Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Toujeo
Toujeo là gì?
Toujeo (insulin glargine) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 ở người lớn và trẻ em từ 6 tuổi trở lên. Toujeo không được sử dụng để điều trị nhiễm toan ceton – một biến chứng nguy hiểm của bệnh tiểu đường.
Toujeo chứa hoạt chất insulin glargine, là một loại insulin tác dụng kéo dài, có dạng dung dịch lỏng. Toujeo được bán dưới dạng bút tiêm chứa sẵn thuốc (tên là Toujeo SoloStar hoặc Toujeo Max SoloStar). Người bệnh sẽ tự tiêm thuốc vào dưới da.
Nếu Toujeo có hiệu quả thì người bệnh nên sử dụng lâu dài để kiểm soát bệnh tiểu đường.
Để biết thêm thông tin về Toujeo, vui lòng bài viết này.
Giống như các loại thuốc khác, Toujeo cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng.
Tác dụng phụ phổ biến của Toujeo
Người bệnh có thể gặp tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng trong quá trình điều trị bằng Toujeo. Một số tác dụng phụ thường được báo cáo của Toujeo gồm có:
- Phát ban da
- Ngứa
- Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)*
- Phản ứng tại vị trí tiêm*
- Tăng cân*
* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
Tác dụng phụ nhẹ của Toujeo
Hầu hết các tác dụng phụ của Toujeo đều nhẹ. Một số tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo của Toujeo gồm có:
- Phát ban da
- Ngứa
- Da dày lên hoặc những thay đổi khác ở vị trí tiêm thuốc
- Nhiễm trùng, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường
- Sưng phù, đặc biệt là ở cánh tay hoặc cẳng chân
- Ho
- Hạ đường huyết*
- Phản ứng tại vị trí tiêm*
- Tăng cân*
* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
Trong hầu hết các trường hợp, những tác dụng phụ này chỉ là tạm thời và một số có thể kiểm soát được một cách dễ dàng. Tuy nhiên, nếu các tác dụng phụ kéo dài hoặc gây khó chịu thì nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ. Người bệnh không được tự ý ngừng sử dụng Toujeo mà không có chỉ định của bác sĩ.
Toujeo còn có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ khác ngoài những tác dụng phụ bên trên. Người bệnh có thể đọc Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết chi tiết.
Tác dụng phụ nghiêm trọng của Toujeo
Ngoài các tác dụng phụ nhẹ, Toujeo còn có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng, chẳng hạn như:
- Hạ đường huyết nghiêm trọng*
- Hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp)
- Dị ứng*
* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.
Hãy báo ngay cho bác sĩ nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng Toujeo. Nếu cảm thấy các tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.
Câu hỏi thường gặp về tác dụng phụ của Toujeo
Giải đáp một số câu hỏi thường gặp về tác dụng phụ của Toujeo.
Toujeo có gây tiêu chảy không?
Tiêu chảy không phải một tác dụng phụ của Toujeo. Trong các nghiên cứu, những người dùng Toujeo không bị tiêu chảy.
Tuy nhiên, các loại thuốc trị tiểu đường khác, chẳng hạn như metformin có thể gây tiêu chảy.
Nếu người bệnh bị tiêu chảy khi dùng Toujeo, hãy báo cho bác sĩ để xác định nguyên nhân và có biện pháp ngăn ngừa.
Đau khớp có phải là tác dụng phụ của Toujeo không?
Đau khớp không phải là tác dụng phụ của Toujeo. Đau khớp không được báo cáo trong các nghiên cứu về loại thuốc này.
Tuy nhiên, các loại thuốc trị tiểu đường khác có thể gây đau khớp, ví dụ như Lantus (insulin glargine)*.
Nếu người bệnh bị đau khớp khi dùng Toujeo, hãy báo cho bác sĩ để xác định nguyên nhân và có biện pháp ngăn ngừa.
* Toujeo và Lantus đều chứa hoạt chất insulin glargine. Nhưng các nghiên cứu về Lantus đã báo cáo một số tác dụng phụ khác với những tác dụng phụ được báo cáo trong các nghiên cứu về Toujeo.
Toujeo có gây buồn ngủ không?
Buồn ngủ không phải một tác dụng phụ được báo cáo của Toujeo. Trong các nghiên cứu, những người dùng Toujeo không gặp phải tác dụng phụ này.
Tuy nhiên, bản thân bệnh tiểu đường có thể gây buồn ngủ. Lượng đường trong máu quá cao hoặc quá thấp có thể khiến người bệnh cảm thấy mệt mỏi, uể oải.
Nếu người bệnh thường xuyên cảm thấy buồn ngủ trong khi điều trị bằng Toujeo, hãy báo cho bác sĩ. Ngoài ra, hãy đo đường huyết khi cảm thấy buồn ngủ để xem nguyên nhân có phải do hạ đường huyết hoặc tăng đường huyết hay không. Tùy thuộc vào nguyên nhân mà bác sĩ sẽ đưa ra cách khắc phục thích hợp.
Sử dụng Toujeo cùng với các loại thuốc trị tiểu đường khác có làm tăng nguy cơ tác dụng phụ không?
Dùng các loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường khác cùng với Toujeo có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Đây là tác dụng phụ phổ biến nhất của tất cả các loại insulin, bao gồm cả Toujeo. Lượng đường trong máu quá thấp có thể đe dọa đến tính mạng. Người bệnh cần nhận biết được các dấu hiệu và nắm rõ cách xử trí hạ đường huyết.
Chi tiết tác dụng phụ
Tìm hiểu chi tiết về một số tác dụng phụ mà Toujeo có thể gây ra.
Tăng cân
Toujeo và các loại insulin khác có thể gây tăng cân. Đây là một tác dụng phụ phổ biến được báo cáo trong các nghiên cứu về Toujeo.
Nếu người bệnh bị tăng cân đột ngột khi dùng Toujeo, hãy báo cho bác sĩ. Đôi khi, tăng cân đột ngột là do một vấn đề sức khỏe tiềm ẩn, chẳng hạn như suy tim. Bác sĩ sẽ thăm khám để xác định nguyên nhân gây tăng cân và đưa ra các cách để kiểm soát cân nặng.
>>> Cách kiểm soát tăng cân khi dùng insulin.
Phản ứng tại vị trí tiêm
Đôi khi, vị trí tiêm insulin xảy ra một số phản ứng. Đây là một trong những tác dụng phụ được báo cáo nhiều nhất trong các nghiên cứu về Toujeo.
Một số phản ứng có thể xảy ra tại vị trí thuốc gồm có:
- Da đỏ hoặc sẫm màu
- Sưng tấy
- Ngứa
Nếu người bệnh gặp phản ứng tại vị trí tiêm Toujeo, hãy báo cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ kiểm tra xem có phải là phản ứng dị ứng hay không và sau đó sẽ đưa ra các biện pháp khắc phục tác dụng phụ này, ví dụ như dùng các loại thuốc kháng histamin như diphenhydramine.
Hạ đường huyết
Toujeo có thể gây hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp). Đây là một tác dụng phụ phổ biến của thuốc và đôi khi, lượng đường trong máu có thể giảm xuống mức thấp nguy hiểm. Tình trạng này có thể đe dọa đến tính mạng.
Người bệnh cần nhận biết được các triệu chứng của hạ đường huyết để kịp thời xử trí. Các triệu chứng thường gặp gồm có:
- Chóng mặt
- Đổ mồ hôi
- Đói
- Run tay
- Tim đập nhanh hoặc cảm giác tim đập bỏ nhịp
- Co giật
- Hôn mê
Trước khi bắt đầu điều trị bằng Toujeo, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách ngăn ngừa và điều trị hạ đường huyết. Người bệnh cần theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên hơn trong suốt quá trình điều trị.
Nếu xuất hiện các triệu chứng hạ đường huyết, hãy ăn hoặc uống 15 gram carbohydrate. Sau đó chờ 15 phút và đo lại đường huyết để xem lượng đường trong máu đã về mức bình thường hay chưa. Nếu đường huyết vẫn thấp thì tiếp tục nạp thêm 15g carbohydrate.
Ví dụ về các loại đồ ăn hoặc đồ uống chứa 15 gram carbohydrate:
- 120ml nước trái cây hoặc nước ngọt có đường
- 1 thìa canh đường, mật ong hoặc siro ngô
- Vài chiếc kẹo cứng
Dị ứng
Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Toujeo cũng có thể gây dị ứng ở một số người. Phản ứng dị ứng có thể nhẹ hoặc nặng với các triệu chứng như:
- Da mẩn đỏ
- Ngứa
- Chảy dịch
- Sưng nề dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân
- Sưng miệng, lưỡi hoặc cổ họng, gây khó thở
Nếu người bệnh có các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ, chẳng hạn như da mẩn đỏ, hãy gọi ngay cho bác sĩ. Người bệnh có thể cần dùng thuốc kháng histamin không kê đơn, chẳng hạn như diphenhydramine để kiểm soát các triệu chứng hoặc cũng có thể sử dụng các loại thuốc bôi ngoài da như hydrocortisone.
Trong trường hợp người bệnh chỉ bị dị ứng nhẹ với Toujeo, bác sĩ sẽ quyết định xem có nên tiếp tục sử dụng thuốc hay không
Nếu người bệnh có các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như phù nề hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Những triệu chứng này có thể đe dọa đến tính mạng và cần được điều trị khẩn cấp.
Nếu đã từng bị dị ứng nghiêm trọng với Toujeo thì không được tiếp tục dùng thuốc mà phải đổi sang loại thuốc khác.
Cảnh báo về Toujeo
Toujeo có thể không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý hoặc có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử chi tiết trước khi bắt đầu sử dụng thuốc. Dưới đây là những yếu tố cần cân nhắc khi sử dụng Toujeo:
- Vấn đề về thận: Những người có vấn đề về thận sẽ dễ bị hạ đường huyết hơn khi sử dụng Toujeo. Do đó, nếu người bệnh có vấn đề về thận thì cần phải cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu điều trị bằng Toujeo và phải đo đường huyết thường xuyên hơn trong suốt quá trình sử dụng thuốc.
- Dị ứng. Không dùng Toujeo nếu đã từng bị dị ứng với thuốc hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Trong những trường hợp từng bị dị ứng với Toujeo, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác
- Vấn đề về gan: Nếu người bệnh có vấn đề về gan thì cần cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu điều trị bằng Toujeo. Chức năng gan kém sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết khi sử dụng Toujeo. Những người bệnh có vấn đề về gan cần theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên hơn trong suốt quá trình điều trị.
- Vấn đề về tim mạch: Nếu người bệnh bị suy tim thì cần cho bác sĩ biết. Sử dụng Toujeo cùng với thuốc trong nhóm thiazolidinedione (TZD) có thể làm trầm trọng thêm bệnh suy tim. Một số loại thuốc trong nhóm thiazolidinedione là Actos (pioglitazone) và Avandia (rosiglitazone). Người bệnh sẽ cần tái khám thường xuyên hơn để theo dõi tình trạng sức khỏe của tim hoặc cũng có thể bác sĩ sẽ kê một loại thuốc khác thay cho thiazolidinedione.
Có được uống rượu bia trong khi dùng Toujeo không?
Không nên uống rượu bia trong quá trình điều trị bằng Toujeo vì rượu bia có thể ảnh hưởng đến tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu của Toujeo.
Nếu không thể bỏ rượu bia thì hãy hỏi bác sĩ về mức tiêu thụ an toàn.
Toujeo có an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú không?
Chưa rõ Toujeo có an toàn khi sử dụng trong thời gian mang thai hoặc cho con bú hay không.
Nếu người bệnh đang mang thai hoặc cho con bú hoặc dự định có thai hoặc cho con bú, hãy cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu sử dụng Toujeo. Bác sĩ sẽ kê loại thuốc trị tiểu đường phù hợp.
Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Thuốc được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.
Metformin có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ về tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn hoặc nôn. Mặc dù hiếm gặp nhưng metformin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng cần can thiệp khẩn cấp như nhiễm toan axit lactic.
Người dùng Glyxambi có thể gặp phải các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, tùy vào liều dùng và phản ứng của cơ thể với thuốc.
Giống như các loại thuốc khác, Levemir cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Những tác dụng phụ này có thể chỉ là tạm thời hoặc cũng có thể kéo dài.
Giống như các loại thuốc khác, Humalog cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ được báo cáo phổ biến của Humalog gồm có sưng phù bàn tay và bàn chân, hạ đường huyết và phản ứng tại vị trí tiêm.