1

Điều trị mụn cóc sinh dục bằng cách nào?

Mụn cóc sinh dục là một vấn đề do nhiễm HPV gây ra. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến và có thể điều trị được.
Điều trị mụn cóc sinh dục bằng cách nào? Điều trị mụn cóc sinh dục bằng cách nào?

Mụn cóc sinh dục là gì?

Mụn cóc sinh dục hay sùi mào gà là một bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục (STI) gây hình thành những tổn thương dạng khối mềm, nhô trên bề mặt da ở bộ phận sinh dục và gây đau, ngứa ngáy, khó chịu.

Mụn cóc sinh dục là một do một số chủng HPV nguy cơ thấp gây ra. Các chủng này khác với HPV nguy cơ cao. HPV nguy cơ cao là các chủng có thể dẫn đến chứng loạn sản cổ tử cung và một số bệnh ung thư.

Nhiễm HPV là vấn đề phổ biến nhất trong số các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bất cứu ai có quan hệ tình dục, dù là nam giới hay phụ nữ đều có thể gặp phải các vấn đề do nhiễm HPV, bao gồm cả mụn cóc sinh dục. Nhiễm HPV đặc biệt nguy hiểm với phụ nữ vì một số chủng HPV có thể gây ung thư cổ tử cung, ưng thư âm đạo và ung thư âm hộ.

Các biểu hiện của mụn cóc sinh dục

Mụn cóc sinh dục lây truyền qua quan hệ tình dục, bao gồm cả quan hệ đường miệng, đường âm đạo và đường hậu môn. Có thể phải sau vài tuần hoặc vài tháng kể từ thời điểm nhiễm virus thì mới bắt đầu xuất hiện mụn cóc.

Không phải lúc nào cũng có thể nhìn thấy mụn cóc sinh dục. Đôi khi, chúng có kích thước rất nhỏ và trùng màu da hoặc chỉ hơi sẫm hơn một chút nên không phát hiện được bằng mắt thường. Các mụn cóc có hình dạng sần sùi như súp lơ, có màu da, màu nâu hoặc hồng. Mụn cóc có thể hình thành đơn lẻ hoặc tạo thành cụm, gây đau, ngứa ngáy và khó chịu

Mụn cóc sinh dục ở nam giới thường xuất hiện trên các bộ phận như:

  • Dương vật
  • Bìu
  • Bẹn
  • Đùi
  • Bên trong hoặc xung quanh hậu môn

Ở phụ nữ, mụn cóc sinh dục thường xuất hiện ở:

  • Bên trong âm đạo hoặc hậu môn
  • Bên ngoài âm đạo hoặc hậu môn
  • Trên cổ tử cung

Mụn cóc sinh dục cũng có thể hình thành ở môi, miệng, lưỡi hoặc cổ họng khi quan hệ tình dục đường miệng với người bị nhiễm HPV.

Ngay cả khi không thể nhìn thấy mụn cóc thì chúng vẫn có thể gây ra các triệu chứng như:

  • Dịch tiết âm đạo bất thường
  • Ngứa ngáy
  • Chảy máu sau khi quan hệ tình dục
  • Đau, nóng

Nếu mụn cóc sinh dục lan rộng hoặc to lên thì sẽ còn gây đau đớn.

Nguyên nhân

Hầu hết các trường hợp mụn cóc sinh dục là do nhiễm HPV. Có 30 đến 40 chủng HPV khác nhau ảnh hưởng đến bộ phận sinh dục, nhưng chỉ một vài trong số đó gây ra mụn cóc.

HPV có khả năng lây truyền cao khi tiếp xúc da nên được xếp vào nhóm các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Nhiễm HPV xảy ra vô cùng phổ biến. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), gần như tất cả những người có quan hệ tình dục đều bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó.

Tuy nhiên, không phải lúc nào virus cũng gây ra các vấn đề như mụn cóc sinh dục. Trong hầu hết các trường hợp, virus sẽ biến mất khỏi cơ thể sau một vài năm mà không gây ra bất kỳ vấn đề về sức khỏe nào.

Các chủng HPV gây mụn cóc ở bộ phận sinh dục thường không phải các chủng gây mụn cóc trên tay hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Mụn cóc cũng không thể lây lan từ bộ phận này sang bộ phận khác.

Các yếu tố nguy cơ

Bất kỳ người nào có quan hệ tình dục đều có thể bị nhiễm HPV. Tuy nhiên, mụn cóc sinh dục thường xảy ra phổ biến hơn ở những người:

  • dưới 30 tuổi
  • hút thuốc lá
  • có hệ miễn dịch suy yếu
  • quan hệ tình dục không an toàn
  • bị một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác
  • bắt đầu quan hệ tình dục k
  • những trẻ có mẹ bị nhiễm HPV

Các vấn đề khác do HPV gây ra

Nhiễm HPV là nguyên nhân chính gây ung thư cổ tử cung. Virus này còn có thể gây nên những thay đổi tiền ung thư ở các tế bào cổ tử cung, được gọi là chứng loạn sản cổ tử cung.

Một số chủng HPV còn gây ra các bệnh ung thư khác như ung thư âm hộ - cơ quan sinh dục ngoài của phụ nữ, ung thư dương vật, ung thư hậu môn và ung thư khoang miệng.

Chẩn đoán mụn cóc sinh dục bằng cách nào?

Để chẩn đoán mụn cóc sinh dục, trước tiên bác sĩ sẽ hỏi về bệnh sử, các triệu chứng gặp phải cũng như là việc quan hệ tình dục, ví dụ như có sử dụng bao cao su khi quan hệ và gần đây có quan hệ với người lạ hay không.

Sau đó cần khám lâm sàng để kiểm tra đặc điểm của những vùng tổn thương (nếu đã có mụn cóc) hoặc những khu vực có dấu hiệu bất thường nghi là sắp hình thành mụn cóc.

Đối với phụ nữ

Vì mụn cóc có thể hình thành ở sâu bên trong cơ thể của phụ nữ nên bác sĩ sẽ cần phải kiểm tra vùng chậu. Có thể phải thoa một loại dung dịch axit nhẹ để mụn cóc lộ rõ ​​hơn.

Sau đó cần làm xét nghiệm Pap (còn được gọi là phết tế bào cổ tử cung), trong đó dùng tăm bông vô trùng để lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung. Sau đó, các tế bào này được đem đi phân tích để tìm sự hiện diện của HPV.

Một số chủng HPV sẽ gây ra những bất thường trong kết quả xét nghiệm Pap. Kết quả bất thường này có thể là dấu hiệu tiền ung thư và cần đi khám định thường xuyên hơn để phát hiện sớm nếu có bất kỳ sự thay đổi nào. Sau khi làm xét nghiệm Pap thì có thể cần tiếp tục soi cổ tử cung – một thủ thuật dùng thiết bị phóng đại hình ảnh để quan sát rõ cổ tử cung.

Nếu lo ngại có thể mình đã nhiễm một chủng HPV làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung thì có thể cần tiến hành xét nghiệm ADN. Điều này nhằm xác định chủng HPV bị nhiễm trong cơ thể.
Hiện chưa có phương pháp xét nghiệm phát hiện HPV cho nam giới.

Điều trị mụn cóc sinh dục

Mặc dù mụn cóc sinh dục có thể tự biến mất sau một thời gian nhưng bản thân HPV vẫn sẽ tồn tại trong tế bào da và tiếp tục gây ra nhiều đợt bùng phát triệu chứng sau này. Do đó, cần có biện pháp kiểm soát các triệu chứng để hạn chế lây truyền vi-rút sang cho người khác. Mặc dù vậy nhưng HPV vẫn có thể lây ngay cả khi không có mụn cóc hoặc các triệu chứng khác.

Khi có mụn cóc thì sẽ cần xử lý để giảm các triệu chứng đau đớn, ngứa ngáy và cải thiện vẻ ngoài của vùng kín. Một số phương pháp điều trị mụn cóc tại chỗ gồm có:

  • Imiquimod (Aldara): loại thuốc bôi này có tác dụng tăng cường khả năng chống lại mụn cóc sinh dục của hệ miễn dịch. Không quan hệ tình dục khi vừa mới bôi thuốc vì thuốc sẽ làm hỏng bao cao su hoặc màng chắn miệng và gây kích ứng da của bạn tình. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra là đỏ da, nổi mụn nước, đau nhức cơ thể, ho, phát ban và mệt mỏi.
  • Podophyllin và podofilox (Condylox): podophyllin là một chất có nguồn gốc thực vật với tác dụng phá hủy mô mụn cóc ở bộ phận sinh dục. Thuốc này cần được bác sĩ bôi. Podofilox cũng có chứa podophyllin nhưng có thể tự dùng tại nhà. Không được bôi podofilox vào bên trong âm đạo. Ngoài ra, không dùng thuốc này trong thời gian mang thai. Các tác dụng phụ có gồm có kích ứng da nhẹ, lở loét hoặc đau.
  • Axit trichloroacetic hay TCA: có tác dụng phá hủy mô mụn cóc và có thể sử dụng được cho mụn cóc bên trong. Các tác dụng phụ có thể gặp phải gồm kích ứng da nhẹ, lở loét hoặc đau.
  • Sinecatechin (Veregen): một loại thuốc bôi có thể dùng được cho cả mụn cóc sinh dục bên ngoài và bên trong. Các tác dụng phụ gồm có đỏ da, ngứa, rát và đau nhưng chỉ ở mức độ nhẹ.

Nếu đã thử những phương pháp này mà mụn cóc vẫn không biến mất thì sẽ cần thực hiện một số thủ thuật can thiệp để loại bỏ, gồm có:

  • Đốt bằng điện: sử dụng kim điện để đốt mụn cóc. Có thể bị đau và sưng sau thủ thuật.
  • Phẫu thuật lạnh: Sử dụng các chất làm lạnh như nitơ lỏng hoặc carbon dioxide để phá hủy mụn cóc. Các tác dụng phụ chính khi phẫu thuật lạnh mụn cóc là đau và sưng.
  • Phương pháp đốt bằng laser: sử dụng chùm ánh sáng cường độ cao để phá hủy mụn cóc. Phương pháp này thường dành cho những truòng hợp mụn cóc lan rộng và khó điều trị. Các tác dụng phụ gồm có hình thành sẹo và đau.
  • Cắt bỏ mụn cóc: sử dụng dụng cụ để cắt mụn cóc. Quá trình cắt được thực hiện với phương pháp gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân và bệnh nhân sẽ bị đau sau thủ thuật.
  • Tiêm interferon: interferon là những chất được các tế bào trong cơ thể tạo ra để chống lại nhiễm trùng và sự phát triển tế bào ung thư.

Không nên sử dụng các loại thuốc không kê đơn dành cho mụn cóc ở tay để điều trị mụn cóc sinh dục. Mụn cóc ở tay và mụn cóc ở bộ phận sinh dục là do các chủng HPV khác nhau gây ra và các loại thuốc hay phương pháp điều trị được dùng cho các khu vực khác của cơ thể thường mạnh hơn rất nhiều so với các loại thuốc hay phương pháp điều trị dành cho bộ phận sinh dục. Việc sử dụng các phương pháp điều trị không phù hợp sẽ gây thương vùng da nhạy cảm của bộ phận sinh dục và dẫn đến các vấn đề không mong muốn.

Ngăn ngừa mụn cóc sinh dục

Vắc-xin phòng ngừa HPV Gardasil và Gardasil 9 có thể bảo vệ cả nam giới và phụ nữ khỏi các chủng HPV phổ biến nhất gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục, và đồng thời còn có thể bảo vệ chống lại các chủng virus làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Ngoài ra còn có một loại vắc-xin khác là Cervarix. Tuy nhiên, vắc xin này chỉ có tác dụng ngăn ngừa ung thư cổ tử cung chứ không thể bảo vệ khỏi các chủng HPV gây mụn cóc sinh dục.

Độ tuổi được khuyến nghị tiêm vắc-xin là từ 9 đến 26 tuổi. Vắc-xin phòng HPV gồm có loại 2 mũi và loại 3 mũi, tùy theo độ tuổi. Cả hai loại đều cần được tiêm trước khi bắt đầu quan hệ tình dục vì vắc-xin sẽ cho hiệu quả cao nhất trước khi bị nhiễm virus.

Sử dụng bao cao su hoặc màng chắn miệng khi quan hệ tình dục cũng là điều rất quan trọng để làm giảm nguy cơ nhiễm HPV và bị mụn cóc sinh dục.

Tóm tắt bài viết

Mụn cóc sinh dục là một vấn đề do nhiễm HPV gây ra. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến và có thể điều trị được. HPV và mụn cóc có thể tự hết sau một thời gian nhưng cần điều trị để ngăn ngừa vấn đề tái phát, hạn chế lây truyền cho người khác và tránh xảy ra các biến chứng.

Nếu nghi ngờ mình bị mụn cóc sinh dục thì cần đi khám để kiểm tra chính xác và được tư vấn về các biện pháp điều trị.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: sinh dục
Tin liên quan
Mụn cóc phẳng: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị
Mụn cóc phẳng: Dấu hiệu nhận biết và cách điều trị

Trong hầu hết các trường hợp, mụn cóc phẳng tự biến mất mà không để lại biến chứng nào. Tuy nhiên, dù tự biến mất hay được điều trị thì mụn cóc cũng đều có thể quay trở lại.

Các loại mụn cóc và cách điều trị
Các loại mụn cóc và cách điều trị

Có 5 loại mụn cóc chính. Mỗi loại xuất hiện trên những bộ phận khác nhau của cơ thể và có những đặc điểm nhận dạng riêng.

Trị mụn cóc trên lưỡi bằng cách nào?
Trị mụn cóc trên lưỡi bằng cách nào?

Mụn cóc trên lưỡi thường không cần phải điều trị mà tự khỏi nhưng có thể phải mất nhiều năm.

Các phương pháp điều trị nhiễm HPV
Các phương pháp điều trị nhiễm HPV

Đến nay vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm khi nhiễm HPV nhưng có nhiều biện pháp để điều trị các triệu chứng do vi-rút này gây ra.

Những điều phụ nữ cần biết về HPV
Những điều phụ nữ cần biết về HPV

Mặc dù HPV thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng một số chủng gây ra mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) trong khi một số chủng khác lại có thể dẫn đến một số bệnh ung thư ví dụ như ung thư cổ tử cung.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây