1

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Fiasp

Giống như các loại thuốc khác, Fiasp cũng có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng.
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Fiasp Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Fiasp

Fiasp là gì?

Fiasp là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn và trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1 và tiểu đường type 2.

Hoạt chất trong Fiasp là insulin aspart (hoạt chất là thành phần giúp cho thuốc có tác dụng chữa bệnh). Fiasp là thuốc sinh học, có nghĩa là được làm từ các tế bào sống.

Fiasp có dạng dung dịch lỏng được tiêm dưới da. Hiện trên thị trường có các loại Fiasp sau:

  • Dạng lọ để sử dụng cùng bơm kim tiêm hoặc máy bơm insulin
  • Bút tiêm dùng một lần chứa sẵn thuốc (FlexTouch)
  • Dạng ống (PenFill) để sử dụng cho bút tiêm dùng nhiều lần

Nếu Fiasp hiệu quả và an toàn, người bệnh sẽ sử dụng thuốc lâu dài để kiểm soát bệnh tiểu đường.

Để biết thêm thông tin về liều dùng Fiasp, vui lòng đọc bài viết này.

Giống như các loại thuốc khác, Fiasp cũng có thể gây ra tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Tác dụng phụ phổ biến của Fiasp

Một số người có thể gặp các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng trong quá trình điều trị bằng Fiasp. Một số tác dụng phụ thường được báo cáo của Fiasp gồm có:

  • Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)
  • Dị ứng
  • Phản ứng tại vị trí tiêm
  • Loạn dưỡng mỡ *
  • Tăng cân*

* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Tác dụng phụ nhẹ của Fiasp

Các tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo của Fiasp gồm có:

  • Buồn nôn
  • Sưng phù ở bàn tay, bàn chân hoặc cẳng chân
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường hoặc cúm
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu
  • Phản ứng tại vị trí tiêm *
  • Loạn dưỡng mỡ *
  • Tăng cân*
  • Dị ứng nhẹ*

* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Trong hầu hết các trường hợp, những tác dụng phụ này chỉ là tạm thời và một số có thể kiểm soát được một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu các tác dụng phụ kéo dài dai dẳng hoặc gây khó chịu thì người bệnh nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ. Không được tự ý ngừng sử dụng Fiasp mà không có sự đồng ý của bác sĩ.

Fiasp còn có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ khác ngoài những tác dụng phụ kể trên. Người bệnh có thể đọc Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết chi tiết.

Tác dụng phụ nghiêm trọng của Fiasp

Nhiều tác dụng phụ phổ biến của Fiasp chỉ là những tác dụng phụ nhẹ và tự hết trong vòng vài ngày đến vài tuần. Nhưng đôi khi, Fiasp có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Fiasp gồm có:

  • Hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp)
  • Dị ứng nghiêm trọng*
  • Hạ đường huyết*

Nếu người bệnh gặp tác dụng phụ nghiêm trọng trong quá trình điều trị bằng Fiasp, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu cảm thấy tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Tác dụng phụ ở trẻ em

Trẻ em sử dụng Fiasp cũng có thể gặp phải các tác dụng phụ giống như người lớn. Tuy nhiên, trong các nghiên cứu về Fiasp được thực hiện ở trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1, những tác dụng phụ sau đây khác với những tác dụng phụ xảy ra ở người lớn:

  • Chảy nước mũi
  • Đau đầu
  • Sốt
  • Nôn mửa

Câu hỏi thường gặp về tác dụng phụ của Fiasp

Fiasp tồn tại trong cơ thể bao lâu và các tác dụng phụ của thuốc khi nào sẽ hết?

Fiasp là một loại insulin tác dụng nhanh, có nghĩa là nhanh chóng được giải phóng vào máu sau khi tiêm. Trong các nghiên cứu về Fiasp, insulin aspart (hoạt chất trong Fiasp) được hấp thụ vào máu khoảng 2,5 phút sau khi tiêm.

Hiệu quả của Fiasp thường đạt tối đa sau khoảng 15 phút kể từ khi tiêm. Và đây là khoảng thời gian dễ xảy ra tác dụng phụ nhất. Nhưng thuốc sẽ tồn tại trong cơ thể khoảng 4 đến 6 giờ và người dùng cũng có thể gặp tác dụng phụ trong suốt khoảng thời gian này.

Vì Fiasp bắt đầu phát huy tác dụng nhanh chóng nên người bệnh cần phải ăn trong vòng 15 phút sau khi tiêm Fiasp. Điều này sẽ làm giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, chẳng hạn như hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp).

Tác dụng phụ của Fiasp dạng bút tiêm FlexTouch và dạng ống PenFill có giống nhau không?

Không có bất kỳ sự khác biệt nào về tác dụng phụ giữa bút tiêm FlexTouch và ống PenFill. Cả hai dạng Fiasp đều chứa cùng hoạt chất, có nghĩa là gây ra các tác dụng phụ giống nhau.

Điểm khác biệt chính giữa Fiasp dạng bút tiêm FlexTouch và dạng ống PenFill là bút tiêm FlexTouch chỉ dùng một lần trong khi dạng ống được sử dụng cho bút tiêm dùng nhiều lần. Với bút tiêm FlexTouch, người bệnh sẽ vứt bút đi sau khi tiêm hết lượng thuốc trong bút và thay bút mới. Nếu sử dụng bút tiêm dùng nhiều lần, người bệnh chỉ cần thay ống chứa thuốc mới sau khi dùng hết lượng thuốc trong ống. Tuy nhiên, dù dùng loại bút tiêm nào thì quy trình và kỹ thuật tiêm cũng giống nhau.

Nếu băn khoăn không biết nên chọn loại bút tiêm nào thì người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ để được tư vấn.

Tác dụng phụ của Fiasp có giống tác dụng phụ của NovoLog không?

Fiasp và NovoLog chứa cùng một hoạt chất (insulin aspart). Do đó, Fiasp và NovoLog có các tác dụng phụ tương tự nhau, chẳng hạn như:

  • Tiêu chảy
  • Hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp)
  • Buồn nôn
  • Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)*
  • Phản ứng tại vị trí tiêm*
  • Loạn dưỡng mỡ *
  • Tăng cân*

Tuy nhiên, Fiasp phát huy tác dụng nhanh hơn NovoLog. Vì vậy nên mặc dù hai loại thuốc này có nhiều tác dụng phụ giống nhau nhưng một số tác dụng phụ có thể sẽ xảy ra sớm hơn nếu như sử dụng Fiasp. Ví dụ, tác dụng phụ hạ đường huyết thường xảy ra sớm hơn nếu người bệnh sử dụng Fiasp.

* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Chi tiết tác dụng phụ

Tìm hiểu rõ hơn về một số tác dụng phụ mà Fiasp có thể gây ra.

Tăng cân

Tăng cân là một trong những tác dụng phụ phổ biến được báo cáo trong các nghiên cứu về Fiasp. Nhưng tác dụng phụ này có thể xảy ra với bất kỳ loại insulin nào.

Giống như insulin tự nhiên, Fiasp giúp đưa đường trong máu vào tế bào để chuyển hóa thành năng lượng. Một phần đường này được dự trữ dưới dạng chất béo trong tế bào để sử dụng sau. Điều này có thể khiến người dùng thuốc tăng cân theo thời gian.

Trao đổi với bác sĩ nếu người bệnh lo lắng về sự thay đổi cân nặng khi sử dụng Fiasp. Điều chỉnh chế độ ăn uống và tăng cường hoạt động thể chất sẽ giúp đạt được hoặc duy trì cân nặng khỏe mạnh.

Hạ đường huyết

Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp) là tác dụng phụ phổ biến nhất được báo cáo trong các nghiên cứu về Fiasp. Đây cũng là một tác dụng phụ phổ biến của tất cả các loại insulin.

Các triệu chứng hạ đường huyết ban đầu thường nhẹ nhưng nếu không được điều trị kịp thời, tình trạng hạ đường huyết sẽ nhanh chóng trở nên nghiêm trọng và thậm chí có thể đe dọa đến tính mạng. Vì lý do này nên điều quan trọng là phải điều trị hạ đường huyết ngay khi người bệnh nhận thấy các triệu chứng.

Các triệu chứng hạ đường huyết nhẹ gồm có:

  • Đổ mồ hôi
  • Mờ mắt
  • Run tay
  • Chóng mặt
  • Buồn nôn
  • Tim đập nhanh
  • Cáu gắt
  • Đau đầu
  • Đói

Các triệu chứng hạ đường huyết nghiêm trọng hơn gồm có:

  • Nói năng không rõ
  • Mơ hồ, không tỉnh táo
  • Mệt mỏi, không có sức lực
  • Co giật
  • Bất tỉnh
  • Hôn mê

Người bệnh cần kiểm tra lượng đường trong máu thường xuyên bằng máy đo đường huyết trong khi sử dụng Fiasp. Điều này có thể giúp ngăn ngừa hoặc phát hiện sớm hạ đường huyết. Cố gắng duy trì lượng đường trong máu trong phạm vi mà bác sĩ khuyến nghị.

Nếu có các triệu chứng của hạ đường huyết hoặc chỉ số trên máy đo thấp hơn mức mà bác sĩ khuyến nghị, hãy ăn hoặc uống thứ gì đó có chứa carbohydrate để nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu. Một số loại đồ ăn và đồ uống có thể giúp nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu gồm có:

  • Kẹo cứng
  • Mật ong
  • Viên nén glucose
  • Đường
  • Nước ép trái cây, nước ngọt hoặc các loại đồ uống có đường khác (không dùng nước ngọt không được và loại dành cho người ăn kiêng)

Nếu người bệnh thường xuyên bị hạ đường huyết nhẹ, hãy báo cho bác sĩ để điều chỉnh liều dùng insulin. Nhưng nếu có các triệu chứng hạ đường huyết nghiêm trọng, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất.

Loạn dưỡng mỡ

Loạn dưỡng mỡ là một tác dụng phụ phổ biến trong các nghiên cứu về Fiasp. Đây cũng là tác dụng phụ phổ biến của các loại insulin khác.

Loạn dưỡng mỡ là tình trạng mỡ phân bố bất thường dưới da, khiến cho da bị dày lên hoặc lõm. Điều này có thể xảy ra ở vị trí tiêm Fiasp. Nguyên nhân thường là do tiêm nhiều lần liên tiếp ở cùng một điểm. Tiêm Fiasp ở những khu vực bị loạn dưỡng mỡ có thể làm giảm hiệu quả của insulin và điều này có thể dẫn đến tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao).

Để tránh bị loạn dưỡng mỡ, người bệnh nên thay đổi vị trí tiêm vào mỗi lần tiêm. Nếu sử dụng máy bơm insulin thì hãy thay đổi vị trí đặt máy.

Nếu nhận thấy da quanh vị trí tiêm thuốc có sự thay đổi bất thường, hãy báo cho bác sĩ ngay để được hướng dẫn cách khắc phục.

Phản ứng tại vị trí tiêm

Vị trí tiêm Fiasp hoặc vị trí đặt máy bơm insulin có thể xảy ra phản ứng. Đây là một tác dụng phụ phổ biến trong các nghiên cứu về Fiasp.

Một số phản ứng có thể xảy ra tại vị trí tiêm gồm có:

  • Phát ban
  • Da đỏ hoặc sẫm màu
  • Sưng tấy
  • Đau
  • Bầm tím
  • Ngứa

Đa phần phản ứng tại vị trí tiêm hoặc đặt máy bơm insulin chỉ là phản ứng nhẹ và tự hết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.

Thay đổi vị trí tiêm mỗi lần tiêm sẽ giúp ngăn ngừa phản ứng tại vị trí tiêm. Nếu sử dụng máy bơm insulin thì nên thay đổi vị trí đặt máy.

