1

Những điều cần biết về xét nghiệm Pap smear

Xét nghiệm Pap smear là một thủ thuật xét nghiệm để sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Những điều cần biết về xét nghiệm Pap smear Những điều cần biết về xét nghiệm Pap smear

Nội dung chính của bài viết

  • Mục đích của xét nghiệm Pap smear, Pap hay phết tế bào cổ tử cung là phát hiện những thay đổi ở tế bào trong cổ tử cung, có thể là do HPV gây ra.
  • Đây là một thủ thuật đơn giản, mặc dù sẽ hơi khó chịu nhưng thường không gây ra đau đớn quá lâu.
  • Bắt đầu từ tuổi 21, phụ nữ nên làm xét nghiệm Pap smear định kỳ 3 năm một lần.
  • Xét nghiệm Pap smear không phát hiện được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác

Xét nghiệm Pap smear là gì?

Xét nghiệm Pap, Pap smear hay phết tế bào cổ tử cung là một thủ thuật xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung. Phương pháp này kiểm tra sự hiện diện của các tế bào tiền ung thư hoặc ung thư trên cổ tử cung. Cổ tử cung là bộ phận nằm giữa tử cung và âm đạo.

Đây là thủ thuật được thực hiện trong các buổi khám phụ khoa định kỳ. Bác sĩ lấy mẫu tế bào từ cổ tử cung và kiểm tra nhằm phát hiện những điểm bất thường. Đây là một thủ thuật đơn giản, mặc dù sẽ hơi khó chịu nhưng thường không gây ra đau đớn quá lâu.

Dưới đây là những điều mà phụ nữ cần biết về xét nghiệm Pap smear, cần chuẩn bị những gì, quy trình thực hiện như thế nào, đối tượng, tần suất nên làm xét nghiệm và ý nghĩa kết quả.

Ai cần làm xét nghiệm Pap?

Bắt đầu từ tuổi 21, phụ nữ nên làm xét nghiệm Pap smear định kỳ 3 năm một lần. Tuy nhiên, những người thuộc nhóm có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung hoặc nhiễm HPV thì cần làm xét nghiệm thường xuyên hơn. Cụ thể, nhóm này gồm có những người:

  • Bị nhiễm HIV
  • Có hệ miễn dịch suy yếu do hóa trị, từng phẫu thuật ghép tạng hoặc sử dụng steroid trong thời gian dài
  • Có mẹ sử dụng diethylstilbestrol (DES) trong thời gian mang bầu
  • Hút thuốc lá

Với những người trên 30 tuổi và các lần xét nghiệm Pap trước đây đều có kết quả bình thường thì có thể làm xét nghiệm Pap kết hợp xét nghiệm phát hiện HPV 5 năm một lần hoặc chỉ xét nghiệm HPV.

HPV là loại virus gây ra mụn cóc và làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. HPV chủng 16 và 18 là nguyên nhân của hầu hết các ca ung thư cổ tử cung. Nếu bị nhiễm vi-rút này thì sẽ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao hơn bình thường.

Phụ nữ từ 65 tuổi trở lên và tất cả những lần xét nghiệm Pap trước đây đều có kết quả bình thường thì có thể không cần làm xét nghiệm nữa.

Dù gần đây có quan hệ tình dục hay không thì vẫn nên làm xét nghiệm Pap theo tần suất được khuyến nghị. Lý do là bởi vi-rút HPV có thể ở trạng thái không hoạt động suốt nhiều năm trong cơ thể và sau đó mới đột nhiên hoạt động.

Tần suất làm xét nghiệm Pap

Tần suất cần phết tế bào cổ tử cung phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau, gồm có tuổi tác và mức độ nguy cơ. Cụ thể:

  • Phụ nữ dưới 21 tuổi: chưa cần làm xét nghiệm.
  • Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi: làm xét nghiệm 3 năm một lần
  • Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi: nếu chỉ xét nghiệm Pap thì thực hiện 3 năm một lần còn nếu xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap cùng lúc thì thực hiện 5 năm một lần.
  • Phụ nữ trên 65 tuổi có thể không cần làm xét nghiệm Pap smear nữa.

Những khuyến nghị này chỉ áp dụng cho phụ nữ vẫn còn cổ tử cung. Những người đã phẫu thuật cắt tử cung cùng với cổ tử cung và không có tiền sử ung thư cổ tử cung thì không cần xét nghiệm sàng lọc.

Với những trường hợp có hệ miễn dịch suy yếu, có tiền sử tiền ung thư hoặc ung thư thì bác sĩ sẽ có hướng dẫn cụ thể về tần suất sàng lọc.

Cần chuẩn bị gì trước xét nghiệm?

Có thể làm xét nghiệm Pap smear luôn trong buổi khám phụ khoa định kỳ hoặc thực hiện riêng vào một ngày khác.

Nếu có kinh nguyệt vào ngày làm xét nghiệm thì cần nói cho bác sĩ biết để dời lịch sang một hôm khác vì nếu tiến hành trong thời gian hành kinh thì kết quả sẽ kém chính xác.

Không quan hệ tình dục, thụt rửa và sử dụng các sản phẩm diệt tinh trùng trong vòng một ngày trước khi xét nghiệm vì những điều này sẽ ảnh hưởng đến kết quả.

Có thể tiến hành xét nghiệm Pap trong 24 tuần đầu của thai kỳ. Từ tuần thứ 25 trở đi, quá trình lấy mẫu tế bào sẽ gây đau đớn hơn. Sau khi sinh thì nên để qua 12 tuần mới làm xét nghiệm để có kết quả chính xác.

Điều quan trọng là phải thư giãn, thả lỏng, giữ bình tĩnh và hít thở sâu trong suốt quá trình. Càng căng thẳng thì sẽ càng bị đau và bác sĩ càng khó thực hiện hơn.

Quá trình thực hiện

Quá trình phết tế bào cổ tử cung sẽ hơi khó chịu nhưng chỉ mất một vài phút là hoàn thành.

Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn khám với hai chân mở rộng và đặt lên bàn đạp.

Bác sĩ sẽ từ từ đưa dụng cụ mỏ vịt đã bôi trơn vào trong âm đạo để mở rộng thành âm đạo và có thể quan sát cổ tử cung dễ dàng hơn. Sau đó, bác sĩ sẽ lấy một mẫu tế bào nhỏ từ cổ tử cung. Bước này có thể được thực hiện bằng các dụng cụ khác nhau như thìa nạo, bàn chải hay tăm bông vô trùng.

Bệnh nhân sẽ cảm thấy hơi đau trong quá trình lấy mẫu.

Mẫu tế bào từ cổ tử cung sẽ được bảo quản và gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích nhằm tìm sự hiện diện của các tế bào bất thường.

Sau khi lấy mẫu, bệnh nhân sẽ cảm thấy hơi khó chịu ở bên trong do cổ tử cung bị tổn thương và đau nhẹ ở bụng dưới. Ngoài ra, có thể sẽ còn bị ra một ít máu ngay sau khi làm thủ thuật. Nếu quá đau đớn hoặc bị ra máu trong thời gian dài thì cần đến ngay bệnh viện để kiểm tra.

Kết quả xét nghiệm Pap

Phương pháp xét nghiệm Pap sẽ cho ra hai kết quả là bình thường hoặc bất thường.

Kết quả bình thường

Kết quả bình thường hay còn được gọi là âm tính có nghĩa là không tìm thấy tế bào bất thường trong mẫu bệnh phẩm thu được từ cổ tử cung. Nếu có kết quả bình thường thì sau 3 năm nữa mới cần xét nghiệm lại.

Kết quả bất thường

Nếu xét nghiệm Pap cho kết quả không bình thường thì cũng chưa hẳn là đã bị ung thư. Điều này có nghĩa là phát hiện thấy những tế bào bất thường trên cổ tử cung và đó có thể là tế bào tiền ung thư. Có một số cấp độ tế bào bất thường là:

  • Không điển hình
  • Nhẹ
  • Vừa
  • Loạn sản nặng
  • Ung thư biểu mô tại chỗ

Đa số các trường hợp đều là các tế bào bất thường mức độ nhẹ.

Tùy thuộc vào kết quả xét nghiệm mà bác sĩ sẽ chỉ định bước cần thực hiện tiếp theo: tăng tần suất xét nghiệm Pap hoặc kiểm tra kỹ hơn mô cổ tử cung bằng thủ thuật soi cổ tử cung.

Trong thủ thuật soi cổ tử cung, bác sĩ sử dụng máy soi để quan sát bên trong âm đạo và cổ tử cung, đồng thời có thể lấy mẫu mô từ cổ tử cung (sinh thiết).

Kết quả chính xác đến đâu?

Xét nghiệm Pap smear cho kết quả rất chính xác. Việc làm xét nghiệm định kỳ giúp làm giảm tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung đi ít nhất 80%. Mặc dù quá trình lấy mẫu tế bào sẽ không được thoải mái nhưng chỉ kéo dài một vài phút và đổi lại có thể giúp bảo vệ sức khỏe về lâu dài.

Xét nghiệm Pap có phát hiện được HPV không?

Mục đích chính của phương pháp phết tế bào cổ tử cung là phát hiện những thay đổi ở tế bào trong cổ tử cung, có thể là do HPV gây ra.

Khi phát hiện sớm các tế bào ung thư cổ tử cung thì sẽ có thể bắt đầu điều trị trước khi các tế bào này lan rộng và dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng. Có thể phát hiện vi-rút HPV từ mẫu xét nghiệm Pap smear.

HPV có thể lây truyền khi quan hệ tình dục đồng giới hoặc khác giới. Để giảm nguy cơ nhiễm vi-rút thì cần quan hệ tình dục an toàn bằng cách đeo bao cao su hoặc sử dụng các biện pháp bảo vệ khác. Tất cả phụ nữ có quan hệ tình dục đều có nguy cơ nhiễm HPV và nên làm xét nghiệm Pap ít nhất một lần sau mỗi 3 năm.

Xét nghiệm Pap smear không phát hiện được các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Mặc dù xét nghiệm Pap đôi khi có thể phát hiện dấu hiệu của các bệnh ung thư khác nhưng không thể chỉ dựa vào kết quả của phương pháp này mà vẫn cần phải tiến hành thêm các phương pháp xét nghiệm, chẩn đoán để xác nhận.

Tổng số điểm của bài viết là: 4 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Ung thư cổ tử cung có gây tử vong không? Và 15 điều cần biết về ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung có gây tử vong không? Và 15 điều cần biết về ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi được, đặc biệt là khi phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu.

Tại sao lại bị chảy máu sau xét nghiệm Pap smear và bao lâu thì hết?
Tại sao lại bị chảy máu sau xét nghiệm Pap smear và bao lâu thì hết?

Chảy máu âm đạo sau xét nghiệm Pap smear đa phần không phải là điều gì bất thường

Xét nghiệm Pap có phát hiện được HIV không?
Xét nghiệm Pap có phát hiện được HIV không?

Có nhiều phương pháp xét nghiệm sàng lọc HIV khác nhau, gồm có các phương pháp thực hiện tại nhà và tại bệnh viện.

Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung

Khi được phát hiện ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung có thể được điều trị khỏi và trên thực tế, đây là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao nhất nếu được phát hiện sớm.

Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung
Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung

Phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây