1

Những điều phụ nữ cần biết về HPV

Mặc dù HPV thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng một số chủng gây ra mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) trong khi một số chủng khác lại có thể dẫn đến một số bệnh ung thư ví dụ như ung thư cổ tử cung.
Những điều phụ nữ cần biết về HPV Những điều phụ nữ cần biết về HPV

HPV là gì?

HPV là viết tắt của human papillomavirus (virus u nhú ở người), là một nhóm virus.

Có đến hơn 150 chủng HPV khác nhau tồn tại và ít nhất 40 chủng trong số đó lây qua đường tình dục. HPV được chia thành hai nhóm là HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao.

Mặc dù HPV thường không gây ra bất kỳ triệu chứng nào nhưng một số chủng gây ra mụn cóc sinh dục (sùi mào gà) trong khi một số chủng khác lại có thể dẫn đến một số bệnh ung thư ví dụ như ung thư cổ tử cung.

Dưới đây là tất cả những gì mà mọi phụ nữ cần biết về HPV, từ nguyên nhân, triệu chứng, con đường lây nhiễm, cách phát hiện, cho đến những biện pháp phòng ngừa.

Nhiễm HPV có phổ biến không?

HPV là bệnh nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC), hầu hết những người có quan hệ tình dục, bất kể nam hay nữ và quan hệ tình dục bằng hình thức nào thì cũng đều bị nhiễm ít nhất một chủng HPV vào một thời điểm nào đó trong đời.

Nguyên nhân

HPV là một loại virus và giống như nhiều loại virus khác như virus cảm lạnh thông thường hay virus cúm, HPV cũng có nhiều chủng khác nhau.

Một số chủng HPV có thể gây ra u nhú (mụn cóc). Ví thế mà chúng được đặt tên là virus u nhú ở người.

Con đường lây nhiễm

HPV chủ yếu lây truyền qua tiếp xúc da, đa phần là khi quan hệ tình dục.

HPV có thể lây từ bộ phận sinh dục của người này sang bộ phận sinh dục của người kia khi quan hệ đường miệng hoặc đường hậu môn.

HPV cũng có thể lây truyền khi quan hệ tình dục đường miệng. Virus có thể lây từ bộ phận sinh dục của người này sang miệng của người kia và ngược lại.

Nói chung, bất kỳ sự tiếp xúc nào với vùng da có HPV đều có thể lây truyền virus, ngay cả khi không có triệu chứng.

Trong một số ít trường hợp, HPV có thể lây từ mẹ sang con trong khi sinh thường.

Nhìn chung, dù có hay không có mụn cóc thì khả năng HPV ở bộ phận sinh dục gây ra các biến chứng khi mang thai và sinh nở là rất thấp.

HPV có ảnh hưởng đến nam giới không?

HPV ảnh hưởng đến tất cả mọi người, cả nam giới và nữ giới. Tuy nhiên, những nam giới có quan hệ đồng tính sẽ có nguy cơ bị nhiễm HPV cao hơn so với những người quan hệ tình dục khác giới.

Mặc dù HPV ít khi gây ung thư ở nam giới hơn so với nữ giới nhưng một số người sẽ có nguy cơ cao hơn bình thường, ví dụ như những người bị nhiễm HIV hoặc các nguyên nhân khác làm suy giảm hệ miễn dịch.

Những nam giới bị nhiễm cả HPV và HIV sẽ bị mụn cóc sinh dục nặng hơn và khó điều trị hơn.

Làm thế nào để phát hiện nhiễm HPV?

Vì HPV thường không biểu hiện triệu chứng nên rất nhiều phụ nữ chỉ biết mình bị nhiễm virus khi đi làm xét nghiệm sàng lọc.

Bác sĩ sẽ lấy một mẫu tế bào từ cổ tử cung để kiểm tra sự hiện diện của HPV.

Nếu như nổi mụn cóc thì có thể tự đoán được nhưng vẫn nên đi khám để xác nhận chính xác.

Các triệu chứng nhiễm HPV

HPV thường không có triệu chứng. Vì thể nên hầu hết mọi người đều không biết là mình đang mang virus.

Trong hầu hết các trường hợp, virus bị hệ miễn dịch tiêu diệt và biến mất sau một thời gian mà không cần can thiệp điều trị gì cả.

Khi có các triệu chứng thì đa phần là mụn cóc sinh dục. Mụn cóc sinh dục do HPV có những đặc điểm như sau:

  • Ngứa
  • Trùng màu da hoặc sẫm hơn màu da
  • Nhô cao hoặc phẳng
  • Hình dạng giống như súp lơ
  • Có nhiều kích thước khác nhau, chỉ từ khoảng 1mm cho đến 1cm
  • Mọc đơn lẻ hoặc thành cụm

Không phải tất cả các nốt sần, mụn ở bộ phận sinh dục đều là mụn cóc nên cần đi khám đê chẩn đoán chính xác.

Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân của vấn đề và tư vấn các bước cần thực hiện tiếp theo nếu cần thiết.

Chẩn đoán nhiễm HPV bằng cách nào?

Nếu có mụn cóc hoặc các vết loét ở bộ phận sinh dục thì bác sĩ sẽ sử dụng dụng cụ lấy một mẫu tế bào da nhỏ ở vùng bị tổn thương để phân tích, phát hiện HPV. Đây được gọi là sinh thiết.

Trong những trường hợp không có triệu chứng thì quá trình chẩn đoán sẽ được thực hiện sau khi làm xét nghiệm Pap và có kết quả bất thường.

Lúc này sẽ cần làm xét nghiệm Pap lại một lần nữa xác nhận kết quả ban đầu hoặc chuyển sang xét nghiệm HPV cổ tử cung.

Bác sĩ sẽ lấy một mẫu tế bào cổ tử cung khác và gửi sang phòng thí nghiệm kiểm tra sự hiện diện của HPV.

Nếu phát hiện có chủng HPV có thể gây ung thư thì sẽ cần soi cổ tử cung để tìm các tổn thương và dấu hiệu bất thường khác trên cổ tử cung.

Không cần thiết phải làm xét nghiệm Pap hậu môn trừ khi có mụn cóc ở hậu môn hoặc các triệu chứng bất thường khác ở khu vực này.

Hiện không có phương pháp xét nghiệm nào có thể phát hiện HPV ở miệng nhưng có thể tiến hành sinh thiết ở những vùng bị tổn thương trong khoang miệng hoặc cổ họng để xác định xem đó có phải là dấu hiệu ung thư hay không.

Sự khác biệt giữa xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV?

Xét nghiệm Pap không phát hiện được HPV mà chỉ có thể phát hiện các tế bào bất thường ở cổ tử cung.

Tuy nhiên, kết quả xét ngiệm Pap bất thường cũng chưa hẳn là đã bị ung thư. Đôi khi, kết quả bất thường có thể là do những yếu tố tác động như:

  • Lấy mẫu tế bào không chuẩn xác
  • Hiện đang có kinh nguyệt hoặc chảy máu âm đạo
  • Mới sử dụng các sản phẩm vệ sinh phụ nữ
  • Mới quan hệ tình dục

Kết quả bất thường cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, ví dụ như mụn rộp sinh dục hay nhiễm trichomonas.

Mặt khác, phương pháp xét nghiệm HPV có thể phát hiện sự hiện diện của HPV và xác định chủng virus cụ thể.

Có làm xét nghiệm HPV khi sàng lọc STD không?

Thông thường, xét nghiệm HPV không được thực hiện trong quy trình sàng lọc các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Những phụ nữ dưới 30 tuổi không được khuyến nghị làm xét nghiệm HPV trừ khi có kết quả xét nghiệm Pap bất thường.

Với những phụ nữ ở độ tuổi từ 30 đến 65 thì có thể lựa chọn một trong những hình thức sàng lọc như sau:

  • Xét nghiệm Pap 3 năm một lần
  • Xét nghiệm HPV 5 năm một lần
  • Xét nghiệm Pap và HPV cùng lúc 5 năm một lần

HPV có chữa khỏi được không?

Hiện chưa có cách nào có thể tiêu diệt được hoàn toàn HPV nhưng nhiều chủng sẽ biến mất sau một thời gian ở trong cơ thể.

Theo CDC, hơn 90% trường hợp nhiễm HPV đã không còn virus hoặc số lượng virus giảm xuống mức không thể phát hiện được trong vòng 2 năm kể từ khi phơi nhiễm.

Trong nhiều trường hợp, virus biến mất hoàn toàn hoặc giảm xuống mức không thể phát hiện được chỉ trong vòng 6 tháng.

Nếu virus vẫn tồn tại và gây ra vấn đề thì sẽ cần đến các phương pháp điều trị mụn cóc hoặc xử lý những tế bào bất thường ở cổ tử cung.

Phương pháp điều trị

Nhiều trường hợp bị mụn cóc sinh dục có thể tự khỏi mà không cần điều trị.

Nếu không muốn chờ đợi hoặc sau một thời gian mà mụn cóc vẫn không tự hết thì có thể điều trị bằng một trong những biện pháp dưới đây:

  • Imiquimod (Aldara): một loại kem bôi ngoài da có tác dụng tăng cường khả năng chống lại virus cho hệ miễn dịch
  • Sinecatechins (Veregen): một loại kem bôi điều trị mụn cóc sinh dục và hậu môn
  • Podophyllin và podofilox (Condylox): một chất được chiết xuất từ thực vật, dùng tại chỗ và có tác dụng phá hủy mô mụn cóc sinh dục
  • Axit trichloroacetic (TCA): một loại hóa chất phá hủy mụn cóc sinh dục bên trong và bên ngoài

Trong những trường hợp có mụn cóc lớn hoặc không đáp ứng với những loại thuốc kể trên thì sẽ cần loại bỏ mụn cóc bằng những thủ thuật sau:

  • Phẫu thuật cắt bỏ mụn cóc
  • Phẫu thuật lạnh (đông lạnh và phá hủy mô mụn cóc)
  • Đốt điện hoặc đốt bằng laser để phá hủy mô mụn cóc

Nếu HPV đã gây ung thư thì việc điều trị sẽ tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh tại thời điểm chẩn đoán.

Ví dụ, nếu ung thư mới chỉ ở giai đoạn đầu thì có thể loại bỏ khối u cùng với một vùng mô nhỏ xung quanh. Thường sẽ cần hóa trị hoặc xạ trị để tiêu diệt hoàn toàn các tế bào ung thư. Với những trường hợp mà ung thư đã tiến triển sang giai đoạn sau thì bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị dựa trên mức độ lan rộng (di căn) của ung thư trong cơ thể.

Điều gì xảy ra nếu HPV không được điều trị?

Trong nhiều trường hợp, dù không được điều trị thì mụn cóc sinh dục cũng tự hết nhưng cũng có những trường hợp mà mụn cóc không biến mất hoặc thậm chí tăng lên về kích thước và số lượng.

Nếu phát hiện các tế bào bất thường thì sẽ cần tiến hành loại bỏ hoặc theo dõi thêm một thời gian, tùy từng trường hợp. Khi những tế bào này không được theo dõi và cũng không được điều trị thì chúng có thể phát triển thành ung thư.

HPV có ảnh hưởng đến khả năng sinh sản không?

HPV sẽ không ảnh hưởng đến khả năng thụ thai. Tuy nhiên, một số phương pháp điều trị các vấn đề do HPV gây ra lại có thể làm giảm khả năng thụ thai.

Những phương pháp này gồm có:

Các thủ thuật này được thực hiện nhằm loại bỏ vùng mô bất thường ở cổ tử cung và có thể dẫn đến giảm sản xuất dịch nhầy cổ tử cung hoặc làm cho lỗ cổ tử cung bị thu hẹp lại.

Những sự thay đổi này sẽ làm cho tinh trùng khó tiếp cận đến trứng để thụ tinh hơn.

Nếu đã mang thai, HPV thường không ảnh hưởng đến thai kỳ. Khả năng lây truyền virus hoặc mụn cóc sinh dục từ mẹ sang con trong thời gian mang thai hoặc trong khi sinh nở là rất thấp.

Trong một số ít trường hợp, nếu mụn cóc sinh dục có kích thước quá lớn hoặc lây lan rộng thì có thể bít ống âm đạo hoặc gây biến chứng khi sinh thường.

Trong những trường hợp như vậy thì bác sĩ sẽ chỉ định sinh mổ.

Có phải nhiễm HPV là sẽ bị ung thư?

Không phải ai bị nhiễm HPV cũng đều sẽ bị ung thư. Thông thường, virus sẽ bị hệ miễn dịch cơ thể tiêu diệt và biến mất mà không gây ra mụn cóc sinh dục hoặc các vấn đề khác.

Nếu bác sĩ phát hiện các tế bào bất thường thì sẽ cần làm xét nghiệm để xác định xem có bị nhiễm HPV không và nếu có thì đó có phải là các chủng nguy cơ cao hay không.

Nếu không được điều trị, các chủng HPV nguy cơ cao có thể dẫn đến các bệnh ung thư như:

  • Ung thư khoang miệng
  • Ung thư cổ tử cung
  • Ung thư âm đạo
  • Ung thư âm hộ
  • Ung thư hậu môn

Có thể bị nhiễm HPV nhiều lần không?

Điều này hoàn toàn có thể xảy ra. Một người có thể bị nhiễm nhiều chủng HPV cùng một lúc hoặc chỉ bị nhiễm một chủng rồi bị cơ thể tiêu diệt và sau này lại tiếp tục bị nhiễm chủng đó hoặc nhiễm một chủng khác.

Việc bị nhiễm HPV một lần và tự khỏi không có nghĩa là lần sau cũng sẽ như vậy.

Cơ thể phản ứng với các chủng HPV theo cách khác nhau. Thậm chí, dù là cùng một chủng nhưng bị nhiễm vào những thời điểm khác nhau trong đời thì cơ thể cũng sẽ có phản ứng không giống nhau.

Làm thế nào để ngăn ngừa nhiễm HPV?

Có thể giảm nguy cơ nhiễm HPV bằng cách:

  • Tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV: Các loại vắc-xin HPV có tác dụng chống lại một số chủng đã được biết đến là gây mụn cóc hoặc ung thư.
  • Sử dụng bao cao su mỗi lần quan hệ tình dục: Mặc dù bo cao su không thể ngăn chặn hoàn toàn nguy cơ nhiễm HPV và các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác nhưng sẽ làm giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh khi quan hệ tình dục đường miệng, đường âm đạo và đường hậu môn.
  • Không quan hệ với nhiều người: Càng quan hệ vói nhiều người thì xác suất tiếp xúc với người bị nhiễm HPV càng cao.
  • Không thụt rửa: Thụt rửa sẽ loại bỏ những vi khuẩn có lợi khỏi âm đạo mà những vi khuẩn này có vai trò ngăn ngừa HPV cùng nhiều loại virus, vi khuẩn gây ra các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Vắc-xin phòng ngừa HPV

Các vắc-xin phòng ngừa HPV giúp tạo sự bảo vệ cho cơ thể khỏi các chủng HPV gây ra mụn cóc sinh dục, mụn cóc hậu môn hay miệng cũng như là một số bệnh ung thư.

Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đã phê chuẩn ba loại vắc-xin phòng ngừa HPV là:

  • Cervarix
  • Gardasil 4 (Gardasil)
  • Gardasil 9

Tùy từng độ tuổi mà sẽ cần tiêm hai mũi hoặc ba mũi nhưng mỗi người cần phải tiêm đủ số mũi theo quy định để có được hiệu quả bảo vệ toàn diện từ vắc-xin.

Các chuyên gia khuyến nghị nên tiên vắc-xin phòng ngừa HPV trong độ tuổi từ 11 đến 12 hoặc trước khi bắt đầu quan hệ tình dục. Tuy nhiên, sau khi quan hệ tình dục vẫn có thể tiêm. Lúc này, nếu đã nhiễm HPV thì vắc-xin sẽ không thể chống lại chủng virus đó nữa nhưng vẫn có tác dụng đối với các chủng khác. Độ tuổi được Bộ Y tế Việt Nam khuyến nghị nên tiêm vắc-xin phòng ngừa HPV là từ 9 đến 26 tuổi.

Gần đây, FDA mới tăng độ tuổi có thể tiêm vắc-xin HPV lên 45 tuổi nhưng những người trong độ tuổi từ 27 – 45 nếu muốn tiêm thì nên đến gặp bác sĩ trước để được tư vấn.

Vắc-xin có thể chống lại tất cả các chủng HPV không?

Vắc-xin chỉ có thể bảo vệ cơ thể khỏi các chủng HPV gây mụn cóc và ung thư.

Mỗi loại vắc-xin đem lại mức độ bảo vệ khác nhau:

  • Cervarix: chỉ có thể chống lại HPV chủng 16 và 18.
  • Gardisil: chống lại các chủng HPV 6, 11, 16 và 18.
  • Gardisil 9: chống lại 9 chủng HPV là 6, 11, 16, 18, 31, 33, 45, 52 và 58.

HPV chủng 16 và 18 là thủ phạm gây ra 70% tổng số ca bệnh ung thư cổ tử cung còn 20% là do các chủng HPV khác như 31, 33, 45, 52 và 58 gây ra. Đây được gọi là các chủng HPV nguy cơ cao.

HPV chủng 6 và 11 không gây ung thư mà gây ra mụn cóc ở bộ phận sinh dục, hậu môn hoặc miệng.

Vì vắc-xin Gardasil 9 bảo vệ cơ thể khỏi tất cả các chủng HPV nguy cơ cao nên đây là loại vắc-xin hiện đang được sử dụng rất phổ biến ở nhiều nước trên thế giới.

Vắc-xin đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa HPV nhưng không thể chống lại tất cả các chủng và cũng không có tác dụng đối với các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Do đó, kể cả khi đã tiêm vắc-xin thì vẫn cần sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục để giảm tối đa nguy cơ nhiễm HPV và đồng thời ngăn ngừa cả các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

Tóm tắt bài viết

Mặc dù HPV thường vô hại nhưng một số chủng nhất định có thể gây ra mụn cóc hoặc một số bệnh ung thư.

Vắc-xin có thể ngăn ngừa được hầu hết các bệnh ung thư do HPV gây ra. Tuy nhiên, vắc-xin không thể chống lại được tất cả các chủng HPV nên vẫn cần sử dụng các biện pháp bảo vệ như đeo bao cao su khi quan hệ tình dục.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: phụ nữ, bệnh hpv, hpv
Tin liên quan
Điều trị mụn cóc sinh dục bằng cách nào?
Điều trị mụn cóc sinh dục bằng cách nào?

Mụn cóc sinh dục là một vấn đề do nhiễm HPV gây ra. Đây là một bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến và có thể điều trị được.

Các phương pháp điều trị nhiễm HPV
Các phương pháp điều trị nhiễm HPV

Đến nay vẫn chưa có cách chữa trị dứt điểm khi nhiễm HPV nhưng có nhiều biện pháp để điều trị các triệu chứng do vi-rút này gây ra.

Mang thai khi bị nhiễm HPV có những rủi ro nào?
Mang thai khi bị nhiễm HPV có những rủi ro nào?

Sự thay đổi nồng độ nội tiết tố trong thời gian mang thai có thể khiến mụn cóc phát triển nhanh hơn bình thường.

Điểm khác biệt giữa HPV và HIV
Điểm khác biệt giữa HPV và HIV

HPV và HIV đều lây truyền qua đường tình dục nhưng đây là hai loại virus khác nhau hoàn toàn.

Phân Biệt Mụn Thịt Và Mụn Cóc Sinh Dục Như Thế Nào?
Phân Biệt Mụn Thịt Và Mụn Cóc Sinh Dục Như Thế Nào?

Phân biệt mụn thịt và mụn cóc ở bộ phận sinh dục đều là những vấn đề thường gặp. Vì cùng xuất hiện ở vùng kín và có vẻ ngoài tương đối giống nhau nên chúng thường bị nhầm lẫn với nhau.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây