Ung thư cổ tử cung có gây tử vong không? Và 15 điều cần biết về ung thư cổ tử cung
Nội dung chính của bài viết
-
Ung thư cổ tử cung là một bệnh ung thư tiến triển chậm nhưng có thể đe dọa đến tính mạng.
-
Các kỹ thuật sàng lọc hiện đại ngày nay giúp làm tăng khả năng phát hiện ra các tế bào tiền ung thư, nhờ đó có thể loại bỏ từ trước khi chúng có cơ hội phát triển thành ung thư.
-
Khi được chẩn đoán và điều trị từ sớm thì triển vọng sẽ rất khả quan.
-
Có nhiều cách để giảm nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung hoặc phát hiện và điều trị sớm để ngăn bệnh tiến triển nặng hơn.
-
Hãy hỏi bác sĩ về các yếu tố nguy cơ và tần suất cần làm xét nghiệm sàng lọc.
Ung thư cổ tử cung có gây tử vong không?
Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể gây tử vong. Đây là bệnh được xếp vào nhóm có tỷ lệ mắc và tử vong cao nhất trong số các bệnh ung thư. Theo số liệu ước tính, có hơn 300.000 ca tử vong do ung thư cổ tử cung nào năm 2018. Bệnh ung thư này xảy ra phổ biến hơn ở các nước kém phát triển trên thế giới. Tuy nhiên, số ca tử vong hiện nay đã giảm đáng kể so với trước đây.
Lý do mà ngày càng có ít người tử vong do ung thư cổ tử cung là nhờ phương pháp xét nghiệm Pap hay Pap smear (phết tế bào cổ tử cung).
Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi được, đặc biệt là khi phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu.
Giai đoạn ung thư tại thời điểm chẩn đoán và tiên lượng
Giai đoạn ung thư tại thời điểm chẩn đoán sẽ quyết định hiệu quả điều trị và tiên lượng. Dù là bất cứ bệnh ung thư nào, càng được phát hiện sớm thì tiên lượng sẽ càng khả quan. Ung thư cổ tử cung là bệnh có tốc độ tiến triển chậm.
Xét nghiệm Pap có thể phát hiện các tế bào bất thường trên cổ tử cung trước khi chúng trở thành ung thư. Giai đoạn này được gọi là ung thư biểu mô tại chỗ (carcinoma in situ) hay ung thư cổ tử cung giai đoạn 0.
Việc loại bỏ các tế bào này có thể ngăn ngừa ung thư phát triển.
Sau khi các tế bào bất thường trở thành ung thư, ung thư cổ tử cung sẽ tiến triển qua 4 giai đoạn gồm có:
- Giai đoạn 1: Tế bào ung thư có ở trên cổ tử cung và có thể đã lan vào tử cung.
- Giai đoạn 2: Tế bào ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung và tử cung nhưng chưa tới thành vùng chậu và phần dưới của âm đạo.
- Giai đoạn 3: Tế bào ung thư đã lan đến phần dưới của âm đạo, thành khung chậu hoặc đang lan đến thận.
- Giai đoạn 4: Tế bào ung thư đã lan ra ngoài vùng chậu và đến niêm mạc bàng quang, trực tràng hoặc các cơ quan ở xa trong cơ thể.
Tỷ lệ sống tương đối 5 năm ở người bị chẩn đoán mắc ung thư cổ tử cung từ năm 2009 đến 2015 là:
- Giai đoạn khu trú (tế bào ung thư giới hạn ở cổ tử cung và tử cung): 91.8%
- Giai đoạn vùng (tế bào ung thư đã lan ra ngoài cổ tử cung và tử cung đến các khu vực lân cận): 56.3%
- Giai đoạn xa (tế bào ung thư lan ra ngoài vùng chậu): 16.9%
- Không phân biệt giai đoạn: 49%
Đây là tỷ lệ sống sót chung được tổng hợp dựa trên dữ liệu từ năm 2009 đến 2015. Các phương pháp điều trị ung thư đã có nhiều thay đổi và triển vọng sống của người bệnh cũng vì thế mà ngày càng tăng lên.
Những yếu tố khác ảnh hưởng đến tiên lượng
Ngoài giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán thì còn có nhiều yếu tố khác quyết định đến tiên lượng bệnh.
Những yếu tố này gồm có:
- Độ tuổi khi bệnh được chẩn đoán
- Tình trạng sức khỏe, có đang mắc các bệnh khác như HIV hay không
- Chủng HPV bị nhiễm
- Loại ung thư cổ tử cung cụ thể
- Mới mắc lần đầu hay ung thư tái phát
- Thời gian bắt đầu điều trị
Chủng tộc cũng là một yếu tố quyết định tiên lượng khi mắc ung thư cổ tử cung. Phụ nữ da đen và Tây Ban Nha có tỷ lệ tử vong cao hơn so với những nhóm chủng tộc khác.
Ai có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung?
Bất cứ phụ nữ nào còn cổ tử cung đều có thể bị ung thư cổ tử cung, bao gồm cả những người gần đây không quan hệ tình dục, phụ nữ đang mang thai hoặc đã mãn kinh.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), ung thư cổ tử cung hiếm khi xảy ra ở phụ nữ dưới 20 tuổi và thường chủ yếu được chẩn đoán ở những người trong độ tuổi từ 35 đến 44.
Về chủng tộc, người gốc Tây Ban Nha có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung cao nhất, sau đó là người Mỹ gốc Phi, người châu Á và người da trắng.
Người Mỹ bản địa và thổ dân Alaska có nguy cơ thấp nhất.
Nguyên nhân gây ung thư cổ tử cung
Phần lớn các trường hợp ung thư cổ tử cung là do nhiễm HPV. HPV là loại vi-rút phổ biến nhất lây nhiễm ở hệ sinh dục. Hầu hết những người có quan hệ tình dục đều bị nhiễm vi-rút này vào một thời điểm nào đó.
HPV rất dễ lây truyền vì vi-rút này có thể lây qua tiếp xúc da ở bộ phận sinh dục. Do đó mà một người có thể nhiễm HPV ngay cả khi không quan hệ tình dục xâm nhập.
Trong hầu hết các trường hợp thì HPV sẽ tự biến mất trong vòng 2 năm sau khi vào cơ thể. Tuy nhiên, nếu vẫn tiếp tục quan hệ tình dục thì sẽ có thể bị tái nhiễm.
Chỉ một số rất ít người nhiễm HPV bị ung thư cổ tử cung nhưng gần như tất cả các trường hợp ung thư cổ tử cung là đều do vi-rút này gây ra.
Tuy nhiên không phải cứ nhiễm HPV là sẽ bị ung thư ngay. Có thể phải sau 15 đến 20 năm kể từ khi nhiễm vi-rút thì ung thư cổ tử cung mới phát triển hoặc ít nhất là 5 đến 10 năm đối với những người có hệ miễn dịch suy yếu.
Nguy cơ bị cổ tử cung sau khi nhiễm HPV thường tăng cao ở những người hút thuốc lá hoặc mắc các bệnh nhiễm trùng lây qua đường tình dục (STI) khác như chlamydia, lậu, hoặc herpes.
Có những loại ung thư cổ tử cung nào?
Có tới 9 trên 10 trường hợp ung thư cổ tử cung là ung thư biểu mô tế bào vảy. Loại ung thư này phát triển từ các tế bào vảy ở ngoài cổ tử cung - phần cổ tử cung nằm gần âm đạo nhất.
Hầu hết những trường hợp khác là ung thư biểu mô tuyến - loại ung thư phát triển trong các tế bào tuyến ở kênh cổ tử cung – phần cổ tử cung gần với tử cung.
Ung thư cổ tử cung cũng có thể là u lympho, ung thư tế bào hắc tố, sarcoma hoặc các loại hiếm gặp khác.
Làm thế nào để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung?
Kể tử khi có phương pháp xét nghiệm Pap smear, tỷ lệ tử vong do ung thư cổ tử cung đã giảm đáng kể.
Một trong những điều quan trọng nhất mà phụ nữ cần thực hiện để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là đi khám phụ khoa định kỳ và làm xét nghiệm Pap smear theo khuyến nghị của bác sĩ.
Các cách khác để giảm nguy cơ còn có:
- Tiêm vắc-xin ngừa HPV
- Điều trị nếu phát hiện thấy các tế bào tiền ung thư ở cổ tử cung
- Làm xét nghiệm theo dõi khi xét nghiệm Pap cho kết quả bất thường hoặc xét nghiệm HPV có kết quả dương tính
- Không hút thuốc lá
Triệu chứng ung thư cổ tử cung
Ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung thường không biểu hiện triệu chứng nên nhiều trường hợp chỉ phát hiện ra khi bệnh đã tiến triển sang các giai đoạn sau. Đó là lý do tại sao cần làm xét nghiệm sàng lọc định kỳ.
Khi ung thư cổ tử cung tiến triển thì sẽ có các dấu hiệu, triệu chứng như:
- Dịch tiết âm đạo có lượng, màu sắc, kết cấu hoặc mùi bất thường
- Chảy máu âm đạo bất thường,ví dụ như chảy máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, ra máu sau mãn kinh và quan hệ tình dục
- Đau khi quan hệ tình dục
- Đau vùng chậu và/hoặc thắt lưng
- Đi tiểu nhiều
- Đau khi tiểu/đại tiện
- Tiểu tiện, đại tiện ra máu
- Người mệt mỏi
- Sụt cân không chủ đích
Tất nhiên, những triệu chứng này không phải lúc nào cũng là dấu hiệu chỉ ra ung thư cổ tử cung mà còn có thể là dấu hiệu của nhiều vấn đề sức khỏe khác. Do đó, cần đi khám để xác định chính xác nguyên nhân gây ra các triệu chứng.
Những ai nên làm xét nghiệm sàng lọc?
- Những người từ 21 đến 29 tuổi nên làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần.
- Những người từ 30 đến 65 tuổi nên làm xét nghiệm Pap và xét nghiệm HPV 5 năm một lần. Hoặc cũng có thể chỉ làm xét nghiệm Pap 3 năm một lần.
- Với những người đã phẫu thuật cắt tử cung toàn phần (cắt cả tử cung và buồng trứng) vì những lý do khác không phải ung thư hoặc tiền ung thư thì không cần phải làm xét nghiệm Pap hay HPV nữa. Nếu chỉ cắt tử cung và còn cổ tử cung thì vẫn cần phải làm xét nghiệm sàng lọc.
- Với những người trên 65 tuổi, không có các bệnh tiền ung thư trong 20 năm trở lại và đã làm xét nghiệm định kỳ trong 10 năm liên tục thì có thể ngừng sàng lọc ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, sẽ cần làm xét nghiệm thường xuyên hơn nếu:
- Thuộc nhóm có nguy cơ cao bị ung thư cổ tử cung.
- Có kết quả xét nghiệm Pap bất thường.
- Đã được chẩn đoán mắc các bệnh tiền ung thư cổ tử cung hoặc bị nhiễm HIV.
- Trước đây đã từng điều trị ung thư cổ tử cung.
Nên nói chuyện với bác sĩ về nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung để được tư vấn về tần suất sàng lọc phù hợp.
Bước đầu tiên thường là khám lâm sàng để đánh giá tình trạng sức khỏe tổng quát và các dấu hiệu bệnh. Xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap có thể được thực hiện cùng lúc trong quá trình thăm khám.
Ung thư cổ tử cung được chẩn đoán bằng cách nào?
Mặc dù xét nghiệm Pap smear có thể phát hiện các tế bào bất thường nhưng lại không thể xác nhận các tế bào này có phải là ung thư hay không. Để xác nhận thì sẽ cần đến phương pháp sinh thiết cổ tử cung.
Bằng kỹ thuật nạo kênh cổ tử cung (endocervical curettage), bác sĩ lấy một mẫu mô nhỏ từ kênh cổ tử cung.
Thủ thuật này có thể được thực hiện một mình hoặc kết hợp với soi cổ tử cung, trong đó bác sĩ sử dụng máy soi cổ tử cung để quan sát bên trong âm đạo và cổ tử cung.
Có thể sẽ cần sinh thiết chóp để lấy một mẫu mô lớn hơn ở cổ tử cung. Đây là một thủ thuật được thực hiện bằng dao mổ hoặc laser và bệnh nhân có thể về nhà ngay sau khi hoàn tất.
Mẫu mô thu được sau đó sẽ được kiểm tra dưới kính hiển vi để tìm các tế bào ung thư.
Có khi nào kết quả Pap bình thường nhưng vẫn bị ung thư cổ tử cung không?
Điều này là hoàn toàn có thể. Lý do là bởi xét nghiệm Pap chỉ cho biết có tế bào ung thư hoặc tiền ung thư ở thời điểm làm xét nghiệm hay không. Dù bây giờ có kết quả bình thường thì sau này vẫn hoàn toàn có thể xuất hiện các tế bào bất thường.
Tuy nhiên, nếu xét nghiệm Pap cho kết quả bình thường và kết quả xét nghiệm HPV âm tính thì khả năng bị ung thư cổ tử cung trong vài năm tiếp theo là rất thấp.
Khi có kết quả xét nghiệm Pap bình thường nhưng xét nghiệm HPV dương tính với thì sẽ cần lam xét nghiệm theo dõi để phát hiện sớm các thay đổi. Mặc dù vậy nhưng thường thì sẽ không cần phải làm xét nghiệm thêm trong vòng 1 năm sau đó.
Ung thư cổ tử cung là bệnh ung thư phát triển chậm nên miễn là làm xét nghiệm theo dõi thường xuyên thì cũng không có gì đáng lo ngại cả.
Điều trị ung thư cổ tử cung bằng cách nào?
Sau khi có chẩn đoán ung thư cổ tử cung thì bước tiếp theo là xác định giai đoạn hay phạm vi lan rộng của tế bào ung thư.
Để xác định giai đoạn thì sẽ cần tiến hành các phương pháp chẩn đoán hình ảnh nhằm xác định vị trí của của tế bào ung thư. Hoặc cũng có thể phải phẫu thuật thì bác sĩ mới có thể xác định được chính xác giai đoạn ung thư.
Phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào phạm vi của tế bào ung thư. Các phương pháp phẫu thuật để điều trị ung thư cổ tử cung gồm có:
- Khoét chóp cổ tử cung: loại bỏ các tế bào ung thư từ cổ tử cung.
- Cắt tử cung toàn phần: cắt cổ tử cung và tử cung.
- Cắt tử cung triệt căn: cắt bỏ cổ tử cung, tử cung, một phần của âm đạo, một số dây chằng và mô xung quanh. Có thể sẽ cần cắt cả buồng trứng, ống dẫn trứng và các hạch bạch huyết lân cận.
- Cắt tử cung triệt căn giữ nguyên buồng trứng: cắt cổ tử cung, tử cung, phần trên của âm đạo, một số dây chằng và mô xung quanh, có thể cần cắt cả các hạch bạch huyết lân cận.
- Cắt cổ tử cung triệt căn: cắt bỏ cổ tử cung, mô và hạch bạch huyết gần đó cùng với phần trên của âm đạo.
- Cắt buồng trứng – vòi trứng: cắt bỏ buồng trứng và vòi trứng (ống dẫn trứng).
- Cắt tạng vùng chậu: cắt bỏ bàng quang, phần dưới của đại tràng, trực tràng, cổ tử cung, âm đạo, buồng trứng và các hạch bạch huyết xung quanh. Sẽ cần mở lỗ thông ra da để đảo thải nước tiểu và phân ra ngoài.
Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung khác còn có:
- Xạ trị: sử dụng tia phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư và ngăn chúng phát triển trở lại.
- Hóa trị: dùng thuốc điều trị cho toàn cơ thể (hóa trị toàn thân) hoặc tiêm trực tiếp vào khối u (hóa trị vùng) để tiêu diệt các tế bào ung thư.
- Liệu pháp nhắm trúng đích: dùng các loại thuốc chỉ nhắm đến và tấn công tế bào ung thư mà không ảnh hưởng đến các tế bào khỏe mạnh.
- Liệu pháp miễn dịch: dùng các loại thuốc giúp hệ miễn dịch chống lại ung thư.
- Thử nghiệm lâm sàng: thử các phương pháp điều trị mới chưa được chính thức phê chuẩn đưa vào sử dụng.
- Chăm sóc giảm nhẹ: chỉ điều trị các triệu chứng của bệnh để cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.
Ung thư cổ tử cung có chữa khỏi được không?
Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi, đặc biệt là khi được chẩn đoán và điều trị ở giai đoạn đầu.
Bệnh có thể tái phát không?
Cũng như các loại ung thư khác, ung thư cổ tử cung có thể quay trở lại sau khi điều trị. Bệnh có thể tái phát ở gần cổ tử cung hoặc một vị trí khác trong cơ thể. Do đó mà bệnh nhân sẽ cần đi tái khám để theo dõi các dấu hiệu ung thư tái phát.
Phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ còn được gọi là ung thư cổ tử cung giai đoạn 0.
Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện là thủ thuật loại bỏ các tế bào bất thường ở cổ tử cung.
Nếu không được phát hiện sớm và điều trị, loạn sản cổ tử cung có thể phát triển thành ung thư.
Liệu pháp áp lạnh là gì? Quy trình thực hiện như thế nào? Có những rủi ro gì?