Người bị tiểu đường cần lưu ý gì khi ăn sữa chua?
Người bị tiểu đường có thể ăn sữa chua không?
Sữa chua là một lựa chọn tuyệt vời cho bữa sáng hoặc bữa ăn nhẹ trong ngày. Sữa chua không đường và có hàm lượng protein cao, chẳng hạn như sữa chua Hy Lạp không làm tăng đột ngột lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường giống như các loại thực phẩm chứa carbohydrate khác. Do đó, người bị tiểu đường hoàn toàn có thể ăn sữa chua, miễn là chọn đúng loại. Thậm chí, sữa chua còn mang lại nhiều lợi ích cho người mắc bệnh tiểu đường.
Kết quả nghiên cứu
Các loại thực phẩm lên men như sữa chua có chứa men vi sinh hay probiotic. Đó là những vi khuẩn có lợi đã được chứng minh là giúp cải thiện sức khỏe đường ruột. Mặc dù các nghiên cứu về sức khỏe đường ruột vẫn đang được tiến hành nhưng hệ vi khuẩn đường ruột và tình trạng sức khỏe tổng thể có tác động rất lớn đến nhiều bệnh lý, trong đó có béo phì và bệnh tiểu đường.
Nghiên cứu mới đây cho thấy rằng ăn sữa chua có thể giúp cải thiện tình trạng kháng insulin và nồng độ glucose (đường) trong máu cũng như huyết áp tâm thu. Ngoài ra, một bản phân tích 13 nghiên cứu đã kết luận rằng ăn sữa chua kết hợp với một chế độ ăn uống lành mạnh có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn tuổi.
Người bị tiểu đường cần lưu ý gì khi chọn mua sữa chua?
Hầu hết các sản phẩm từ sữa đều có chỉ số đường huyết (glycemic index - GI) thấp, có nghĩa là ít ảnh hưởng đến lượng đường trong máu. Do đó, những sản phẩm này là lựa chọn thân thiện với người mắc bệnh tiểu đường. Mặc dù vậy nhưng người bệnh vẫn nên đọc kỹ nhãn sản phẩm trước khi mua. Nếu muốn bổ sung lợi khuẩn thì hãy chọn những loại sữa chua có chứa men sống.
Ngoài ra cũng cần chú ý đến bảng thông tin dinh dưỡng. Nhiều loại sữa chua có chứa đường bổ sung. Người bị tiểu đường nên ăn những loại sữa chua chứa từ 10 gram đường bổ sung trở xuống. Những sản phẩm có tổng hàm lượng carbohydrate trong mỗi khẩu phần từ 15 gram trở xuống là tốt nhất cho người mắc bệnh tiểu đường.
Nên tìm mua những loại sữa chua chứa nhiều protein và ít carbohydrate, chẳng hạn như sữa chua Hy Lạp nguyên chất. Hãy đọc kỹ thông tin in trên nhãn vì hàm lượng đường có thể chênh lệch khá nhiều giữa các loại sữa chua và thậm chí giữa các hương vị khác nhau của cùng một loại.
Lưu ý khi ăn sữa chua
Một số loại sữa chua được cho thêm các thành phần khác như kẹo, mứt trái cây hay granola. Những thành phần này có thể góp phần làm tăng lượng đường trong máu.
Tốt hơn hết người bệnh tiểu đường nên chọn sữa chua nguyên chất không đường và tự thêm các loại topping theo ý thích. Bằng cách này, người bệnh có thể kiểm soát khẩu phần và lượng đường bổ sung. Nên ăn sữa chua cùng các món ăn kèm không chứa đường bổ sung hoặc giàu chất xơ như trái cây tươi, hạnh nhân thái lát hoặc hạt chia.
Người mắc bệnh tiểu đường và kháng insulin nên đặc biệt thận trọng với các chất làm ngọt nhân tạo. Mặc dù các chất làm ngọt nhân tạo không làm tăng lượng đường trong máu giống như đường bổ sung nhưng lại có thể góp phần gây tăng cân và làm mất cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột.
Nếu muốn tránh xa đường và chất làm ngọt nhân tạo thì nên chọn sữa chua không đường và thêm trái cây tươi để tạo vị ngọt cho món ăn.
Tóm tắt bài viết
Người bị tiểu đường nên:
- ăn sữa chua có chứa vi khuẩn sống để bổ sung lợi khuẩn cho đường ruột.
- chọn những loại sữa chua có hàm lượng protein cao và ít carbohydrate.
- chọn những sản phẩm chứa không quá 10g đường và 15g carbohydrate trong mỗi khẩu phần.
Người bị tiểu đường nên tránh:
- các loại sữa chua có chứa nhiều đường bổ sung và các thành phần làm tăng lượng đường trong máu như mứt trái cây, kẹo.
- lạm dụng chất làm ngọt nhân tạo để tạo vị ngọt cho sữa chua.
Cho là loại thực phẩm nào thì cũng chỉ nên ăn vừa phải. Theo khuyến nghị, người lớn nên tiêu thụ ba phần sản phẩm từ sữa mỗi ngày (một phần sản phẩm từ sữa tương đương 1 cốc sữa hoặc 245g sữa chua hoặc 30g phô mai). Tuy nhiên, nngười bệnh tiểu đường nên đo đường huyết sau khi ăn sữa chua để xem sữa chua có ảnh hưởng như thế nào đến lượng đường trong máu và từ đó điều chỉnh khẩu phần ăn cho hợp lý. Ăn sữa chua không đường là một cách tuyệt vời để bổ sung protein, canxi và lợi khuẩn.
Các nhà nghiên cứu cho biết vắc xin BCG giúp làm giảm đáng kể lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1.
Những người bị bệnh tiểu đường type 2 cần chú ý đến lượng carbohydrate (carb) trong chế độ ăn uống. Sau khi vào cơ thể, carb trong đồ ăn thức uống sẽ được chuyển hóa thành đường và có tác động trực tiếp đến lượng đường trong máu. Hầu hết các loại trái cây đều chứa nhiều carb mà chủ yếu là ở dạng đường đơn, glucose và fructose. Vậy người bị tiểu đường có được ăn trái cây không?
Không chỉ có hương vị hấp dẫn, socola còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là socola đen.
Đối với những người bị tiểu đường type 2, tập thể dục thường xuyên có thể giúp kiểm soát đường huyết và cân nặng. Tập thể dục còn giúp làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, tăng cường sức khỏe tổng thể và cải thiện tâm trạng.
Nấm là một loại thực phẩm ít calo, ít carb, phù hợp với chế độ ăn của người mắc bệnh tiểu đường.