1

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Humalog

Giống như các loại thuốc khác, Humalog cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ được báo cáo phổ biến của Humalog gồm có sưng phù bàn tay và bàn chân, hạ đường huyết và phản ứng tại vị trí tiêm.
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Humalog Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Humalog

Humalog là gì?

Humalog (insulin lispro) là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để giúp kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường. Hiện có hai loại Humalog là Humalog và Humalog Mix. Cả hai loại đều có thể sử dụng được cho cả bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Humalog còn được sử dụng cho trẻ từ 4 tuổi trở lên mắc bệnh tiểu đường type 1.

Humalog chứa hoạt chất insulin lispro, là một loại insulin tác dụng nhanh. Người bệnh sẽ tự tiêm thuốc dưới da. Ngoài ra, Humalog còn có thể được truyền qua đường tĩnh mạch. Điều này được nhân viên y tế thực hiện tại bệnh viện.

Humalog có các dạng sau đây:

  • Bút tiêm dùng một lần có chứa sẵn thuốc (Humalog KwikPen, Junior KwikPen và bút tiêmTempo)
  • Dạng ống dùng cho bút tiêm insulin dùng nhiều lần
  • Dạng lọ để sử dụng cùng bơm tiêm insulin hoặc máy bơm insulin (thiết bị tiêm insulin liên tục vào dưới da và cũng có thể cung cấp liều bổ sung trước bữa ăn)

Humalog Mix là hỗn hợp gồm insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng trung bình. Người bệnh tự tiêm Humalog Mix dưới da. Humalog Mix có các dạng sau:

  • Bút tiêm dùng một lần có chứa sẵn thuốc (Humalog Mix KwikPen)
  • Dạng lọ để sử dụng cùng bơm tiêm insulin

>>> Tìm hiểu về liều dùng Humalog

Giống như các loại thuốc khác, Humalog cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng.

Tác dụng phụ phổ biến của Humalog

Người bệnh có thể gặp tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng trong quá trình điều trị bằng Humalog. Một số tác dụng phụ được báo cáo phổ biến của Humalog gồm có:

  • Sưng phù bàn tay và bàn chân*
  • Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)*
  • Phản ứng tại vị trí tiêm*
  • Loạn dưỡng mỡ*
  • Tăng cân*

* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Tác dụng phụ nhẹ của Humalog

Một số tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo của Humalog gồm có:

  • Sưng phù bàn tay và bàn chân*
  • Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)*
  • Phản ứng tại vị trí tiêm*
  • Loạn dưỡng mỡ*
  • Phát ban
  • Ngứa
  • Tăng cân*

* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Trong hầu hết các trường hợp, những tác dụng phụ này chỉ là tạm thời và một số có thể kiểm soát được một cách dễ dàng. Nhưng nếu các tác dụng phụ kéo dài hoặc gây khó chịu thì nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ. Người bệnh không được tự ý ngừng sử dụng Humalog mà không có sự đồng ý của bác sĩ.

Humalog còn có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ khác ngoài những tác dụng phụ bên trên.

Tác dụng phụ nghiêm trọng của Humalog

Các tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Humalog gồm có:

  • Hạ đường huyết nghiêm trọng (lượng đường trong máu rất thấp)*
  • Hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp)
  • Dị ứng*

* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng Humalog, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu cảm thấy các tác dụng phụ có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Câu hỏi thường gặp về tác dụng phụ của Humalog

Các tác dụng phụ của Humalog KwikPen và các dạng Humalog khác có giống nhau không?

Các dạng Humalog đều có tác dụng phụ giống nhau.

Có hai loại Humalog là Humalog và Humalog Mix. Cả hai đều có nhiều dạng khác nhau.

Humalog có dạng:

  • Bút tiêm dùng một lần chứa sẵn thuốc (Humalog KwikPen, Junior KwikPen và bút tiêm Tempo)
  • Dạng ống dùng cho bút tiêm dùng nhiều lần
  • Dạng lọ để sử dụng cho bơm tiêm insulin hoặc máy bơm insulin

Humalog Mix có dạng:

  • Bút tiêm dùng một lần chứa sẵn thuốc (Humalog Mix KwikPen)
  • Dạng lọ để sử dụng cho bơm tiêm insulin

Để biết các tác dụng phụ của các dạng Humalog này, vui lòng đọc phần “Tác dụng phụ nhẹ của Humalog” và “Tác dụng phụ nghiêm trọng của Humalog” bên trên.

Tác dụng phụ của Humalog và Lantus có giống nhau không?

Humalog và Lantus là hai loại insulin khác nhau. Humalog chứa hoạt chất insulin lispro trong khi Lantus chứa hoạt chất insulin glargine. Những cả hai sản phẩm có những tác dụng phụ rất giống nhau, chẳng hạn như đau đầu, tăng cân, phản ứng tại vị trí tiêm, loạn dưỡng mỡ, hạ kali máu, hạ đường huyết, dị ứng…

Điểm khác biệt chính giữa Humalog và Lantus là Humalog có tác dụng nhanh trong khi Lantus có tác dụng kéo dài.

Humalog bắt đầu có tác dụng sau khi tiêm 15 phút và tác dụng kéo dài khoảng 4 giờ. Humalog được sử dụng để giúp kiểm soát tình trạng lượng đường trong máu tăng cao sau bữa ăn. Lantus bắt đầu phát huy tác dụng chậm hơn nhưng tác dụng sẽ kéo dài trong 24 giờ hoặc lâu hơn. Lantus được sử dụng để giúp kiểm soát ổn định lượng đường trong máu trong suốt cả ngày.

Cả Humalog và Lantus đều có thể gây hạ đường huyết nhưng do cấu trúc hóa học khác nhau nên tình trạng hạ đường huyết do Humalog và Lantus xảy ra vào những thời điểm khác nhau.

Ví dụ, người bệnh có thể bị hạ đường huyết ngay sau khi tiêm Humalog nếu như không ăn. Còn với Lantus, tình trạng hạ đường huyết thường xảy ra trong vòng vài giờ sau khi tiêm. Lantus cũng có thể gây hạ đường huyết nếu người bệnh tập thể dục nhiều hơn bình thường.

Nếu người bệnh có thắc mắc về sự khác biệt giữa hai loại insulin này, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ để được giải đáp.

Cần làm gì nếu da bị dày lên ở vị trí tiêm Humalog?

Tiêm Humalog hay bất kỳ loại insulin nào có thể gây ra những thay đổi trên da ở vị trí tiêm, chẳng hạn như mô mỡ dưới da bị dày lên, khiến cho da bị gồ hoặc nổi cục. Mô mỡ dưới da cũng có thể trở nên mỏng đi, khiến cho vùng da bên trên bị lõm. Để biết thêm về những thay đổi này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Tiếp tục tiêm Humalog ở những vùng da bị dày lên hoặc nổi cục có thể khiến cho vấn đề càng trầm trọng và insulin sẽ không được hấp thụ một cách hiệu quả vào cơ thể. Điều này có nghĩa là lượng đường trong máu sẽ không được kiểm soát tốt.

Nếu người bệnh nhận thấy da bụng dày lên, hãy ngừng tiêm Humalog ở vị trí đó và chuyển sang tiêm ở các vùng khác trên bụng. Mỗi lần nên tiêm ở một vị trí khác nhau để tránh gặp phải vấn đề này.

Ngoài bụng, người bệnh cũng có thể tiêm Humalog vào đùi, mông và bắp tay. Nhưng cần lưu ý, khi tiêm Humalog ở những khu vực này, insulin sẽ được hấp thụ vào cơ thể chậm hơn so với khi tiêm ở bụng.

Vùng da dày lên và nổi cục thường sẽ dần trở lại bình thường sau một thời gian không tiêm vào vị trí đó. Tuy nhiên, nếu tình trạng này kéo dài không hết thì nên báo cho bác sĩ.

Chuyển từ Humalog sang Novolog có thể gây ra những tác dụng phụ nào?

Humalog và Novolog đều là insulin tác dụng nhanh nhưng chứa các loại insulin khác nhau. Humalog chứa insulin lispro trong khi Novolog chứa insulin aspart. Humalog và Novolog có nhiều tác dụng phụ giống nhau, chẳng hạn như hạ đường huyết, tăng cân, hạ kali máu, sưng phù bàn tay, bàn chân, phản ứng da…

Chuyển từ loại insulin này sang loại insulin khác có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát lượng đường trong máu một thời gian. Ví dụ, việc chuyển đổi này có thể gây tăng hoặc hạ đường huyết.

Chỉ nên chuyển từ Humalog sang Novolog khi có chỉ định của bác sĩ. Trong thời gian đầu dùng loại insulin mới, người bệnh cần theo dõi lượng đường trong máu thường xuyên hơn. Bác sĩ sẽ giúp người bệnh điều chỉnh liều dùng loại insulin mới dựa trên mức đường huyết.

Tác dụng phụ của Humalog, Humalog Mix75/25 và Humalog Mix50/50 có gì khác nhau?

Humalog và Humalog Mix có những tác dụng phụ giống nhau. Để biết các tác dụng phụ có thể xảy ra với cả hai dạng Humalog, vui lòng đọc phần “Tác dụng phụ nhẹ của Humalog” và “Tác dụng phụ nghiêm trọng của Humalog” bên trên.

Tác dụng của Humalog không duy trì được lâu như Humalog Mix. Humalog là một loại insulin tác dụng nhanh, bắt đầu phát huy tác dụng sau khoảng 15 phút và kéo dài khoảng 4 giờ. Humalog Mix là hỗn hợp gồm insulin tác dụng nhanh và insulin tác dụng trung bình, bắt đầu có tác dụng sau khoảng 15 phút và kéo dài khoảng 22 giờ.

Cả hai loại Humalog đều có thể gây hạ đường huyết nhưng vì Humalog Mix tồn tại trong cơ thể lâu hơn nên tình trạng hạ đường huyết có thể kéo dài vài giờ sau khi tiêm. Ví dụ, tình trạng này có thể xảy ra nếu người bệnh tập thể dục nhiều hơn dự kiến.

Humalog có gây tác dụng phụ liên quan đến tim không?

Humalog có thể gây ra tác dụng phụ liên quan đến tim.

Tình trạng lượng đường trong máu thấp do Humalog có thể gây ra những bất thường về nhịp tim, chẳng hạn như tim đập nhanh, đánh trống ngực, rung hoặc đập bỏ nhịp. Để hiểu thêm về hạ đường huyết do Humalog, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Mặc dù hiếm gặp nhưng Humalog có thể gây hạ kali máu – tình trạng nồng độ kali trong máu thấp. Hạ kali máu có thể gây rối loạn nhịp tim. Nếu người bệnh cảm thấy tim đập bất thường khi sử dụng Humalog, hãy báo cho bác sĩ. Người bệnh có thể cần xét nghiệm máu để kiểm tra mức kali.

Sử dụng Humalog cùng với thiazolidinedione - một nhóm thuốc điều trị tiểu đường - có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm bệnh suy tim. Một số loại thuốc trong nhóm thiazolidinedione là Avandia (rosiglitazone) và Actos (pioglitazone). Nếu đang sử dụng Humalog cùng với một trong những loại thuốc này và có các triệu chứng suy tim dưới đây thì cần đi khám ngay:

  • Sưng mắt cá chân hoặc bàn chân
  • Tăng cân đột ngột
  • Hụt hơi

Nếu lo lắng về ảnh hưởng của Humalog đến tim, hãy trao đổi với bác sĩ để được giải đáp.

Humalog có gây tiêu chảy không?

Giống như các loại insulin khác, Humalog có thể gây tiêu chảy ở một số người. Ngoài ra, bản thân bệnh tiểu đường cũng có thể gây tiêu chảy.

Người bệnh cần báo cho bác sĩ nếu thường xuyên bị tiêu chảy khi sử dụng Humalog. Bác sĩ sẽ xác định nguyên nhân gây ra tác dụng phụ này và đưa ra biện pháp khắc phục.

Sử dụg Humalog cùng các loại thuốc khác có làm tăng nguy cơ tác dụng phụ không?

Người bệnh sẽ có nguy cơ hạ đường huyết cao hơn nếu dùng Humalog cùng với một số loại thuốc khác, bao gồm cả các loại thuốc trị tiểu đường không chứa insulin, các thuốc nhóm salicylat như aspirin, thuốc kháng sinh, một số loại thuốc chống trầm cảm và thuốc trị cao huyết áp.

Trước khi bắt đầu sử dụng Humalog, người bệnh cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc khác đang dùng và trong quá trình điều trị bằng Humalog, người bệnh phải hỏi ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng bất kỳ loại thuốc, thảo dược hoặc thực phẩm chức năng mới nào.

Chi tiết tác dụng phụ

Tìm hiểu chi tiết về một số tác dụng phụ mà Humalog có thể gây ra.

Sưng phù bàn tay và bàn chân

Humalog đôi khi có thể gây phù ngoại biên, tức là sưng phù bàn tay, bàn chân hoặc mắt cá chân do giữ nước. Đây là một trong những tác dụng phụ phổ biến của tất cả các loại insulin, bao gồm cả Humalog.

Sưng phù ở bàn chân và mắt cá chân cũng có thể là do các vấn đề liên quan đến bệnh tiểu đường, chẳng hạn như các vấn đề về tuần hoàn máu, bệnh thận hoặc tim.

Cách khắc phục

Các cách giúp giảm sưng phù ở bàn chân hoặc mắt cá chân:

  • Gác chân lên cao trong khi ngồi hoặc nằm
  • Mang vớ y khoa để cải thiện lưu thông máu
  • Tập thể dục đều đặn
  • Không ngồi một chỗ quá lâu
  • Uống nhiều nước để ngăn tình trạng giữ nước

Nếu đã thử những cách này mà tình trạng sưng phù không đỡ hoặc ngày càng trở nên nặng hơn thì hãy báo cho bác sĩ.

Nếu người bệnh đang dùng Humalog cùng với một loại thuốc nhóm thiazolidinedione và bị sưng phù ở mắt cá chân hoặc bàn chân thì cần báo cho bác sĩ hoặc đến bệnh viện khám ngay lập tức. Ví dụ về các loại thuốc này gồm có Avandia (rosiglitazone) và Actos (pioglitazone). Sưng mắt cá chân, khó thở hoặc tăng cân đột ngột có thể là triệu chứng của bệnh suy tim. Đây là một vấn đề có thể phát sinh khi dùng các loại thuốc này cùng nhau.

Hạ đường huyết

Humalog, giống như tất cả các loại insulin khác, đôi khi có thể gây hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu thấp. Đây là một trong những tác dụng phụ phổ biến nhất của Humalog.

Hạ đường huyết khi sử dụng Humalog có thể xảy ra do nhiều nguyên nhân như:

  • Bỏ bữa
  • Ăn ít hơn bình thường hoặc ít hơn so với dự định
  • Tập thể dục nhiều hơn bình thường hoặc nhiều hơn so với dự định
  • Sử dụng Humalog quá liều

Nếu không được điều trị kịp thời, lượng đường trong máu sẽ nhanh chóng giảm xuống mức thấp nguy hiểm và có thể đe dọa đến tính mạng. Vì vậy người bệnh cần phải nhận biết được các triệu chứng của hạ đường huyết. Các dấu hiệu, triệu chứng của hạ đường huyết ở mỗi người là khác nhau và có thể thay đổi theo thời gian.

Các triệu chứng ban đầu của hạ đường huyết gồm có:

  • Đói
  • Chóng mặt
  • Run tay
  • Cáu gắt
  • Đổ mồ hôi
  • Mờ mắt
  • Buồn nôn
  • Lo âu, bồn chồn
  • Tim đập nhanh

Các triệu chứng của hạ đường huyết nghiêm trọng thường giống như biểu hiện của say rượu, gồm có:

  • Thần trí mơ hồ, thiếu tỉnh táo
  • Giảm tập trung
  • Không có sức lực
  • Nói nhịu
  • Dễ cáu gắt
  • Giảm khả năng phối hợp động tác
  • Đi lại loạng choạng, không vững

Lượng đường trong máu quá thấp có thể gây co giật hoặc bất tỉnh, thậm chí tử vong.

Cách khắc phục

Khi có các triệu chứng của hạ đường huyết, người bệnh cần ăn hoặc uống thứ gì đó có chứa đường mà cơ thể có thể hấp thụ nhanh để lượng đường trong máu nhanh chóng trở về bình thường, chẳng hạn như:

  • Viên nén hoặc gel glucose
  • Nước trái cây hoặc nước ngọt có đường (không dùng loại không đường hay loại dành cho người ăn kiêng)
  • Kẹo ngọt

Hỏi bác sĩ về các cách phòng tránh và điều trị hạ đường huyết trong quá trình điều trị bằng Humalog.

Phản ứng tại vị trí tiêm và loạn dưỡng mỡ

Đôi khi, vị trí tiêm Humalog xảy ra một số phản ứng nhẹ, ví dụ như đau, nhạy cảm, mẩn đỏ, ngứa hoặc sưng tấy. Những hiện tượng này thường tự hết sau một thời gian ngắn.

Vị trí tiêm insulin cũng có thể bị bầm tím. Điều này xảy ra khi vô tình đụng phải mạch máu nhỏ dưới da trong khi tiêm. Đây là một hiện tượng bình thường, không có gì đáng ngại. Vết bầm sẽ tự tan sau một vài ngày.

Cũng giống như các loại insulin khác, sử dụng Humalog trong thời gian dài có thể gây ra một vấn đề về da gọi là loạn dưỡng mỡ. Mô mỡ dưới da có thể bị dày lên, khiến cho vùng da bên trên trở nên cứng hoặc nổi cục. Mô mỡ dưới da cũng có thể bị mỏng đi, tạo nên vết lõm trên da.

Tiêm Humalog đôi khi còn khiến protein tích tụ dưới da ở vị trí tiêm. Tình trạng này được gọi là thoái hóa tinh bột (amyloidosis) và cũng có thể gây nổi cục dưới da.

Không nên tiếp tục tiêm Humalog vào những chỗ bị dày, cứng hoặc nổi cục. Điều này sẽ làm giảm sự hấp thụ thuốc vào cơ thể và giảm hiệu quả kiểm soát lượng đường trong máu của Humalog. Mặt khác, khi tiêm Humalog vào những chỗ bị lõm, thuốc sẽ hấp thụ vào cơ thể với tốc độ nhanh hơn và điều này sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết.

Cách phòng ngừa

Để tránh phản ứng tại vị trí tiêm và chứng loạn dưỡng mỡ, người bệnh nên thay đổi vị trí tiêm vào mỗi lần tiêm Humalog.

Không tiêm thuốc vào những chỗ bị dày, cứng, nổi cục hoặc lõm. Cũng không nên tiêm ở những vùng da đang bị nhạy cảm, bầm tím, đóng vảy, có sẹo hoặc đang bị tổn thương.

Tình trạng loạn dưỡng mỡ thường tự hết nhưng có thể phải mất vài tháng. Trong thời gian này cần tránh tiêm ở khu vực có vấn đề.

Nếu sau một thời gian mà tình trạng không cải thiện thì hãy báo cho bác sĩ.

Tăng cân

Tất cả các loại insulin, bao gồm cả Humalog đều có thể gây tăng cân. Lý do là vì insulin làm cho một phần lượng đường dư thừa trong máu được tích trữ dưới dạng chất béo trong cơ thể.

Cách phòng ngừa

Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ về các cách duy trì cân nặng khỏe mạnh trong quá trình điều trị bằng Humalog. Các loại thuốc trị tiểu đường như Humalog đều được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục đều đặn để kiểm soát lượng đường trong máu. Điều này cũng sẽ phần giúp kiểm soát cân nặng. Bác sĩ sẽ tư vấn cho người bệnh về chế độ ăn uống và tập thể dục cũng như các cách khác để giữ cân nặng hợp lý.

Nếu người bệnh đang sử dụng Humalog cùng với một loại thuốc trong nhóm thiazolidinedione và đột nhiên tăng cân nhiều thì hãy đến gặp bác sĩ ngay lập tức. Ví dụ về loại thuốc trong nhóm này gồm có Avandia (rosiglitazone) và Actos (pioglitazone). Tăng cân đột ngột, sưng phù mắt cá chân hoặc khó thở có thể là triệu chứng của bệnh suy tim – một tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng Humalog cùng với thuốc thiazolidinedione.

Dị ứng

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Humalog cũng có thể gây dị ứng ở một số người. Phản ứng dị ứng là một phản ứng bất lợi do hệ miễn dịch gây ra. Phản ứng dị ứng với Humalog có thể nhẹ hoặc nặng với các triệu chứng như:

  • Phát ban da
  • Ngứa ngáy
  • Da nóng đỏ
  • Sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân
  • Sưng miệng, lưỡi hoặc cổ họng, gây khó thở

Cách khắc phục

Nếu người bệnh có các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ như phát ban, hãy báo ngay cho bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ đề nghị uống thuốc kháng histamin không kê đơn, chẳng hạn như diphenhydramine hoặc dùng thuốc bôi ngoài da, chẳng hạn như hydrocortisone.

Trong trường hợp người bệnh chỉ bị dị ứng nhẹ với Humalog, bác sĩ sẽ quyết định xem có nên tiếp tục sử dụng thuốc hay không.

Nếu người bệnh có các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sưng phù hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Những triệu chứng này có thể đe dọa đến tính mạng và cần được điều trị khẩn cấp.

Nếu đã từng bị dị ứng nghiêm trọng với Humalog thì không được tiếp tục sử dụng thuốc. Bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác.

Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ phần nào biết được ảnh hưởng của Humalog đến người bệnh, từ đó điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Cảnh báo về Humalog

Humalog có thể không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý hoặc có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử chi tiết trước khi bắt đầu sử dụng thuốc. Dưới đây là những yếu tố cần cân nhắc khi sử dụng Humalog:

  • Dị ứng: Không dùng Humalog nếu đã từng bị dị ứng với loại thuốc này hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Nếu người bệnh từng bị dị ứng với Humalog, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác.
  • Hạ đường huyết: Humalog có thể gây ra và làm trầm trọng thêm tình trạng hạ đường huyết. Nếu người bệnh thường xuyên bị hạ đường huyết thì cần cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu dùng Humalog. Nếu đang bị hạ đường huyết thì không được sử dụng Humalog vì thuốc sẽ làm cho tình trạng càng trở nên trầm trọng hơn. Lượng đường trong máu quá thấp có thể đe dọa đến tính mạng. Để hiểu rõ hơn, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên trên.
  • Vấn đề về thận hoặc gan: Người có vấn đề về thận hoặc gan sẽ có nguy cơ bị hạ đường huyết cao hơn khi dùng Humalog. Nếu người bệnh có những vấn đề này thì cần cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu dùng Humalog.
  • Hạ kali máu: Humalog có thể làm trầm trọng thêm tình trạng hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp). Những người bị hạ kali máu hoặc có nguy cơ bị hạ kali máu cần làm xét nghiệm máu kiểm tra mức kali thường xuyên trong thời gian điều trị bằng Humalog. Nguy cơ hạ kali máu sẽ tăng cao nếu dùng Humalog cùng một số loại thuốc khác như corticoid và một số thuốc lợi tiểu.
  • Suy tim: Sử dụng Humalog cùng các loại thuốc trị tiểu trong nhóm thiazolidinedione có thể làm trầm trọng thêm bệnh suy tim. Nếu người bệnh bị suy tim thì cần phải cho bác sĩ biết trước khi dùng Humalog. Ví dụ về các loại thuốc trong nhóm thiazolidinedione gồm có Actos (pioglitazone) và Avandia (rosiglitazone).

Có được uống rượu bia trong khi dùng Humalog không?

Uống rượu bia trong khi dùng Humalog có thể làm tăng nguy cơ hạ đường huyết. Do đó, tốt nhất nên bỏ rượu. Còn nếu như không thể bỏ rượu hoàn toàn thì hãy hỏi bác sĩ về mức tiêu thụ an toàn. Người bệnh cần phải đo đường huyết thường xuyên hơn nếu như uống rượu trong thời gian điều trị bằng Humalog.

Có thể sử dụng Humalog khi đang mang thai và cho con bú không?

Chưa có đủ nghiên cứu để kết luận chắc chắn liệu Humalog có an toàn khi sử dụng trong thời kỳ mang thai hay không. Nhưng các nghiên cứu cho thấy rằng Humalog dường như không làm tăng nguy cơ sảy thai hay ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Bệnh tiểu đường không được kiểm soát tốt trong thai kỳ có thể dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng ở cả mẹ và thai nhi. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) khuyến nghị kiểm soát bệnh tiểu đường bằng insulin trong thời kỳ mang thai.

Nếu người bệnh đang mang thai hoặc dự định có thai thì hãy báo cho bác sĩ để được hướng dẫn điều chỉnh phác đồ điều trị bệnh tiểu đường.

Các loại insulin như Humalog nhìn chung đều an toàn đối với phụ nữ đang cho con bú vì insulin không được hấp thụ khi đi vào cơ thể qua đường miệng. Vì vậy, ngay cả khi insulin đi vào sữa mẹ thì cũng sẽ không được hấp thụ bởi cơ thể trẻ sơ sinh.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Liều dùng thuốc trị tiểu đường Actos
Liều dùng thuốc trị tiểu đường Actos

Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Thuốc được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường metformin
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường metformin

Metformin có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ về tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn hoặc nôn. Mặc dù hiếm gặp nhưng metformin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng cần can thiệp khẩn cấp như nhiễm toan axit lactic.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Glyxambi
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Glyxambi

Người dùng Glyxambi có thể gặp phải các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, tùy vào liều dùng và phản ứng của cơ thể với thuốc.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Levemir
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Levemir

Giống như các loại thuốc khác, Levemir cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Những tác dụng phụ này có thể chỉ là tạm thời hoặc cũng có thể kéo dài.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Toujeo
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Toujeo

Toujeo là một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào, người bệnh cũng cần biết các tác dụng phụ của thuốc.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây