Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện là gì?
Nội dung chính của bài viết
- Bác sĩ thường chỉ định thủ thuật khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện khi phát hiện thấy những thay đổi bất thường ở cổ tử cung.
- Thủ thuật này được thực hiện bằng một vòng kim loại nhỏ hình tròn, có điện chạy qua. Dòng điện sẽ làm nóng vòng kim loại và biến chiếc vòng thành một lưỡi dao mổ.
- Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện là một kỹ thuật an toàn và hiệu quả.
- Sau khi khoét chóp cổ tử cung, bệnh nhân sẽ cần làm xét nghiệm Pap thường xuyên hơn để phát hiện sớm các vấn đề bất thường.
Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện là gì?
Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện (loop electrosurgical excision procedure – LEEP) là thủ thuật loại bỏ các tế bào bất thường ở cổ tử cung.
Thủ thuật này được thực hiện bằng một vòng kim loại nhỏ hình tròn, có điện chạy qua. Dòng điện sẽ làm nóng vòng kim loại và biến chiếc vòng thành một lưỡi dao mổ.
Dưới đây là lý do tại sao cần thực hiện thủ thuật này, những bước chuẩn bị, quy trình thực hiện, thời gian phục hồi và những rủi ro tiềm ẩn.
Khi nào cần khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện?
Bác sĩ thường chỉ định thủ thuật khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện khi phát hiện thấy những thay đổi bất thường ở cổ tử cung trong khi khám phụ khoa hoặc khi phương pháp xét nghiệm Pap cho kết quả không bình thường.
Các tế bào bất thường có thể là chỉ là những tế bào lành tính (polyp) hoặc cũng có thể là tế bào tiền ung thư. Nếu không được điều trị thì các tế bào tiền ung thư có thể phát triển thành ung thư cổ tử cung.
Bằng cách loại bỏ các tế bào này, bác sĩ sẽ xác định được chúng là gì và có cần kiểm tra hoặc điều trị thêm hay không.
Bác sĩ cũng có thể sử dụng thủ thuật khoét chóp cổ tử cung để chẩn đoán và điều trị mụn cóc sinh dục – một vấn đề do HPV gây ra. HPV hay virus u nhú ở người sẽ làm tăng nguy cơ mắc ung thư cổ tử cung.
Tuy nhiên, không phải ai cũng phù hợp với thủ thuật LEEP. Ở những người bị bệnh viêm vùng chậu hoặc viêm cổ tử cung cấp tính thì không nên thực hiện thủ thuật này. Thay vào đó thì kỹ thuật sinh thiết chóp cổ tử cung bằng dao mổ sẽ phù hợp hơn. Đôi khi, bác sĩ sẽ sử dụng kỹ thuật cắt bỏ mô bằng laser hoặc liệu pháp áp lạnh, trong đó khu vực có tế bào bất thường bị đóng băng, sau đó chết đi và bong ra.
Rủi ro
Khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện là một kỹ thuật an toàn và hiệu quả. Tuy nhiên, vì là một thủ thuật xâm lấn nên vẫn có một số rủi ro như:
- Nhiễm trùng
- Chảy máu trong hoặc sau khi làm thủ thuật, tuy nhiên nhiệt từ vòng điện sẽ đóng kín miệng các mạch máu xung quanh và giảm thiểu được nguy cơ này
- Hình thành sẹo trên cổ tử cung, mức độ tùy thuộc vào lượng mô bị cắt bỏ
- Khó có thai trong vòng một năm sau thủ thuật
- Thay đổi tâm lý
- Rối loạn chức năng tình dục
Cần chuẩn bị những gì?
Nên thực hiện thủ thuật LEEP sau một tuần kể từ khi hết kinh nguyệt để bác sĩ có thể nhìn thấy cổ tử cung rõ ràng và theo dõi hiện tượng chảy máu trong khi thực hiện.
Nếu có kinh nguyệt vào ngày hẹn làm thủ thuật thì nên dời sang một hôm khác.
Không nên dùng các loại thuốc có chứa aspirin trong 5 đến 7 ngày trước khi thực hiện bất kỳ thủ thuật xâm lấn nào. Aspirin và các thuốc chống viêm không steroid khác (NSAID) có thể sẽ gây chảy nhiều máu và khó cầm máu trong quá trình thực hiện.
Không cần phải nhịn ăn trước khi khoét chóp cổ tử cung.
Bệnh nhân sẽ bị chảy máu âm đạo sau khi làm thủ thuật nên cần mang theo băng vệ sinh.
Quá trình thực hiện
Kỹ thuật khoét chóp cổ tử cung bằng vòng điện rất nhanh chóng, thường chỉ mất khoảng 10 phút là hoàn thành nhưng tổng thời gian có thể mất khoảng 30 phút, bao gồm cả các bước chuẩn bị và xử lý sau thủ thuật.
Trước khi thực hiện
Bác sĩ sẽ giải thích chi tiết về quy trình và giải đáp những thắc mắc của bệnh nhân nếu có.
Sau khi ký các giấy tờ cần thiết, bệnh nhân sẽ đi vệ sinh lần cuối, sau đó cởi đồ ở phần dưới cơ thể và quấn một chiếc khăn choàng.
Bệnh nhân nằm ngửa trên bàn khám và đặt hai chân lên bàn đạp, giống như tư thế khi khám phụ khoa định kỳ.
Trong khi thực hiện
Bác sĩ đưa dụng cụ mỏ vịt vào âm đạo để tách rộng thành âm đạo và có thể quan sát rõ hơn bên trong. Có thể cần dùng đến máy soi cổ tử cung để phóng đại hình ảnh mô cổ tử cung.
Tiếp theo, bác sĩ lau cổ tử cung bằng dung dịch axit axetic. Dung dịch này sẽ biến những mô bất thường thành màu trắng để có thể xác định dễ dàng hơn. Hoặc bác sĩ cũng có thể sử dụng dung dịch iốt. Iốt sẽ làm cho mô cổ tử cung bình thường chuyển màu nâu và phân biệt với các mô bất thường. Bước này sẽ khiến cho bệnh nhân hơi có cảm giác châm chích. Sau đó, bác sĩ tiêm thuốc gây tê để làm tê cổ tử cung trước khi bắt đầu loại bỏ mô.
Sau khi cổ tử cung được gây tê, bác sĩ đưa vòng điện qua mỏ vịt và bắt đầu cắt đi vùng mô bất thường. Mặc dù đã tiêm thuốc tê nhưng sẽ vẫn hơi khó chịu một chút.
Nếu thấy quá đau hoặc bị choáng thì cần báo cho bác sĩ biết ngay để bôi thêm thuốc tê.
Dòng điện đóng kín các mạch máu nên sẽ chỉ chảy rất ít máu. Sau khi vùng mô bất thường được loại bỏ, nếu còn chảy máu thì bác sĩ sẽ bôi một loại hợp chất hóa học lên để cầm máu.
Sau khi thực hiện
Bệnh nhân sẽ nghỉ trong 10 đến 15 phút. Trong thời gian này, bác sĩ sẽ hướng dẫn các bước tiếp theo và những lưu ý trong quá trình phục hồi.
Vùng mô sau khi cắt được gửi đến phòng thí nghiệm để làm xét nghiệm kiểm tra. Kết quả sẽ được gửi lại cho bác sĩ trong vòng khoảng 7 - 10 ngày.
Quá trình phục hồi
Bác sĩ sẽ hướng dẫn chi tiết về những lưu ý trong quá trình phục hồi sau khoét chóp cổ tử cung.
Sau khi làm thủ thuật, bệnh nhân sẽ thấy có dịch tiết âm đạo màu nâu hoặc đen. Đây là hiện tượng bình thường do có lẫn máu. Chỉ cần dùng băng vệ sinh một vài ngày là sẽ hết. Kỳ kinh nguyệt sau đó sẽ đến muộn hoặc ra nhiều máu hơn bình thường.
Không nên sử dụng tampon, cốc nguyệt san hay đưa bất cứ thứ gì vào âm đạo trong khoảng 4 tuần. Cũng không được quan hệ tình dục xâm nhập trong thời gian này.
Tránh vận động mạnh và nâng vật nặng trong khoảng 1 tuần sau khi làm thủ thuật khoét chóp cổ tử cung.
Nếu cảm thấy đau thì có thể dùng acetaminophen (Tylenol) chứ không được dùng thuốc giảm đau không steroid (NSAID) như aspirin (Bayer) vì những loại thuốc này có thể gây chảy máu.
Cần báo ngay cho bác sĩ nếu có những hiện tượng bất thường như:
- Ra máu nhiều và kéo dài suốt vài ngày không giảm
- Dịch tiết âm đạo có mùi khó chịu
- Đau bụng dữ dội
- Sốt từ 38°C trở lên
- Ớn lạnh
Đây có thể là những dấu hiệu nhiễm trùng và cần điều trị ngay lập tức.
Bước tiếp theo
Sau khoảng 7 – 10 ngày, bệnh nhân sẽ được hẹn quay lại để lấy kết quả xét nghiệm mẫu mô. Thường thì sẽ không có vấn đề gì đáng lo ngại nữa nhưng có thể sẽ vẫn cần làm xét nghiệm Pap smear để xem có còn sót lại tế bào bất thường hay không.
Sau khi khoét chóp cổ tử cung, bệnh nhân sẽ cần làm xét nghiệm Pap thường xuyên hơn để phát hiện sớm nếu có vấn đề bất thường và can thiệp kịp thời.
Ung thư cổ tử cung xảy ra khi các tế bào bất thường trên cổ tử cung phát triển một cách mất kiểm soát.
Cắt tử cung là quy trình phẫu thuật nhằm loại bỏ tử cung của người phụ nữ.
Mục đích của phương pháp sinh thiết nội mạc tử cung là để chẩn đoán các vấn đề bất thường xảy ra ở tử cung hoặc để loại trừ các bệnh khác.
Khi được phát hiện ở giai đoạn đầu, ung thư cổ tử cung có thể được điều trị khỏi và trên thực tế, đây là một trong những bệnh ung thư có tỷ lệ chữa khỏi cao nhất nếu được phát hiện sớm.
Việc nhận biết các triệu chứng của ung thư cổ tử cung sẽ giúp phát hiện bệnh sớm và từ đó có biện pháp can thiệp điều trị kịp thời.