Khi xảy ra phản ứng tại vị trí tiêm, chườm nước đá sẽ giúp giảm đau và sưng tấy nhưng chú ý không được chà xát. Chà xát có thể khiến cho tình trạng càng thêm nặng hơn.

Nếu phản ứng tại vị trí tiêm gây đau đớn hoặc khó chịu thì người bệnh nên báo cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ hướng dẫn kỹ thuật tiêm giúp ngăn ngừa phản ứng.

Nếu cần thiết thì có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen hay acetaminophen. Nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi dùng bất kỳ loại thuốc không kê đơn nào vì một số loại thuốc có thể tương tác với Fiasp hoặc ảnh hưởng đến bệnh tiểu đường.

Dị ứng

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Fiasp cũng có thể gây dị ứng ở một số người. Các triệu chứng dị ứng có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng, gồm có:

  • Phát ban da
  • Ngứa ngáy
  • Da nóng đỏ hoặc sẫm màu
  • Sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân
  • Sưng miệng, lưỡi hoặc cổ họng, gây khó thở
  • Tụt huyết áp

Nếu người bệnh có các triệu chứng dị ứng nhẹ, chẳng hạn như phát ban, hãy báo ngay cho bác sĩ. Một số phương pháp điều trị giúp kiểm soát các triệu chứng dị ứng nhẹ gồm có:

  • Thuốc kháng histamin đường uống, chẳng hạn như Benadryl (diphenhydramine)
  • Thuốc bôi ngoài da, chẳng hạn như hydrocortisone

Trong trường hợp người bệnh chỉ bị dị ứng nhẹ với Fiasp, bác sĩ sẽ quyết định xem có nên tiếp tục sử dụng thuốc hay không.

Nếu người bệnh có các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sưng phù hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Những triệu chứng này có thể đe dọa đến tính mạng và cần được điều trị khẩn cấp.

Nếu đã bị dị ứng nghiêm trọng với Fiasp thì không được tiếp tục sử dụng thuốc. Việc tiếp tục sử dụng khi đã từng bị dị ứng có thể gây nguy hiểm đến tính mạng. Trong những trường hợp từng bị dị ứng, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác.

Cảnh báo về Fiasp

Fiasp có thể không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý nhất định. Ngoài ra, việc người bệnh có thể sử dụng Fiasp hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử cá nhân trước khi bắt đầu sử dụng thuốc. Dưới đây là những yếu tố cần cân nhắc.

  • Hạ kali máu: Fiasp và các loại insulin khác có thể gây hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp). Ở những người vốn đã có mức kali thấp hoặc đang dùng các loại thuốc làm giảm kali, việc sử dụng Fiasp có thể khiến cho tình trạng hạ kali màu trở nên trầm trọng hơn. Hạ kali máu không được điều trị có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng, đôi khi có thể đe dọa tính mạng. Do đó, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tình trạng sức khỏe, bao gồm cả các loại thuốc đang dùng. Người bệnh có thể sẽ phải làm xét nghiệm kali máu định kỳ trong quá trình điều trị bằng Fiasp.
  • Dị ứng: Nếu người bệnh từng bị dị ứng với Fiasp hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc, bác sĩ sẽ không kê Fiasp mà thay vào đó sẽ kê các loại thuốc khác.
  • Hạ đường huyết: Fiasp giúp giảm lượng đường trong máu. Nếu lượng đường trong máu đang ở mức thấp, việc sử dụng Fiasp có thể gây hạ đường huyết nghiêm trọng. Trong một số trường hợp, hạ đường huyết có thể đe dọa đến tính mạng. Hãy báo cho bác sĩ nếu người bệnh có các triệu chứng hạ đường huyết khi sử dụng Fiasp.
  • Suy tim: Ở những người mắc bệnh suy tim, sử dụng Fiasp cùng với các loại thuốc trong nhóm thiazolidinedione có thể làm trầm trọng thêm tình trạng bệnh. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có Avandia (rosiglitazone) và Actos (pioglitazone). Nếu phải sử dụng Fiasp cùng với thiazolidinedione, người bệnh sẽ cần tái khám thường xuyên để theo dõi tình trạng tim.
  • Vấn đề về thận: Những người có vấn đề về thận sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết cao hơn khi sử dụng Fiasp. Do đó, người bệnh sẽ phải đo đường huyết thường xuyên hơn. Và trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ giảm liều Fiasp để ngăn ngừa hạ đường huyết.
  • Vấn đề về gan: Những người có vấn đề về gan cũng có nguy cơ bị hạ đường huyết cao hơn khi sử dụng Fiasp. Do đó, bác sĩ sẽ giảm liều Fiasp và người bệnh cần phải đo đường huyết thường xuyên hơn.
  • Tăng đường huyết và nhiễm toan ceton do máy bơm insulin bị hỏng: Ngoài bút tiêm, người bệnh cũng có thể lựa chọn Fiasp dạng lọ và dùng cùng máy bơm insulin. Tuy nhiên, nếu máy bơm bị lỗi hoặc hỏng thì có thể sẽ dẫn đến tăng đường huyết (lượng đường trong máu cao) hoặc nhiễm toan ceton (nồng độ ceton trong máu cao). Trong một số trường hợp, những tình trạng này rất nghiêm trọng và có thể đe dọa đến tính mạng. Hãy báo ngay cho bác sĩ khi máy bơm insulin không hoạt động bình thường. Người bệnh có thể sẽ phải tiêm Fiasp bằng bơm kim tiêm trong thời gian chờ sửa máy bơm insulin.

Có được uống rượu bia trong khi dùng Fiasp không?

Người bệnh không nên uống rượu bia và các loại thuốc không kê đơn có chứa cồn trong khi sử dụng Fiasp.

Cồn có thể ảnh hưởng đến tác dụng làm giảm lượng đường trong máu của Fiasp và dẫn đến tăng hoặc hạ đường huyết.

Mang thai và cho con bú có dùng được Fiasp không?

Chưa rõ liệu Fiasp có an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai hay không. Chưa có bất kỳ nghiên cứu nào về Fiasp được thực hiện trên phụ nữ mang thai để xác minh tính an toàn của thuốc trong thai kỳ.

Tuy nhiên, đã có một số nghiên cứu về insulin aspart (hoạt chất trong Fiasp) được thực hiện trên phụ nữ mang thai. Theo các nghiên cứu này, việc sử dụng insulin aspart trong ba tháng giữa của thai kỳ không làm gia tăng nguy cơ dị tật bẩm sinh ở thai nhi.

Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt trong thời gian mang thai có thể gây hại cho thai nhi. Do đó, Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị điều trị bệnh tiểu đường bằng insulin, chẳng hạn như Fiasp, trong khi mang thai.

Cũng chưa rõ liệu Fiasp có đi vào sữa mẹ hay không và nếu có thì thuốc có ảnh hưởng như thế nào đến trẻ bú mẹ.

Nếu người bệnh đang mang thai, dự định mang thai, cho con bú hoặc dự định cho con bú, hãy cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu dùng Fiasp. Bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh liều dùng hoặc kê loại thuốc khác.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Liều dùng thuốc trị tiểu đường Actos
Liều dùng thuốc trị tiểu đường Actos

Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Thuốc được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường metformin
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường metformin

Metformin có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ về tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn hoặc nôn. Mặc dù hiếm gặp nhưng metformin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng cần can thiệp khẩn cấp như nhiễm toan axit lactic.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Glyxambi
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Glyxambi

Người dùng Glyxambi có thể gặp phải các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, tùy vào liều dùng và phản ứng của cơ thể với thuốc.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Levemir
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Levemir

Giống như các loại thuốc khác, Levemir cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Những tác dụng phụ này có thể chỉ là tạm thời hoặc cũng có thể kéo dài.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Toujeo
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Toujeo

Toujeo là một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào, người bệnh cũng cần biết các tác dụng phụ của thuốc.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây