Lợi ích của củ dền đối với người bị tiểu đường
Không chỉ là một loại thực phẩm, từ lâu củ dền đã được sử dụng để điều trị nhiều vấn đề sức khỏe, chẳng hạn như táo bón hay cảm sốt.
Thậm chí, củ dền còn được gọi là một loại “siêu thực phẩm”. Củ dền chứa nhiều folate, kali và các chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe khác. Nghiên cứu cho thấy rằng củ dền đặc biệt có lợi cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Các lợi ích của củ dền
Củ dền rất giàu chất chống oxy hóa mạnh mẽ và chất dinh dưỡng với nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Dưới đây là những lợi ích mà củ dền mang lại cho sức khỏe, bao gồm cả những tác động tích cực của củ dền đối với những người mắc bệnh tiểu đường.
Giảm lượng đường trong máu và insulin
Củ dền rất giàu những hóa chất thực phẩm đã được chứng minh là có tác dụng điều hòa nồng độ glucose và insulin trong máu ở người.
Một nghiên cứu vào năm 2014 đã đánh giá tác động của nước ép củ dền đến lượng đường trong máu sau khi ăn. Nghiên cứu này cho thấy rằng uống 225ml nước ép củ dền (khoảng nửa cốc) giúp giảm đáng kể lượng đường trong máu sau bữa ăn. (1)
Tuy nhiên, nghiên cứu này được thực hiện ở những người không mắc bệnh tiểu đường. Cần nhiều nghiên cứu hơn nữa, đặc biệt là nghiên cứu thực hiện trên những người mắc bệnh tiểu đường để xác minh lợi ích làm giảm đường huyết của củ dền.
Giảm nguy cơ mắc bệnh mãn tính
Theo Trung tâm Y học Tổng hợp và Bổ sung Quốc gia (NCCIH) thuộc Viện y tế quốc gia Hoa Kỳ (NIH), thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa, chẳng hạn như củ dền đã được chứng minh là có lợi trong việc ngăn ngừa bệnh tật.
Các chất chống oxy hóa giúp ngăn ngừa bệnh tật bằng cách chống lại các gốc tự do - những phân tử không ổn định, tấn công các tế bào trong cơ thể.
Tổn thương tế bào do các gốc tự do gây ra được gọi là stress oxy hóa. Stress oxy hóa góp phần gây ra nhiều bệnh lý nghiêm trọng, gồm có bệnh tim mạch và ung thư.
Theo một nghiên cứu vào năm 2010, 85gram củ dền có thể chứa tới 1,7 milimol chất chống oxy hóa, trong đó có một nhóm chất chống oxy hóa có tên là betalain. Đây cũng chính là sắc tố tạo nên màu đỏ tím đặc trưng của củ dền.
Củ dền còn chứa các hợp chất khác có tác dụng ngăn chặn phản ứng viêm – một dạng phản ứng tế bào cũng có liên quan đến nhiều căn bệnh nghiêm trọng.
Giảm nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường
Bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương các mạch máu trong cơ thể. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng liên quan đến mắt, tim, thận và các bộ phận khác của cơ thể.
Một nghiên cứu vào năm 2016 cho thấy rằng các chất chống oxy hóa, bao gồm cả các chất chống oxy hóa có trong củ dền, có thể làm giảm stress oxy hóa và gốc tự do trong cơ thể. Giảm gốc tự do sẽ giúp làm giảm nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như:
- Bệnh võng mạc
- Bệnh thận
- Bệnh thần kinh và các vấn đề về bàn chân như loét bàn chân
- Bệnh tim mạch
Cải thiện tình trạng kháng insulin
Chất chuyển hóa (metabolite) là chất còn lại sau khi cơ thể chuyển hóa hoặc phân hủy thức ăn hoặc các vật chất khác. Có một số bằng chứng cho thấy nitrat - một trong những chất chuyển hóa có nhiều trong củ dền - có thể làm giảm tình trạng kháng insulin.
Nitrat cũng có trong máu người với nồng độ cao nhưng ở những người bị kháng insulin, tiền tiểu đường và có các yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch thì nồng độ nitrat lại thấp hơn so với những người không mắc bệnh tiểu đường.
Trong một nghiên cứu nhỏ vào năm 2017, những người bị béo phì uống hỗn hợp nước ép củ dền và carbohydrate đã có mức độ kháng insulin thấp hơn so với những người không bị béo phì. Điều này cho thấy rằng việc ăn củ dền và các loại thực phẩm giàu nitrat khác có lợi cho người bị béo phì.
Một nghiên cứu trước đó vào năm 2014 cho thấy những người khỏe mạnh uống nước ép củ dền trong bữa ăn có phản ứng insulin và đường huyết thấp hơn sau bữa ăn. Tuy nhiên, một nghiên cứu rất nhỏ vào năm 2013 lại cho ra kết quả khác. 27 người mắc bệnh tiểu đường type 2 đã không hề cải thiện tình trạng kháng insulin sau một thời gian uống nước ép củ dền hàng ngày.
Những nghiên cứu này có số lượng người tham gia ít và cần có thêm nhiều nghiên cứu hơn nữa để xác định tác động của củ dền đến tình trạng kháng insulin. Có thể ăn củ dền sẽ giúp làm giảm kháng insulin và điều này mang lại lợi ích cho những người mắc bệnh tiểu đường.
Giảm huyết áp
Cao huyết áp là một vấn đề thường gặp ở những người mắc bệnh tiểu đường. Nghiên cứu cho thấy rằng ăn củ dền hoặc uống nước ép củ dền có thể giúp làm giảm huyết áp. (2)
Một nghiên cứu vào năm 2013 cho thấy uống một cốc nước ép củ dền mỗi ngày giúp làm giảm huyết áp đáng kể ở những người bị cao huyết áp. Một số người tham gia còn nhận thấy sự cải thiện về độ đàn hồi của mạch máu.
Theo các nhà nghiên cứu trong nghiên cứu này, nitrat trong nước ép củ dền là thành phần mang lại lợi ích làm giảm huyết áp. Nitrat giúp mở rộng mạch máu và nhờ đó cải thiện lưu thông máu.
Nghiên cứu này cũng phát hiện ra rằng uống nước ép củ dền giúp làm giảm huyết áp tâm thu. Huyết áp tâm thu là áp lực trong mạch máu khi tim co bóp.
Một nghiên cứu vào năm 2017 cho thấy nitrat trong nước ép củ dền giúp làm giảm huyết áp động mạch trung tâm ở một số người mắc bệnh tiểu đường type 2. Huyết áp động mạch trung tâm là áp lực trong động mạch chủ - động mạch chính và lớn nhất ở cơ thể, có nhiệm vụ đưa máu ra khỏi tim.
Tác hại của củ dền đối với người bị tiểu đường
Các nghiên cứu không phát hiện thấy bất cứ tác hại nào của củ dền đối với người mắc bệnh tiểu đường. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) còn khuyến nghị mọi người nên thêm loại củ không chứa tinh bột này vào chế độ ăn uống.
Giống như nhiều loại thực phẩm khác, củ dền cũng có thể gây dị ứng nhưng điều này rất hiếm gặp.
Ngoại trừ nguy cơ dị ứng, vấn đề lớn nhất khi ăn củ dền là nước tiểu chuyển màu. Do củ dền chứa sắc tố tạo màu đỏ tím nên nước tiểu có thể sẽ có màu hồng hoặc đỏ sau khi ăn củ dền, nhất là khi ăn nhiều.
Đây là một hiện tượng vô hại và có thể xảy ra với nhiều loại thực phẩm khác như thanh long đỏ hay quả việt quất. Sau 1 – 2 ngày, màu sắc của nước tiểu sẽ trở về bình thường.
Cách sử dụng củ dền
Củ dền là một loại thực phẩm linh hoạt, có thể sử dụng cho nhiều món ăn, đồ uống như salad, canh, món hầm, sinh tố… Bạn có thể sử dụng củ dền để tăng thêm màu sắc, hương vị và độ giòn cho món ăn hoặc uống nước ép củ dền.
Đừng bỏ đỉ phần lá của củ dền. Phần lá này cũng có chứa nhiều chất dinh dưỡng không thua kém phần củ. Bạn có thể sử dụng phần lá của củ dền giống như các loại rau khác. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, một chiếc lá củ dền chứa khoảng 7 gram carbohydrate, trong đó chủ yếu là chất xơ.
Dưới đây là một số món ăn mà bạn có thể chế biến với củ dền:
- Cắt lát mỏng, bào sợi hoặc cắt hạt lựu củ dền sống và trộn cùng các loại rau củ khác để làm salad. Củ dền giúp tăng thêm màu sắc và độ giòn cho món ăn.
- Hấp hoặc luộc củ dền. Có thể thêm các loại rau củ khác để có món ăn nhiều màu sắc và dưỡng chất.
- Nướng, sau đó ăn trực tiếp, thêm vào salad hoặc trứng ốp la.
- Hầm hoặc nấu canh
- Ép nước củ dền. Hãy ép cùng các loại rau củ khác hoặc trái cây như táo và cà rốt để có ly nước ép giàu dưỡng chất.
Nên mua củ dền tươi còn nguyên lá. Hãy chọn những củ chắc, mịn và có màu đỏ tím tươi.
Có thể bảo quản củ dền còn nguyên lá trong ngăn mát tủ lạnh trong 3 - 4 ngày. Nếu bỏ đi phần lá thì có thể bảo quản trong 2 - 4 tuần.
Tóm tắt bài viết
Củ dền rất giàu chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng tốt cho cho sức khỏe. Ăn củ dền có lợi cho tất cả mọi người nhưng đặc biệt có lợi đối với những người mắc bệnh tiểu đường. Củ dền có thể giúp giảm nguy cơ biến chứng của bệnh tiểu đường, gồm có tổn thương thần kinh và bệnh về mắt.
Củ dền rất linh hoạt, ngon và có thể dễ dàng thêm vào nhiều món ăn, đồ uống.
Các nhà nghiên cứu cho biết vắc xin BCG giúp làm giảm đáng kể lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 1.
Những người bị bệnh tiểu đường type 2 cần chú ý đến lượng carbohydrate (carb) trong chế độ ăn uống. Sau khi vào cơ thể, carb trong đồ ăn thức uống sẽ được chuyển hóa thành đường và có tác động trực tiếp đến lượng đường trong máu. Hầu hết các loại trái cây đều chứa nhiều carb mà chủ yếu là ở dạng đường đơn, glucose và fructose. Vậy người bị tiểu đường có được ăn trái cây không?
Không chỉ có hương vị hấp dẫn, socola còn mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, đặc biệt là socola đen.
Đối với những người bị tiểu đường type 2, tập thể dục thường xuyên có thể giúp kiểm soát đường huyết và cân nặng. Tập thể dục còn giúp làm giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim và đột quỵ, giảm các yếu tố nguy cơ tim mạch, tăng cường sức khỏe tổng thể và cải thiện tâm trạng.
Nấm là một loại thực phẩm ít calo, ít carb, phù hợp với chế độ ăn của người mắc bệnh tiểu đường.