1

Những điều cần biết về phẫu thuật cắt cổ tử cung

Đôi khi, vì một số lý do nhất định mà phụ nữ sẽ cần phẫu thuật cắt đi cổ tử cung.
Những điều cần biết về phẫu thuật cắt cổ tử cung Những điều cần biết về phẫu thuật cắt cổ tử cung

Nội dung chính của bài viết

  • Cổ tử cung là một phần của hệ sinh dục nữ, nằm giữa tử cung và âm đạo. Đây là một cơ quan hẹp, ngắn và có hình nón.
  • Cắt cổ tử cung là một phương pháp phổ biến và hiệu quả để điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu cho những phụ nữ trẻ.
  • Trong quá trình phẫu thuật, cổ tử cung cùng với một vùng mô xung quanh, một phần ba bên trên của âm đạo và các hạch bạch huyết trong vùng chậu sẽ được cắt bỏ.
  • Quy trình cắt cổ tử cung có thể được thực hiện qua đường âm đạo hoặc thành bụng.
  • Những phụ nữ đã cắt cổ tử cung sẽ khó mang thai và duy trì thai kỳ hơn so với những phụ nữ không phẫu thuật.
  • Tuy nhiên, nhiều phụ nữ sau khi cắt cổ tử cung vẫn có thể sinh nở khỏe mạnh.

Lý do cần cắt cổ tử cung

Lý do chính của những trường hợp cần cắt cổ tử cung là ung thư cổ tử cung. Ung thư cổ tử cung đứng thứ ba trong danh sách những bệnh ung thư gây tử vong nhiều nhất ở phụ nữ và là một trong những bệnh ung thư phổ biến nhất xảy ra ở hệ sinh dục nữ.

Phần lớn các ca ung thư cổ tử cung đều bắt nguồn từ việc nhiễm HPV (virut u nhú ở người - human papillomavirus) – một loại virus lây truyền qua đường tình dục. Tuy nhiên, không phải khi nào nhiễm HPV cũng sẽ bị ung thư. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, 9 trên 10 trường hợp nhiễm HPV sẽ tự khỏi trong vòng 2 năm, điều đó có nghĩa là đa số các trường hợp nhiễm HPV đều không cần phải điều trị.

Hai cách để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung là tiêm vắc-xin phòng HPV và làm xét nghiệm sàng lọc định kỳ theo khuyến nghị:

  • Phụ nữ dưới 21 tuổi: chưa cần xét nghiệm
  • Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi: làm xét nghiệm Pap (Pap smear) 3 năm một lần
  • Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi: chỉ làm xét nghiệm Pap hoặc xét nghiệm HPV và xét nghiệm Pap 5 năm một lần.
  • Phụ nữ trên 65 tuổi: có thể không cần làm xét nghiệm Pap nữa.

Tuy nhiên, cần sàng lọc thường xuyên hơn nếu:

  • đã quan hệ tình dục mà không sử dụng biện pháp bảo vệ
  • là người chuyển giới
  • là nam giới và quan hệ tình dục đồng giới
  • mắc một bệnh hoặc vấn đề sức khỏe làm suy giảm hệ miễn dịch.
  • hút thuốc lá
  • mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác, ví dụ như lậu hay chlamydia

Đây đều là những yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm HPV và những phụ nữ có các yếu tố này sẽ dễ bị ung thư cổ tử cung hơn khi nhiễm HPV.

Ung thư cổ tử cung thường chỉ được phát hiện, chẩn đoán khi đã sang đến các giai đoạn sau do giai đoạn đầu không biểu hiện triệu chứng. Những trường hợp phát hiện ung thư sớm thường là nhờ làm xét nghiệm Pap smear định kỳ.

Ở các giai đoạn sau, ung thư cổ tử cung sẽ gây ra các triệu chứng như:

  • Chảy máu âm đạo bất thường, ví dụ như ra máu giữa chu kỳ kinh nguyệt, ra máu sau mãn kinh
  • Kinh nguyệt ra nhiều hoặc lâu hết hơn bình thường
  • Đau đớn khi quan hệ tình dục
  • Ra máu sau khi quan hệ
  • Dịch âm đạo có màu và mùi bất thường, có lẫn máu
  • Đau tức vùng chậu
  • Mệt mỏi
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân

Ưu và nhược điểm

Cắt cổ tử cung được coi là một biện pháp thay thế an toàn cho phẫu thuật cắt tử cung (cắt bỏ cả cổ tử cung và tử cung) ở những trường hợp bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu, có các khối u dưới 2cm và vẫn muốn sinh con sau này. (Sau khi cắt tử cung thì sẽ không thể mang thai được nữa).

Theo các nghiên cứu thì không có sự khác biệt nào đáng kể giữa những phụ nữ phẫu thuật cắt cổ tử cung và những người cắt tử cung về:

  • Tỷ lệ tái phát bệnh sau 5 năm
  • Tỷ lệ sóng sau 5 năm
  • Biến chứng trong và sau phẫu thuật

Ưu điểm

Một trong những ưu điểm lớn nhất của việc cắt cổ tử cung so với cắt tử cung là giữ lại được tử cung và do đó bảo tồn được khả năng sinh sản của phụ nữ. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng 41 đến 79% phụ nữ từng phẫu thuật cắt cổ tử cung vẫn có thể mang thai.

Nhiều nghiên cứu còn cho thấy, ở những phụ nữ bị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu thì cắt cổ tử cung còn đem lại nhiều lợi ích vượt trội hơn so với cắt tử cung ngoài việc giữ được khả năng khả năng sinh sản. Một nghiên cứu với quy mô nhỏ đã chứng minh rằng những phụ nữ phẫu thuật cắt cổ tử cung bị mất máu ít hơn (nhờ đó mà giảm khả năng phải truyền máu sau phẫu thuật) và nằm viện trong thời gian ngắn hơn so với những người phải cắt tử cung.

Nhược điểm

Cắt cổ tử cung vẫn là một ca phẫu thuật nên bệnh nhân cũng cần nhập viện, gây mê toàn thân và cũng có nguy cơ gặp phải một số rủi ro, ví dụ như:

  • Nhiễm trùng
  • Vấn đề về tiết niệu, ví dụ như rò rỉ nước tiểu
  • Đau đớn khi quan hệ tình dục sau này
  • Đau đớn khi có kinh nguyệt
  • Hình thành cục máu đông
  • Tê đùi

Phẫu thuật cắt cổ tử cung còn có thể dẫn đến tích tụ dịch bạch huyết. Đây là chất dịch chảy qua các mạch bạch huyết, giúp chống lại bệnh tật và nhiễm trùng. Tình trạng này có thể dẫn đến sưng phù ở cánh tay, chân và bụng. Trong một số trường hợp, người bệnh còn bị sưng phù nghiêm trọng.

Mặc dù vẫn giữ được khả năng mang thai nhưng sau phẫu thuật cắt cổ tử cung, nếu có thai sẽ được coi là thai kỳ nguy cơ cao và cần phải sinh mổ.

Trong những trường hợp này, bác sĩ thường sẽ sử dụng kỹ thuật khâu vòng (cerclage) để khâu giữa âm đạo và tử cung, nhằm đóng bớt khu vực này lại và nâng đỡ thai nhi cho đến ngày sinh. Tuy nhiên, rất nhiều phụ nữ từng phẫu thuật cắt cổ tử cung bị sinh non (sinh trước 37 tuần). Nguy cơ sảy thai cũng cao hơn bình thường.

Nghiên cứu cho thấy những phụ nữ đã cắt cổ tử cung:

  • Có 25 - 30% nguy cơ sinh non (trong khi nguy cơ này ở những phụ nữ khác chỉ là 10%). Trẻ sinh non có nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch và phổi cũng như là chậm phát triển về sau này.
  • Có nguy cơ sảy thai vào tam cá nguyệt thứ hai cao hơn so với những phụ nữ không phẫu thuật.

Quy trình thực hiện

Cắt cổ tử cung là một quy trình phẫu thuật được thực hiện với phương pháp gây mê toàn thân.

Có nhiều cách để tiến hành ca phẫu thuật cắt cổ tử cung:

  • Cắt cổ tử cung qua âm đạo: đưa dụng cụ mổ vào qua âm đạo để cắt tử cung mà không cần cắt rạch bên ngoài.
  • Phương pháp mổ mở: tạo đường rạch dài ở bụng dưới để tiếp cận trực tiếp và cắt tử cung.
  • Phẫu thuật nội soi ổ bụng: rạch những đường nhỏ ở bụng và đưa ống nội soi (dụng cụ hình ống dài, hẹp, có gắn đèn và camera) cùng dụng cụ mổ vào để loại bỏ cổ tử cung. Phương pháp này để lại những vết sẹo nhỏ hơn so với phương pháp mổ mở.
  • Phẫu thuật bằng robot: bác sĩ điều khiển cánh tay robot thực hiện các thao tác phẫu thuật qua một vài đường rạch nhỏ trên bụng. Phương pháp này mất nhiều thời gian hơn so với các phương pháp truyền thống nhưng chính xác hơn, ít chảy máu hơn, thời gian nằm viện ngắn hơn, bệnh nhân ít bị đau sau ca phẫu thuật hơn và nguy cơ xảy ra biến chứng cũng thấp hơn.

Đầu tiên, bác sĩ sẽ cắt các hạch bạch huyết trong vùng chậu và kiểm tra để tìm tế bào ung thư.

Nếu phát hiện thấy tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết thì bác sĩ sẽ dừng phẫu thuật và cần chuyển sang những phương pháp điều trị khác, ví dụ như cắt tử cung kết hợp hóa trị, xạ trị hoặc cả hai.

Nếu không phát hiện thấy tế bào ung thư trong các hạch bạch huyết thì bác sĩ sẽ tiến hành cắt bỏ cổ tử cung, một phần của âm đạo và một vùng mô xung quanh. Mô cổ tử cung sau khi được cắt bỏ sẽ được quan sát dưới kính hiển vi để xem có tế bào ung thư ở phần rìa hay không. Nếu có tế bào ung thư ở rìa hoặc gần rìa của vùng mô được cắt thì sẽ cần phải cắt thêm. Sau đó bác sĩ khâu tử cung và âm đạo lại với nhau.

Thời gian hồi phục sau phẫu thuật

Thời gian hồi phục sau phẫu thuật sẽ tùy thuộc vào tình trạng sức khỏe trước đó và phương pháp phẫu thuật được sử dụng.

Nói chung, nếu phẫu thuật nội soi ổ bụng hoặc phẫu thuật bằng robot thì thời gian phục hồi sẽ nhanh hơn vì ít xâm lấn hơn. Hầu hết bệnh nhân sẽ cần nằm viện khoảng 3 đến 5 ngày.

Nếu cần đặt ống thông ở giữa tử cung và âm đạo để giữ cho lỗ mở không bị đóng lại thì ống thông này sẽ được tháo ra sau khoảng 3 tuần.

Bệnh nhân sẽ cần mang ống thông tiểu (một ống hẹp được đưa vào bàng quang để dẫn nước tiểu ra ngoài) trong khoảng từ 1 đến 2 tuần sau phẫu thuật. Cần hạn chế vận động, bao gồm cả các công việc nhà và tập thể dục trong vài tuần theo chỉ dẫn của bác sĩ. Không quan hệ tình dục hoặc đưa bất cứ thứ gì vào âm đạo như tampon hay cốc nguyệt san trong từ 4 đến 6 tuần. Và có thể sẽ cần nghỉ làm trong thời gian từ 4 đến 5 tuần.

Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ cần đến tái khám định kỳ 3 đến 4 tháng một lần trong 2 đến 3 năm. Bác sĩ sẽ lấy mẫu mô tại vị trí phẫu thuật (tương tự như phương pháp xét nghiệm Pap) và soi cổ tử cung để kiểm tra xem có dấu hiệu bất thường hay không.

Vấn đề có thể xảy ra sau phẫu thuật

Sau khi phẫu thuật cắt cổ tử cung thì bệnh nhân sẽ gặp một số vấn đề tạm thời như:

  • Chảy máu âm đạo trong khoảng 2 tuần hoặc lâu hơn
  • Đau (sẽ được kê thuốc giảm đau)
  • Chóng mặt, buồn ngủ do tác dụng của thuốc mê
  • Đau đớn
  • Cơ thể suy yếu, uể oải
  • Đau khi có kinh nguyệt
  • Dịch tiết âm đạo bất thường
  • Nguy cơ nhiễm trùng
  • Sưng phù chân tay
  • Tê đùi

Ngoài ra, cắt cổ tử cung còn có thể gây ra một số vấn đề về lâu dài. Theo một nghiên cứu vào năm 2014, trong vòng một năm sau khi phẫu thuật cắt cổ tử cung thì phụ nữ sẽ có nguy cơ bị:

  • Rối loạn chức năng tình dục
  • Giảm ham muốn tình dục (ham muốn thường trở lại bình thường sau 1 năm)
  • Ứ dịch bạch huyết ở chân hoặc bụng do hạch bạch huyết bị cắt bỏ
  • Tiểu không tự chủ

Triển vọng sau cắt cổ tử cung

Cắt cổ tử cung là một phương pháp phổ biến và hiệu quả để điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn đầu cho những phụ nữ trẻ. Tỷ lệ sống sót sau khi cắt cổ tử cung tương đương với tỷ lệ sống sót sau cắt tử cung.

Những phụ nữ đã cắt cổ tử cung sẽ khó mang thai và duy trì thai kỳ hơn so với những phụ nữ không phẫu thuật. Tuy nhiên, nhiều phụ nữ sau khi cắt cổ tử cung vẫn có thể sinh nở khỏe mạnh.

Nếu còn bất kỳ băn khoăn, thắc mắc nào về phẫu thuật cắt cổ tử cung thì hãy nói chuyện với bác sĩ để được giải đáp.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: phẫu thuật
Tin liên quan
Những điều cần biết về xét nghiệm HPV
Những điều cần biết về xét nghiệm HPV

Xét nghiệm HPV được thực hiện nhằm kiểm tra xem có đang mang các chủng vi-rút làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung hay không.

Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung

Khi được phát hiện ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung có thể được điều trị khỏi và trên thực tế, đây là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao nhất nếu được phát hiện sớm.

Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung
Các phương pháp điều trị ung thư cổ tử cung

Phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán.

Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ
Điều trị ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ

Ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ còn được gọi là ung thư cổ tử cung giai đoạn 0.

Những ai có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung?
Những ai có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung?

Có một số yếu tố khác nhau làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Yếu tố lớn nhất là nhiễm HPV.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây