1

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường metformin

Metformin có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ về tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn hoặc nôn. Mặc dù hiếm gặp nhưng metformin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng cần can thiệp khẩn cấp như nhiễm toan axit lactic.
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường metformin Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường metformin

Metformin là gì?

Metformin là một loại thuốc kê đơn thuộc nhóm thuốc biguanide được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2.

Bệnh tiểu đường type 2 có đặc trưng là lượng đường (glucose) trong máu cao hơn bình thường. Metformin không thể chữa trị khỏi bệnh tiểu đường (hiện chưa có loại thuốc nào có tác dụng này) nhưng sẽ giúp giảm lượng đường trong máu xuống mức an toàn.

Ngoài bệnh tiểu đường type 2, metformin còn được sử dụng dưới hình thức ngoài hướng dẫn (off-label) để điều trị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). nhưng hiện tại metformin không được FDA phê duyệt mục đích sử dụng này.

Giống như nhiều loại thuốc khác, metformin cũng có tác dụng phụ.

Tác dụng phụ phổ biến của metformin

Metformin gây ra một số tác dụng phụ phổ biến. Những tác dụng phụ này thường xảy ra khi mới sử dụng thuốc và tự hết sau một thời gian. Nhưng nếu các tác dụng phụ kéo dài hoặc nghiêm trọng thì cần báo cho bác sĩ.

Các tác dụng phụ phổ biến nhất của metformin gồm có:

  • Ợ nóng
  • Đau bụng
  • Buồn nôn hoặc nôn
  • Đầy hơi, chướng bụng
  • Tiêu chảy
  • Táo bón
  • Sụt cân
  • Đau đầu
  • Miệng có vị kim loại

Buồn nôn, nôn và tiêu chảy là một số tác dụng phụ phổ biến nhất mà mọi người gặp phải khi mới bắt đầu dùng metformin. Những tác dụng phụ này thường tự biến mất sau một thời gian dùng thuốc.

Người bệnh có thể giảm những tác dụng này bằng cách uống metformin trong hoặc ngay sau bữa ăn. Ngoài ra, để giảm nguy cơ tiêu chảy nghiêm trọng, bác sĩ sẽ cho người bệnh bắt đầu dùng từ liều thấp và sau đó tăng dần liều dùng.

Metformin đôi khi được sử dụng để tăng độ nhạy insulin và cải thiện chức năng buồng trứng ở phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang. Mục đích sử dụng này được coi là ngoài hướng dẫn do chưa được chính thức phê duyệt. Khi được sử dụng để điều trị buồng trứng đa nang, metformin cũng gây ra các tác dụng phụ giống như như khi được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường.

Tác dụng phụ nghiêm trọng của metformin

Nhiễm toan axit lactic

Mặc dù rất hiếm gặp nhưng tác dụng phụ nghiêm trọng nhất của metformin là nhiễm toan axit lactic. Metformin còn đi kèm cảnh báo đặc biệt về tác dụng phụ này. Cảnh báo đặc biệt là cảnh báo nghiêm trọng nhất mà Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) đưa ra về một loại thuốc.

Nhiễm toan axit lactic là một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng có thể xảy ra khi nồng độ metformin trong máu tăng quá cao. Sự tích tụ metformin trong máu gây mất cân bằng độ pH trong cơ thể. Nhiễm toan axit lactic cần được điều trị khẩn cấp tại bệnh viện.

Tỷ lệ tử vong khi bị nhiễm toan axit lactic do metformin là từ 30 đến 50% nhưng số ca bị nhiễm toan axit lactic do metformin được báo cáo mỗi năm chỉ là 10/100.000, có nghĩa là nếu có 200.000 người dùng metformin thì chỉ có khoảng 20 trường hợp bị nhiễm toan axit lactic.

Xem phần “Các yếu tố nguy cơ” bên dưới để biết thêm thông tin về các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic khi sử dụng metformin.

Báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh có các triệu chứng nhiễm toan axit lactic sau đây.

  • Cảm thấy rất mệt mỏi, uể oải, không thể vận động
  • Chán ăn
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Khó thở
  • Chóng mặt
  • Lâng lâng
  • Tim đập nhanh hoặc chậm
  • Cảm thấy lạnh
  • Đau cơ
  • Mặt đỏ bừng và có cảm giác nóng
  • Đau bụng đi kèm các triệu chứng khác

Nếu cảm thấy khó thở thì phải gọi cấp cứu hoặc đến bệnh viện gần nhất ngay lập tức.

Thiếu máu

Metformin có thể làm giảm lượng vitamin B12 trong cơ thể và tình trạng thiếu vitamin B12 có thể dẫn đến thiếu máu (số lượng hồng cầu thấp). Nếu ăn quá ít thực phẩm chứa vitamin B12 hoặc canxi, người bệnh sẽ nguy cơ cao bị thiếu vitamin B12.

Mức vitamin B12 thường trở về bình thường khi ngừng dùng metformin hoặc uống bổ sung vitamin B12. Tuy nhiên người bệnh không được tự ý ngừng dùng metformin mà phải hỏi ý kiến bác sĩ trước.

Các triệu chứng thường gặp của thiếu máu gồm có:

  • Thường xuyên mệt mỏi
  • Chóng mặt
  • Hụt hơi
  • Lâng lâng
  • Da xanh xao

Nếu nghi ngờ mình bị thiếu máu thì nên đến bệnh viện làm xét nghiệm máu để kiểm tra.

Hạ đường huyết

Metformin thường không gây hạ đường huyết – tình trạng lượng đường trong máu quá thấp nhưng người bệnh có thể bị hạ đường huyết nếu ăn uống không đủ, tập thể dục cường độ cao, uống quá nhiều rượu bia hoặc dùng các loại thuốc trị tiểu đường khác trong khi sử dụng metformin.

Các triệu chứng thường gặp của hạ đường huyết:

  • Mệt mỏi, buồn ngủ
  • Buồn nôn
  • Nôn
  • Đau bụng
  • Chóng mặt
  • Lâng lâng
  • Đổ mồ hôi
  • Run tay
  • Da nhợt nhạt
  • Tim đập nhanh hoặc chậm bất thường

Ngăn ngừa hạ đường huyết

  • Uống thuốc theo đúng chỉ định
  • Ăn uống cân bằng, đủ chất, không được bỏ bữa
  • Tập thể dục theo hướng dẫn của bác sĩ.

Cho bác sĩ về tất cả các loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng.

Tác dụng phụ của metformin khi mang thai

Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Vương quốc Anh (NHS), metformin an toàn khi dùng trong thời gian mang thai và cho con bú, bất kể dùng một mình hay kết hợp cùng insulin.

Metformin có thể đi qua nhau thai nhưng không ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Một nghiên cứu vào năm 2018 cho thấy không có sự khác biệt nào đáng kể về tỷ lệ gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng ở phụ nữ mang thai dùng metformin và phụ nữ mang thai dùng giả dược (thuốc không chứa hoạt chất). Nhưng các tác dụng phụ nhẹ như buồn nôn, nôn và tiêu chảy lại phổ biến hơn ở những phụ nữ dùng metformin. (1)

Một tổng quan tài liệu gồm nhiều nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho thấy metformin có thể làm giảm tỷ lệ sảy thai ở phụ nữ mắc hội chứng buồng trứng đa nang. (2)

Kiểm soát tác dụng phụ của metformin

Hầu hết các tác dụng phụ phổ biến của metformin đều liên quan đến hệ tiêu hóa. Có thể giảm nguy cơ xảy ra tác dụng phụ bằng cách:

  • Bắt đầu từ liều thấp: Tốt nhất nên bắt đầu từ liều thấp và tăng dần liều dùng theo thời gian để giảm nguy cơ gặp tác dụng phụ. Liều khởi đầu điển hình của metformin là 500mg.
  • Uống metformin trong hoặc sau bữa ăn: Điều này sẽ giúp giảm nguy cơ đau bụng hoặc khó chịu ở dạ dày.
  • Dùng metformin phóng thích kéo dài: Người bệnh có thể hỏi bác sĩ về việc dùng metformin phóng thích kéo dài. Loại metformin này giải phóng hoạt chất từ từ vào máu và thường có tác dụng phụ nhẹ hơn.
  • Uống cả viên thuốc: Không nên nghiền hay bẻ viên thuốc trước khi uống vì làm như vậy sẽ làm tăng tốc độ thuốc được hấp thụ vào máu và tăng nguy cơ tác dụng phụ.

Nếu gặp phải các tác dụng phụ khó chịu khi dùng metformin, người bệnh nên báo cho bác sĩ. Bác sĩ có thể sẽ điều chỉnh liều dùng thuốc. Liều dùng thuốc cũng có thể cần được điều chỉnh trong trường hợp như người bệnh bị ốm hoặc mới trải qua phẫu thuật.

Không nên uống nhiều rượu bia khi dùng metformin vì điều này sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic.

Các yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic khi dùng metformin. Nếu có bất kỳ yếu tố nào trong số này, người bệnh cần cho bác sĩ biết trước khi dùng metformin.

Vấn đề về thận

Thận có chức năng đào thải các loại thuốc như metformin khỏi cơ thể. Nếu thận không hoạt động tốt, lượng metformin trong cơ thể sẽ cao hơn bình thường và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic.

Trong những trường hợp người bệnh có vấn đề về thận nhẹ đến vừa, bác sĩ sẽ kê liều metformin thấp hơn.

Nếu người bệnh có vấn đề về thận nghiêm trọng hoặc từ 80 tuổi trở lên thì không nên dùng metformin. Bác sĩ sẽ yêu cầu làm xét nghiệm kiểm tra chức năng thận trước khi người bệnh bắt đầu dùng metformin và xét nghiệm định kỳ hàng năm.

Vấn đề về tim mạch

Nếu người bệnh bị suy tim cấp hoặc mới bị nhồi máu cơ tim thì không nên dùng metformin.

Trong những trường hợp này, tim không bơm đủ máu đến thận. Điều này khiến thận không thể đào thải metformin ra khỏi cơ thể một cách bình thường và dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic.

Vấn đề về gan

Những trường hợp có vấn đề nghiêm trọng về gan cũng không nên dùng metformin vì gan có chức năng đào thải axit lactic ra khỏi cơ thể.

Khi chức năng gan bị suy giảm nghiêm trọng, axit lactic sẽ tích tụ trong máu. Sự tích tụ axit lactic sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic. Metformin cũng làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic. Do đó, việc dùng metformin khi mắc bệnh về gan sẽ rất nguy hiểm.

Uống rượu bia

Uống rượu bia trong khi dùng metformin sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết và còn làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic vì đồ uống có cồn làm tăng nồng độ axit lactic trong cơ thể.

Không nên uống quá nhiều rượu bia trong khi dùng metformin. Hãy hỏi bác sĩ về lượng rượu bia có thể uống trong khi điều trị bằng metformin.

>>>Tác hại của việc uống rượu bia khi sử dụng metformin và ảnh hưởng của rượu bia đến bệnh tiểu đường.

Trải qua phẫu thuật hoặc chụp X quang

Nếu sắp phải làm phẫu thuật hoặc chụp X quang có sử dụng thuốc cản quang, người bệnh sẽ phải ngừng dùng metformin một thời gian. Phẫu thuật hoặc chụp X quang có thể làm chậm quá trình đào thải metformin khỏi cơ thể và điều này làm tăng nguy cơ nhiễm toan axit lactic. Nên thông báo với bác sĩ để được hướng dẫn cụ thể về thời gian ngừng dùng metformin trước thủ thuật và thời điểm có thể dùng lại sau thủ thuật. Thông thường, người bệnh có thể dùng lại metformin khi kết quả xét nghiệm chức năng thận trở về bình thường.

Metformin có tác dụng giảm cân không?

Metformin có thể giúp giảm cân khi kết hợp với chế độ ăn uống cân bằng và tập thể dục thường xuyên. Tuy nhiên, không nên sử dụng metformin chỉ nhằm mục đích giảm cân. Thuốc có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng và tương tác với các loại thuốc khác đang dùng. Ngoài ra, metformin không giúp giảm cân về lâu dài. Sau khi ngừng thuốc, cân nặng sẽ tăng trở lại.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Liều dùng thuốc trị tiểu đường Actos
Liều dùng thuốc trị tiểu đường Actos

Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Thuốc được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Glyxambi
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Glyxambi

Người dùng Glyxambi có thể gặp phải các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, tùy vào liều dùng và phản ứng của cơ thể với thuốc.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Levemir
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Levemir

Giống như các loại thuốc khác, Levemir cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Những tác dụng phụ này có thể chỉ là tạm thời hoặc cũng có thể kéo dài.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Toujeo
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Toujeo

Toujeo là một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào, người bệnh cũng cần biết các tác dụng phụ của thuốc.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Humalog
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Humalog

Giống như các loại thuốc khác, Humalog cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ được báo cáo phổ biến của Humalog gồm có sưng phù bàn tay và bàn chân, hạ đường huyết và phản ứng tại vị trí tiêm.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây