1

Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung

Phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán.
Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung

Nội dung chính của bài viết

  • Có thể chữa trị khỏi ung thư cổ tử cung nếu bệnh được phát hiện ở giai đoạn đầu. Trong những trường hợp này, tỷ lệ sống sót là rất cao.
  • Phương pháp xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) giúp làm tăng khả năng phát hiện và điều trị sớm các thay đổi tiền ung thư. 
  • Phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán.
  • Ung thư càng tiến triển thì việc điều trị càng phức tạp và cần kết hợp các phương pháp với nhau.
  • Một số phương pháp điều trị tiêu chuẩn gồm có: phẫu thuật, xạ trị, hóa trị hay dùng các loại thuốc khác. 

Điều trị tổn thương tiền ung thư cổ tử cung

Có một số phương pháp để điều trị các tế bào tiền ung thư được tìm thấy trong cổ tử cung.

Liệu pháp áp lạnh

Liệu pháp áp lạnh là phương pháp phá hủy các mô cổ tử cung bất thường bằng cách đóng băng. Thủ thuật này chỉ mất vài phút và được thực hiện với phương pháp gây tê tại chỗ.

Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (LEEP)

Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện là phương pháp sử dụng một vòng tròn nhỏ bằng kim loại có điện chạy qua để loại bỏ mô bất thường ở cổ tử cung. Giống như liệu pháp áp lạnh, thủ thuật này cũng chỉ mất vài phút và có thể được thực hiện với phương pháp gây tê tại chỗ.

Phá hủy bằng laser

Laser cũng có thể được sử dụng để phá hủy các tế bào bất thường hoặc tiền ung thư. Liệu pháp laser sử dụng nhiệt để tiêu diệt các tế bào. Thủ thuật này được thực hiện với phương pháp gây tê tại chỗ hoặc gây mê toàn thân, tùy từng trường hợp.

Khoét chóp cổ tử cung bằng dao lạnh

Đây là thủ thuật sử dụng dao mổ để loại bỏ mô cổ tử cung bất thường. Trong quy trình khoét chóp cổ tử cung bằng dao lạnh, bệnh nhân cần được gây mê toàn thân.

Phẫu thuật điều trị ung thư cổ tử cung

Quy trình phẫu thuật điều trị ung thư cổ tử cung nhằm mục đích loại bỏ tất cả các tế bào ung thư được phát hiện. Đôi khi, các hạch bạch huyết lân cận và vùng mô xung quanh cũng được loại bỏ nếu tế bào ung thư đã lan đến.

Có nhiều phương pháp phẫu thuật khác nhau để điều trị ung thư cổ tử cung và phương pháp mà bác sĩ chỉ định sẽ phụ thuộc vào một số yếu tố, gồm có mức độ tiến triển của ung thư, có ý định sinh con trong tương lai hay không và tình trạng sức khỏe tổng thể. Các phương pháp phẫu thuật chính gồm có:

Khoét chóp cổ tử cung

Trong quy trình khoét chóp cổ tử cung, một phần cổ tử cung hình nón được cắt bỏ. Thủ thuật này được sử dụng để loại bỏ các tế bào tiền ung thư hoặc ung thư.

Việc cắt một vùng mô hình nón giúp loại bỏ được lượng mô tối đa ở bề mặt cổ tử cung trong khi hạn chế lượng mô bị cắt đi ở bên dưới.

Khoét chóp cổ tử cung có thể được thực hiện bằng nhiều kỹ thuật khác nhau, gồm có:

  • Cắt bằng vòng điện (LEEP)
  • Phẫu thuật bằng tia laser
  • Cắt bằng dao lạnh

Sau khi bị loại bỏ, các tế bào bất thường được gửi đến phòng thí nghiệm để phân tích. Thủ thuật này có thể được sử dụng để chẩn đoán và điều trị ung thư. Khi không phát hiện tế bào ung thư ở rìa của vùng mô hình nón được loại bỏ thì có thể không cần phải điều trị thêm.

Cắt tử cung

Cắt tử cung là quy trình phẫu thuật cắt bỏ đi tử cung và cổ tử cung. Phương pháp này làm giảm đáng kể nguy cơ tái phát so với các phương pháp phẫu thuật được thực hiện cục bộ. Tuy nhiên, một khi đã cắt tử cung thì phụ nữ sẽ không thể có con được nữa.

Quy trình phẫu thuật cắt tử cung có thể được thực hiện theo một số cách khác nhau:

  • Mổ mở: cắt bỏ tử cung qua một vết mổ dài ở bụng.
  • Phẫu thuật qua đường âm đạo: cắt tử cung qua âm đạo mà không cần tạo vết mổ ở bên ngoài
  • Phẫu thuật nội soi ổ bụng: đưa ống nội soi và các dụng cụ mổ vào qua các vết mổ nhỏ ở bụng để cắt tử cung.
  • Phẫu thuật bằng robot: bác sĩ điều khiến cánh tay robot từ một thiết bị bên ngoài để thực hiện các thao tác phẫu thuật cắt tử cung qua các vết mổ nhỏ ở bụng.

Một số trường hợp sẽ cần tiến hành phẫu thuật cắt tử cung triệt căn. Đây là quy trình cắt bỏ đi tử cung, cổ tử cung, phần trên của âm đạo, hai buồng trứng, ống dẫn trứng và vùng mô xung quanh.

Đôi khi sẽ cần loại bỏ cả các hạch bạch huyết trong vùng chậu. Thủ thuật này được gọi là bóc tách hạch vùng chậu.

Cắt cổ tử cung

Cắt cổ tử cung là quy trình phẫu thuật thay thế cho cắt tử cung trong một số trường hợp, trong đó cổ tử cung và phần trên của âm đạo được cắt đi. Tử cung và buồng trứng vẫn được giữ nguyên. Sau đó, tạo một lỗ thông tử cung với âm đạo.

Cắt cổ tử cung giúp phụ nữ vẫn có thể mang thai sau phẫu thuật. Tuy nhiên, khi mang thai thì sẽ được coi là thai kỳ nguy cơ cao vì sẽ dễ bị sảy thai.

Cắt tạng chậu

Quy trình phẫu thuật này chỉ được sử dụng trong những trường hợp mà tế bào ung thư đã lan rộng. Trong quá trình cắt tạng chậu, bác sĩ sẽ cắt bỏ:

  • Tử cung
  • Hạch bạch huyết trong vùng chậu
  • Bàng quang
  • Âm đạo
  • Trực tràng
  • Một phần của đại tràng

Xạ trị

Xạ trị là phương pháp sử dụng chùm tia phóng xạ năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Phương pháp xạ trị truyền thống sử dụng một thiết bị bên ngoài phát ra tia phóng xạ nhắm vào vị trí có khối u trong cơ thể.

Hiện nay còn có phương pháp xạ trị áp sát hay cận xạ trị, có nghĩa là nguồn chứa chất phóng xạ được đặt trực tiếp vào trong cơ thể, ngay sát với khối u. Nguồn phóng xạ được giữ nguyên trong một thời gian, tùy vào liều phóng xạ và sau đó lấy ra. Phương pháp xạ trị có nhiều tác dụng phụ nhưng phần lớn đều tự hết sau khi hoàn thành điều trị. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ sẽ là vĩnh viễn, ví dụ như hẹp âm đạo và tổn thương buồng trứng.

Hóa trị

Hóa trị liệu là phương pháp sử dụng thuốc để tiêu diệt tế bào ung thư. Phương pháp này có thể được thực hiện trước khi phẫu thuật để thu nhỏ kích thước khối u, giúp cho việc loại bỏ được dễ dàng hơn hoặc cũng có thể được thực hiện sau phẫu thuật để loại bỏ nốt các tế bào ung thư siêu nhỏ còn sót lại.

Trong một số trường hợp, hóa trị kết hợp với xạ trị được sử dụng làm phương pháp điều trị ưu tiên cho ung thư cổ tử cung. Phương pháp này được gọi là hóa - xạ trị đồng thời (concurrent chemoradiation).

Hóa trị thường được sử dụng để điều trị ung thư cổ tử cung trong những trường hợp mà tế bào ung thư đã lan từ cổ tử cung đến các cơ quan và mô khác. Đôi khi, bệnh nhân cần dùng cùng lúc các loại thuốc hóa trị khác nhau. Thuốc hóa trị cũng gây ảnh hưởng lớn đến sức khỏe người bệnh nhưng những vấn đề này sẽ tự biến mất sau khi kết thúc liệu trình điều trị.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ (American Cancer Society), các loại thuốc hóa trị được sử dụng phổ biến nhất để điều trị ung thư cổ tử cung gồm có:

  • topotecan (Hycamtin)
  • cisplatin (Platinol)
  • paclitaxel (Taxol)
  • gemcitabine (Gemzar)
  • carboplatin (Paraplatin)

Thuốc trị ung thư cổ tử cung

Ngoài thuốc hóa trị, còn có nhiều loại thuốc khác để điều trị ung thư cổ tử cung. Những loại thuốc này được sử dụng trong hai phương pháp điều trị là liệu pháp nhắm trúng đích và liệu pháp miễn dịch.

Các loại thuốc trong liệu pháp nhắm trúng đích có tác dụng tấn công chính xác đến các tế bào ung thư mà không ảnh hưởng các tế bào khác. Thông thường, thuốc nhắm trúng đích là những kháng thể được tạo ra trong phòng thí nghiệm.

Bevacizumab (Avastin, Mvasi) là một loại kháng thể đã được FDA phê chuẩn để điều trị ung thư cổ tử cung. Thuốc này hoạt động với cơ chế can thiệp vào các mạch máu nuôi tế bào ung thư. Bevacizumab được sử dụng để điều trị ung thư cổ tử cung tái phát hoặc di căn.

Thuốc miễn dịch là những loại thuốc sử dụng chính hệ miễn dịch để chống lại các tế bào ung thư. Một loại thuốc miễn dịch phổ biến là thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch (immune checkpoint inhibitor). Những thuốc này bám vào một loại protein cụ thể trên các tế bào ung thư, giúp các tế bào miễn dịch tìm ra và tiêu diệt chúng.

Pembrolizumab (Keytruda) là một loại thuốc ức chế điểm kiểm soát miễn dịch đã được FDA phê chuẩn đưa vào sử dụng để điều trị ung thư cổ tử cung. Thuốc này được sử dụng khi ung thư cổ tử cung tiếp tục tiến triển trong hoặc sau khi hóa trị.

Bảo tồn khả năng sinh sản khi bị ung thư cổ tử cung

Nhiều phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung có thể làm giảm khả năng sinh sản hoặc gây vô sinh cho phụ nữ sau khi quá trình điều trị kết thúc. Các nhà nghiên cứu hiện đang cố gắng tìm ra các phương pháp để điều trị ung thư cổ tử cung mà vẫn có thể bảo tồn khả năng sinh sản và chức năng tình dục cho bệnh nhân.

Tế bào trứng có nguy cơ bị tổn hại do xạ trị hoặc hóa trị. Bệnh nhân có thể lựa chọn phương pháp đông lạnh trứng trước khi bắt đầu điều trị. Điều này cho phép phụ nữ vẫn có thể mang thai bằng trứng của chính mình sau khi điều trị.

Thụ tinh trong ống nghiệm là một lựa chọn khác cho bệnh nhân điều trị ung thư cổ tử cung. Trứng sẽ được tách và thụ tinh với tinh trùng trước khi bắt đầu điều trị. Sau đó phôi được đông lạnh và khi quá trình điều trị kết thúc thì được chuyển vào tử cung để mang thai.

Ngoài ra còn một phương pháp nữa hiện vẫn đang trong quá trình nghiên cứu. Trong phương pháp này, mô buồng trứng được cấy vào cơ thể và tiếp tục sản xuất hormone, điều này giúp cho phụ nữ có thể tiếp tục rụng trứng.

Ngăn ngừa ung thư cổ tử cung

Có nhiều biện pháp để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung. Thứ nhất là làm xét nghiệm sàng lọc định kỳ (xét nghiệm Pap smear). Điều này giúp phát hiện những thay đổi trong các tế bào ở cổ tử cung hoặc phát hiện virus HPV - một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.

Lực lượng đặc nhiệm các dịch vụ phòng ngừa bệnh tật Hoa Kỳ (The United States Preventive Services Task Force - USPSTF) đã đưa ra hướng dẫn về tần suất phụ nữ nên sàng lọc ung thư cổ tử cung. Thời gian và loại xét nghiệm cần thực hiện tùy thuộc vào độ tuổi:

  • Dưới 21 tuổi: chưa cần sàng lọc ung thư cổ tử cung.
  • Từ 21 đến 29 tuổi: sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap 3 năm một lần.
  • Từ 30 đến 65 tuổi: có ba lựa chọn sàng lọc ung thư cổ tử cung, gồm có:
    • Xét nghiệm Pap 3 năm một lần
    • Xét nghiệm các chủng HPV nguy cơ cao (hrHPV) 5 năm một lần
    • Cả xét nghiệm Pap và HPV 5 năm một lần
  • Trên 65 tuổi: Nếu đã làm xét nghiệm định kỳ đều đặn trước đó và kết quả bình thường thì không cần xét nghiệm thêm nữa.

Ngoài ra, phụ nữ cũng nên tiêm vắc-xin phòng HPV để ngăn ngừa các chủng vi-rút có khả năng gây ung thư cao nhất. Hiện tại, vắc-xin này được khuyến nghị cho bé trai và bé gái từ 11 đến 12 tuổi.

Tuy nhiên, nam giới đến 21 tuổi và phụ nữ đến 45 tuổi nếu chưa tiêm vắc-xin thì vẫn có thể tiêm. Những người trong độ tuổi này nếu muốn tiêm phòng thì nên hỏi ý kiến bác sĩ trước.

Bên cạnh đó, để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung thì cần quan hệ tình dục an toàn và không hút thuốc lá.

Tiên lượng

Tiên lượng khi mắc ung thư cổ tử cung phụ thuộc vào giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán. Tỷ lệ sống sót sau 5 năm của bệnh ung thư này khi được chẩn đoán sớm là rất cao.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tỷ lệ sống sót sau 5 năm ở những phụ nữ bị ung thư cổ tử cung và bắt đầu điều trị ở giai đoạn khu trú là 92%. Tuy nhiên, khi tế bào ung thư đã lan sang các mô lân cận thì tỷ lệ sống sau 5 năm giảm xuống còn 56%. Khi ung thư di căn đến các khu vực xa hơn trong cơ thể thì tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 17%.

Sau khi chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị phụ thuộc vào:

  • Giai đoạn ung thư
  • Bệnh sử
  • Có ý định sinh con sau khi điều trị hay không

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: phương pháp, ung thư
Tin liên quan
Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ
Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ

Ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ còn được gọi là ung thư cổ tử cung giai đoạn 0.

Những điều cần biết về phẫu thuật cắt cổ tử cung
Những điều cần biết về phẫu thuật cắt cổ tử cung

Đôi khi, vì một số lý do nhất định mà phụ nữ sẽ cần phẫu thuật cắt đi cổ tử cung.

Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào bất thường trên cổ tử cung phát triển một cách mất kiểm soát.

Khi nào cần cắt tử cung?
Khi nào cần cắt tử cung?

Cắt tử cung là quy trình phẫu thuật nhằm loại bỏ tử cung của người phụ nữ.

Sinh thiết nội mạc tử cung để làm gì?
Sinh thiết nội mạc tử cung để làm gì?

Mục đích của phương pháp sinh thiết nội mạc tử cung là để chẩn đoán các vấn đề bất thường xảy ra ở tử cung hoặc để loại trừ các bệnh khác.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây