Người bị tiểu đường cần lưu ý gì khi dùng thuốc chẹn beta?
Những người bị bệnh tiểu đường có nguy cơ mắc bệnh tim mạch hoặc đột qụy ở độ tuổi sớm hơn so với dân số nói chung. Một lý do của điều này là lượng đường trong máu cao làm tăng nguy cơ cao huyết áp (tăng huyết áp).
Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA), cứ 3 người Mỹ trưởng thành thì có gần 1 người bị cao huyết áp trong khi ở nhóm dân số bị tiểu đường, cứ 3 người thì có 2 người bị cao huyết áp.
Cao huyết áp không phải lúc nào cũng có triệu chứng. Nhiều người bị cao huyết áp vẫn thấy khỏe mạnh bình thường nhưng trên thực tế, vấn đề đang diễn ra âm thầm trong cơ thể. Tim đang phải hoạt động nhiều hơn bình thường. Đây là một tình trạng nghiêm trọng, đặc biệt là đối với những người mắc bệnh tiểu đường.
Bản thân bệnh tiểu đường đã gây ra nhiều tổn hại cho cơ thể và tình trạng cao huyết áp càng khiến cơ thể gặp phải nhiều vấn đề hơn nữa. Theo thời gian, huyết áp cao có thể gây xơ cứng động mạch và còn có thể gây tổn thương não, thận, mắt và các cơ quan khác.
Điều trị cao huyết áp
Thông thường, bác sĩ sẽ đề nghị các phương pháp điều trị cao huyết áp khác trước khi kê thuốc chẹn beta, chẳng hạn như thay đổi lối sống và kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn.
Quyết định sử dụng các loại thuốc, bao gồm cả thuốc chẹn beta, sẽ phụ thuộc vào bệnh sử cá nhân. Một tổng quan hệ thống vào năm 2015 khuyến nghị điều trị bằng thuốc để giảm huyết áp tâm thu (chỉ số bên trên trong kết quả đo huyết áp) nếu huyết áp trên 130 mmHg. (1)
Ở những người mắc bệnh tiểu đường, điều trị cao huyết áp sẽ giúp làm giảm nguy cơ mắc các vấn đề về tim mạch, bệnh thận và bệnh thần kinh.
Thuốc chẹn beta là gì?
Thuốc chẹn beta (thuốc ức chế beta) là một nhóm thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị nhiều bệnh như tăng nhãn áp, đau nửa đầu và rối loạn lo âu. Nhóm thuốc này còn được sử dụng để điều trị suy tim và cao huyết áp. Cao huyết áp làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch và đột quỵ.
Thuốc chẹn beta ngăn cản hoạt động của hormone norepinephrine (adrenaline). Điều này làm giảm tốc độ các xung thần kinh trong tim và làm cho tim đập chậm lại.
Tim không cần phải làm việc nhiều và không cần phải chịu áp lực lớn khi co bóp như trước. Thuốc chẹn beta còn có thể giúp mở rộng các mạch máu và nhờ đó cải thiện lưu thông máu.
Thuốc chẹn beta và hạ đường huyết
Những người mắc bệnh tiểu đường cần nhận biết được các dấu hiệu cảnh báo của hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) để kịp thời can thiệp. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc chẹn beta có thể sẽ khiến cho người bệnh khó phát hiện các dấu hiệu hơn.
Một trong những triệu chứng của hạ đường huyết là tim đập nhanh. Vì thuốc chẹn beta làm giảm nhịp tim nên phản ứng của tim đối với lượng đường trong máu thấp sẽ trở nên không rõ ràng.
Do đó, người bệnh sẽ không dựa vào các triệu chứng để nhận biết lượng đường trong máu thấp. Điều này rất nguy hiểm. Người bệnh sẽ phải đo đường huyết thường xuyên và ăn uống điều độ, đặc biệt là những người dễ bị hạ đường huyết.
Những lưu ý khác khi dùng thuốc chẹn beta
Thuốc chẹn beta khiến cho người bệnh khó phát hiện các dấu hiệu hạ đường huyết và ngoài ra còn có thể gây ra tác dụng phụ khác. Một số tác dụng phụ phổ biến của thuốc chẹn beta gồm có:
- Mệt mỏi
- Tay chân lạnh
- Đau đầu
- Chóng mặt
- Đau bụng
- Táo bón hoặc tiêu chảy
Do tác động của thuốc chẹn beta đến sự hấp thụ chất dinh dưỡng nên những người dùng loại thuốc này nên giảm lượng natri và/hoặc canxi. Ngoài ra, cần lưu ý nước cam có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của thuốc chẹn beta.
Một số người dùng thuốc chẹn beta còn bị khó thở, khó ngủ và giảm ham muốn tình dục. Ở nam giới, thuốc chẹn beta có thể làm giảm lưu lượng máu đến dương vật và gây rối loạn cương dương.
Thuốc chẹn beta còn có thể làm tăng mức triglyceride và cholesterol. Tình trạng này thường là tạm thời nhưng vẫn nên xét nghiệm máu định kỳ trong thời gian dùng thuốc để theo dõi nồng độ các chất béo này trong máu.
Các loại thuốc chẹn beta
Nhóm thuốc chẹn beta gồm có nhiều loại thuốc khác nhau. Một số ví dụ gồm có:
- acebutolol (Sectral)
- atenolol (Tenormin)
- betaxolol (Kerlone)
- bisoprolol (Zebeta)
- metoprolol (Lopressor, Toprol-XL)
- nadolol (Corgard)
- penbutolol sulfate (Levatol)
- pindolol (Visken)
- propranolol (Inderal LA, InnoPran XL)
- timolol maleate (Blocadren)
Bác sĩ sẽ kê loại thuốc phù hợp nhất cho người bệnh. Hãy dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ và đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Nếu gặp phải tác dụng phụ trong thời gian sử dụng thuốc, hãy báo ngay cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng thuốc hoặc kê loại thuốc khác.
Tại sao người bị tiểu đường nên đo huyết áp thường xuyên?
Đối với những người bị tiểu đường, đo huyết áp thường xuyên cũng quan trọng không kém việc đo đường huyết. Lý do là vì cao huyết áp thường không biểu hiện triệu chứng. Chỉ khi đo thường xuyên thì mới biết được huyết áp của mình đang ở mức nào. Người bệnh nên mua máy đo huyết áp để sử dụng tại nhà.
Khi huyết áp tăng cao, việc phát hiện sớm sẽ giúp trì hoãn hoặc tránh phải dùng thuốc kiểm soát huyết áp.
Hãy hạn chế uống rượu bia và bỏ thuốc lá nếu hút. Một điều rất quan trọng để giữ ổn định huyết áp là duy trì chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục đều đặn.
Thuốc ức chế SGLT2 giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường type 2. Ngoài làm giảm lượng đường trong máu, nhóm thuốc này còn được chứng minh là có lợi cho bệnh suy tim, các bệnh tim mạch khác và bệnh thận.
Đối với người mắc bệnh tiểu đường, insulin có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát lượng đường trong máu. Tất cả những người bị bệnh tiểu đường type 1đều cần phải tiêm insulin hàng ngày. Những người mắc tiểu đường type 2 cũng có thể phảii dùng insulin để ổn định lượng đường trong máu.
Chúng ta đều biết rằng hút thuốc có hại cho sức khỏe. Hút thuốc ảnh hưởng xấu đến mọi cơ quan trong cơ thể và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh có thể gây tử vong, chẳng hạn như bệnh tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính cũng như nhiều loại ung thư. Đối với người mắc bệnh tiểu đường, hút thuốc còn gây ra nhiều tác hại nghiêm trọng hơn nữa. Bản thân bệnh tiểu đường đã gây tổn thương nhiều bộ phận của cơ thể và nếu người bệnh hút thuốc, nguy cơ gặp phải các biến chứng sẽ càng gia tăng.
Những người mắc bệnh tiểu đường có lượng đường trong máu cao. Lượng đường trong máu không được kiểm soát sẽ gây tổn thương các mạch máu cũng như các dây thần kinh có liên quan. Dùng aspirin liều thấp hàng ngày có thể giúp giảm nguy cơ xảy ra biến cố tim mạch. Nhưng người bị tiểu đường có nên dùng aspirin hàng ngày không?
So với thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn dễ mua hơn và thường có giá phải chăng hơn nhưng nhiều người mắc bệnh tiểu đường băn khoăn không biết thuốc không kê đơn có an toàn không, có ảnh hưởng gì đến lượng đường trong máu hay có tương tác với các loại thuốc điều trị tiểu đường đang dùng hay không. Ví dụ, gần một nửa số người lớn mắc bệnh tiểu đường bị viêm khớp và nhiều người có chung thắc mắc là có thể dùng ibuprofen để giảm đau khớp không.