1

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Glyxambi

Người dùng Glyxambi có thể gặp phải các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, tùy vào liều dùng và phản ứng của cơ thể với thuốc.
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Glyxambi Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Glyxambi

Glyxambi là gì?

Glyxambi là một loại thuốc kê đơn được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2.

Hoạt chất trong Glyxambi là empagliflozin và linagliptin (hoạt chất là thành phần giúp thuốc có tác dụng điều trị bệnh).

Glyxambi có dạng viên nén dùng qua đường uống. Nếu Glyxambi an toàn và có hiệu quả tốt thì người bệnh sẽ dùng thuốc về lâu dài.

Để biết thêm thông tin về Glyxambi, bao gồm liều dùng và cách sử dụng, vui lòng đọc bài viết này.

Giống như các loại thuốc khác, Glyxambi cũng có thể gây tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng.

Tác dụng phụ phổ biến của Glyxambi

Người dùng Glyxambi có thể gặp phải các tác dụng phụ từ nhẹ đến nghiêm trọng, tùy vào liều dùng và phản ứng của cơ thể với thuốc. Một số tác dụng phụ thường gặp của Glyxambi gồm có:

  • Nghẹt mũi hoặc sổ mũi và đau họng
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường
  • Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu*

* Để tìm hiểu thêm về tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Lưu ý, đây là những tác dụng phụ phổ biến nhất được báo cáo trong các nghiên cứu về Glyxambi. Không phải ai dùng Glyxambi cũng gặp phải những tác dụng phụ này. Và danh sách trên chỉ là một vài ví dụ. Glyxambi còn có thể gây ra nhiều tác dụng phụ khác.

Đọc tiếp phần bên dưới để tìm hiểu thêm về một số tác dụng phụ từ nhẹ đến nặng của Glyxambi.

Tác dụng phụ nhẹ của Glyxambi

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Glyxambi cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nhẹ, chẳng hạn như:

  • Khát nước
  • Nhiễm nấm nhẹ ở bộ phận sinh dục
  • Buồn nôn
  • Nghẹt mũi hoặc sổ mũi và đau họng
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường
  • Đi tiểu nhiều hơn bình thường
  • Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)
  • Đau khớp*
  • Nhiễm trùng đường tiết niệu*

* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Trong hầu hết các trường hợp, những tác dụng phụ này chỉ là tạm thời và một số tác dụng phụ có thể được kiểm soát dễ dàng. Tuy nhiên, nếu các tác dụng phụ kéo dài hoặc gây khó chịu thì nên báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ. Người bệnh không được tự ý ngừng sử dụng Glyxambi nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Ngoài những tác dụng phụ trên, Glyxambi còn có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ khác. Đọc Tờ hướng dẫn sử dụng thuốc để biết chi tiết.

Tác dụng phụ nghiêm trọng của Glyxambi

Mặc dù hiếm gặp nhưng Glyxambi cũng có thể gây ra các tác dụng phụ nghiêm trọng. Một số người có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ nghiêm trọng cao hơn khi sử dụng Glyxambi, chẳng hạn như những người mắc một số bệnh lý nhất định hoặc đang sử dụng một số loại thuốc khác. Các tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo trong nghiên cứu về Glyxambi gồm có:

  • Pemphigoid bọng nước
  • Mất nước
  • Viêm tụy
  • Hoại thư Fournier*
  • Nhiễm toan ceton*
  • Dị ứng*

* Để tìm hiểu thêm về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng Glyxambi, hãy báo ngay cho bác sĩ. Nếu cảm thấy các tác dụng phụ có vẻ nguy hiểm đến tính mạng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Câu hỏi thường gặp về tác dụng phụ của Glyxambi

Giải đáp một số câu hỏi thường gặp về tác dụng phụ của Glyxambi.

Tác dụng phụ của Glyxambi có phụ thuộc vào hàm lượng thuốc (10/5 mg hoặc 25/5 mg) không?

Trong các nghiên cứu, tác dụng phụ của Glyxambi không thay đổi theo hàm lượng thuốc được sử dụng. Người dùng liều 10mg empagliflozin/5mg linagliptin cũng gặp phải các tác dụng phụ giống như người dùng liều 5mg empagliflozin/5mg linagliptin.

Tuy nhiên, các mức hàm lượng này của Glyxambi có sự khác biệt nhỏ về tỷ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu và nghẹt mũi hoặc chảy nước mũi.

Glyxambi có gây sụt cân không?

Các nghiên cứu không quan sát thấy tình trạng sụt cân ở những người dùng Glyxambi.

Glyxambi có thể gây mất nước và điều này có thể dẫn đến sụt cân nhưng sự thay đổi về cân nặng là không đáng kể và chỉ là tạm thời.

Glyxambi được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Việc điều chỉnh chế độ ăn uống và tập thể dục trong khi dùng Glyxambi có thể là nguyên nhân khiến cân nặng giảm.

Glyxambi có gây suy tim không?

Suy tim không phải là tác dụng phụ được báo cáo trong các nghiên cứu về Glyxambi.

Suy tim là một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của một số loại thuốc trong nhóm thuốc ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4). Linagliptin - một trong hai hoạt chất của Glyxambi – một loại thuốc ức chế DPP-4. Tuy nhiên, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng linagliptin không gây tác dụng phụ suy tim.

Một hoạt chất khác của Glyxambi là empagliflozin. Empagliflozin được sử dụng để giảm nguy cơ tử vong do bệnh tim mạch ở những người mắc cả bệnh tiểu đường type 2 và bệnh tim mạch.

Glyxambi có gây tổn hại đến gan không?

Trong các nghiên cứu, Glyxambi không gây ra tác dụng phụ liên quan đến gan. Và gan không phải là cơ quan đào thải Glyxambi ra khỏi cơ thể.

Các nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng bản thân bệnh tiểu đường type 2 có thể gây ra các vấn đề về gan, bao gồm cả tổn thương gan. Sử dụng các loại thuốc như Glyxambi sẽ giúp kiểm soát bệnh tiểu đường type 2 và nhờ đó giúp ngăn ngừa các biến chứng của bệnh tiểu đường, chẳng hạn như các vấn đề về gan.

Chi tiết tác dụng phụ

Tìm hiểu thêm về một số tác dụng phụ mà Glyxambi có thể gây ra.

Hoại thư Fournier

Một tác dụng phụ rất hiếm gặp của Glyxambi là hoại thư Fournier.

Tác dụng phụ này không được báo cáo trong các nghiên cứu về Glyxambi nhưng một số người dùng empagliflozin - một trong hai hoạt chất của Glyxambi đã bị hoại thư Fournier.

Hoại thư Fournier là một tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn nghiêm trọng, xảy ra ở vùng mô giữa hậu môn và bộ phận sinh dục. Hoại thư Fournier có thể đe dọa đến tính mạng và gây ra các triệu chứng như:

  • Đau, sưng đỏ ở vùng sinh dục
  • Cảm giác không được khỏe
  • Sốt

Hoại thư Fournier có thể làm chết lớp mô dưới da. Trong trường hợp nghiêm trọng, nhiễm trùng có thể lan vào máu và dẫn đến tử vong.

Hãy đi khám ngay lập tức khi nhận thấy các triệu chứng của hoại thư Fournier. Nếu đúng là hoại thư Fournier, người bệnh sẽ phải nhập viện để điều trị. Phương pháp điều trị thường là dùng thuốc kháng sinh mạnh và phẫu thuật cắt lọc mô. Người bệnh sẽ phải ngừng dùng Glyxambi.

Nhiễm toan ceton

Đã có một số báo cáo về tình trạng nhiễm toan ceton ở những người dùng empagliflozin - một trong hai hoạt chất của Glyxambi. Mặc dù tình trạng này không được báo cáo trong các nghiên cứu về Glyxambi nhưng có thể xảy ra khi sử dụng thuốc.

Nhiễm toan ceton là tình trạng tích tụ ceton (một loại protein) trong máu, khiến máu có tính axit cao bất thường. Nhiễm toan ceton rất nguy hiểm và cần được điều trị khẩn cấp tại bệnh viện. Nếu không được điều trị kịp thời, nhiễm toan ceton có thể gây tử vong.

Các triệu chứng thường gặp của nhiễm toan ceton gồm có:

  • Hơi thở có mùi trái cây
  • Cảm thấy người không khỏe
  • Buồn nôn và nôn
  • Đau bụng
  • Hụt hơi
  • Mệt mỏi, buồn ngủ

Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ nhiễm toan ceton khi dùng Glyxambi gồm có:

  • Bị sốt
  • Uống nhiều rượu bia
  • Ăn ít calo hơn bình thường, ví dụ như khi ăn kiêng, nhịn ăn hoặc ăn ít do bệnh tật
  • Phẫu thuật
  • Đang hoặc từng bị viêm tụy

Không sử dụng Glyxambi để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 1. Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 có nguy cơ nhiễm toan ceton cao hơn khi dùng Glyxambi.

Các cách giúp giảm nguy cơ nhiễm toan ceton khi dùng Glyxambi:

  • Không uống nhiều rượu bia
  • Báo cho bác sĩ trước khi phải phẫu thuật. Người bệnh có thể sẽ phải tạm thời ngừng dùng Glyxambi một thời gian.
  • Báo ngay cho bác sĩ khi bị sốt hoặc ăn ít hơn bình thường để được hướng dẫn cách giảm nguy cơ nhiễm toan ceton.

Ngừng dùng Glyxambi và báo ngay cho bác sĩ nếu người bệnh có các triệu chứng nhiễm toan ceton. Nếu có các triệu chứng nghiêm trọng thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Nhiễm trùng đường tiết niệu

Nhiễm trùng đường tiết niệu là một tác dụng phụ có thể xảy ra khi dùng Glyxambi. Các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu gồm có:

  • Cảm giác nóng rát hoặc đau buốt khi đi tiểu
  • Nước tiểu có mùi nồng, đục hoặc sẫm màu
  • Sốt
  • Đau ở vùng chậu hoặc hai bên lưng
  • Đi tiểu nhiều lần

Nếu không được điều trị, nhiễm trùng đường tiết niệu sẽ dẫn đến những vấn đề nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như nhiễm trùng thận hoặc nhiễm trùng niệu đạo. Những bệnh nhiễm trùng nghiêm trọng này mặc dù không được báo cáo trong các nghiên cứu về Glyxambi nhưng đã được báo cáo ở những người dùng empagliflozin - một trong hai hoạt chất của Glyxambi.

Các cách để phòng ngừa nhiễm trùng đường tiết niệu khi dùng Glyxambi:

  • Không sử dụng các sản phẩm có mùi thơm ở vùng sinh dục
  • Uống nhiều nước và đi tiểu thường xuyên
  • Giữ sạch bộ phận sinh dục bằng cách rửa hàng ngày
  • Không ngâm mình trong bồn nước
  • Đi tiểu ngay sau khi quan hệ tình dục
  • Mặc đồ lót bằng cotton và quần rộng rãi, không mặc quần bó sát
  • Lau từ trước ra sau sau khi đi tiểu hoặc đại tiện

Nếu có các triệu chứng của nhiễm trùng đường tiết niệu khi dùng Glyxambi, hãy đi khám. Nhiễm trùng đường tiết niệu được điều trị bằng thuốc kháng sinh.

Đau khớp

Glyxambi có thể gây đau khớp. Tác dụng phụ hiếm gặp này đã xảy ra ở những người dùng empagliflozin - một trong hai hoạt chất của Glyxambi.

Một số loại thuốc thuộc nhóm thuốc ức chế dipeptidyl peptidase-4 (DPP-4) có thể gây đau khớp nghiêm trọng và một trong hai hoạt chất của Glyxambi – linagliptin – là thuốc ức chế DPP-4. Đã có báo cáo về một số trường hợp bị đau khớp nghiêm trọng khi dùng linagliptin.

Hãy báo cho bác sĩ nếu người bệnh bị đau khớp khi dùng Glyxambi. Bác sĩ sẽ thăm khám và xác định xem nguyên nhân là do thuốc hay một vấn đề khác. Một số phương pháp điều trị đau khớp gồm có:

  • Thuốc bôi
  • Thuốc giảm đau không kê đơn, chẳng hạn như ibuprofen và acetaminophen

Dị ứng

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Glyxambi cũng có thể gây phản ứng dị ứng ở một số người. Chưa rõ tác dụng phụ này có xảy ra trong các nghiên cứu về thuốc hay không.

Phản ứng dị ứng có thể nhẹ hoặc nghiêm trọng với các triệu chứng như:

  • Mẩn đỏ
  • Ngứa ngáy
  • Da nóng đỏ
  • Sưng dưới da, thường là ở mí mắt, môi, tay hoặc chân
  • Sưng miệng, lưỡi hoặc cổ họng, khiến người bệnh khó thở

Nếu người bệnh có các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ, chẳng hạn như nổi mẩn đỏ, hãy báo ngay cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ đưa ra các phương pháp điều trị để kiểm soát các triệu chứng, chẳng hạn như:

  • Thuốc kháng histamin đường uống không kê đơn như Benadryl (diphenhydramine)
  • Thuốc bôi ngoài da như hydrocortisone

Trong những trường hợp bị dị ứng nhẹ với Glyxambi, bác sĩ sẽ quyết định xem người bệnh có nên tiếp tục sử dụng thuốc hay không.

Nếu có các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng, chẳng hạn như sưng tấy hoặc khó thở, hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế gần nhất. Những triệu chứng này có thể đe dọa đến tính mạng và cần được can thiệp khẩn cấp.

Trong những trường hợp bị dị ứng nghiêm trọng với Glyxambi, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc khác.

Theo dõi tác dụng phụ

Trong quá trình điều trị bằng Glyxambi, người bệnh nên theo dõi và ghi lại các tác dụng phụ gặp phải, sau đó báo với bác sĩ. Điều này rất cần thiết khi bắt đầu dùng một loại thuốc mới hoặc sử dụng kết hợp nhiều loại thuốc cùng lúc.

Một số thông tin cần ghi lại gồm có:

  • Liều dùng thuốc khi xảy ra tác dụng phụ
  • Sau khi dùng thuốc bao lâu thì có tác dụng phụ
  • Các triệu chứng
  • Tác dụng phụ ảnh hưởng như thế nào đến các hoạt động hàng ngày
  • Những loại thuốc khác đang dùng
  • Những thông tin khác có liên quan

Những thông tin này sẽ giúp bác sĩ hiểu sơ bộ về ảnh hưởng của Glyxambi đến người bệnh, từ đó điều chỉnh thuốc cho phù hợp.

Cảnh báo về Glyxambi

Glyxambi có thể không phù hợp với những người đang mắc một số bệnh lý hoặc có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử chi tiết trước khi bắt đầu sử dụng thuốc. Dưới đây là những yếu tố cần cân nhắc khi sử dụng Glyxambi:

  • Rối loạn sử dụng rượu: Những người bị rối loạn sử dụng rượu có nguy cơ bị viêm tụy cao hơn khi điều trị bằng Glyxambi. Đây là một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của Glyxambi. Nếu người bệnh bị rối loạn sử dụng rượu thì cần báo cho bác sĩ. Bác sĩ sẽ cân nhắc xem việc sử dụng Glyxambi có an toàn hay không.
  • Tiền sử nhiễm trùng đường tiết niệu: Một tác dụng phụ của Glyxambi là nhiễm trùng đường tiết niệu. Những người bệnh có tiền sử nhiễm trùng tiểu thường xuyên sẽ có nguy cơ gặp phải tác dụng phụ này cao hơn. Trong những trường hợp này, bác sĩ sẽ cân nhắc xem việc sử dụng Glyxambi có an toàn hay không.
  • Vấn đề về tuyến tụy: Việc có vấn đề về tuyến tụy, chẳng hạn như đang hoặc có tiền sử viêm tụy hoặc từng phẫu thuật tuyến tụy sẽ làm tăng nguy cơ nhiễm toan ceton - một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng nghiêm trọng của Glyxambi. Trong những trường hợp có vấn đề về tuyến tụy, bác sĩ sẽ cân nhắc xem việc sử dụng Glyxambi có an toàn hay không.
  • Bệnh tiểu đường type 1: Glyxambi không được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 1. Những người mắc bệnh tiểu đường type 1 sẽ có nguy cơ bị nhiễm toan ceton cao hơn khi dùng các loại thuốc như Glyxambi. Bệnh tiểu đường type 1 cần được điều trị bằng insulin.
  • Tăng nguy cơ hạ đường huyết khi sử dụng insulin: Sử dụng Glyxambi cùng với insulin hoặc thuốc tăng tiết insulin (chẳng hạn như sulfonylurea) sẽ làm tăng nguy cơ hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp). Nếu người bệnh đang dùng insulin hoặc các loại thuốc trị tiểu đường khác thì cần cho bác sĩ biết trước khi bắt đầu điều trị bằng bằng Glyxambi. Trong trường hợp phải dùng các loại thuốc này cùng nhau, người bệnh cần theo dõi sát sao mức đường huyết. Nếu xảy ra hạ đường huyết, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng thuốc.
  • Vấn đề về thận: Việc sử dụng Glyxambi có thể khiến vấn đề về thận trở nên nghiêm trọng hơn. Những người có chức năng thận kém cũng sẽ có nguy cơ gặp phải một số tác dụng phụ cao hơn khi dùng Glyxambi, chẳng hạn như mất nước. Do nguy cơ này nên không dùng Glyxambi trong những trường hợp phải lọc máu (phương pháp lọc bỏ chất thải ra khỏi máu thay cho thận). Bác sĩ có thể sẽ yêu cầu người bệnh làm xét nghiệm kiểm tra chức năng thận trước khi kê Glyxambi và xét nghiệm định kỳ trong suốt thời gian dùng thuốc.
  • Dị ứng: Không được tiếp tục dùng Glyxambi nếu từng bị dị ứng với loại thuốc này hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Trong những trường hợp có tiền sử dị ứng, bác sĩ sẽ kê các loại thuốc trị tiểu đường khác.

Glyxambi và đồ uống có cồn

Tốt nhất nên kiêng hoặc hạn chế rượu bia khi điều trị bằng Glyxambi.

Lý do là vì uống rượu bia, nhất là uống nhiều, có thể làm tăng nguy cơ viêm tụy. Đây là một tác dụng phụ hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm mà Glyxambi có thể gây ra. Những người bị chứng rối loạn sử dụng rượu có nguy cơ viêm tụy cao hơn khi sử dụng Glyxambi.

Nếu không thể bỏ rượu bia thì hãy trao đổi với bác sĩ về lượng tiêu thụ an toàn.

Dùng Glyxambi khi đang mang thai và cho con bú

Chưa rõ liệu dùng Glyxambi khi đang mang thai có an toàn hay không. Tốt nhất không nên dùng thuốc vào ba tháng giữa và cuối của thai kỳ. Tuy nhiên, người bệnh không nên tự ý ngừng thuốc. Bệnh tiểu đường không được kiểm soát sẽ làm tăng nguy cơ biến chứng thai kỳ. Người bệnh cần cho bác sĩ biết khi mang thai hoặc dự định có thai để được hướng dẫn điều chỉnh phác đồ điều trị.

Cũng không nên sử dụng Glyxambi khi đang cho con bú. Mặc dù chưa rõ Glyxambi có đi vào sữa mẹ hay không nhưng nếu có thì thuốc có thể gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng ở trẻ sơ sinh bú mẹ.

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Tin liên quan
Liều dùng thuốc trị tiểu đường Actos
Liều dùng thuốc trị tiểu đường Actos

Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh tiểu đường type 2. Thuốc được sử dụng kết hợp với chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường metformin
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường metformin

Metformin có thể gây ra các tác dụng phụ nhẹ về tiêu hóa, chẳng hạn như buồn nôn hoặc nôn. Mặc dù hiếm gặp nhưng metformin cũng có thể gây ra một số tác dụng phụ nghiêm trọng cần can thiệp khẩn cấp như nhiễm toan axit lactic.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Levemir
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Levemir

Giống như các loại thuốc khác, Levemir cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Những tác dụng phụ này có thể chỉ là tạm thời hoặc cũng có thể kéo dài.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Toujeo
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Toujeo

Toujeo là một loại thuốc điều trị bệnh tiểu đường. Trước khi dùng bất cứ loại thuốc nào, người bệnh cũng cần biết các tác dụng phụ của thuốc.

Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Humalog
Tác dụng phụ của thuốc trị tiểu đường Humalog

Giống như các loại thuốc khác, Humalog cũng có thể gây tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Một số tác dụng phụ được báo cáo phổ biến của Humalog gồm có sưng phù bàn tay và bàn chân, hạ đường huyết và phản ứng tại vị trí tiêm.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây