tiếp hay sử dụng chung vật dụng với người bị mụn cóc.
Khi xâm nhập vào da, thường là qua vết thương hở, virus sẽ khiến cho các tế bào tại khu vực đó phát triển một cách không kiểm soát, dẫn đến hình thành các nốt sần sùi trên bề mặt da.
Những nốt này được bao phủ bởi lớp da khô, bong tróc và thường gây ngứa.
Các loại mụn cóc
HPV ảnh hưởng đến mỗi bộ phận của cơ thể một cách khác nhau. Mặc dù các loại mụn cóc có cùng nguyên nhân và một số biểu hiện, triệu chứng chung nhưng mỗi loại hình thành ở những vị trí khác nhau trên cơ thể và có đặc điểm riêng.
- Mụn cóc thông thường: loại mụn cóc thường xuất hiện trên bàn tay, ngón tay và ngón chân. Chúng có màu hơi nâu, hồng hoặc màu da và có đầu tròn.
- Mụn cóc phẳng: thường xuất hiện trên mặt, đùi hoặc cánh tay. Mụn cóc phẳng thường nhỏ hơn mụn cóc thông thường, chỉ hơi nhô lên bề mặt da một chút, có phần trên bằng phẳng thay vì nhô cao và tròn.
- Mụn cóc sinh dục: là những mụn cóc hình thành ở bộ phận sinh dục, có màu da hoặc màu nâu, sù xì, thô ráp, có thể mọc đơn lẻ hoặc thành cụm giống như súp lơ. Mụn cóc sinh dục có thể hình thành ở âm hộ, âm đạo, dương vật, bìu và hậu môn.
- Mụn cóc Plantar: loại mụn cóc này hình thành ở lòng bàn chân, mọc vào bên trong da và tạo thành vết lõm với vùng da cứng xung quanh. Mặc dù không gây nguy hiểm nhưng mụn cóc Plantar có thể vô cùng đau đớn.
- Mụn cóc dạng sợi mảnh (mụn cóc Filiform): đây là những mụn cóc nhỏ, có dạng dài và mảnh, trùng màu da, xuất hiện xung quanh miệng, mũi hoặc cằm.
- Mụn cóc quanh móng: hình thành xung quanh móng tay hoặc móng chân, có thể gây đau đớn, biến dạng móng và dẫn đến nhiễm nấm.
Những vấn đề giống mụn cóc
Có rất nhiều vấn đề về da có đặc điểm giống như mụn cóc.
Mặc dù mỗi vấn đề là do một nguyên nhân khác nhau gây ra và có những biểu hiện, triệu chứng riêng biệt nhưng đôi khi rất khó phân biệt những vấn đề này. Nốt sần gây ngứa trên da có thể là mụn cóc hoặc cũng có thể là một vấn đề hoàn toàn khác, ví dụ như:
- Mụn trứng cá: hình thành khi lỗ chân lông bị bít tắc và do sự sinh sôi, phát triển quá mức của vi khuẩn P. acnes. Mụn trứng cá thường không ngứa nhưng đôi khi lại trông khá giống với một số loại mụn cóc.
- Mụn rộp: mụn rộp là những nốt mụn chứa dịch do virus herpes simplex (HSV) gây ra, thường hình thành ở quanh miệng. Trong khi mụn cóc có thể tồn tại trong một năm hoặc lâu hơn thì mụn rộp thường lành lại chỉ trong vòng 1 hoặc 2 tuần.
- Mụn thịt: là những cục nhỏ, có màu da, không gây đau đớn, hình thành ở nhiều vị trí khác nhau trên cơ thể và dễ bị nhầm lẫn với mụn cóc do có hình dạng tương đồng. Tuy nhiên, mụn thịt thường xuất hiện ở những nơi hiếm khi có mụn cóc, ví dụ như mí mắt và nách.
- Vết chai: đây là vùng da cứng hình thành do áp lực và ma sát liên tục. Các vết chai thường xuất hiện ở ngón chân và lòng bàn chân.
- Nốt ruồi: hầu hết nốt ruồi đều là lành tính nhưng đôi khi lại là dấu hiệu của những vấn đề nguy hiểm, ví dụ như ung thư da. Giống như mụn cóc, chúng là những nốt tròn mọc trên da nhưng thường sẫm màu hơn nhiều và có thể phẳng hoàn toàn.
Tóm lại, nốt sần ngứa trên da có thể là nhiều vấn đề khác không phải mụn cóc. Nếu nốt sần không tự biến mất hoặc nghi ngờ đó không phải là mụn cóc và là dấu hiệu của vấn đề bất thường thì nên đi khám để bác sĩ kiểm tra.
Cách tự trị mụn cóc
Mụn cóc thường tự biến mất trong vòng 1 hoặc 2 năm mà không cần điều trị. Nếu không muốn đợi lâu thì có một số phương pháp điều trị đơn giản.
Biện pháp giảm ngứa
Hầu hết mụn cóc đều vô hại và dù không can thiệp thì cũng có thể tự biến mất sau một thời gian. Nếu mụn cóc bị ngứa thì có thể khắc phục bằng những biệp pháp sau:
- Đắp bột yến mạch: Bột yến mạch có tác dụng làm dịu tình trạng ngứa ngáy và kích ứng vô cùng hiệu quả. Chỉ cần trộn bột yến mạch nguyên chất với nước ấm để tạo thành một hỗn hợp sệt và đắp lên mụn cóc là sẽ nhanh chóng giảm ngứa.
- Dưỡng ẩm da: mụn cóc ngứa là do da bị khô, kích ứng và bong tróc. Hãy rửa sạch vùng có mụn cóc, thấm khô và sau đó bôi kem dưỡng ẩm lên. Khi da mềm thì cũng sẽ đỡ ngứa hơn.
- Dùng thuốc không kê đơn: Các loại thuốc bôi có chứa một lượng nhỏ chất gây tê pramoxine có tác dụng làm dịu da và tình trạng ngứa ở mụn cóc. Có thể dễ dàng mua được những loại thuốc này trong các hiệu thuốc. Ngoài ra cũng có thể dùng thuốc bôi trị ngứa hydrocortisone không kê đơn.
Axit salicylic nồng độ thấp
Có thể tự điều trị mụn cóc tại nhà bằng cách dùng kem bôi axit salicylic. Các loại kem này có cả dạng không kê đơn (nồng độ thấp) và có bán tại các nhà thuốc. Axit salicylic sẽ loại bỏ dần dần từng lớp của mụn cóc, khiến cho nốt mụn nhỏ đi và biến mất theo thời gian. Cần sử dụng đều đặn hàng ngày thì mới có hiệu quả.
Dán băng keo
Dán băng keo lên nốt mụn cóc trong vài ngày rồi sau đó bóc ra. Mỗi lần như vậy sẽ loại bỏ đi lớp mô bên ngoài của mụn cóc. Điều này giống như cơ chế hoạt động của axit salicylic. Cần lặp lại vài lần để có kết quả rõ rệt.
Điều trị tại bệnh viện
Nếu mụn cóc không tự biến mất hoặc đã thử những biện pháp khắc phục tại nhà nhưng không có tác dụng thì nên đi khám. Bác sĩ sẽ điều trị mụn cóc bằng những biện pháp khác mạnh hơn.
Axit salicylic nồng độ cao
Bác sĩ kê các sản phẩm có nồng độ axit salicylic cao để bôi lên mụn cóc. Những sản phẩm này loại bỏ mụn cóc nhanh chóng hơn nhiều so với axit salicylic không kê đơn.
Liệu pháp áp lạnh
Liệu pháp áp lạnh là phương pháp dùng nitơ lỏng để đông lạnh và phá hủy mụn cóc ở cấp độ tế bào. Sau khi đông lạnh, bác sĩ sẽ loại bỏ (cạo) từng lớp tế bào chết của mụn cóc. Sau đó lặp lại quá trình đông lạnh - cạo cho đến khi mụn cóc biến mất.
Phẫu thuật hoặc điều trị bằng laser
Đối với những trường hợp mụn cóc dạng nặng không đáp ứng với các biện pháp điều trị khác thì sẽ cần phẫu thuật loại bỏ hoặc đốt bằng laser.
Cách ngăn ngừa mụn cóc
Vì mụn cóc do virus gây ra nên rất dễ lây từ người này sang người khác và thậm chí lây lan giữa các bộ phận trên cơ thể. Dưới đây là những biện pháp để tránh bị nhiễm HPV và ngăn ngừa mụn cóc lây lan:
- Rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng sát khuẩn nhẹ, đặc biệt là sau khi đụng vào mụn cóc hoặc tiếp xúc với người khác.
- Băng kín các vết thương hở, vết loét hoặc vết phồng rộp để tránh tạo cơ hội cho HPV xâm nhập.
- Không cậy những mụn cóc hiện có vì điều này sẽ khiến virus lan rộng hơn.
- Không đi chân trần ở những nơi đông người
- Không dùng chung vật dụng cá nhân với người khác.
Tóm tắt bài viết
Các đặc điểm chung của mụn cóc là hình tròn, nhô cao, bề mặt xù xì và lâu khỏi. Cảm giác hơi ngứa hoặc khó chịu ở vị trí có mụn cóc là điều bình thường. Nhưng nếu bị đau hoặc ngứa ngáy dữ dội thì có thể đó không phải là mụn cóc mà là một vấn đề về da khác và cần đi khám bác sĩ để kiểm tra.
Nếu đúng là mụn cóc thì cần giữ cho da sạch sẽ, chú ý cẩn thận không để virus lây lan sang những vị trí khác của cơ thể và lây truyền cho người khác. Sau 1 – 2 năm thì mụn cóc sẽ biến mất hoặc có thể loại bỏ bằng một số loại thuốc, thủ thuật can thiệp.
HPV không phải lúc nào cũng gây ra triệu chứng. Vì vậy, cách duy nhất để biết mình có nhiễm vi-rút hay không là xét nghiệm sàng lọc.
Nhiễm HPV là vấn đề xảy ra rất phổ biến mà hầu như ai có quan hệ tình dục cũng gặp phải.
Cho đến thời điểm hiện tại thì chưa có bất cứ khuyến cáo nào về việc những phụ nữ bị nhiễm HPV không được cho con bú. Khả năng lây truyền HPV từ mẹ sang con qua con đường này là rất thấp.
Mụn có Plantar hay mụn cóc ở lòng bàn chân rất phổ biến và có thể điều trị được bằng nhiều biện pháp khác nhau. Những trường hợp nhẹ có thể tự xử lý nhưng nếu nặng thì cần đi khám để bác sĩ điều trị.
VIrus gây mụn cóc có thể lây qua nhiều con đường khác nhau, từ người sang người, từ đồ vật sang người và lây từ bộ này sang bộ phận khác của cơ thể.