1

Những ai có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung?

Có một số yếu tố khác nhau làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Yếu tố lớn nhất là nhiễm HPV.
Những ai có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung? Những ai có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung?

Nội dung chính của bài viết

  • Nhiễm HPV là yếu tố lớn nhất dẫn đến nguy cơ bị ung thư cổ tử cung.
  • Các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác và thói quen sống cũng có thể ảnh hưởng đến nguy cơ mắc bệnh này.
  • Tiêm vắc xin ngừa HPV, khám sàng lọc thường xuyên và quan hệ tình dục an toàn có thể làm giảm nguy cơ bị ung thư cổ tử cung.
  • Bằng cách xét nghiệm Pap định kỳ, phụ nữ sẽ phát hiện được ung thư cổ tử cung ngay từ sớm và bắt đầu điều trị trước khi bệnh tiến triển sang các giai đoạn sau.
  • Khi được điều trị kịp thời, ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi.

Ung thư cổ tử cung là gì?

Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào ở cổ tử cung phát triển bất thường, nhân lên một cách mất kiểm soát (loạn sản) và trở thành ung thư. Cổ tử cung là bộ phận nằm giữa tử cung và âm đạo. Ung thư cổ tử cung thường phát triển dần dần trong khoảng thời gian vài năm. Vì ở giai đoạn đầu, bệnh ung thư này thường không bộc lộ triệu chứng nên nhiều người không biết mình mắc bệnh cho đến khi tiến triển sang những giai đoạn sau.

Thông thường, ung thư cổ tử cung được phát hiện nhờ phương pháp xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) khi đi khám phụ khoa định kỳ. Nếu được phát hiện kịp thời thì ung thư cổ tử cung hoàn toàn có thể được chữa khỏi.

Viện Ung thư Quốc gia Hoa Kỳ (The National Cancer Institute) ước tính có hơn 13.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung vào năm 2019. Nhiễm HPV (vi-rút u nhú ở người) là một trong những yếu tố lớn nhất làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung.

Tuy nhiên còn có nhiều yếu tố khác cũng khiến cho phụ nữ dễ mắc phải căn bệnh ung thư này.

Các yếu tố nguy cơ

Nhiễm HPV

HPV là một loại vi-rút lây truyền qua đường tình dục. Vi-rút này có thể lây qua tiếp xúc da hoặc khi quan hệ tình dục đường miệng, đường âm đạo hoặc đường hậu môn.

Nhiễm HPV là một trong những bệnh lây truyền qua đường tình dục phổ biến nhất. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh CDC, ít nhất một nửa dân số có quan hệ tình dục đều bị nhiễm HPV vào một thời điểm nào đó trong đời.

Có nhiều chủng HPV khác nhau, được phân chia thành HPV nguy cơ thấp và HPV nguy cơ cao. HPV nguy cơ thấp là những chủng virus gây ra mụn cóc trên hoặc xung quanh bộ phận sinh dục, hậu môn và miệng. HPV nguy cơ cao là những chủng có thể gây ung thư.

Đặc biệt, chủng HPV 16 và 18 là thủ phạm của phần lớn các ca ung thư cổ tử cung. Hai chủng này thâm nhập vào các mô trong cổ tử cung và theo thời gian, chúng gây ra các thay đổi và tổn thương có thể phát triển thành ung thư.

Không phải ai bị nhiễm HPV cũng bị ung thư. Trên thực tế, đa phần thì HPV sẽ tự biến mất sau một vài năm.

Cách tốt nhất để giảm nguy cơ nhiễm HPV là quan hệ tình dục an toàn bằng cách đeo bao cao su và sử dụng các biện pháp bảo vệ khác. Ngoài ra, cần làm xét nghiệm Pap thường xuyên nhằm phát hiện sớm những thay đổi bất thường trong tế bào cổ tử cung.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục khác

Việc bị mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục khác cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư cổ tử cung. Ví dụ, HIV/AIDS sẽ làm suy yếu hệ miễn dịch. Điều này khiến cơ thể khó chống lại các loại vi khuẩn, vi-rút như HPV. Bệnh nhân HIV/AIDS sẽ dễ bị ung thư khi nhiễm HPV hơn so với người bình thường.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, những phụ nữ hiện đang hoặc đã từng bị bệnh chlamydia cũng có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao hơn. Chlamydia là một bệnh lây truyền qua đường tình dục do vi khuẩn Chlamydia trachomatis gây ra. Bệnh này thường không biểu hiện triệu chứng.

Thói quen sống

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung có liên quan đến thói quen hàng ngày. Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị ung thư cổ tử cung cao gấp đôi người không hút. Lý do là bởi các chất độc hại trong khói thuốc làm suy giảm khả năng chống lại các loại vi khuẩn, vi-rút của hệ miễn dịch, trong đó có cả HPV.

Ngoài ra, hút thuốc còn đưa các hóa chất gây ung thư vào cơ thể, ví dụ như PAH, N-nitrosamine, aromatic amine, 1,3-butadiene, benzene, aldehyde và ethylene oxide. Các chất gây ung thư sẽ làm tổn hại DNA trong các tế bào của cổ tử cung và dẫn đến ung thư.

Chế độ ăn uống cũng có ảnh hưởng đến nguy cơ bị ung thư cổ tử cung. Ở những phụ nữ bị bệnh béo phì, nguy cơ mắc một số loại ung thư cổ tử cung sẽ cao hơn so với người có cân nặng khỏe mạnh. Những phụ nữ có chế độ ăn ít trái cây và rau xanh cũng dễ bị ung thư cổ tử cung hơn.

Biện pháp tránh thai

Những phụ nữ dùng các loại thuốc tránh thai có chứa dạng tổng hợp của hormone estrogen và progesterone trong 5 năm trở lên có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung cao hơn so với những phụ nữ chưa bao giờ dùng thuốc tránh thai.

Tuy nhiên, nguy cơ ung thư sẽ giảm sau khi ngừng uống thuốc. Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, nguy cơ sẽ trở lại bình thường sau khoảng 10 năm kể từ khi dừng thuốc.

Ngược lại, những phụ nữ đặt vòng tránh thai nội tiết, kể cả khi đặt chưa được 1 năm, sẽ có nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung thấp hơn so với những phụ nữ chưa bao giơ dùng vòng tránh thai.

Các yếu tố nguy cơ khác

Ngoài ra còn có những yếu tố khác cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung. Ví dụ, những phụ nữ từng mang thai đủ tháng từ 3 lần trở lên hoặc mang thai đủ tháng trước 17 tuổi sẽ dễ mắc ung thư cổ tử cung hơn bình thường.

Tiền sử gia đình bị ung thư cổ tử cung cũng là một yếu tố nguy cơ, đặc biệt là những người có người thân trong gia định ruột thịt như mẹ hoặc chị gái bị ung thư cổ tử cung.

Giảm nguy cơ ung thư cổ tử cung

Việc biết rằng mình có nguy cơ ung thư cao hơn bình thường chắc chắn sẽ khiến nhiều người hoảng sợ nhưng hiện nay, ung thư cổ tử cung là bệnh hoàn toàn có thể phòng ngừa được. Đây là bệnh ung thư tiến triển chậm và có rất nhiều cách để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh.

Phụ nữ nên tiêm vắc-xin để chống lại một số chủng HPV có thể gây ung thư cổ tử cung. Hiện tại, những loại vắc-xin này được khuyến nghị cho bé trai và bé gái từ 11 đến 12 tuổi. Tuy nhiên, những người chưa tiêm phòng ở độ tuổi này vẫn có thể tiêm vào những năm sau. Có thể tiêm vắc-xin phòng HPV cho phụ nữ đến 45 tuổi và nam giới đến 21 tuổi. Tuy nhiên, những người ở độ tuổi này mà chưa tiêm phòng nên nói chuyện trước với bác sĩ để được tư vấn.

Ngoài tiêm vắc-xin, quan hệ tình dục an toàn bằng cách đeo bao cao su hoặc sử dụng các biện pháp bảo vệ khác và bỏ thuốc lá cũng là những điều quan trọng để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung.

Phụ nữ cần làm xét nghiệm sàng lọc ung thư cổ tử cung định kỳ. Tần suất sàng lọc sẽ tùy thuộc vào độ tuổi.

Khuyến nghị được đưa ra về tần suất sàng lọc ung thư cổ tử cung theo từng nhóm tuổi như sau:

  • Phụ nữ dưới 21 tuổi: chưa cần sàng lọc ung thư cổ tử cung.
  • Phụ nữ từ 21 đến 29 tuổi: sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng xét nghiệm Pap 3 năm một lần.
  • Phụ nữ từ 30 đến 65 tuổi: có 3 lựa chọn sàng lọc ung thư cổ tử cung, gồm có:
    • Xét nghiệm Pap 3 năm một lần
    • Xét nghiệm HPV nguy cơ cao (hrHPV) 5 năm một lần
    • Thực hiện cả xét nghiệm Pap và HPV 5 năm một lần
  • Phụ nữ từ 65 tuổi trở lên: không cần sàng lọc ung thư cổ tử cung nữa miễn là trước đó đã xét nghiệm định kỳ đều đặn và kết quả bình thường

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Ung thư cổ tử cung
Ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào bất thường trên cổ tử cung phát triển một cách mất kiểm soát.

Khi nào cần cắt tử cung?
Khi nào cần cắt tử cung?

Cắt tử cung là quy trình phẫu thuật nhằm loại bỏ tử cung của người phụ nữ.

Sinh thiết nội mạc tử cung để làm gì?
Sinh thiết nội mạc tử cung để làm gì?

Mục đích của phương pháp sinh thiết nội mạc tử cung là để chẩn đoán các vấn đề bất thường xảy ra ở tử cung hoặc để loại trừ các bệnh khác.

Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung
Dấu hiệu nhận biết ung thư cổ tử cung

Khi được phát hiện ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung có thể được điều trị khỏi và trên thực tế, đây là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao nhất nếu được phát hiện sớm.

HPV và ung thư cổ tử cung
HPV và ung thư cổ tử cung

Việc nhận biết các triệu chứng của ung thư cổ tử cung sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và từ đó có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây