HPV và ung thư cổ tử cung
Nội dung chính của bài viết
- HPV là loại virus lây truyền qua quan hệ tình dục.
- HPV hay virus u nhú ở người là thủ phạm gây ra hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung.
- Tiêm vắc-xin phòng HPV là một trong những biện pháp phòng ngừa ung thư cổ tử cung hiệu quả nhất.
- Ngoài ra, nên làm xét nghiệm Pap định kỳ để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung là gì?
Cổ tử cung là bộ phận nằm giữa tử cung và âm đạo. Ung thư cổ tử cung phát sinh khi các tế bào ở cổ tử cung phát triển một cách bất thường. HPV hay virus u nhú ở người (human papilloma virus) là thủ phạm gây ra hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung. Đây là một loại virus lây truyền qua đường tình dục phổ biến. Ước tính có khoảng 14 triệu ca nhiễm HPV mới mỗi năm.
Hầu hết những người bị nhiễm HPV đều không gặp phải bất kỳ biểu hiện bất thường nào và trong nhiều trường hợp, virus tự biến mất mà không cần phải điều trị. Tuy nhiên, một số chủng virus này có thể lây nhiễm vào các tế bào và gây ra các vấn đề như mụn cóc sinh dục hoặc ung thư.
Ung thư cổ tử cung từng là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở phụ nữ nhưng hiện nay lại được coi là loại ung thư dễ phòng ngừa nhất. Tiêm vắc-xin ngừa HPV, xét nghiệm Pap (phết tế bào cổ tử cung) và xét nghiệm HPV định kỳ sẽ giúp phụ nữ ngăn ngừa được ung thư cổ tử cung. Việc nhận biết các triệu chứng của loại ung thư này cũng sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và từ đó có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời.
Triệu chứng ung thư cổ tử cung
Ở giai đoạn đầu, người bệnh thường không có triệu chứng. Đó là lý do tại sao việc xét nghiệm Pap định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tiền ung thư là điều rất quan trọng. Triệu chứng bệnh thường chỉ xuất hiện khi các tế bào ung thư phát triển qua lớp mô trên cùng của cổ tử cung vào lớp mô bên dưới. Điều này xảy ra khi các tế bào tiền ung thư không được điều trị và tiến triển thành ung thư cổ tử cung xâm lấn.
Khi xuất hiện thì các triệu chứng cũng thường bị nhầm là biểu hiện của những vấn đề lành tính, chẳng hạn như chảy máu âm đạo bất thường và tiết dịch âm đạo.
Ra máu bất thường
Chảy máu âm đạo bất thường là triệu chứng phổ biến nhất của ung thư cổ tử cung xâm lấn. Hiện tượng ra máu có thể xảy ra giữa chu kỳ kinh nguyệt (ngoài thời gian có kinh) hoặc sau khi quan hệ tình dục. Đôi khi, máu có lẫn trong dịch tiết âm đạo và thường bị tưởng nhầm là ra máu nhỏ giọt giữa chu kỳ.
Hiện tượng chảy máu âm đạo còn có thể xảy ra ở phụ nữ sau mãn kinh. Một khi đã mãn kinh thì phụ nữ sẽ không còn có kinh nguyệt nên hiện tượng này ra máu không bình thường và có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư cổ tử cung hoặc những vấn đề nghiêm trọng khác. Do đó, khi nhận thấu hiện tượng này thì cần đi khám ngay.
Dịch tiết âm đạo
Ngoài triệu chứng ra máu, nhiều phụ nữ bị ung thư cổ tử cung còn gặp hiện tượng dịch tiết âm đạo (khí hư) bất thường, ví dụ như:
- Có màu vàng hoặc xanh
- Lỏng như nước
- Có màu nâu
- Mùi khó chịu
- Lẫn máu
Triệu chứng ở giai đoạn sau
Ra máu và dịch tiết âm đạo bất thường là những dấu hiệu đầu tiên của ung thư cổ tử cung nhưng khi bệnh tiến triển sang các giai đoạn sau thì sẽ có các triệu chứng nghiêm trọng hơn như:
- Đau lưng hoặc đau tức ở vùng chậu
- Đi tiểu nhiều
- Khó tiểu, đau khi đi tiểu hoặc đại tiện
- Đi tiểu hoặc đi ngoài ra máu
- Sưng phù một hoặc cả hai chân
- Người mệt mỏi
- Sụt cân không rõ nguyên nhân
Các chủng HPV gây ung thư cổ tử cung
HPV là loại virus lây truyền qua quan hệ tình dục. Một người có thể bị nhiễm HPV khi tiếp xúc với da hoặc niêm mạc của người mang virus.
Hầu hết các trường hợp nhiễm HPV đều không có bất cứ triệu chứng nào. Điều này khiến cho nhiều người không biết mình đang mang virus và tiếp tục lây sang cho người khác.
Có hơn 40 chủng HPV khác nhau lây truyền qua đường tình dục nhưng chỉ một số trong đó có biểu hiện triệu chứng rõ rệt. Ví dụ, chủng 6 và 11 gây ra mụn cóc sinh dục nhưng không gây ung thư. Có nhiều chủng HPV khác nhau có thể gây ung thư. Tuy nhiên, chủng 16 và 18 là hai chủng gây ra hầu hết các trường hợp ung thư do HPV.
Ai có nguy cơ nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung?
Biết các dấu hiệu, triệu chứng và nguy cơ của bản thân sẽ làm tăng khả năng phát hiện sớm ung thư cổ tử cung và HPV trước khi bệnh tiến triển nặng. Các yếu tố làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung gồm có:
- Nhiễm các chủng HPV nguy cơ cao
- Sử dụng thuốc tránh thai trong thời gian dài
- Hệ miễn dịch bị suy yếu
- Phơi nhiễm với diethylstilbestrol trong thời gian nằm trong bụng mẹ
Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm HPV gồm có:
- Quan hệ tình dục với nhiều người
- Quan hệ tình dục lần đầu quá sớm
- Hệ miễn dịch suy yếu
Phòng ngừa nhiễm HPV và ung thư cổ tử cung
Xét nghiệm sàng lọc
Tiêm vắc-xin phòng HPV là một trong những biện pháp phòng ngừa hiệu quả nhất. Ngoài ra, nên làm xét nghiệm Pap định kỳ để phát hiện sớm ung thư cổ tử cung.
Xét nghiệm Pap, hay phết tế bào cổ tử cung, là một trong những phương pháp sàng lọc ung thư cổ tử cung chính xác nhất hiện nay. Phương pháp xét nghiệm này có thể phát hiện các tế bào bất thường và thay đổi tiền ung thư ở cổ tử cung. Sau khi phát hiện, bác sĩ sẽ chỉ định những phương pháp điều trị các tế bào và thay đổi bất thường này để ngăn chúng phát triển thành ung thư.
Có thể tiến hành xét nghiệm Pap trong khi khám phụ khoa định kỳ. Đây là thủ thuật mà bác sĩ dùng tăm bông quệt lên cổ tử cung để thu thập các tế bào và đem đi kiểm tra dưới kính hiển vi.
Xét nghiệm Pap có thể được thực hiện cùng lúc với xét nghiệm xác định HPV. Xét nghiệm HPV tương tự như xét nghiệm Pap, trong đó bác sĩ cũng dùng tăm bông quệt lên cổ tử cung, sau đó kiểm tra các tế bào để tìm DNA đặc hiệu của HPV (HPV-DNA).
Tiêm vắc-xin
Các chuyên gia khuyến nghị phụ nữ từ 9 đến 26 tuổi nên tiêm vắc-xin phòng HPV để bảo vệ cơ thể khỏi một số chủng của loại vi-rút này, ngăn ngừa ung thư cổ tử cung và mụn cóc sinh dục. Tuy nhiên, vắc-xin chỉ hiệu quả khi được tiêm trước khi nhiễm vi-rút. Đó là lý do tại sao cần tiêm trước khi bắt đầu quan hệ tình dục.
Gardasil là một trong những loại vắc-xin phòng HPV, có tác dụng bảo vệ chống lại hai chủng HPV nguy cơ cao phổ biến nhất là HPV 16 và 18. Đây là hai chủng HPV gây ra 70% số ca ung thư cổ tử cung. Ngoài ra, loại vắc-xin này còn tạo miễn dịch cho cơ thể chống lại chủng HPV 6 và 11 – nguyên nhân của 90% số ca mụn cóc sinh dục.
Vì nam giới cũng có thể nhiễm HPV nên cũng cần tiêm vắc-xin. Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ CDC, các bé trai và bé gái nên tiêm vắc-xin phòng HPV ở tuổi 11 đến 12. Cần tiêm đủ 3 mũi trong thời gian 8 tháng. Phụ nữ trên 26 tuổi và nam giới trên 21 tuổi vẫn có thể tiêm phòng HPV nếu chưa bị nhiễm vi-rút nhưng hiệu quả sẽ thấp hơn so với khi tiêm trước độ tuổi này.
Mục đích của phương pháp sinh thiết nội mạc tử cung là để chẩn đoán các vấn đề bất thường xảy ra ở tử cung hoặc để loại trừ các bệnh khác.
Khi được phát hiện ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung có thể được điều trị khỏi và trên thực tế, đây là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao nhất nếu được phát hiện sớm.
Ung thư cổ tử cung là bệnh có thể chữa khỏi được, đặc biệt là khi phát hiện và điều trị ở giai đoạn đầu.
Phác đồ điều trị ung thư cổ tử cung sẽ phụ thuộc vào giai đoạn tại thời điểm chẩn đoán.
Ung thư cổ tử cung giai đoạn biểu mô tại chỗ còn được gọi là ung thư cổ tử cung giai đoạn 0.