1

Lantus: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Lantus là một loại thuốc được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu cho người lớn mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 và trẻ em từ 6 tuổi trở lên mắc bệnh tiểu đường type 1.
Lantus: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ Lantus: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Lantus là gì?

Lantus là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường.

Cụ thể, Lantus được sử dụng để giúp kiểm soát lượng đường trong máu cho người lớn mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2 và trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1 trên 6 tuổi.

Lantus không có tác dụng điều trị nhiễm toan ceton (nhiễm toan ceton là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, xảy ra khi một loại axit có tên là ceton tích tụ trong máu).

Thông tin cơ bản về Lantus

Lantus thuộc nhóm insulin tác dụng kéo dài. Lantus chứa hoạt chất insulin glargine và là một loại thuốc sinh học. Thuốc sinh học được làm từ các bộ phận của tế bào sống.

Lantus có dạng thuốc sinh học tương tự có tên là insulin glargine-yfgn (Semglee). Thuốc sinh học tương tự giống như thuốc gốc nhưng khác thuốc gốc ở chỗ thuốc gốc là phiên bản tương tự của các loại thuốc không sinh học còn thuốc sinh học tương tự là phiên bản tương tự của thuốc sinh học

Lantus có dạng dung dịch lỏng để tiêm dưới da.

Lantus dạng lọ và dạng bút tiêm

Lantus có dạng lọ để sử dụng với bơm tiêm insulin và dạng bút tiêm dùng một lần, có chứa sẵn thuốc có tên là Lantus SoloStar.

So sánh Lantus và các loại thuốc tương tự

Lantus và Basaglar

Cả Lantus và Basaglar đều là những loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 1 cho người lớn và trẻ em trên 6 tuổi và bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn. Cả hai đều có chứa hoạt chất insulin glargine và đều có dạng dung dịch lỏng để tiêm dưới da. Cả Lantus và Basaglar đều có dạng bút tiêm dùng một lần chứa sẵn thuốc. Bút tiêm Lantus có tên là Lantus SoloStar còn bút tiêm Basaglar có tên là Basaglar KwikPen. Lantus còn có dạng lọ để dùng cùng bơm kim tiêm.

Do có cùng hoạt chất nên hai loại thuốc này có các tác dụng phụ tương tự nhau.

Lantus và Levemir

Cả Lantus và Levemir đều được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường cho người lớn. Levemir còn có thể sử dụng cho trẻ từ 2 tuổi trở lên mắc bệnh tiểu đường type 1 và Lantus được sử dụng cho trẻ từ 6 tuổi trở lên. Hai loại thuốc này chứa hoạt chất khác nhau. Lantus chứa insulin glargine trong khi Levemir chứa insulin detemir (cũng là một loại insulin tác dụng kéo dài). Mặc dù chứa hoạt chất khác nhau nhưng hai loại thuốc này có rất nhiều điểm tương đồng. Cả Lantus và Levemir đều có cả dạng lọ để dùng cùng bơm kim tiêm và dạng bút tiêm đùng một lần chứa sẵn thuốc. Bút tiêm Lantus có tên là Lantus SoloStar còn bút tiêm Levemir có tên là Levemir Flexpen.

Lantus và Tresiba

Cả Lantus và Tresiba đều được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 1 và type 2. Lantus còn được sử dụng cho trẻ em mắc bệnh tiểu đường type 1 từ 6 tuổi trở lên và Tresiba còn được sử dụng cho trẻ em bị tiểu đường type 1 hoặc type 2 từ 1 tuổi trở lên. Lantus chứa hoạt chất insulin glargine trong khi Tresiba chứa hoạt chất insulin degludec (một loại insulin tác dụng rất dài). Cả Lantus và Tresiba đều có cả dạng lọ để dùng cùng bơm kim tiêm và dạng bút tiêm dùng một lần chứa sẵn thuốc. Bút tiêm Lantus có tên là Lantus SoloStar còn bút tiêm Tresiba có tên là Tresiba FlexTouch. Hai loại thuốc này có một số tác dụng phụ giống và khác nhau.

Lantus và Toujeo

Toujeo được được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 1 và type 2 cho người từ 18 tuổi trở lên trong khi Lantus được sử dụng cho người lớn mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 và trẻ em trên 6 tuổi mắc bệnh tiểu đường type 1. Cả Lantus và Toujeo đều chứa hoạt chất insulin glargine. Lantus có cả dạng lọ để dùng cùng bơm kim tiêm và dạng bút tiêm trong khi Toujeo chỉ có dạng bút tiêm dùng một lần. Mặc dù có chứa cùng một hoạt chất nhưng Lantus và Toujeo hơi khác nhau về tác dụng phụ. Toujeo có nguy cơ hạ đường huyết thấp hơn Lantus trong khi Lantus có nguy cơ nhiễm trùng đường hô hấp thấp hơn.

>>> Tìm hiểu thêm về điểm giống và khác nhau giữa Lantus và Toujeo.

Công dụng của Lantus

Lantus là một loại thuốc được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu cho người lớn mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2 và trẻ em từ 6 tuổi trở lên mắc bệnh tiểu đường type 1.

Bệnh tiểu đường là một bệnh lý có đặc trưng là lượng đường trong máu cao. Các tế bào trong cơ thể sử dụng đường trong máu (glucose) làm nguồn năng lượng chính. Tuyến tụy tiết ra một loại hormone có tên là insulin để giúp đưa đường từ máu vào các tế bào của cơ thể.

Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không thể sử dụng hiệu quả hormone insulin hoặc tuyến tụy không sản xuất đủ insulin (hoặc hoàn toàn không sản xuất insulin).

Khi không có đủ insulin hoặc cơ thể sử dụng insulin không hiệu quả, đường trong máu sẽ không thể đi vào tế bào và dẫn đến lượng đường trong máu tăng cao. Lượng đường trong máu ở mức cao trong thời gian dài có thể dẫn đến nhiều vấn đề nghiêm trọng như bệnh tim mạch, bệnh thận và tổn thương thần kinh.

Lantus là một loại insulin. Loại thuốc này bổ sung hoặc thay thế insulin tự nhiên của cơ thể để giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Điều quan trọng cần lưu ý là Lantus không được sử dụng để điều trị nhiễm toan ceton. Đây là một biến chứng nghiêm trọng của bệnh tiểu đường, xảy ra khi nồng độ ceton – một loại axit trong máu tăng cao do cơ thể phải đốt cháy chất béo làm năng lượng thay cho đường trong máu.

Cơ chế tác dụng của Lantus

Lantus có tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu cho người mắc bệnh tiểu đường.

Bệnh tiểu đường là một bệnh rối loạn chuyển hóa có đặc trưng là lượng đường trong máu cao. Bệnh tiểu đường xảy ra do tuyến tụy không sản xuất đủ (hoặc hoàn toàn không sản xuất) insulin hoặc do cơ thể không thể sử dụng hiệu quả lượng insulin được tạo ra. Insulin là một loại hormone giúp kiểm soát lượng đường trong máu.

Lantus là một loại insulin. Cơ chế tác dụng của Lantus là thay thế hoặc bổ sung cho insulin tự nhiên của cơ thể.

Lantus giúp giảm lượng đường trong máu bằng cách:

  • giúp các tế bào cơ và tế bào mỡ hấp thụ đường từ máu
  • ngăn gan giải phóng đường vào máu
  • ngăn cơ thể phân hủy chất béo và protein mà thay vào đó là phân hủy đường trong máu để làm năng lượng

Thời gian bán hủy của Lantus là khoảng 12 giờ (thời gian bán hủy của thuốc là khoảng thời gian để cơ thể đào thải một nửa liều thuốc đã dùng hay nói cách khác là thời gian để nồng độ thuốc trong máu giảm một nửa). Điều này có nghĩa là sẽ mất khoảng 12 giờ để cơ thể đào thải một nửa liều Lantus đã tiêm.

Thời gian đạt hiệu quả tối đa, thời gian duy trì tác dụng và thời gian bắt đầu có tác dụng của Lantus là bao lâu? Lantus có phải là insulin tác dụng nhanh không?

Lantus không có thời gian đạt hiệu quả tối đa. Tác dụng của Lantus có thể kéo dài đến 24 giờ sau khi tiêm, có nghĩa là lượng đường trong máu được duy trì ổn định trong khoảng thời gian lên đến 24 giờ sau khi tiêm Lantus.

Lantus không phải là insulin tác dụng nhanh. Insulin tác dụng nhanh bắt đầu phát huy tác dụng trong cơ thể trong vòng 30 phút sau khi tiêm.

Lantus là một loại insulin tác dụng kéo dài. Thời gian bắt đầu phát huy tác dụng của Lantus là 1,5 đến 2 giờ, có nghĩa lượng đường trong máu bắt đầu dược kiểm soát trong vòng 1,5 đến 2 giờ sau khi tiêm Lantus.

Liều dùng Lantus

Bác sĩ sẽ chỉ định liều dùng Lantus phù hợp với mỗi người bệnh. Dưới đây là liều dùng thường được sử dụng nhưng hãy luôn sử dụng đúng liều mà bác sĩ kê.

Dạng thuốc và hàm lượng

Lantus có dạng dung dịch lỏng được tiêm dưới da.

Lantus hàm lượng U-100, có nghĩa là mỗi mililit (ml) dung dịch chứa 100 đơn vị insulin.

Lantus hiện có dạng lọ 10ml để sử dụng cùng bơm kim tiêm và dạng bút tiêm dùng một lần, chứa sẵn thuốc có tên là Lantus SoloStar. Mỗi bút chứa 3ml dung dịch.

Liều dùng khuyến nghị

Bảng dưới đây là liều dùng khởi đầu khuyến nghị của Lantus:

Loại tiểu đường Liều dùng Lantus ban đầu
Tiểu đường type 1 Khoảng 1/3 tổng liều insulin hàng ngày (2/3 còn lại là insulin tác dụng nhanh tiêm vào trước bữa ăn)
Tiểu đường type 2 0,2 đơn vị Lantus cho mỗi kg cân nặng, tổng liều tối đa là 10 đơn vị*

Người bệnh sẽ cần theo dõi mức đường huyết khi sử dụng Lantus. Bác sĩ sẽ hướng dẫn cụ thể cách theo dõi đường huyết và điều chỉnh liều dùng Lantus dựa trên các yếu tố như:

  • Hình thức sử dụng Lantus
  • Khối lượng cơ thể
  • Các vấn đề sức khỏe khác mà người bệnh đang mắc
  • Các loại thuốc khác mà người bệnh đang dùng, bao gồm cả các loại insulin khác

Bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách xác định liều dùng Lantus.

Người bệnh tiêm Lantus một lần một ngày. Có thể tiêm thuốc vào bất cứ lúc nào trong ngày nhưng phải tiêm vào cùng một thời điểm mỗi ngày. Hầu hết mọi người thường tiêm thuốc trước khi đi ngủ. Những hãy sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Câu hỏi về liều dùng Lantus

  • Cần làm gì khi quên tiêm thuốc: Nếu lỡ quên tiêm một liều Lantus thì hãy tiêm ngay khi nhớ ra nhưng nếu đã gần đến giờ tiêm liều tiếp theo thì bỏ qua liều đã quên và sau đó tiêm liều tiếp theo như bình thường (không tiêm sớm lên và không được tiêm gộp liều). Nếu người bệnh không chắc có nên tiêm liều đã quên không hay bỏ qua, hãy hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.
  • Có cần sử dụng Lantus lâu dài không? Bệnh tiểu đường là một bệnh lý mãn tính cần điều trị suốt đời. Nếu Lantus an toàn và hiệu quả thì có thể dùng thuốc về lâu dài.
  • Mất bao lâu để Lantus phát huy tác dụng? Lantus bắt đầu phát huy tác dụng kiểm soát lượng đường trong máu trong vòng 1,5 đến 2 giờ sau khi tiêm.

Tác dụng phụ của Lantus

Giống như hầu hết các loại thuốc khác, Lantus cũng có thể gây ra tác dụng phụ nhẹ hoặc nghiêm trọng. Danh sách dưới đây là một số tác dụng phụ phổ biến của loại thuốc này. Ngoài ra, Lantus còn có thể gây ra một số tác dụng phụ khác.

Nguy cơ xảy ra tác dụng phụ, loại và mức độ nghiêm trọng của tác dụng phụ phụ thuộc vào các yếu tố như tuổi tác, các bệnh lý khác đang mắc và các loại thuốc khác đang dùng.

Để hiểu rõ hơn về tác dụng phụ của Lantus, hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ hoặc dược sĩ. Bác sĩ và dược sĩ cũng sẽ cho biết cách khắc phục các tác dụng phụ.

Tác dụng phụ nhẹ

Dưới đây là một số tác dụng phụ nhẹ ra mà Lantus có thể gây. Để tìm hiểu về các tác dụng phụ nhẹ khác, hãy trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ, hoặc người bệnh cũng có thể đọc tờ hướng dẫn sử dụng thuốc.

Một số tác dụng phụ nhẹ đã được báo cáo của Lantus gồm có:

  • Tăng cân*
  • Phản ứng tại vị trí tiêm *
  • Phù nề (tích tụ chất lỏng), thường xảy ra ở mắt cá chân, bàn chân hoặc cẳng chân
  • Đau đầu
  • Nhiễm trùng đường hô hấp trên, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường

Tác dụng phụ nhẹ của nhiều loại thuốc thường tự hết trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Nhưng nếu các tác dụng phụ chúng gây khó chịu hoặc kéo dài thì hãy báo cho bác sĩ hoặc dược sĩ.

* Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Tác dụng phụ nghiêm trọng

Lantus có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng nhưng không phổ biến. Nếu gặp tác dụng phụ nghiêm trọng khi dùng Lantus, hãy báo cho bác sĩ ngay lập tức. Nếu cảm thấy vấn đề có thể gây nguy hiểm thì hãy gọi cấp cứu hoặc đến ngay cơ sở y tế.

Một số tác dụng phụ nghiêm trọng đã được báo cáo của Lantus gồm có:

  • Hạ đường huyết (lượng đường trong máu thấp)*
  • Hạ kali máu (nồng độ kali trong máu thấp)
  • Dị ứng*

* Để biết thêm thông tin về các tác dụng phụ này, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” bên dưới.

Chi tiết tác dụng phụ

Tìm hiểu thêm về một số tác dụng phụ của Lantus.

Tăng cân

Người bệnh có thể bị tăng cân khi sử dụng Lantus. Đây là một trong những tác dụng phụ chính trong các nghiên cứu về thuốc.

Nguyên nhân dẫn đến tăng cân cũng có thể là do phù nề (tích tụ chất lỏng trong cơ thể) - một tác dụng phụ phổ biến khác của Lantus. Tình trạng tích tụ chất lỏng thường xảy ra ở mắt cá chân, bàn chân hoặc cẳng chân.

Hãy báo cho bác sĩ nếu người bệnh bị tăng cân trong khi sử dụng Lantus. Có thể bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng thuốc.

Có nhiều cách để kiểm soát cân nặng khi điều trị bằng Lantus, chẳng hạn như điều chỉnh chế độ ăn uống và kết hợp tập thể dục thường xuyên.

Hạ đường huyết

Người bệnh có thể bị hạ đường huyết khi sử dụng Lantus. Trên thực tế, đây là tác dụng phụ phổ biến nhất của tất cả các loại insulin, bao gồm cả Lantus.

Hạ đường huyết là tình trạng lượng đường trong máu thấp hơn bình thường. Đối với hầu hết người mắc bệnh tiểu đường, lượng đường trong máu được coi là thấp khi giảm xuống dưới 70 mg/dL.

Hạ đường huyết có các triệu chứng sau đây:

  • Giảm tập trung
  • Chóng mặt
  • Da nhợt nhạt
  • Đổ mồ hôi
  • Đau đầu
  • Run tay
  • Đói
  • Mệt mỏi, thiếu năng lượng
  • Cảm giác bồn chồn, hồi hộp, tim đập nhanh

Hạ đường huyết nghiêm trọng còn có thể gây co giật và bất tỉnh, thậm chí là tử vong.

Để tránh bị hạ đường huyết, người bệnh nên đo đường huyết thường xuyên khi sử dụng Lantus.

Nếu có các triệu chứng hạ đường huyết, hãy đo đường huyết ngay lập tức. Nếu kết quả đo dưới 70 mg/dL thì hãy nhanh chóng thực hiện “quy tắc 15–15”: ăn ít nhất 15 gram carbohydrate tác dụng nhanh, sau đó chờ 15 phút và đo lại đường huyết.

Nếu đường huyết vẫn dưới 70 mg/dL thì hãy ăn thêm 15g carbohydrate tác dụng nhanh nữa, sau đó chờ 15 phút và đo đường huyết. Lặp lại các bước này cho đến khi đường huyết trở về mức 70 mg/dL hoặc cao hơn.

Người bệnh có thể bổ sung 15g carbohydrate tác dụng nhanh bằng cách ăn hoặc uống:

  • Nửa cốc (120ml) nước ép trái cây
  • Nửa cốc (120ml) nước ngọt thông thường (không dùng loại cho người ăn kiêng)
  • Viên nén, gel, bột hoặc dung dịch glucose. Đọc thông trên ghi trên nhãn sản phẩm để biết hàm lượng carb
  • Kẹo cứng.

Trong trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng, người bệnh sẽ cần người khác hỗ trợ nếu không thể ăn uống hoặc bị co giật, bất tỉnh. Hãy hướng dẫn cho người thân trong gia đình, bạn bè, đồng nghiệp hoặc người chăm sóc biết cách nhận biết các dấu hiệu và cách xử trí hạ đường huyết.

Hạ đường huyết nghiêm trọng cần được điều trị khẩn cấp. Nếu người bệnh có các triệu chứng hạ đường huyết nghiêm trọng thì phải gọi cấp cứu hoặc đưa ngay người bệnh đến bệnh viện gần nhất.

Trong những trường hợp phải điều trị bằng các loại insulin như Lantus, bác sĩ có thể sẽ kê glucagon (glucagon giúp ngăn chặn tác dụng của insulin khi xảy ra hạ đường huyết nghiêm trọng). Người bệnh cần hiểu rõ cách dùng glucagon và hướng dẫn lại cho những người xung quanh để được kịp thời hỗ trợ trong trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng.

Nếu có các triệu chứng hạ đường huyết khi sử dụng Lantus thì hãy cho bác sĩ biết. Bác sĩ sẽ giúp xác định nguyên nhân chính xác và cách phòng ngừa hạ đường huyết trong tương lai.

Phản ứng tại vị trí tiêm

Người bệnh có thể gặp phải một số phản ứng tại vị trí tiêm Lantus. Tác dụng phụ này xảy ra khá phổ biến trong các nghiên cứu về Lantus.

Dưới đây là một số phản ứng có thể xảy ra ở vị trí tiêm Lantus:

  • Ngứa
  • Bầm tím
  • Đau
  • Mẩn đỏ
  • Da nhạy cảm
  • Tích tụ protein dưới da, gây nổi cục ở vị trí tiêm
  • Da lõm hoặc dày lên quanh vị trí tiêm

Mỗi lần nên tiêm thuốc vào một vị trí khác nhau để giảm nguy cơ xảy ra phản ứng tại vị trí tiêm. Có thể tiêm Lantus vào bắp tay, đùi trên hoặc bụng.

Nếu có bất kỳ phản ứng nào nêu trên khi tiêm Lantus, hãy tránh tiêm thuốc vào vị trí đó cho đến lành lại hoàn toàn. Và nếu vấn đề kéo dài dai dẳng hoặc gây khó chịu thì hãy báo cho bác sĩ.

Dị ứng

Lantus có thể gây dị ứng ở một số người. Phản ứng dị ứng có thể nhẹ hoặc nặng, tùy cơ thể mỗi người.

Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nhẹ gồm có:

  • Phát ban
  • Ngứa ngáy
  • Da nóng đỏ

Mặc dù hiếm gặp nhưng Lantus cũng có thể gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng. Các triệu chứng của phản ứng dị ứng nghiêm trọng gồm có phát ban toàn thân và sưng dưới da (thường là ở mí mắt, môi, bàn tay hoặc bàn chân), ngoài ra còn có sưng lưỡi, miệng hoặc cổ họng, gây khó thở.

Báo ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng dị ứng khi dùng Lantus. Nếu có triệu chứng nghiêm trọng như khó thở và cảm thấy tình hình có thể gây nguy hiểm đến tính mạng thì cần gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Cách sử dụng Lantus

Người bệnh sẽ được hướng dẫn chi tiết cách tiêm, liều dùng và thời điểm tiêm Lantus mỗi ngày. Hãy thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

Hình thức sử dụng Lantus

Lantus có dạng dung dịch lỏng được tiêm dưới da.

Có hai hình thức tiêm Lantus là:

  • Tiêm bằng bơm kim tiêm
  • Tiêm bằng bút tiêm dùng một lần, có chứa sẵn thuốc

Cách sử dụng bút tiêm Lantus SoloStar

Nếu lựa chọn bút tiêm, bác sĩ sẽ hướng dẫn người bệnh cách sử dụng. Người bệnh cần mua thêm kim để gắn vào bút. Sau mỗi lần tiêm phải rút kim ra và thay kim mới vào lần tiêm sau.

Sử dụng bút tiêm theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ hoặc người bệnh cũng có thể đọc hướng dẫn sử dụng của sản phẩm.

Lưu ý, không được dùng chung bút tiêm insulin với người khác, kể cả khi đã thay kim. Dùng chung bút và kim tiêm sẽ làm tăng nguy cơ mắc hoặc lây các bệnh nhiễm trùng.

Cách sử dụng Lantus dạng lọ

Nếu chọn Lantus dạng lọ, người bệnh sẽ phải sử dụng kèm bơm kim tiêm để tiêm thuốc vào dưới da. Thuốc không đi kèm bơm kim tiêm mà người bệnh sẽ phải tự mua. Sử dụng bơm kim tiêm sẽ phức tạp hơn một chút so với bút tiêm vì phải rút thuốc từ lọ.

Lưu ý, không được dùng chung bơm tiêm insulin với người khác. Dùng chung bơm kim tiêm sex làm tăng nguy cơ mắc hoặc lây các bệnh nhiễm trùng.

Vị trí tiêm Lantus

Người bệnh có thể tiêm Lantus ở bắp tay, cánh tay trên hoặc bụng.

Để giảm nguy cơ xảy ra phản ứng tại vị trí tiêm, mỗi lần nên tiêm Lantus vào một vị trí khác nhau trên cơ thể. (Để biết chi tiết về các phản ứng có thể xảy ra tại vị trí tiêm, vui lòng đọc phần “Chi tiết tác dụng phụ” trong phần “Tác dụng phụ của Lantus” bên trên)

Câu hỏi về việc sử dụng Lantus

Dưới đây là những điều quan trọng mà người bệnh nên biết về việc sử dụng Lantus.

  • Nên tiêm Lantus trước hay sau ăn? Có thể tiêm Lantus trước hay sau ăn đều được.
  • Khi nào không nên dùng Lantus? Không dùng Lantus khi đang có một số vấn đề về sức khỏe như hạ đường huyết hoặc tiền sử dị ứng với Lantus. Để biết chi tiết về những trường hợp không nên dùng loại thuốc này, vui lòng đọc phần “Cảnh báo” trong phần “Lưu ý trước khi dùng Lantus” bên dưới.

Lưu ý trước khi dùng Lantus

Trước khi dùng Lantus, người bệnh cần cho bác sĩ biết:

  • Các vấn đề sức khỏe khác đang mắc
  • Tình trạng sức khỏe tổng thể
  • Các loại thuốc khác đang dùng

Tương tác thuốc

Tương tác thuốc là phản ứng xảy ra giữa hai loại thuốc hoặc giữa một loại thuốc với thảo dược, thực phẩm chức năng hay thực phẩm tự nhiên. Tương tác thuốc có thể làm thay đổi tác dụng của thuốc trong cơ thể, làm giảm hiệu quả của thuốc hoặc tăng nguy cơ xảy ra tác dụng phụ.

Trước khi dùng Lantus, hãy cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc đang dùng, bao gồm cả thuốc kê đơn và thuốc không kê đơn cũng như là vitamin, thảo dược và thực phẩm chức năng để xem có sản phẩm nào có thể tương tác với Lantus hay không.

Tương tác với thuốc và thực phẩm chức năng

Lantus có thể tương tác với một số loại thuốc dưới đây:

  • Các loại thuốc điều trị tiểu đường khác, gồm có các loại thuốc nhóm thiazolidinedione (TZD) như:
    • pioglitazon (Actos)
    • rosiglitazone (Avandia)
  • Một số loại thuốc điều trị HIV, chẳng hạn như thuốc ức chế protease
  • Một số loại thuốc hạ cholesterol, chẳng hạn như:
    • Niacin (Niaspan)
    • fibrate
  • Một số loại thuốc chống trầm cảm, chẳng hạn như:
    • Thuốc ức chế monoamine oxidase (MAOIs)
    • fluoxetin (Prozac)
  • Một số loại thuốc kháng sinh, chẳng hạn như sulfonamid
  • Thuốc điều trị bệnh tuyến giáp
  • Thuốc chống loạn thần, chẳng hạn như thuốc ổn định tâm trạng lithium (Lithobid)
  • Thuốc điều trị cao huyết áp, chẳng hạn như:
    • Thuốc ức chế thụ thể angiotensin II (ARB)
    • Thuốc ức chế men chuyển angiotensin (ACE)
    • Thuốc chẹn beta
    • Thuốc lợi tiểu
    • clonidin (Catapres)
  • Nhóm thuốc corticoid
  • Thuốc tránh thai đường uống

Trên đây chỉ là một vài loại thuốc có thể tương tác với Lantus. Ngoài ra còn có rất nhiều loại thuốc và thực phẩm chức năng khác cũng có thể tương tác với Lantus.

Cảnh báo

Lantus có thể không phù hợp với người đang mắc một số bệnh lý hay có các yếu tố khác ảnh hưởng đến sức khỏe. Người bệnh cần cho bác sĩ biết về bệnh sử trước khi dùng Lantus. Dưới đây là một số vấn đề về sức khỏe cần cân nhắc trước khi dùng Lantus:

  • Hạ đường huyết: Người bệnh không nên dùng Lantus khi đang bị hạ đường huyết. Điều này là do Lantus có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng này. Để biết thêm chi tiết, vui lòng đọc “Chi tiết tác dụng phụ” trong phần “Tác dụng phụ của Lantus” bên trên.
  • Hạ kali máu: Nếu người bệnh có mức kali thấp thì cần cho bác sĩ biết trước khi dùng Lantus. Lantus có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng hạ kali máu. Ngoài ra cũng cần cho bác sĩ biết về tất cả các loại thuốc khá đang dùng. Một số loại thuốọacó thể làm tăng nguy cơ hạ kali máu khi dùng Lantus.
  • Dị ứng: Không dùng Lantus nếu từng bị dị ứng với loại thuốc này hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Trong những trường hợp từng bị dị ứng, bác sĩ sẽ kê loại thuốc trị tiểu đường khác.
  • Dùng thiazolidinedione (TZD): Nếu người bệnh đang dùng thuốc điều trị tiểu đường nhóm thiazolidinedione (TZD) thì cần cho bác sĩ biết trước khi dùng Lantus. Một số loại thuốc trong nhóm này gồm có pioglitazone (Actos) và rosiglitazone (Avandia). Dùng thiazolidinedione cùng với Lantus có thể làm tăng nguy cơ phù nề và điều này có thể gây ra hoặc làm trầm trọng thêm tình trạng suy tim.

Lantus và đồ uống có cồn

Tốt nhất là không uống đồ uống có cồn trong khi sử dụng Lantus.

Lý do là vì đồ uống có cồn có thể làm tăng hoặc giảm lượng đường trong máu và điều này sẽ làm giảm hiệu quả kiểm soát lượng đường trong máu của Lantus. Do đó, người bệnh nên kiêng rượu bia khi điều trị bằng Lantus.

Sử dụng Lantus khi mang thai và cho con bú

Lantus an toàn cho phụ nữ mang thai và cho con bú. Hiện chưa ghi nhận bất kỳ vấn đề nào xảy ra khi sử dụng thuốc trong những khoảng thời gian này.

Tuy nhiên, nếu người bệnh đang mang thai, cho con bú hoặc dự định có thai hay cho con bú thì nên trao đổi với bác sĩ. Bác sĩ sẽ trao đổi về những rủi ro và lợi ích của việc sử dụng Lantus khi đang mang thai cũng như những tác động của thuốc đến trẻ sơ sinh bú mẹ.

Bảo quản Lantus

Cách bảo quản Lantus tùy thuộc vào việc người bệnh sử dụng dạng lọ hay dạng bút tiêm và đã mở hay chưa.

  • Lọ chưa mở: Bảo quản lọ Lantus chưa mở trong tủ lạnh ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C (36°F đến 46°F). Khi được bảo quản ở nhiệt độ này, thuốc có thể để được đến ngày hết hạn ghi trên bao bì. Lọ Lantus chưa mở cũng có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng dưới 30°C (86°F) trong tối đa 28 ngày. Nếu để quá 28 ngày thì phải vứt đi.
  • Lọ đã mở: Lọ Lantus đã mở có thể được bảo quản trong tủ lạnh hoặc ở nhiệt độ phòng trong tối đa 28 ngày.
  • Bút tiêm chưa mở: Bảo quản bút tiêm Lantus chưa mở trong tủ lạnh. Khi được bảo quản theo cách này, bút tiêm Lantus có thể để được đến ngày hết hạn ghi trên bao bì. Bút tiêm Lantus chưa mở cũng có thể được bảo quản ở nhiệt độ phòng trong tối đa 28 ngày.
  • Bút tiêm đã mở: Bảo quản bút tiêm Lantus đã mở ở nhiệt độ phòng trong tối đa 28 ngày. Không nên cho bút tiêm đã mở vào tủ lạnh.

Tuyệt đối không được để Lantus trong ngăn đá, bất kể là dạng lọ hay dạng bút tiêm. Bảo quản lọ và bút tiêm ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh ánh sáng chiếu trực tiếp và nhiệt độ cao. Trước khi tiêm cần kiểm tra thời gian sử dụng của thuốc. Đối với lọ và bút tiêm Lantus đã mở, nếu đã để quá 28 ngày thì phải vứt đi và thay lọ hoặc bút tiêm mới. Việc vứt bỏ thuốc cần được thực hiện một cách cẩn thận để tránh gây hại cho người khác, đặc biệt là trẻ nhỏ và vật nuôi.

Cần làm gì trong trường hợp dùng thuốc quá liều?

Người bệnh phải dùng Lantus theo đúng liều mà bác sĩ kê. Sử dụng thuốc quá liều có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng.

Triệu chứng dùng thuốc quá liều

Các triệu chứng thường gặp khi tiêm Lantus quá liều gồm có:

  • Hạ đường huyết, có thể gây co giật hoặc hôn mê nếu nghiêm trọng
  • Hạ kali máu

Cách xử trí khi tiêm thuốc quá liều

Cần báo ngay cho bác sĩ nếu lỡ tiêm Lantus quá liều. Nếu như có các triệu chứng nghiêm trọng thì phải gọi cấp cứu hoặc đến ngay bệnh viện gần nhất.

Một số câu hỏi thường gặp về Lantus

Có công thức chuyển đổi liều dùng giữa Tresiba và Lantus không?

Có công thức chuyển đổi liều dùng giữa Tresiba và Lantus.

Nếu muốn chuyển từ Tresiba sang Lantus hoặc ngược lại thì hãy trao đổi với bác sĩ. Nếu có thể chuyển thì bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng cho phù hợp. Người bệnh không được tự ý đổi thuốc mà không có sự đồng ý của bác sĩ.

Lantus có giống với Humalog, Novolog và Victoza không?

Dưới đây là một số điểm giống nhau và khác nhau giữa Lantus, Humalog, Novolog và Victoza.

Lantus, Humalog và Novolog đều được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 1 hoặc type 2. Victoza chỉ sử dụng được cho người mắc bệnh tiểu đường type 2.

Lantus là một loại insulin tác dụng kéo dài có chứa hoạt chất insulin glargine trong khi Humalog và Novolog là insulin tác dụng nhanh. Humalog chứa hoạt chất insulin lispro còn Novolog chứa hoạt chất insulin aspart.

Victoza cũng có dạng dung dịch tiêm nhưng không phải là một loại insulin mà thuộc nhóm thuốc đồng vận thụ thể GLP-1 (glucagon-like peptide-1). Victoza chứa hoạt chất liraglutide.

Lantus có gây ung thư không?

Ung thư không phải là tác dụng phụ được báo cáo trong các nghiên cứu ban đầu về Lantus. Kể từ đó đã có một số báo cáo chỉ ra rằng việc sử dụng Lantus trong thời gian dài có thể có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Tuy nhiên, các nghiên cứu khác lại cho thấy rằng không có bất cứ mối liên hệ nào giữa việc sử dụng Lantus và bệnh ung thư vú.

Các báo cáo cũng chỉ ra rằng bệnh tiểu đường – bệnh lý mà Lantus được sử dụng để điều trị - có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư, gồm có ung thư dạ dày và ung thư thận. Vì vậy, rất có thể bệnh tiểu đường mới là yếu tố làm tăng nguy cơ ung thư chứ không phải Lantus.

Nếu lo ngại về nguy cơ ung thư khi sử dụng Lantus, người bệnh hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ để được giải đáp.

Nên chọn Lantus dạng lọ hay dạng bút tiêm?

Có một số yếu tố cần cân nhắc khi lựa chọn hình thức sử dụng Lantus, chẳng hạn như sở thích, liều dùng và giá thành.

Hầu hết mọi người đều thấy rằng bút tiêm dễ sử dụng hơn. Lý do là vì sử dụng bút tiêm sẽ giảm được một vài bước so với khi sử dụng bơm kim tiêm. Tuy nhiên, bút tiêm insulin thường có giá cao hơn dạng lọ.

Bút tiêm Lantus SoloStar cho phép chỉnh liều dùng tối đa là 80 đơn vị insulin. Nếu cần tiêm hơn 80 đơn vị insulin thì người bệnh sẽ phải tiêm nhiều lần nếu sử dụng bút. Nếu sử dụng bơm kim tiêm thì có thể tiêm tối đa 100 đơn vị mỗi lần.

Người bệnh có thể trao đổi với bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn lựa chọn hình thức sử dụng Lantus phù hợp.

Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá

Click để đánh giá bài viết
Chủ đề: Lantus, thuốc Lantus
Tin liên quan
Metformin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Metformin: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Metformin là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để kiểm soát lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2. Metformin có thể sử dụng được cho cả người lớn và trẻ em.

Actos (pioglitazone): Công dụng, liều dùng, cách sử dụng và tác dụng phụ
Actos (pioglitazone): Công dụng, liều dùng, cách sử dụng và tác dụng phụ

Actos là một loại thuốc kê đơn được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Loại thuốc này được sử dụng kết hợp cùng với chế độ ăn kiêng và tập thể dục để cải thiện lượng đường trong máu.

Glimepiride: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Glimepiride: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Glimepiride được sử dụng để làm giảm lượng đường trong máu ở người mắc bệnh tiểu đường type 2 – bệnh lý mãn tính có đặc trưng là đường trong máu cao.

Avandia (rosiglitazone): Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Avandia (rosiglitazone): Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Avandia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2 ở người lớn. Thuốc này được sử dụng kết hợp với chế độ ăn kiêng và tập thể dục trong phác đồ điều trị tiểu đường.

Januvia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ
Januvia: Công dụng, liều dùng và tác dụng phụ

Januvia là một loại thuốc được sử dụng để điều trị bệnh tiểu đường type 2. Giống như nhiều loại thuốc khác, Januvia được kết hợp cùng chế độ ăn kiêng và tập thể dục để kiểm soát lượng đường trong máu ở người lớn mắc bệnh lý này.

Dr Duy Thành

 

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây